Tôi nhặt được một đứa trẻ ở nghĩa địa.
Thằng bé có vẻ mới chỉ 1-2 tuổi, nó ôm chặt chiếc di ảnh to trước ngôi mộ, bàn tay nhỏ bé cứ vuốt nhẹ vào tấm bia in hai chữ Tiên Tỷ.
Làn gió đêm hôm đó lạnh lẽo lạ thường, tiếng lá cây xào xạc…xào xạc, lúc gần lúc xa. Tôi ôm chặt chiếc áo khoác đang cầm trên tay, không rõ có phải do thời tiết lạnh hay không, có phải do làn gió đêm rít từng hồi lên khuôn mặt lấm tấm mồ hôi, hay là do…có thứ gì đó khác khiến tôi lạnh sống lưng.
Thằng bé cứ đứng yên trước tấm bia mộ kia, không nhúc nhích. Bất chợt, nó nhìn về phía tôi và Tống Thừa Sơn, rồi lại quay người đi, hướng ánh mắt về phía bãi cỏ trống, không ngừng khúc khích cười.
Một đứa trẻ mới chỉ hơn 1 tuổi, bị bỏ rơi nơi nghĩa địa trong màn đêm tăm tối, đến tôi là một người lớn còn thấy sởn gai ốc, vậy mà thằng bé không khóc lóc đến một tiếng.
Điều này, không bình thường…
Tống Thừa Sơn đứng đằng sau kéo tay tôi lùi lại mấy bước.
Tôi gạt tay anh ta ra, cẩn thận tiến tới gần tấm bia mộ đó, khom lưng và giơ hai tay về phía đứa trẻ, ngon ngọt gọi nó: “Nào, bé lại đây, lại phía cô nào.”
Đứa trẻ nới lỏng bàn tay, nhưng mắt vẫn không rời bãi cỏ trống.
Lại một làn gió lạnh thổi qua, Tống Thừa Sơn tiến nhanh đến phía tôi, tiếp tục kéo tay và không ngừng khuyên nhủ: “Hân Nhiên, em nghe anh nói đã…”
Lời nói của Tống Thừa Sơn đột ngột bị chặn lại bởi tiếng vỗ tay của thằng bé, nó đứng trước ngôi mộ, 2 bàn tay không ngừng vỗ vào nhau, vừa cười khanh khách vừa ra điều thích thú lắm: “Haha…trốn…mẹ ơi…trốn đi”
Trốn sao? Chẳng nhẽ nó bảo chơi trốn tìm?
Thằng bé vẫn hướng ánh mắt về phía bãi cỏ, miệng không ngừng lặp lại những từ ngữ khó hiểu kia. Giữa nghĩa địa hoang vu, một đứa trẻ vừa vỗ tay vừa nhảy lên cười khanh khách như vậy, không phải là quá ghê rợn hay sao, tôi cảm nhận được Tống Thừa Sơn đang run lên cầm cập.
Nhưng tôi không sợ! Kỳ quái một chút cũng có sao? Nó cũng chỉ là một đứa trẻ, chỉ cần là một đứa trẻ, tôi đều sẽ yêu thương hết mực.
“Mẹ ơi…mẹ…trốn đi nào…”
Tôi nhận ra có tiếng động gì đó đang sột soạt giữa những lùm cây, có vẻ như, sắp có thứ gì chuẩn bị nhảy bổ về phía chúng tôi.
Tôi vẫn gan lì tiếp tục tiến về phía trước, dang rộng vòng tay và dỗ ngọt thằng bé: “Con ngoan, lại đây nào, về với mẹ nhé…”
“TRIỆU HÂN NHIÊN!!” – Tống Thừa Sơn tức giận gọi tên tôi.
Tôi chẳng quan tâm đến lời nói của anh ta, chỉ chăm chú dõi theo đứa trẻ, cuối cùng thằng bé cũng chầm chậm quay người lại, nhảy vào lòng tôi và dụi dụi cái đầu mà nói: “Mẹ ơi!”
“Meo…” – một con mèo mun đen tuyền nhảy ra từ bãi cỏ mà thằng bé cứ mải dõi theo, sau đó nó lại vụt chạy đi, chớp mắt đã biến mất dạng.
“Mẹ ơi…mẹ ơi” – thằng bé vẫn cười khúc khích gọi tôi.
Tôi chẳng thèm đoái hoài gì đến sắc mặt của Tống Thừa Sơn, lập tức ôm thằng bé lên xe đi về.
Lúc đóng cửa xe, tôi lại nhìn về chỗ bãi cỏ một lần nữa. Tôi bất chợt lờ mờ nhìn thấy một cô gái tóc xõa dài, mặc váy đen, đang đứng ở đó ôm con mèo mun lạnh lùng nhìn chúng tôi… Đôi mắt xanh biếc bị ánh đèn xe chói vào sáng như hai chiếc đèn pha. Dường như, tôi nhìn thấy cô ta đang giơ tay lên vẫy chào tạm biệt tôi.
Chưa kịp hiểu rõ sự tình, Tống Thừa Sơn đã khởi động xe và nhanh chóng phi thật nhanh, tôi giật mình ôm chặt thằng bé vào trong lòng.
Không khí trong xe ngột ngạt bất thường, Tống Thừa Sơn không nói một lời. Từ lúc đưa thằng bé ra khỏi chỗ đó, anh ta đã kìm nén quá nhiều rồi.
Năm 22 tuổi tôi gả cho anh ta, bây giờ đã 34 tuổi, anh ta chưa một lần tức giận với tôi. Thế nhưng chỉ riêng hôm nay, trước khi lên núi anh ta đã tỏ thái độ khó chịu, đến tận bây giờ lại càng tức giận hơn. Tôi thận trọng xem xét thái độ của anh ta sau chiếc gương chiếu hậu, chỉ sợ trong phút nóng giận con người ấy sẽ trút hết lên đầu thằng bé.
Đứa trẻ ngọ nguậy trong lòng tôi, nắm tóc tôi nghịch nghịch. Bản tính làm mẹ đã khiến tôi nựng nó mà hát: “Con ơi hãy ngủ cho ngoan, trời đêm lạnh lẽo, cành cây xạc xào…”
“Em thôi đi!!” – Tống Thừa Sơn thực sự tức giận.
Đứa bé sợ hãi mà khóc toáng lên. Tôi cũng giật mình, cố gắng vỗ vỗ lưng thằng bé và dỗ cho nó nín.
Giữa tiếng khóc như xé ruột gan kia, Tống Thừa Sơn đạp mạnh chân ga rồi quát tôi: “Anh xin em đấy Triệu Hân Nhiên, em có nhìn rõ không vậy, nó đang mặc áo quan đấy!”.
Tôi đang ôm thằng bé trong lòng, đương nhiên tôi biết rõ hơn ai khác chứ. Thằng bé khoác một bộ quần áo màu xanh có thêu chỉ bạc, hoa văn giống hệt trên tờ tiền giấy, chân còn đi một đôi hài quan. Chính là bộ quần áo người ta mặc cho người chết…
“Thừa Sơn, anh có biết không?” – tôi vẫn ôm chặt thằng bé mà thờ ơ nói. “Con của trời, thì đó chỉ là lẽ thường mà thôi!”.
“Vậy thì sao, em rốt cuộc muốn làm gì kia chứ?” – Tống Thừa Sơn bắt đầu thở gấp, ánh mắt vừa phẫn nộ vừa hoảng sợ, trước nay tôi chưa từng nhìn thấy anh ta tức giận đến như vậy.
Tôi nắm chặt bàn tay anh ta: “Chắc chắn là mẹ đã cho thằng bé mặc thôi mà, có lẽ mẹ ở thế giới bên kia chỉ có mỗi loại áo này thôi”.
“Anh nhớ lý do tại sao chúng mình phải đến đây không?” – tôi vẫn cố giải thích cho anh ta, rằng tất cả những việc đang xảy ra chính là định mệnh.
Tống Thừa Sơn nhíu mày, nhớ lại mọi chuyện: “Là do giấc mơ của em…”
“Đúng vậy, mẹ thường xuyên xuất hiện trong giấc mơ của em, bà thương em mấy năm nay phải tội mà không sinh được con, bà bảo em không cần tốn thời gian và tiền của đi chữa hay làm thụ tinh nhân tạo nữa. Chỉ cần đến thăm mộ bà, bà sẽ cho chúng ta một mụn con.”
“Lâu như vậy rồi, anh biết em rất muốn có con.” – Tống Thừa Sơn bất lực – “…thế nhưng, em không thấy việc này quá quái gở rồi sao?”
“Anh nhìn đây này, tay chân thằng bé ấm như này, kể cả nhịp tim của nó nữa, là một đứa trẻ sống sờ sờ ra đây! Đây nhất định là đứa trẻ do mẹ em gửi tới, mẹ em chẳng lẽ lại muốn hại em? Anh thôi ngay cái suy nghĩ nực cười đó đi!” – tôi mất bình tĩnh xổ một tràng với Tống Thừa Sơn.
Tống Thừa Sơn miễn cường chạm vào da thằng bé, nhưng thái độ của anh ta chẳng khác gì chạm vào một thứ ghê tởm vậy. “Có lẽ là bố mẹ nó bỏ lại, chúng ta đến đồn cảnh sát hỏi cho rõ đã nhé.”
Nếu nó là con của mẹ tôi gửi đến, đương nhiên là không có bố mẹ, nhưng nếu đúng như theo giả thuyết của Tống Thừa Sơn, vậy thì càng chẳng có lý do nó được nhận lại. Bao nhiêu năm nay, đã có biết bao nhiêu đứa trẻ bị bỏ rơi ở trại trẻ mồ côi, bệnh viện, thậm chí là giữa con ngõ tối tăm, có người còn đặt trước cửa nhà người khác rồi một đi không trở lại…
Tôi giục Tống Thừa Sơn làm thủ tục xin nhận con, đưa đứa trẻ về nhà. Bởi vì không rõ lai lịch thằng bé, tôi quyết định đặt tên nó là Tống Ngộ Kỳ (Ngộ: gặp gỡ, Kỳ: lạ).
“Chúng ta có thể tự sinh con! Nếu như thực sự không được thì đến viện phúc lợi nhận nuôi, tội quái gì phải mang về một đứa chẳng rõ lai lịch nguồn gốc thế này!” – Tống Thừa Sơn tức giận đi đi lại lại trong phòng khách.
Nhưng tôi vẫn kiên quyết, đây là đứa trẻ người mẹ đã qua đời đã tặng cho tôi, ít nhất, nó và mẹ tôi cũng coi là có duyên phận với nhau, vả lại, dường như nó sinh ra đã có duyên làm con của tôi rồi. Lúc đầu tôi cứ nghĩ thằng bé chỉ gọi tôi là mẹ theo bản năng mà thôi, nhưng đến đồn cảnh sát mới biết rằng, nó chỉ gọi mỗi tôi là “Mẹ”, không hề gọi như vậy với các cô cảnh sát khác…Mọi người trong đồn cũng rất lấy làm lạ, tôi đem đứa trẻ về chỉ có riêng Tống Thừa Sơn tỏ thái độ tiêu cực như vậy.
“Được rồi, chỉ cần anh đối xử tốt với Ngộ Kỳ, làm một người bố mẫu mực, tôi sẽ đồng ý bán mảnh đất mẹ tôi đã để lại, đưa tiền cho anh kinh doanh.”
“Hân Nhiên, em chắc chứ” – hai mắt anh ta sáng ngời, vẫn bán tín bán nghi hỏi tôi – “Em trước đây quyết không bán cơ mà.”
“Tôi không muốn là vì đây là mảnh đất của mẹ tôi, nhưng bây giờ Ngộ Kỳ cũng là do mẹ mang tới.” – tôi hít một hơi thật sâu rồi tuyên bố: “Chỉ cần gia đình 3 người chúng ta chung sống yên bình, Ngộ Kỳ ở đây với chúng ta được nửa năm, tôi sẽ bán mảnh đất đó.”
(to be continued)
