THẢM HỌA KÉP FUKUSHIMA VÀ NGƯỜI HỘ VỆ CUỐI CÙNG

“Tôi sinh ra ở thị trấn Tomioka. Khi tôi chết, tôi sẽ chết ở Tomioka”.

MỘT TRONG NHỮNG TRẬN ĐỘNG ĐẤT LỚN NHẤT TRONG LỊCH SỬ NHÂN LOẠI ĐÃ ĐÁNH THẲNG VÀO TỈNH FUKUSHIMA, NHẬT BẢN VÀO NĂM 2011 KHIẾN HƠN 19.000 NGƯỜI THIỆT MẠNG, 2.500 NGƯỜI MẤT TÍCH VÀ CUỐN TRÔI NHIỀU NHÀ CỬA, TÀI SẢN QUAN TRỌNG. CHƯA DỪNG LẠI Ở ĐÓ, THẢM HỌA KÉP NÀY ĐÃ XÓA SỔ NHIỀU NGÔI LÀNG, THỊ TRẤN VÀ KHIẾN CHO NGƯỜI DÂN VÙNG NÀY PHẢI RỜI BỎ QUÊ HƯƠNG MANG THEO NỖI ĐAU LỚN VỀ MẤT NGƯỜI NHÀ VĨNH VIỄN.

Lịch Sử Thảm Họa Kép Fukushima 2011

Vào buổi sáng thứ 6 ngày 11/03/2011, khi mặt trời chào ngày mới bằng những tia nắng lung linh. Nhưng không ai ngờ rằng sau đó là một trận đại địa chấn xảy ra với họ – người dân tỉnh Fukushima xinh đẹp. Thứ 6 kinh hoàng ấy đã biến nước Nhật rơi vào thời kỳ đen tối kể từ sau Thế chiến thứ 2.

Tệ hơn thảm họa, chính là “Thảm họa kép” đã xảy ra và bắt đầu bởi một trận động đất cực lớn. Nguyên nhân được xác định là do sự dịch chuyển của mảng kiến tạo Thái Bình Dương và mảng Bắc Mỹ tại rãnh Nhật Bản. Theo thời gian chúng làm đứt sự liên kết của 2 mảng kiến tạo này khiến cho đáy biển bị sạt lở nghiêm trọng tạo ra động đất lớn 9 độ richter. Đây được xem là trận động đất lớn nhất Nhật Bản và nằm trong danh sách những trận động đất lớn nhất thế giới.

Từ trận động đất này đã tạo ra một cơn sóng thần khổng lồ tựa như một con quái vật đánh thẳng vào tỉnh Fukushima thuộc vùng Tohoku. Mực nước sóng thần được xem là cao nhất lên đến 40m tương đương với tòa nhà cao 13 tầng được ghi nhận tạiMiyako, Iwate. Chỉ một giờ sau khi động đất xảy ra, các cơn sóng thần lớn dữ dội san phẳng các thị trấn ven biển của Nhật Bản.

Nhiều ngôi nhà đã bắt đầu bốc cháy, sân bay Sendai, xe cộ, máy bay đều ngập trong nước tạo thành đống đổ nát bi thương. Khoảnh khắc đó như đánh gục mọi sự nỗ lực của người dân Nhật Bản. Người thì tuyệt vọng tìm kiếm người thân dưới đống đổ nát, kẻ thì chứng kiến của cải mất mát và những thông báo về cái chết của gia đình họ. Ít ai ngờ rằng chỉ trong một buổi chiều ngắn ngủi ấy, họ và những người thân yêu đã vĩnh viễn cách xa nhau, quê hương đã chẳng còn là kí ức đẹp đẽ mà họ đã từng có!

Những tưởng mọi thứ đã kết thúc sau cơn địa chấn động đất và sóng thần dữ tợn. Tuy nhiên, người dân Fukushima lại một lần nữa lâm vào bước đường cùng khi chính quyền Nhật Bản ban bố “tình trạng khẩn cấp điện hạt nhân” ngay trong đêm 11/03 kinh hoàng ấy. Nhà máy điện hạt nhân Fukushima I do tổng công ty Điện lực Tokyo với tên viết tắt là TEPCO được cho là nơi xảy ra sự cố rò rỉ vật chất có tính phóng xạ.

Nổ nhà máy điện hạt nhân đã khiến môi trường bị ảnh hưởng nặng nề, bao gồm cả việc ô nhiễm đến nguồn nước và thức ăn. Bên trong nhà máy Fukushima I mặc dù đã qua 9 năm sau thời khắc lịch sử đó nơi này vẫn không thể có sự tồn tại của con người. Các nhà khoa học chỉ kiểm định, phân tích dựa vào robot. Tuy vậy, ở một số khu vực bên trong nhà máy điện hạt nhân này robot vẫn không thể hoạt động vì lượng hạt nhân rò rỉ ở mức quá cao.

“Mặt trái của nguồn năng lượng vô tận là sự hủy diệt”

Ngày 11 tháng 3 năm 2011, chính phủ Nhật Bản tuyên bố một “tình trạng khẩn cấp điện hạt nhân” do mất chất làm nguội và di tản hàng ngàn người dân sinh sống gần nhà máy Fukushima I. Ngày tiếp theo, trong khi bằng chứng nóng chảy từng phần của lõi lò phản ứng ở số 1 đang tăng lên, một vụ nổ hyđrô đã phá hủy tầng trên của tòa nhà chứa lò phản ứng số 1 và làm bị thương 8 công nhân, nhưng hộp chứa lò phản ứng vẫn nguyên vẹn.

Chính quyền Fukushima đã cho di tản các khu vực xung quanh nhà máy số 1 và số 2. Tổng cộng 45.000 người sống trong bán kính 20 km xung quanh nhà máy số 1 đã được yêu cầu di dời.

Tại nhà máy số 2, chính quyền đã cho di tản dân cư trong khu vực bán kính 3 km và khuyến cáo những người sống trong phạm vi 10 km không nên rời khỏi nhà. Cả hai nhà máy hạt nhân đều cách thành phố 30 triệu dân Tokyo khoảng 250 km về hướng đông bắc. Hiện năm lò phản ứng của các nhà máy ở Fukushima đang được đặt trong tình trạng khẩn cấp năng lượng hạt nhân quốc gia bởi sự cố hệ thống làm mát.

Ngày 13 tháng 3 năm 2011, Cơ quan năng lượng hạt nhân Nhật Bản thông báo xếp hạng sự cố Fukushima mức số 4 (tai nạn với hậu quả địa phương) theo thang sự cố hạt nhân quốc tế. 170.000-200.000 người đã được di tản sau khi các quan chức bày tỏ khả năng lõi của lò phản ứng tan chảy và bốc cháy. Điều này có thể dẫn đến việc một lượng phóng xạ bị giải phóng trong tòa nhà chứa lò phản ứng.

Ngày 14 tháng 3 năm 2011, tòa nhà chứa lò phản ứng số 3 cũng nổ. Theo Công ty Điện lực Tokyo, 6 người bị thương trong vụ nổ này. Nhưng không có thông tin lò phản ứng phát nổ.

Ngày 11 tháng 4, Cơ quan năng lượng hạt nhân Nhật Bản nâng mức khủng hoảng sự cố nhà máy điện Fukushima I lên mức 7, mức cao nhất trong thang sự cố hạt nhân quốc tế.

Tháng 3 năm 2013, giới chức trách của TEPCO thông báo rằng sự cố mất điện của nhà máy có thể là do xác của một con chuột nằm ở bảng điều khiển và gây ra mất nguồn điện, ảnh hưởng đến hệ thống máy bơm làm mát lò phản ứng.

“Ta chọn về bên gia đình hay bảo vệ mọi người bằng cả tính mạng?”

Bất chấp nồng độ phóng xạ vượt tới mức nguy hiểm cho tính mạng con người, những nhân viên cuối cùng của nhà máy điện hạt nhân số 1 ở Fukushima vẫn không rời bỏ vị trí. Tại đây, người ta hạ áp suất bằng cách mở van giữ hơi nước trong bể chứa lò phản ứng trong khi thiết bị đo nồng độ phóng xạ bên người các nhân viên vẫn giữ ở con số 400 milisievert, đủ để gây chết người bất cứ lúc nào.

Trước tình thế cấp bách, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan cuối cùng đã đề nghị một đội công nhân làm nhiệm vụ cảm tử. “Các bạn là những người duy nhất có thể giải quyết được cơn khủng hoảng này”, nhà lãnh đạo cấp cao nói.

Trước nguy cơ rò rỉ phóng xạ ở mức độ cao, chính phủ Nhật đã quyết định sơ tán 800 công nhân ra khỏi khu vực nhà máy. Vào ngày 16/3, 180 công nhân cảm tử đã dũng cảm quay trở lại nơi này để bơm nước làm mát cho các lò phản ứng đã cạn kiệt. Họ thay phiên nhau, mỗi ca 50 người để có thời gian nghỉ, khử nhiễm và cũng không ai có thể ở trong nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi đã bị phá hủy quá 15 phút. Các công nhân này được gọi với cái tên “Fukushima 50” và họ là niềm hy vọng duy nhất của Nhật Bản để tránh một thảm họa nguyên tử giống như Chernobyl ở Ukraina năm 1986. Những người đàn ông ấy đang chiến đấu để cứu sống hàng triệu con người bất chấp một thực tế, nếu thành công, họ sẽ chết vì nhiễm một lượng phóng xạ chết người. Mặc dù được mặc đồ bảo hộ và đeo mặt nạ chống độc nhưng nguy cơ nhiễm phóng xạ vẫn rất cao. Hiện, chi tiết về những người anh hùng và công việc của họ rất sơ sài.

Do hệ thống làm lạnh chạy bằng điện của nhà máy này đã bị phá hủy sau vụ động đất, sóng thần tuần trước nên họ phải dùng máy bơm nước bằng tay để đưa nước biển vào làm mát các lò phản ứng. Nếu các thanh nhiên liệu không được làm mát kịp thời, chúng sẽ tan chảy và làm rò rỉ lượng phóng xạ chết người vào không khí. Miêu tả nỗ lực của những người trên, tờ The New York Times đưa tin: “Họ trườn, bò qua đường dẫn của thiết bị trong bóng tối chỉ với những chiếc đèn pin. Các công nhân phải thở rất khó khăn qua chiếc mặt nạ phòng độc và cõng trên lưng bình oxy nặng trịch. Để tránh cơn mưa bức xạ vô hình lên cơ thể, họ còn mặc cả bộ áo liền quần màu trắng, đội mũ trùm đầu”. Hai trong số công nhân của nhóm “Fukushima 50” đã phải nhập viện vì bị bỏng nặng do phóng xạ sau khi giẫm phải nước ở bể làm lạnh lò phản ứng số 2. Lượng bức xạ lúc đó gấp 10.000 lần mức cho phép. Nếu nước nhiễm phóng xạ đó ngấm vào cơ thể theo cách nào đó, nhiều khả năng hai công nhân này sẽ tử vong.

Tuy nhiên, không chỉ 2 công nhân nói trên gặp nguy hiểm, mà dường như tất cả mọi người đang đối mặt với khả năng nhiễm xạ cực kỳ cao, bởi đã có lo ngại rằng lõi lò phản ứng số 3 bị thủng

Một nguồn tin liên lạc với nhóm thực thi nhiệm vụ khẩn cấp trên chia sẻ với hãng tin CBS rằng, các công nhân “không sợ chết” khi trở lại lò phản ứng để ngăn chặn tình trạng tan chảy ở các thanh nhiên liệu bởi trên vai họ lúc này là sự an toàn và cuộc sống người dân Nhật Bản.

Chuyên gia an toàn nguyên tử David Lochbaum cho hay, những người đàn ông đó có thể đang phải thực thi một nhiệm vụ cảm tử. Phát biểu trên đài phát thanh quốc gia, chuyên gia ấy nói rằng, mức độ phóng xạ ở một vài nơi trong các lò phản ứng đủ cao để gây chết người trong vòng 16 giây. Tiến sĩ Chandon Guha, chuyên gia phóng xạ tại Đại học Y Albert Einstein ở New York đã ca ngợi các công nhân đó là những người anh hùng.

Một trong 180 nhân viên cuối cùng ở lại nhà máy đã động viên vợ con bằng những dòng e-mail vội vã:

  • “Em và con hãy tiếp tục sống thật tốt, anh sẽ phải vắng nhà một thời gian. Mọi người ở nhà máy đều đang chiến đấu, anh cũng phải chiến đấu”.
  • Tôi phải nuốt nước mắt vào trong khi nghe tin bố tôi, dù sẽ nghỉ hưu sau sáu tháng nữa, đã tình nguyện ở lại – con gái ông bày tỏ trên Twitter – Ở nhà bố có vẻ như không phải là người làm được việc lớn, nhưng hôm nay tôi thật sự tự hào về bố“.
  • Một người có bố là thành viên trong nhóm Fukushima 50 cho biết: “Bố tôi làm việc trong nhà máy điện. Bố nói là bố chấp nhận tất cả giống như chấp nhận án tử hình”.

TEPCO, công ty điện lực Tokyo, không cung cấp bất cứ thông tin nào về những công nhân này do đó hiện vẫn chưa rõ họ là ai. Họ là những người có tay nghề cao, hiểu nhất về hoạt động của các lò phản ứng. Đa số là những người lớn tuổi xung phong vì họ đã có vợ, có con, có cháu.

HỌ LÀ NHỮNG SAMURAI THẦM LẶNG Ở FUKUSHIMA.

“The right man in the wrong place can make all the difference in the world”

Trước tình cảnh bi thương do thảm họa kép gây ra để lại những nỗi mất mát khiến mọi người trên toàn thế giới xót thương thì tại khu vực gần nhà máy điện hạt nhân TEPCO có một ông cụ tình nguyện ở lại nuôi giữ những động vật bỏ hoang. Bởi những tác hại khôn lường khi hạt nhân tại lò điện Fukushima I bị rò rỉ, mức độ này khiến con người không thể sinh sống được. Người đàn ông này là Naoto Matsumura, người duy nhất ở lại.

“NGƯỜI HỘ VỆ GIÀ DUY NHẤT CHỌN Ở LẠI”

Vào thời điểm xảy ra “Thảm họa kép”, ông Matsumura cũng đã rời khỏi Tomioko nhưng ông không thể tìm được một nơi phù hợp để ở nên đã quyết định quay trở lại quê nhà của mình. Ngoài ra, có một lý do khác đưa ông trở lại đây một lần nữa.

Sau khi thảm họa xảy ra, mọi người đều phải gấp rút lên đường di tản khỏi vùng nhiễm phóng xạ, không ai còn đủ tâm trí để lo nghĩ cho những con vật nuôi. Ban đầu, ông Naoto cũng nhanh chóng cùng mọi người ra đi, nhưng rồi ông quyết định quay trở lại, lý do là để chăm sóc cho đàn vật nuôi này.

Thảm họa hạt nhân khiến cho phóng xạ rò rỉ khắp nơi. Ông được Cơ quan thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật nói rằng chất phóng xạ sẽ khiến ông phát bệnh trong ít nhất 30-40 năm tới. Bất chấp lời cảnh báo, ông vẫn quyết định sống ở nơi này một cách hạnh phúc. Matsumura được cho là người bảo vệ động vật của Fukushima. Ban đầu, ông chỉ chăm sóc thú cưng của mình, nhưng sau đó ông là người cưu mang rất nhiều động vật khác bị bỏ rơi.

Ngoài ra, ông còn được gọi là “người đàn ông phóng xạ”, bởi ông biết mình đang bị nhiễm mức phóng xạ gấp 17 lần so với người bình thường. Khi sống tại đây, ông thường ăn rau, thịt cá tại nơi có nhiều phóng xạ. Trong khu vực mà ông sinh sống cũng không có điện nước. Nhưng giờ, nhờ vào máy chạy bằng năng lượng mặt trời mà ông cũng có thể sử dụng điện thoại di động, máy tính cá nhân.

Ông Naoto vẫn nhớ khoảnh khắc ông lái xe trở về Fukushima, vật nuôi trong nhà vẫn còn đang bị xích lại vì người ta nghĩ sẽ sớm quay trở về. Đi đến đâu, ông cũng nghe thấy tiếng động vật tru, rống rất thảm thiết vì đói khát. Ngay lập tức, ông bắt tay vào cho chó, mèo ăn uống. Gia súc thì ông thả ra để chúng có thể tự đi kiếm ăn.

Thế rồi những người được phân công nhiệm vụ tìm đến Fukushima để kết liễu cuộc sống của đàn gia súc vì thịt của những con vật này bị cho là không thể ăn được và nếu để chúng sống thì cũng không có ai chăm sóc.

Ông Naoto đã ngăn việc này lại và chính thức nhận lời chăm sóc đàn gia súc, bởi: “Nếu họ giết những con vật này để lấy thịt, tôi sẽ không băn khoăn gì, vì đó là cách cuộc sống vận hành. Nhưng tại sao lại giết chúng đi chỉ vì muốn chúng chết ?”.

Hiện tại, ông cụ vẫn ngày ngày một mình chăm sóc đàn gia súc: “Tôi sinh ra và lớn lên ở thị trấn Tomioka. Khi tôi chết, tôi sẽ chết ở Tomioka”.

Ông cụ Naoto được người dân Nhật gọi là “ông cụ phóng xạ” vì những bài kiểm tra y tế đã cho thấy trong cơ thể ông, nồng độ phóng xạ cao gấp 17 lần người bình thường và ông cụ cũng là người phơi nhiễm phóng xạ nhiều nhất ở nước Nhật. Tuy nhiên, ông Naoto cảm thấy không quá lo lắng về điều này. Ông cho rằng, sẽ cần phải 30-40 năm ông mới có thể chết vì nhiễm phóng xạ, mà trước khi điều đó xảy ra thì tuổi tác đã đến tìm ông trước rồi, vì vậy, không có gì phải sợ cả.

Nói sơ qua về hoàn cảnh của ông Naoto thì bạn hãy tưởng tượng việc sống 1 mình tại 1 thị trấn bỏ hoang nhiều năm liền, ăn và uống những thực phẩm đều sẽ mang lại cái chết đau đớn nhất cho bản thân. Nhưng 1 khi bạn đã hoàn toàn chấp nhận cái chết của bản thân, thì bạn sẽ thanh thản hơn rất nhiều. Cả ông Naoto và những người trong đội “Fukushima 50” không còn sống cho bản thân nữa mà đang sống vì một thứ khác, cao cả hơn.

  • Bài viết được dịch thuật, chọn lọc và sưu tầm bởi Lê Tiến Nguyên.
  • Tổng hợp từ Wikipedia; giaoducthoidai; nhandaovadoisong; allthatsinteresting; En.wikipedia; thehistorypress; dantri; plo; Helino

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *