THẢO LUẬN: GIỮ GÌN SỰ TRONG SÁNG CỦA TIẾNG VIỆT

Bức ảnh bên dưới là bút tích của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong cuốn Từ điển Tiếng Việt do GS. Hoàng Phê chủ biên. Đây là công trình được Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng xem và lưu lại bút tích, đoạt giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ năm 2005, được Viện Ngôn ngữ học Việt Nam sửa chữa và bổ sung cho các lần tái bản.

Quyển từ điển này là một công trình biên soạn tập thể của Phòng từ điển, Viện ngôn ngữ học thuộc Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam. Tham gia công trình, ngoài cán bộ của Phòng, còn có một số cán bộ khoa học của Viện.

Quyển từ điển đã được biên soạn trên cơ sở gần ba triệu phiếu tư liệu của Viện ngôn ngữ học. […] Mặt khác, nó cố gắng phản ánh đầy đủ hơn tình hình phát triển của tiếng Việt hiện đại với một số biến đổi đã hoặc đang diễn ra trong chuẩn từ vựng và chuẩn chính tả. […]

“Trên thực tế, cuốn Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học đã là nguồn tra cứu, trích dẫn đáng tin cậy của hầu hết các bài viết, sách chuyên khảo, đặc biệt là các luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, khóa luận tốt nghiệp khi phân tích ý nghĩa của các đơn vị từ ngữ tiếng Việt, là cẩm nang tra cứu không thể thiếu của tất cả những người cầm bút, dù đó là nhà văn, nhà thơ, hay nhà báo, v.v…, kể cả các nhà giáo giảng dạy tiếng Việt. Đây là cuốn từ điển giải thích tiếng Việt có chất lượng và uy tín cao nhất so với bất cứ một cuốn từ điển giải thích tiếng Việt nào khác hiện có trên thị trường sách báo ở Việt Nam.”

GS. TS. Nguyễn Đức Tồn, Nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, Viện Hàn Lâm KHXH VN

Bác Hồ cũng đã nói rất nhiều về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Hiện tại, dù việc này vẫn luôn được nhắc đến nhưng với sự thay đổi của xã hội hiện đại, thói quen sử dụng ngôn ngữ của người Việt, đặc biệt là giới trẻ, đã và đang tồn tại rất nhiều những vấn đề bất đồng và gây nhức nhói.

Dưới đây mình xin phép nêu ra một số vấn đề liên quan đến tiếng Việt để mọi người cùng bàn luận một cách văn minh.

1. Quá “tự nhiên” sử dụng tiếng Anh

Sử dụng tiếng Anh tùy tiện, thậm chí không thể nhớ nỗi từ tiếng Việt nhưng thay thế bằng tiếng Anh lại có thể, nghĩ việc lót tiếng Anh vào câu là “sang”, lạm dụng ngoài môi trường làm việc đặc thù,…

2. Văn phong Trung Quốc

Với sự phát triển của các thể loại sách truyện đến từ Trung Quốc, nhiều cây bút trẻ đã mặc định đó mới là văn phong “lãng mạn”, “chuẩn tình yêu”,… và sẵn sàng thay thế các từ có trong tiếng Việt vì không thấy “hợp”.

3. Hiểu sai giữa phương pháp dịch thuật và lạm dụng văn phong

Khi dịch một tác phẩm, dịch giả hoàn toàn có thể chọn lựa giữa việc tôn trọng bản gốc hay dịch cho phù hợp. Nhiều tác giả nội địa hiểu lầm và cho rằng việc dùng văn phong đặc trưng của một quốc gia khác là bình thường như bao sách dịch khác.

4. Những biên tập tay ngang

Không có kinh nghiệm, không có kiến thức chuẩn, chỉ có mỗi đam mê… Các “biên tập viên tự xưng” hoặc các tác giả mạng vô tình khiến những độc giả không có hiểu biết về lĩnh vực lầm tưởng những lỗi sai là đúng?

5. Kể cả những đơn vị xuất bản cũng sai chính tả?

Lỗi tại ai, do tác giả hay do đơn vị xuất bản?

6. i hay y, cái nào mới đúng?

Thực tế việc sử dụng i là y còn rất nhiều tranh cãi.

Theo Quy định về chính tả tiếng Việt và về thuật ngữ tiếng Việt, ban hành theo Quyết định số 240/QĐ ngày 5-3-1984 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục có quy định nguyên âm -i cuối âm tiết được viết bằng i (viết hi, ki, li, mi, ti thay cho hy, ky, ly, my, ty) trừ -uy để phân biệt với -ui và giữ sự thống nhất với -uyên, -uyêt, -uyt.

7. Sai đủ nhiều sẽ thành đúng?

nền nếp (cũng như) nề nếp: Toàn bộ nói chung những quy định và thói quen trong công việc hoặc sinh hoạt, làm cho có trật tự, có kỉ luật, có tổ chức. […]

Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê (2019)

Tuy nhiên, không phải từ nào cũng được công nhận chính thức. Với sự phát triển của ngôn ngữ, đặc biệt là ngôn ngữ của giới trẻ đang phát sinh nhiều từ mới và được phổ biến một cách tự phát, chẳng hạn như từ “giả trân”?

Và những vấn đề khác nữa…

Theo: Maybe You Missed This F***king News

Nói đâu xa, gần đây xảy ra vụ nghệ sĩ đi đâu cũng “phong sát”, “phong sát”, khắp các trang lớn nhỏ. Bỗng nhiên từ cùng hoàn cảnh của Việt Nam là “cấm sóng” bị ra chuồng gà chơi!!! 🙄 Ủa, sao ko kêu gọi “cấm sóng” mà kêu gọi “phong sát” chi, hay nghe ‘sang’ hơn????

Việc sử dụng từ Hán Việt và âm Hán Việt khác hẳn nhau.Từ Hán Việt là một phần của tiếng Việt, đóng góp phần lớn kho từ mượn của tiếng Việt. Từ Hán Việt hiện nay được sử dụng rất rộng rãi và phổ biến, không được coi là lạm dụng tiếng nước ngoài. Ví dụ như phụ nữ, hi sinh, xe duyên,…Âm Hán Việt là những “từ” vô nghĩa trong tiếng Việt, chủ yếu sinh ra do chuyển các từ tiếng Trung thành âm Hán rồi bị đem đi sử dụng như từ Hán Việt, ví dụ như tiểu tam, lão công, ôn nhu, cao trung,.

Mình nghĩ là giới trẻ hiện nay đa phần đều được học tiếng Anh, thậm chí có thể coi tiếng Anh là ‘ngôn ngữ thứ hai’ của giới trẻ bây giờ. Đa phần các bạn đều biết, đều hiểu nên việc viết tắt một chút trong giao tiếp thông thường thì không đáng lên án.Mình vẫn dùng những từ như teencode, virus, online,… với bạn bè. Riêng với người lớn hay trong các trường hợp nghiêm túc thì mình sẽ viết Việt nhất có thể. Mình không nghĩ cái việc xài tiếng Anh như thế này đáng bị lên án. Miễn là mọi người sử dụng khi cả hai bên đều hiểu và thoải mái với nó thì mình thấy nó oke mà 🥺

Hồi lâu lướt tiktok thấy một bạn nữ làm video nói rằng việc chèn tiếng Anh nói nửa tây nửa ta là bình thường vì vốn tiếng Việt không bao giờ trong sáng và lôi dẫn chứng là từ mượn tiếng Pháp thì phải, vì nghe tới câu “tiếng Việt chưa bao giờ trong sáng” là mình té lẹ và chặn luôn bạn này nên không nhớ rõ lắm. Không hiểu tại sao luôn ấy-? Đúng là có những từ tiếng nước ngoài dùng trong văn nói, giao tiếp trên mạng nó phổ biến hơn, nhưng việc lạm dụng và đổ tại cho ngôn ngữ của dân tộc mình “không trong sáng” làm lý do thì không ủng hộ nổi 👀 Mình biết là có nhiều bạn sử dụng ngoại ngữ trong học tập và làm việc nên có thể ảnh hưởng tới lúc nói tiếng Việt, tuy nhiên cũng phải tùy hoàn cảnh giao tiếp và đối tượng giao tiếp mà các bạn nên biết chọn lọc và sửa đổi cách nói chuyện này. Như chị gia sư tiếng Anh của mình năm cấp 3, chị ấy giỏi tiếng Anh cực kì và học chuyên ngành tiếng Anh ở đại học, nên lúc giao tiếp với mình cũng thi thoảng không nhớ ra được tiếng Việt từ tương đương là gì. Nhưng những lúc ấy chị mình sẽ lập tức rút từ điển ra để tra hoặc cố nhớ ra từ tiếng Việt đó để tiếp tục giao tiếp, lên mạng chị ấy một là viết toàn bộ là tiếng Việt, hoặc toàn bộ là tiếng Anh chứ không nửa nạc nửa mỡ. Cái này hoàn toàn có thể sửa được nếu như mọi người nhận thức được đó là vấn đề, còn nếu chỉ chăm chăm tìm lý do và đổ tại ngôn ngữ mẹ đẻ thì còn lâu, lâu nữa 🥲

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *