tet-thanh-minh-dac-sac-cua-nguoi-tay,-nung

Tết Thanh Minh đặc sắc của người Tày, Nùng

Vượt cả trăm km để giữ gìn nét truyền thống

Khác với những dân tộc khác người Tày, Nùng ở Lạng Sơn, Cao Bằng chỉ ra phần mộ của những người thân trong gia đình duy nhất 1 lần trong năm vào đúng dịp Tết Thanh Minh (3/3 âm lịch) đi tảo mộ, để quét dọn hay vun đắp thêm đất mới.

Tết Thanh Minh đặc sắc của người Tày, Nùng - Ảnh 1.

Theo quan điểm của người Tày, Nùng thì Tết Thanh Minh là Tết gắn với đạo đức, văn hóa. Ảnh: Hoàng Tính

Theo quan điểm của người Tày, Nùng thì Tết Thanh Minh đi tảo mộ là Tết gắn liền với đạo đức, bổn phận của con, cháu để tưởng nhớ công lao của bố, mẹ, ông bà, tổ tiên những người đã khuất.

Có nhiều người dù đang đi làm ăn ở xa những cũng đã vượt cả trăm km để về quê, đúng ngày 3/3, tập trung cùng với anh, chị, em, con, cháu, dòng họ giữ gìn nét truyền thống.

Anh La Trung Tuấn (người dân tộc Tày) đang sinh sống ở huyện Gia Lâm, TP Hà Nội cho hay: Quê tôi ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, cách Hà Nội 400km. Nhưng năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 2/3 âm lịch là tôi lại đưa cả gia đình về quê trên Cao Bằng, để sáng ngày 3/3 kịp thời cũng mọi người trong gia đình đi Tết Thanh Minh tảo mộ thắp hương cho các cụ.

Dù đường xá đi lại có vất vả, kinh tế cũng vẫn còn khó khăn hay con còn nhỏ… nhưng để giữ nét truyền thống, nét đẹp trong văn hóa của dân tộc mình, những người Tày, Nùng ở Cao Bằng, Lạng Sơn cũng sẽ thu xếp công việc để về quê đúng ngày Tết Thanh Minh 3/3.

Giáo dục truyền thống từ con trẻ

Ông Lý Kim Trọng (ở thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) cho biết thêm: Theo phong tục tập quán thì người Nùng chúng tôi không làm giỗ cho người đã khuất vào ngày mất, vì vậy ngày Tết Thanh Minh được coi là ngày giỗ chung, mọi người dù đi làm xa, cũng đều cố gắng tập trung về quê.

Tết Thanh Minh đặc sắc của người Tày, Nùng - Ảnh 2.

Trong ngày 3/3, mọi người sẽ cùng nhau dọn dẹp lại phần mộ của những người thân trong gia đình. Ảnh: Hoàng Tính

Đang chuẩn bị cho những vật dụng cần thiết khi đi tảo mộ, anh La Minh Khởi (người dân tộc Tày) ở Thị trấn Trùng Khánh, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng cho hay: Để ngày đi tảo mộ được thuận lợi thì từ trước đó, anh, em trong dòng họ chúng tôi đã bàn bạc phân công với nhau, bố trí người, việc làm và thời gian cụ thể. Đúng sáng ngày 3/3, mọi người sẽ cùng nhau tập trung tại một gia đình rồi mới cùng xuất phát đi.

Các gia đình đi tảo mộ sẽ chuẩn bị dao, cuốc, xẻng, chổi… để thực hiện nghi thức dọn dẹp cho các phần mộ. Nhà nào đã xây được mộ rồi thì việc dọn dẹp cũng sẽ dễ dàng hơn.

Trước khi thực hiện dọn dẹp phần mộ, người cao tuổi nhất trong gia đình hoặc là con trưởng, sẽ đại diện gia đình đốt đèn, thắp nhang, mời rượu và khấn vái xin phép các cụ.

Sau đó, mỗi thành viên trong gia đình sẽ thực hiện các việc, người thì nhổ cỏ, phát dọn lối đi xung quanh khu vực mộ, người thì đào-đắp đất lên phần mộ mới; người thì dùng khăn sạch để phủi bụi, lau sạch phần mộ…

Tết Thanh Minh đặc sắc của người Tày, Nùng - Ảnh 3.

Xôi với 3 màu xanh, đỏ, vàng mang nét đặc trưng trong ẩm thực của người Tày, Nùng sẽ được dùng trong ngày đi Thanh Minh 3/3. Ảnh: Hoàng Tính

Khi tất cả các thủ tục dọn dẹp đã xong xuôi, gia đình sẽ trang trọng đặt gà, xôi, hoa, quả, đồ lễ, tiền vàng, quần áo… lên phần mộ.

Điểm nhấn và không thể thiếu trong mâm lễ tảo mộ Tết Thanh Minh đó chính là món xôi, với 3 màu đặc trưng (mà xanh của lá sau sau, đỏ của là cẩm và vàng của nghệ) đây là những món mang đậm nét văn hóa ẩm thực của người Nùng, Tày.

Tết Thanh Minh đặc sắc của người Tày, Nùng - Ảnh 4.

Không cầu kỳ và tránh lãng phí các đồ dâng lễ đa phần là của các gia đình tự sản xuất trong nông nghiệp hàng ngày. Ảnh: Hoàng Tính

Ông Lý Minh Hoàn (người dân tộc Nùng ở xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) cho biết: Đặc biệt mỗi gia đình sẽ treo 1 “chỉ xèn” – tiếng Nùng, (được cắt bằng giấy bản trắng, có hình như đồng tiền xu cổ) lên trên 1 cây cao tầm 1,5m được cắm ở giữa mộ. Đây là phong tục để gửi tiền cho người đã mất.

Sau đó các con, cháu sẽ lần lượt từng người thắp hương, rót rượu mời các cụ và cầu mong được các cụ phù hộ cho sức khỏe, gia đình yên ấm, vụ mùa bội thu…

Trẻ nhỏ cũng được các gia đình đưa đi tảo mộ, trước là để biết dần những ngôi mộ của gia tiên, sau là để tập cho chúng sự kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ.

Tùy vào mỗi địa phương, gia đình, văn hóa, phong tục tập quán… nhưng cơ bản các vật phẩm đi tảo mộ Tết Thanh Minh đều là những thứ trong gia đình tự làm, tự sản xuất từ quá trình làm nông nghiệp hàng ngày, vì vậy không quá cầu kỳ và cũng không lãng phí.

Trong văn hóa của người Tày, Nùng ở Lạng Sơn, Cao Bằng thì phong tục đi Tết Thanh Minh tảo mộ đã có từ rất lâu đời, và đang được các thế hệ gìn giữ, trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống về đạo lý “uống nước, nhớ nguồn”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *