Lao động “chê” BHXH tự nguyện vì ít quyền lợi
Chị Nguyễn Thị Vân (27 tuổi, quê Thanh Hóa) hiện đang là lao động tự do tại Hà Nội chia sẻ, bình thường ở quê chị làm nông nghiệp. Lúc nông nhàn vợ chồng chị ra Hà Nội tìm việc làm thêm. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên vợ chồng chị mới chỉ sinh một con.
Chị Vân chia sẻ: “Mới đây chúng tôi được cán bộ bảo hiểm ở huyện xuống vận động mua bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện. Thế nhưng khi nghe giới thiệu tôi thấy ít quyền lợi quá. Như tôi bây giờ đang trong độ tuổi sinh đẻ mà không được hưởng chế độ thai sản thì quá thiệt thòi”.
Ngoài ra, chị Vân cũng chia sẻ thêm, công việc của vợ chồng chị là lao động tự do, công việc chạy xe ôm của chồng chị và bốc vác của chị tương đối vất vả. Nguy cơ bị tai nạn lao động có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Vì thế chị mong muốn nếu được tham gia BHXH tự nguyện sẽ được chi trả thêm cả phần này.
Chị Nguyễn Hương Liên – Cán bộ Bưu điện huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) cho biết mong muốn của chị Vân cũng là mong muốn chung của nhiều lao động khác. Tuy nhiên, hiện nay BHXH tự nguyện mới chỉ có 2 quyền lợi, chế độ đó là: Tiền hưu trí và tiền tử tuất.
Năm 2023, toàn quốc có 18,259 triệu người tham gia BHXH, đạt khoảng 39,25% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. Trong đó, tham gia BHXH tự nguyện có gần 1,83 triệu người, đạt khoảng 3,92% lực lượng lao động trong độ tuổi.
“Chúng tôi cho rằng để BHXH tự nguyện có thêm sức hấp dẫn cần tăng thêm chế độ co người lao động. Nên bổ sung chế độ thai sản và chế độ tai nạn lao động. Đây là 2 chế độ cần thiết nhất bởi đa phần người tham gia BHXH tự nguyện là người trong độ tuổi lao động”, chị Liên nói.
Luật đề xuất bổ sung 2 chế độ thai sản và tai nạn lao động
Cụ thể, Điều 5 dự thảo Luật quy định bảo hiểm xã hội tự nguyện đang được Bộ LĐTBXH trình có thêm các chế độ: Trợ cấp thai sản khi sinh con; hưu trí; tử tuất; bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động.
Như vậy, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi đã đề xuất bổ sung chế độ trợ cấp thai sản khi sinh con và bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động cho người tham gia bảo hiểm tự nguyện.
Về điều kiện hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con, dự thảo Luật quy định rõ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, hoặc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con thì được hưởng chế độ thai sản.
Mức hưởng trợ cấp thai sản khi tham gia BHHX tự nguyện là 2.000.000 đồng cho một con khi sinh, bao gồm cả trường hợp con bị chết hoặc chết lưu. Đối với lao động nữ là người dân tộc thiểu số hoặc lao động nữ là người Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn khi sinh con thì ngoài mức hưởng nêu trên thì vẫn được hưởng chính sách hỗ trợ khi sinh con theo quy định của Chính phủ.
Trợ cấp thai sản khi sinh con do ngân sách nhà nước đảm bảo. Chính phủ quyết định điều chỉnh mức trợ cấp phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.
Góp ý cho đề xuất này, đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đồng tình và ủng hộ. Tuy nhiên, nhiều nữ cán bộ công đoàn từ cơ sở cho rằng mức hỗ trợ thai sản cho lao động nữ còn thấp, nên bổ sung thêm chế độ cho nhóm này. Ngoài ra bổ sung cả chế độ thai sản cho nam lao động có tham gia BHXH tự nguyện nếu có vợ sinh con.