Tang Trùng Tang – P9

Phần 9: Đừng mở khăn quấn thi hài

Nó chợt bám lấy tay áo bác tôi. Nó kéo kéo giật giật mạnh, đầu thì lắc liên tục, miệng ú ớ như ý bảo; Tuyệt đối không được gỡ dây, nhất là ở phần đầu thi thể.

– Ừm! Chú hiểu rồi! Chú hiểu rồi! Cảm ơn con… 

… 

Đêm hôm ấy, cả nhà cụ Quan chẳng ai chợp mắt. Người nào cũng sốc khi trông thấy xá.c cụ Thy trong tình trạng bất thường được khiêng về. Người thì đau lòng tiếc thương, người thì sợ hãi khi thấy thi thể nên không cho mấy đứa trẻ trong nhà ra “gặp”. Người thì ái ngại vì cụ Cầu chỉ mới vừa mất chưa đầy một trăm ngày, nay vợ ông cũng đi theo. 

Lại một lần nữa, cụ Quan nhờ ông Hoài (chồng bà Uyên) đi mời gấp thầy Nhị về để xem xét. 

– Cảm ơn cậu Hoàng. Vất vả cho cậu rồi. – Cụ Quan nói với bác tôi. 

– À…Không gì đâu…Cụ đừng khách sáo. Mà…một phần cũng tại tôi…Nếu tôi nhận ra và phản ứng nhanh hơn…Chắc là… 

– Thôi! Thôi! Cậu đừng trách mình. Âu cũng là kiếp số cả rồi…

Cụ Quan và bác tôi đứng dưới bóng đèn lồng, nhìn mọi người đang đưa thi thể cụ Thy ra sân sau. 

– Đêm nay cậu Hoàng cứ nghỉ ngơi lại đây đi! 

– Vâng. Cảm ơn cụ. 

– Ừm. Mà cậu Hoàng, như cậu nói, tuyệt đối không được tháo dây vải ra, nhưng nếu không, thì sao tẩm liệm đây? 

(Lưu ý: “Tẩm liệm” là từ ngữ mang tính truyền miệng, các nhân vật trong truyện tại thời điểm – bối cảnh diễn ra đều dùng từ này, tuy nhiên, theo các bài viết học thuật, “tẫn liệm” mới mang nghĩa chính xác của việc liệm xá.c người ch.ết.)

Dựa theo hành động lạ của thằng Khờ lúc rời khỏi nghĩa địa, bác tôi biết, việc gỡ dây khỏi thi thể cụ Thy có khả năng sẽ gây ra một tai họa nào đó trong tương lại. Do vậy, ông vờ đưa lý do, nếu tháo dây vải, tứ chi cụ bà sẽ đứt lìa ra hết, nhưng thực tế, chuyện ấy chỉ xảy tới nếu tác động mạnh vào cái thi thể khô cứng kia. Tuy nhiên, với tiếng nói có uy của một người giỏi y thuật, ai nấy đều tin vào bác tôi. Và giả sử, đặt trường hợp, bác tôi nói thẳng do thằng Khờ muốn như vậy, chắc chắn mọi người sẽ không chấp nhận.

Dù rằng là thế, trước câu hỏi của cụ Quan, bác tôi cũng phần nào lúng túng. Ông nghĩ, nếu chuyện đã liên quan tới tâm linh, nên để người am hiểu tâm linh giải quyết là tốt nhất. 

– Ừm…Trước mắt, cứ cúng cơm gối đầu trước đi cụ ạ, khoan tẩm liệm. Khi pháp sư đến, ông ấy chắc chắn sẽ biết nên phải làm gì. 

Cụ Quan bắt đầu cảm thấy nghi ngờ trước lời nói có phần nào đấy dè chừng của bác tôi. 

– Tại sao…Lại phải chờ thầy Nhị đến để quyết định mở dây hay không? Tôi nghĩ, lẽ ra cậu phải nhờ thầy Sửu chứ? Ông ấy sẽ đưa ra loại thuốc nào hoặc cách thức nào đó… 

Bác tôi vốn đoán trước được cụ Quan sẽ gặng hỏi vì người này chẳng hề dễ qua mặt. Bác tôi đáp ngay:

– Ý tôi không phải việc mở dây, mà là việc chọn ngày giờ tốt để khâm liệm, đó tất nhiên là việc của thầy pháp rồi. 

– Vậy còn việc mở dây thì sao cậu? – Giọng cụ Quan gằn xuống.

Bác tôi vẫn bình tĩnh đáp:

– Thú thật với cụ…Mặc dù thầy tôi tinh thông y thuật. Nhưng chúng tôi chỉ khám bệnh, bốc thuốc cho người sống. Những việc liên quan đến tử thi, tất nhiên nằm ngoài phạm trù của chúng tôi. 

– Cụ cũng biết chuyện nhà bác Tôn ở xóm trên năm ngoái chứ hả? Vợ bác ấy mất do bệnh nặng. Nhưng vì thương nhớ vợ, không muốn xa rời, nên bác Tôn mới đi học lỏm ở đâu cách ướp xác, cho vợ vào trong lu. Cuối cùng thì vì pha rượu ướp sai công thức, dẫn tới tính độc ngấm mạnh, làm x.ác bị hôi và phân hủy nặng. Bác Tôn chạy đi tìm thầy tôi nhờ giúp đỡ cứu lấy cái x.ác, nhưng thầy cũng đành bất lực, vì nằm ngoài khả năng của ông.

Cụ Quan gật gật đầu:

– Ừm. Tôi cũng có biết chuyện này… 

– Vâng. Vả lại, pháp sư chắc chắn tinh thông nhiều lĩnh vực. Do đó, thầy Nhị sẽ giúp được thôi cụ ạ, bất kể chuyện gì. Cụ đừng lo nghĩ quá nhiều. 

– Vậy thôi…Trước mắt cứ nghe theo cậu…Chờ pháp sư đến.. 

– Vâng. À. Đã khuya lắm rồi, nghỉ sớm đi cụ nhé!

Với những lý lẽ thuyết phục của bác tôi, cụ Quan cũng tỏ ý chấp nhận. Nhưng sâu trong đôi mắt ông ta vẫn chứa đựng một nỗi âu lo cùng cực và sự hoài nghi về việc bác tôi đã biết gì đấy… 

Sáng sớm, bác tôi rời khỏi nhà cụ Quan. Khi những giọt sương mai vẫn còn đọng trên lá cỏ, bác tôi rảo bước phía con đường làng. 

Ông tính hôm nay sẽ về huyện lo việc ở hiệu thuốc, xong, nếu ngày mai nhà cụ Quan có mời dự tang, ông và thầy Sửu sẽ cùng đi.  

Bỗng, giọng ai đó vang lên sau lưng bác tôi.

– Cậu Hoàng ơi cậu Hoàng! Giúp với! Giúp với!

– Mừng quá! Thì ra cậu còn ở đây.

– Hửm? Sao thế anh Năm? 

– Cha tôi lại lên cơn đau nữa rồi. Cậu qua giúp tôi xem thử với! Mới sáng sớm chuẩn bị ra đồng…

– Được! Được rồi! 

Vậy là kế hoạch về huyện của bác tôi một lần nữa tạm gác lại. Ông phải đến xem bệnh cho gia đình hôm qua tại làng này. Tình hình bệnh của cha ông Năm đang diễn biến ngày càng nặng. Bác tôi phải thực hiện xoa bóp và nấu thuốc hồi dương cứu nghịch, nên ông ở lại để theo dõi lâu hơn dự kiến.

Bạn đang đọc một tác phẩm của tác giả Hoàng Ez – Biên tập Phạm Đào Hoa

Khi Mặt Trời sắp lặn ở phía đằng Tây, cũng là lúc thuyền thầy Nhị cập bến. Lần này vị pháp sư đến nhanh hơn vì ông ta đang không bận, cũng như ông Hoài dùng chiếc thuyền máy loại tốt vừa mới mua để đón thầy.

Tới trước nhà cụ Quan, vị pháp sư bỗng dừng lại. Ông ta lẩm bẩm trong miệng: “Sao lại như thế nhỉ?”.

– Ôi! Thầy đã đến rồi! – Cụ Quan lật đật chống gậy đi ra cùng các con. 

– Không cần hành lễ! Đưa ta đến “gặp” người vừa mất nhanh lên!

….

Lúc này, tình hình cha của ông Năm đã dần tốt hơn. 

– Cảm ơn cậu Hoàng! Cũng may có cậu.

– Không sao! Anh nhớ lời tôi dặn, cho cụ nhà uống thuốc đúng giờ là được!

Ông Năm thở phào nhẹ nhõm ngồi bên cha mình. Bác tôi với tay, lấy cốc nước. 

Bỗng nhiên, vợ ông Năm từ ngoài chạy vào.

– Cậu Hoàng ơi! Bé con bà Út tìm cậu trước cổng kìa!

– Hả? 

Thằng Khờ chẳng biết bằng cách nào, nó lại hay bác tôi đang ở đây. Nó bên ngoài đập ầm ầm vào cửa cổng như có chuyện gì gấp gáp lắm.

– Ra liền ra liền!

– Sao vậy con?

Thằng Khờ nhảy tưng tưng, nó chỉ chỉ tay về phía đường làng.

– Mở dây!!! Mở dây!!!

Bác tôi hiểu ngay chuyện gì đó sắp xảy tới. Ông vội vào bên trong.

– Tôi qua nhà cụ Quan có việc! Cho tôi gửi lại hộp thuốc nhé! Tối tôi quay lại! Nếu còn chuyện gì, qua đấy tìm tôi!

– Vâng! Vâng! Cậu Hoàng đi thong thả. Nhớ ghé nhà tôi ăn cơm nhé!

Ngọn gió mùa hè hiu hiu thổi vào những lùm tre rậm rạp. Giờ này con đường làng tĩnh mịch tối tăm. Chỉ còn bác tôi và thằng Khờ vừa đi vừa chạy.

– Thầy Nhị đến rồi phải không?

– Mở dây!!! Mở dây!!!

– Sao? Ông ấy mở dây rồi hả? Nhưng ông ấy là thầy pháp mà, việc gì con phải lo?

– Mở dây!!!

Bác tôi chỉ biết nhìn thằng Khờ mà đoán chừng, chính nó cũng đang tỏ ra rằng; Dù thầy Nhị là pháp sư, nhưng việc mở dây cũng tuyệt đối không được thực hiện. Bác tôi chẳng rõ tại sao thằng Khờ tìm được ông và chỉ tìm duy nhất mình ông. Nhưng vì niềm tin vào khả năng của thằng bé này, bác tôi nhận ra; Ông cũng có một vai trò nào đấy trong chuyện nhà cụ Quan và chính ông phải tìm cách để giải quyết.

– Con phải cho chú biết lý do cụ thể để giữ dây trên người cụ Thy chứ! Chỉ có như vậy, chú mới thuyết phục thầy Nhị được!

Thằng Khờ bỗng tỏ lời bác tôi hơn bao giờ hết, nó vừa chạy, vừa nói những câu từ khó hiểu, vừa múa máy tay chân mô tả… 

….

Thầy Nhị tay cầm chiếc bánh. Lão ấy cắn một miếng rồi bước vào trong căn giữa, nơi đặt thi hài em dâu cụ Quan.

(Theo tục lệ dòng họ nhà cụ Quan nói riêng và làng này nói chung, phụ nữ mất phải đặt ở căn dưới. Nhưng vì chiếu theo tang luật dòng họ, khi chồng mất mà vợ mất theo trong không quá 3 năm thì vợ sẽ được đặt ở căn giữa. Những lý do sâu xa hơn được giải thích ở các truyện khác của tác giả Hoàng Ez)

– Ra ngoài hết đi! Đóng cửa lại! – Thầy Nhị ra lệnh.

Trong gian lúc này chỉ còn vị pháp sư và cụ Quan. 

Thi hài trùm khăn trắng, nằm trên một chiếc giường bằng gỗ có chiếu trải tẩm quế. Phía đầu là cái bàn nhỏ, trên ấy đặt hai bát cơm trắng và trứng vịt. 

Thầy Nhị bước lại, lão ta đẩy cái bàn nhỏ qua một bên, tiện tay lấy quả trứng vịt cho vào mồm. 

Vị pháp sư từ từ kéo khăn trùm xuống. Dưới ánh sáng lờ mờ từ ngọn đèn cầy, cái xá.c ốm tong teo lộ rõ ra.

Thầy Nhị chớp chớp mắt liên hồi.

– Này! Cụ có mời pháp sư trước khi tôi tới à? Sao không nói tôi biết!?

Cụ Quan tay chống gậy, mặt tỏ ra kinh ngạc:

– Ý thầy là thế nào? Làm gì có đâu?! Tôi tuy không có mặt để chứng kiến em dâu tôi mất ra làm sao. Nhưng những gì mấy đứa cháu tôi kể lại, tôi đều đã nói hết với thầy!

– Vô lý! Thế còn dây vải quấn ở thái dương đến tận phong trì, kín cả chi, từ trước đến nay trong dân gian làm gì lưu truyền cách thức làm thế này để bảo toàn x.ác người! Chẳng phải tên pháp sư nào đấy đang có ác ý muốn giam phách cụ bà lại hay sao?

– Thầy…thầy nói vậy nghĩa là…? Nhưng…Người bảo chúng tôi làm thế này là một người hành y có tiếng trong vùng, chắc thầy cũng đã từng gặp cậu ta, là cậu Hoàng. Có nhầm lẫn gì phải không?

– Cậu Hoàng á?! Là kẻ nào? Ta đây vốn chẳng để tâm đến những kẻ vô danh tiểu tốt, nhất là bọn lang băm! Tuy nhiên, bất kể hắn là ai, thì hắn đang muốn hãm hại nhà cụ đấy! Để ta tháo hết mớ vải này rồi tính tiếp!

Cụ Quan ngờ nghệch, ông ấy nghĩ; Có khả năng chỉ là trùng hợp mà bác tôi bảo mọi người quấn vải thế này, chứ chuyện bác tôi là một pháp sư mang ác ý, cụ Quan chẳng bao giờ nghĩ tới.

– Này! Này! Nhẹ tay thôi thầy!

– Chà! Khá chặt đấy! Tên pháp sư đội lốt lang băm kia cũng “dữ dằn” đây. Xong việc này, ta phải đi tìm hắn tính sổ! Muốn dùng tà thuật ở vùng này thì phải bước qua ta trước!

Dưới bàn tay cứng cáp thô bạo nhiều lông lá của thầy Nhị, một âm thanh khẽ vang lên.

“Rắc!”

Thầy Nhị dừng lại. Dường như ông ta đã vô ý làm gãy cổ của tử thi.

– Hừm…Thôi không được rồi. Mang cây kéo vào đây đi!

Cụ Quan chẳng muốn nói thêm gì khi thấy vị pháp sư nổi tiếng bậc nhất ở chốn này lại vụng về thế kia. Ông thở dài bước ra cửa.

Bỗng nhiên, ngọn đèn cầy đột ngột chợp tắt. Thầy Nhị cảm nhận được có chuyển động lạ bên dưới bàn tay của lão ta.

– Hả?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *