Video: Nét độc đáo trong văn hóa ngày tết của người Hà Nhì ở huyện Mường Tè, Lai Châu.
Xem gan lợn của người Hà Nhì
Đến với bản Pa Thắng, xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu vào những ngày Tết cổ truyền có thể cảm nhận được không khí rộn ràng, nhộn nhịp chuẩn bị Tết ở nơi đây. Nhà cửa, bản làng được chỉnh trang, vệ sinh sạch sẽ; lá cờ tổ quốc tung bay trước mỗi cửa nhà; người dân tấp nập sắm sửa, chuẩn bị gói bánh chưng, giã bánh dầy, mổ lợn, mổ gà… để thờ cúng, vừa như lời tạ ơn một một năm tốt đẹp đã qua, vừa như lời cầu xin cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và cuộc sống bình an hạnh phúc. Hồ hởi chia sẻ với chúng tôi, ông Chang Cha Chừ, Già làng bản Gò Khà, xã Thu Lũm, Mường Tè, Lai Châu cho hay: Các nghi lễ. nghi thức cúng trong dịp tết đều mang ý nghĩa là xua đuổi những những điều không may trong năm cũ, cầu mong năm mới mọi người luôn được bình an, may mắn, làm ăn thuận lợi.
Người Hà Nhì chúng tôi chia tết là 2 đợt và cách nhau 13 ngày, cả 2 đợt đều phải vào cùng một tháng 1, tháng âm lịch, không được phép vào 2 tháng âm lịch.
Sáng sớm mùng 1 Tết, người Hà Nhì có tục đi lấy nước ở mó nước rất sớm để về làm đồ cúng và sinh hoạt. Những người phụ nữ trong gia đình đồ xôi làm bánh giầy để thờ cúng ông bà tổ tiên và làm quà cho khách đến chơi nhà.
Trời mờ sáng cũng là lúc các gia đinh cùng nhau mổ lợn tết để thờ cúng. Một trong những nét văn hóa tâm linh độc đáo mà người Hà Nhì vẫn còn lưu giữ đến nay là tục xem gan lợn để đoán định mùa màng năm tới có thuận lợi hay không, sức khỏe các thành viên trong gia đình; những thuận lợi, khó khăn trong đời sống, sản xuất và những điều cần tránh trong năm mới.
Việc thờ cúng ngày Tết của dân tộc Hà Nhì cũng rất gọn nhẹ, mâm cúng tổ tiên cũng rất đơn giản, chủ yếu là các sản vật do chính tay con cháu làm ra như bánh dầy, bánh trôi, rượu, muối ớt, cơm, thịt. Xong xuôi việc thờ cúng của gia đình, con cháu trong dòng họ sẽ mang rượu, thịt, bánh dầy làm nghi thức đi chúc tết ông bà như lời cảm tạ công sinh thành, dưỡng dục, chúc ông bà sống thọ bên con cháu.
Tết Hà Nhì mang những màu sắc rất riêng và phong phú với các dân tộc khác, đây là dịp để bạn bè khắp nơi đến vui tết.
Bản sắc độc đáo của người Hà Nhì
Những ngày tết cổ truyền của người Hà Nhì, từ người già đến trẻ nhỏ, ai cũng diện quần áo mới rực rỡ sắc màu để đi chơi. Không khí diễn ra rất sôi động nhiều hoạt động văn hóa và các trò chơi dân gian, đặc biệt là những bài hát, bài múa tái hiện đời sống sản xuất, sinh hoạt, các nghi lễ, nghi thức truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc, tạo một sân chơi lành mạnh để người dân chơi xuân, giao lưu, học hỏi, đồng thời góp phần tạo không khí tết Việt Nam rộn ràng, mang đậm bản sắc dân tộc.
Chia sẻ với chúng tôi, Anh Chu Xé Phạ, Phó Chủ tịch UBND xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, Lai Châu cho biết: Người Hà Nhì không ấn định cụ thể ngày ăn tết hàng năm mà do các già làng, trưởng bản bàn bạc và thống nhất để áp dụng cho từng năm. Dựa trên các yếu tố thời tiết, khí hậu, mùa màng, khả năng kinh tế chung mà đưa ra ngày cụ thể. Thường vào khoảng tháng 11 dương lịch trở ra, Tết cổ truyền của người Hà Nhì sẽ diễn ra và còn được gọi là Cố Nhị Chà. Bởi đây là thời điểm nông nhàn, người dân Hà Nhì đã kết thúc mọi công việc đồng áng, mùa màng bội thu, chăn nuôi phát triển, có đủ điều kiện để ăn tết vui vẻ.
Người Hà Nhì cho rằng ngày tết phải đầy đủ, đầm ấm và vui vẻ nên cần chuẩn bị chu đáo. Từ trang phục truyền thống đến lương thực, thực phẩm, bánh trái đều tươm tất. Đặc biệt là các loại bánh truyền thống như bánh trôi, bánh giày… được các gia đình làm rất nhiều. Bởi vì bánh không chỉ để thờ cúng tổ tiên mà còn chia cho con cháu hưởng lộc ngày tết và làm quà biếu khách khi đến chơi nhà.