THÀNH DO MỸ NHÂN, LỖI… TẠI MỸ NHÂN

1. Mỹ nhân kế của chúa Tiên 

Trước thế lực mạnh của quân nhà Mạc, Chúa Tiên (Đoan Quận công) Nguyễn Hoàng nằm mơ thấy một người đàn bà mặc áo xanh, tay cầm chiếc quạt thẻ đến thưa rằng: “Tướng quân muốn diệt trừ ngụy đảng cần lập kế dụ chúng đến bãi cát ven sông, thiếp sẽ giúp sức trừ được, khỏi phải phiền nhiễu đến dân trong miền”. 

Nói xong, người trong mộng buông tay áo ra đi… Chúa tỉnh dậy, trong lòng thầm vui và nghĩ: “Chiêm bao thấy người đàn bà bảo ta phải lập kế dụ địch, như vậy ắt phải dùng kế mỹ nhân”. 

Lúc bấy giờ, Chúa mới có một nàng hầu đẹp, quê ở xã Thế Lại (Huế), tên là Ngô Thị Lâm. Tuy là phận gái nhưng bà gan dạ, có mưu trí, ứng đối trôi chảy, nhan sắc thì “Nguyệt mờ hoa thẹn, dáng điệu cá lặn chim sa” so với nàng Tây Thi ở Hàm Đan (Trung Quốc) chẳng kém bao nhiêu! Chúa cả mừng, gọi bà Lâm đến giao nhiệm vụ: “Đem vàng bạc, kỳ nam đến trại quân nhà Mạc, tiến dâng các vật báu, xin mở đường hòa hiếu. Nếu cần, nàng phải ưng chịu cho Quận Lập tư thông, mục đích là làm sao dụ được Lập đến đất Trảo Trảo để có kế diệt trừ”. Nghe lệnh chúa, bà Lâm sụp lạy kêu khóc, xin nhận tội chết chứ không thể “tư thông với Quận Lập”. Chúa vừa đau xót vừa kính phục người tiết phụ và tìm lời an ủi, thuyết phục: “Lời của nàng thật đúng với phẩm hạnh lớn của đàn bà. Ta hiểu rõ lòng nàng. Nhưng nay vì sự nghiệp quốc gia đại sự, nếu nàng không xả thân thì không có ai ở đây có thể phá được giặc. Nàng hãy cứ nghe lời ta, đừng chối từ”. 

Thế là bà Lâm mang lễ vật đến doanh trại địch, dùng kế “cành dương ngả theo bóng dương” khiến cho Quận Lập đắm say mê muội… Khi biết “cá đã cắn câu”, nàng Tây Thi của chúa Tiên “đòi” Quân Lập lập đàn thề kết nghĩa: “Minh công làm huynh trưởng, bản quan của thiếp làm nghĩa đệ, cùng đồng lòng chung sức may mới tránh khỏi hiềm thù đánh giết lẫn nhau gây đau thương cho trăm họ”. 

Chiều ý người đẹp, Quân Lập bằng lòng. Chúa tiên Nguyễn Hoàng mừng rỡ khôn xiết, sai người bí mật đến vùng Trảo Trảo dựng một gian miếu tranh, đào hố ngầm bốn phía, chọn một số dũng sĩ cầm khí giới ẩn mình trong hố dùng cỏ lác và cát lấp bên trên như đất liền. Để một ít người già yếu cầm chổi, xách sọt đứng ở cửa miếu… đợi lệnh. 

Hạ tuần tháng mười năm ấy, bà đưa Quận Lập đến miếu tranh làm lễ thề… Thấy quân binh của Chúa Tiên không bao nhiêu lại có vẻ già yếu, Quận Lập chủ quan không đề phòng. 

Bắt chước Quan Vân Trường ngày xưa, Quận Lập dùng một chiếc đò nhỏ cùng với 30 lính thân hành đến chỗ hội thề. Ai ngờ “dính” quân mai phục, Quận Lập hồn xiêu phách lạc co giò tháo chạy… nhưng không thể thoát khỏi mũi cung của bộ tướng của Nguyễn Hoàng… 

Sau chiến thắng, bà được Chúa gả cho Ngô Côn, người gốc Nghệ An, làm phó Doãn sự ở vệ Thiện Vũ, đang theo giúp việc tại phủ chúa. 

2. Nỗi lo xa của chúa Hiền 

Người con gái ấy tên là Thừa nên sử chép là Thị Thừa, còn như họ của bà là gì thì không ai rõ. Thị Thừa quê ở Nghệ An, có nhan sắc lại có tài hát xướng, và không hiểu vì sao, bà đã lưu lạc vào Nam, trở thành con hát trong phủ chúa Nguyễn Phúc Tần (Dương Quận công). Lúc đầu, Thị Thừa được Chúa yêu mến, nhưng rồi đột ngột, Chúa thay đổi hẳn tâm tính, Thị Thừa vì thế mà bị chết oan. Sách Đại Nam thực lục (Tiền biên, quyển 4) chép rằng : 

“Nhâm Thìn, năm thứ tư (tức năm 1652-ND), Chúa chăm việc chính trị, không chuộng yến tiệc vui chơi như trước nữa. Bấy giờ, có người con hát ở Nghệ An tên là Thừa, nhan sắc xinh đẹp, được Chúa lấy vào phủ.. Chúa đọc sách Quốc ngữ, tới chuyện vua Ngô yêu nàng Tây Thi thì chợt tỉnh ngộ (việc mình yêu Thị Thừa là sai), lập tức, sai Thị Thừa mang áo ngự đến cho Nguyễn Phúc Kiều, nhưng lại giấu để bức thư ở trong áo, ngầm sai (Nguyễn Phúc) Kiều dìm nước để giết (Thị Thừa) đi” (Theo Việt sử giai thoại, tập 6). 

Còn theo sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn: Thị Thừa bị Nguyễn Phúc Kiều đánh thuốc độc chết chứ không phải là dìm nước nhưng kiểu nào thì bà cũng chết oan. 

Chúa Hiền sợ hãi nàng đào hát của ông sẽ là một Tống thị thứ hai chăng? Nhưng trường hợp người cầm quyền vì mê sắc mà bỏ bê việc nước không phải cần tự kiểm điểm và tự hạn chế trước hay sao? Đổ cho hồng nhan họa thủy chỉ e mất phong độ của một vị quân tử. 

Nguồn:

Việt sử giai thoại, tập 6, Nguyễn Khắc Thuần

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *