Các chuyên gia về xây dựng khi tham gia sửa chữa nhà thờ Đức Bà đã bất ngờ phát hiện cả một kho báu chứng tích nghề làm gạch ngói thủ công của nước nhà trên nóc nhà thờ Đức Bà.
Trước việc công ty Eurohaus của bà Phương Thanh – công ty chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng tổng thầu vật liệu xây dựng cho công trình sửa chữa nhà thờ Đức Bà cho rằng, ngói lợp mái nhà thờ là ngói Marseillaise-Acier của Pháp nên đã tư vấn cho các cha có trách nhiệm việc sửa chữa nhà thờ là phải thay toàn bộ ngói bằng ngói Marseillaise này, với giá được đội lên rất đắt, các chuyên gia xây dựng VN đã dày công tìm hiểu thế giới trên nóc nhà thờ.
Điều bất ngờ là họ phát hiện ra trên nóc nhà thờ tồn tại 24 loại ngói khác nhau. Trong đó đa số là các loại ngói sản xuất ở VN như ngói Biên Hoà, Trị An, Nam Kỳ, Đông Dương, Phú Hữu (Cần Thơ), Đáp Cầu (Bắc Ninh)…
Đặc biệt ngói cổ nhất lại là ngói Wang-Tai Sài Sòn.
Điều đó chứng tỏ nhà thờ đã nhiều lần sửa chữa mái và thay nhiều loại ngói khác nhau. Nhưng câu hỏi được đặt ra là, loại ngói nào chính là loại ngói đầu tiên lợp mái nhà thờ? Phải chăng là ngói Marseillaise mang từ Pháp qua?
Tìm hiểu về lịch sử ra đời các lò ngói của Pháp thì rõ ràng Marseillaise là nơi ra đời những loại ngói từ trước khi xây dựng nhà thờ Đức Bà. Nhưng lúc đó sản lượng cung cho Pháp không đủ nên không dễ cung cấp nhiều cho việc xây dựng ở VN. Đồng thời kiểm tra lượng ngói Marseillaise còn trên nóc nhà thờ thì thấy không có nhiều mà đa phần là ngói bản địa.
Khi khảo cổ tại nền nhà thờ người ta phát hiện nhiều mảnh vỡ của ngói WT gắn với thời kỳ bắt đầu xây nhà thờ 140 năm trước.
Tìm hiểu về WT thì được biết, loại ngói WT được sản xuất tại chính các lò gốm Sài Gòn từ năm 1860 đến 1900 bởi doanh nhân Trương Bá Lâm (1827-1900). Trong cuộc triển lãm công nghiệp 1880 gạch ngói của ông Lâm được huy chương bạc. Sản phẩm này cũng từng dự Triển lãm 1878 tại Paris được đánh giá cao.
Qua các khảo sát và khảo cổ, có thể kết luận rằng ngói Wang-Tai Sài Gòn chính là loại ngói đầu tiên được lợp nóc nhà thờ Đức Bà. Theo thời gian sửa chữa, loại ngói đầu tiên này phần nhiều được thay thế bởi các loại ngói sản xuất ở VN khác cùng một số ngói nước ngoài.
Nhà thờ Đức Bà gắn với lịch sử tôn giáo, văn hoá kiến trúc SG, việc xác định chân thực giá trị các vật liệu xây dựng của người Việt làm nên nhà thờ có ý nghĩa không nhỏ liên quan đến lịch sử ngành nghề vật liệu xây dựng ở SG và VN.
Nếu thay toàn bộ ngói mà đa số là ngói có câu chuyện lịch sử này hiện đa số còn tốt, bằng toàn bộ ngói nước ngoài là một việc làm thiếu tinh tế với lịch sử và cũng quá lãng phí.
Rất mong các chuyên gia di sản và quản lý ngành văn hoá, kiến trúc nước nhà cùng các cha có trách nhiệm việc bảo vệ nhà thờ xem xét lại việc này.
Vỉa hè chưa rõ đúng hay sai thì các nhà phân phối vật tư xây dựng Eurohaus đã quá tích cực với việc làm mới nhà thờ này bằng cách tư vấn cho các cha là cần thay toàn bộ gạch nhà thờ bằng gạch tây.
Ồ, nếu đó là sự thật thì tôi đã hiểu vì sao việc sửa chữa nhà thờ lại cần kéo dài thêm 5 năm nữa rồi.

