TÂY SƠN NGŨ PHỤNG THƯ – NĂM VỊ NỮ TƯỚNG TÀI DANH CỦA NHÀ TÂY SƠN

Vào thế kỷ 18, đứng trước sự suy thoái của Đàng Trong và Đàng Ngoài, nhân dân bắt đầu nổi dậy đấu tranh chống lại chính quyền cai trị. Chứng kiến tình cảnh đó, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ dấy binh khởi nghĩa, thành lập nên phong trào Tây Sơn. Được sự tin cậy của người dân, rất nhiều anh hùng đã gia nhập dưới trướng nghĩa quân, bên cạnh Tây Sơn Thất hổ tướng, không thể không kể đến sức mạnh của Tây Sơn Ngũ phụng thư, năm vị nữ tướng tài danh lúc bấy giờ.

1/ Bùi Thị Xuân là con gái của Bùi Chí Đắc, chính thất của Trần Quang Diệu và cũng là một trong Tây Sơn Ngũ phụng thư. Tương truyền, bà sinh trưởng trong một gia đình khá giả, vừa xinh đẹp lại vừa có sức mạnh, chữ viết hay nữ công bà đều khéo léo, song bà lại có hứng thú hơn với việc đao kiếm. Năm 20 tuổi, Bùi Thị Xuân dùng kiếm cứu Trần Quang Diệu khi ông bị hổ dữ tấn công và cũng nhờ lần gặp gỡ định mệnh, hai người kết đôi vợ chồng và cùng nhau chiến đấu hết lòng dưới lá cờ Tây Sơn.

2/ Bùi Thị Nhạn là cô ruột của Bùi Thị Xuân, tuy vậy bà lại kém tuổi hơn. Theo tương truyền, bà Nhạn là người giỏi võ nghệ, tính nết ôn hòa lại có cùng chí hướng nên trong một lần gặp gỡ giữa bà và Nguyễn Huệ, cả hai rất nhanh chóng thân thiết và kết duyên. Sau này, Phạm Chính hậu của vua Quang Trung – Nguyễn Huệ qua đời, Bùi Thị Nhạn được phong làm Kế Hoàng hậu. Trong nghĩa quân, bà cùng với Bùi Thị Xuân phụ trách việc luyện quân và xây dựng lại nền kinh tế. Bà cũng được cho là dung túng Thái sư Bùi Đắc Tuyên mà gây nên họa ngoại thích cho nhà Tây Sơn.

3/ Trần Thị Lan là người thôn Trường Định, khi bà lên ba thì mẹ mất. Cha thấy thế liền gửi bà và người chị Trần Thị Huệ cho ông bà nội nuôi dưỡng. Bà Lan theo ông nội là võ sư Trần Kim Hùng học võ nghệ từ nhỏ, nhờ vào tài kiếm thuật và thân thủ nhanh nhẹn nên được ông nội yêu quý. Trần Thị Lan gặp gỡ và quen biết nữ tướng Bùi Thị Xuân nhờ vào lần bà đã cứu giúp một nữ kỵ sĩ dưới trướng bà Xuân. Từ đó bà ở lại cùng Bùi Thị Xuân huấn luyện nữ tướng. Nguyễn Văn Tuyết cũng là học trò của võ sư Trần Kim Hùng, khi nghe tin chiêu mộ hào kiệt năm 1771, Tuyết quyết định đi đầu quân. Tại đây, Tuyết gặp lại Trần Thị Lan và kết hôn với cô. Cả hai cùng nhau chinh chiến trong trận đánh quân Thanh năm 1789.

4/ Nhắc đến Huỳnh Thị Cúc, tuy bà không xinh đẹp nhưng vóc dáng mảnh mai, tính nết dịu dàng lại giỏi võ nghệ. Sử sách không ghi chép bà gia nhập vào nghĩa quân Tây Sơn khi nào, chỉ biết bà là tùy tướng dưới trướng của Bùi Thị Xuân và thân thiết như chị em ruột thịt, bà còn được bà Xuân dạy “kiếm pháp song kiếm” bí truyền.

5/ Người cuối cùng trong Tây Sơn Ngũ phụng thư là Nguyễn Thị Dung, bà cùng quê hương Quảng Ngãi với bà Cúc. Không rõ bà đã gia nhập vào nghĩa quân năm nào, nhưng tương truyền rằng bà là người khỏe mạnh, thích cưỡi ngựa múa đao, ngoài ra bà còn có tài huấn luyện nữ binh. Sau này, bà nên duyên vợ chồng với một danh tướng nhà Tây Sơn là Trương Đăng Đồ.

Năm 1802, nhà Tây Sơn bị quân Nguyễn đánh bại. Nguyễn Thị Dung cùng chồng hộ tống vua Cảnh Thịnh chạy giặc ra phía Bắc, Huỳnh Thị Cúc tình nguyện ở lại chặn quân Nguyễn, nhưng thế giặc đông và mạnh nên bà đã không thể thoát khỏi, trút hơi thở cuối cùng trong lòng người chị là Bùi Thị Xuân. Sau khi bị quân Nguyễn Phúc Ánh kéo đến Thăng Long, Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết cùng vợ là Trần Thị Lan đưa vua Cảnh Thịnh chạy được hơn mươi dặm thì bị cáo giác, cả hai dốc lòng phá vòng vây của quân Nguyễn, nhưng vì yếu thế nên cả đoàn bị bắt. Thái hậu Bùi Thị Nhạn cùng Trần Thị Lan tự sát để tuẫn tiết. Nữ tướng Bùi Thị Xuân bị vua Nguyễn Ánh ra lệnh hành hình cả gia đình. Ngũ phụng thư chiến đấu hết mình vì Tây Sơn đến khi trút hơi thở cuối cùng, có những vị nữ tướng không ai rõ năm sinh, song tất cả các bà đều mất cùng năm 1802.

Nguồn: Chuyện Hậu Cung

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *