Tang Trùng Tang – P7

Phần 7: Uống nước nghĩa địa

Bấy giờ, bác tôi và cô Thùy bối rối nhìn nhau. Nguy thật! Đúng là vải thưa không thể che mắt Thánh. Nếu chuyện giấu diếm cụ Cầu ch.ết vì trông thấy Viên mà lộ ra, cả 3 người khó lòng yên ổn. 

Bác tôi lúc này chẳng nghĩ ra phải tính thế nào. Ông pháp sư kia có vẻ rất cao siêu, thậm chí, biết đâu được, ông ta còn đoán ra nguyên nhân dẫn tới cái chế.t đột ngột của cụ Cầu. Thật sự, tình thế lúc này, rất tiến thoái lưỡng nan… 

Bỗng, thầy Nhị lên tiếng:

– Nhưng điều ấy không quan trọng! 

Ông xoay mặt về phía sau, miệng vừa nhóp nhép nhai thịt gà vừa nói:

– Đàn bà phụ nữ lui ra hết! À, cả đàn ông và con cháu cũng mau chóng về phòng! Nhanh lên! 

Khi này, chỉ còn bác tôi, thầy Sửu, cụ Quan và pháp sư Nhị bên cạnh thi thể cụ Cầu. 

Căn phòng lạnh lẽo, ngoài hiên tiếng mưa rơi lộp độp. Thầy Nhị lấy trong tay nải ra một vật không rõ là gì. Bác tôi miêu tả lại, nhìn thứ ấy gần như cái bàn cờ. Nhưng bên trên có hình Bát Quái và những điểm chú kỳ lạ. 

Thầy Nhị vứt xương gà xuống đất. 

– Ta đã nghe con trai của cụ nói về chuyện lạ lúc khấn Tiên Thường. Tuy nhiên, đừng lo sợ. Muôn đời điềm báo chẳng phải lúc nào cũng đúng! Ta sẽ tính thử xem, là sự dữ hay sự lành… 

Nói xong, thầy Nhị đặt ngón cái lên vật như cái bàn cờ kia. Ông ta bắt đầu di chuyển tay, miệng nhẩm nhẩm gì đấy cũng chả ai rõ. 

3 người còn lại im lặng, chăm chú nhìn vào hành động của vị pháp sư. 

Chợt, vầng trán ông ta hiện lên những nét nhăn, đôi mắt đảo qua đảo lại về phía xá.c cụ Cầu. 

Lát sau, thầy Nhị cho bàn tính vào lại trong tay nải.

Ông nhếch miệng. 

– Này! Cụ Quan! Cụ không cần phải đến bên cánh cửa ấy nữa. 

Bác tôi và thầy Sửu chẳng hiểu ông pháp sư kia đang nói gì. Nhưng cụ Quan thì có, khuôn mặt ông ta lộ rõ nét kinh ngạc và sợ hãi, vội cúi đầu.

– Quả là thầy tài pháp cao siêu! Nhìn thấu vạn sự! Thật quá khâm phục! 

Thầy Nhị vuốt hàm râu đen, ông ta cười khoan khoái.

– Quá khen! Quá khen rồi! Ừm…Mà nghe đây! 

– Nếu xét về giờ, ngày, tháng mất của người đang nằm kia. Tất cả đều phạm vào trùng tang! 

Khuôn mặt cụ Quan ánh lên sự lo lắng, giọng cụ run run:

– Vậy…

– Nào! Bình tĩnh! Nghe ta nói hết đã chứ! 

– Tuy rơi vào giờ trùng, ngày trùng, tháng trùng. Nhưng năm là nhập mộ. Cho nên, xem như trùng đã tự hóa giải. Cụ không cần phải lo lắng nữa. Người nằm kia ra đi bất đắc kỳ tử, là đã gánh kiếp nạn cho dòng họ cụ rồi đấy! Nên, hãy lo liệu hậu sự thật chu đáo, cúng kiếng thành khẩn vào! 

Nghe vị pháp sư nói thế. Trông sắc mặt của cụ ông cũng sáng hơn, những nỗi lo sâu thăm thẳm như được xua tan. 

– Đa tạ thầy! Vậy còn… 

Vị pháp sư đưa tay lên, ông ta như đoán được một phần nào đó tâm tư của người trước mặt. 

– Ta đã bảo rồi. Điềm chưa chắc là chính xác. Chuyện ấy chỉ đang dự báo việc người này mất thôi. Nếu cụ còn lo, cứ để ta ở đây cùng lo chuyện hậu sự. Đảm bảo quỷ tinh ám ảnh không dám nhập. Nhưng mà…

– À! Được được thưa thầy! Không thành vấn đề! Tôi sẽ biếu thầy lộc cúng đầy đủ! 

– Hà…Hà…Xem ra, ta và cụ cũng tâm đầu ý hợp đấy! 

Bác tôi nhìn thầy Sửu, cả hai im lặng, chẳng nói lời nào. Những điều liên quan đến tâm linh như này, không thuộc phạm trù của họ, nên chẳng dám bàn cùng. Sau hết, bác tôi hiểu mọi chuyện coi như đã xong. Giờ cụ Cầu cũng mất rồi, bác tôi sẽ không phải ở lại ngôi nhà với vô số điều bí ẩn này nữa…

Bạn đang đọc một tác phẩm của tác giả Hoàng Ez – Biên tập Phạm Đào Hoa

2 tháng sau… 

Tháng Sáu năm Canh Ngọ

Kể từ khi cụ Cầu qua đời, cụ Quan lúc nào cũng ở trong phòng. Bằng cách nào đó, cụ ông đã đoán trước được chuyện em trai mình sớm muộn gì cũng mất, cộng với tin vào những lời thầy Nhị nói, nên chẳng để tâm nhiều đến nguyên do dẫn tới cái ch.ết đột ngột của cụ Cầu, ông chỉ buồn, buồn vì không còn người em thân thương. Về Viên, cô vẫn bình an vô sự, không bị liên lụy đến chuyện này. Tuy nhiên, do nhà đang chịu tang, nên việc hôn nhân của Đại và bé Viên xem như tạm thời gác lại. 

Sau hết, người đáng thương nhất vẫn là Đại, vừa mất đi cha, vừa không tới được với người mình yêu vào thời điểm từng mong đợi. Về phần những người khác trong nhà, cụ Thy (Vợ nhất cụ Cầu) và cụ Lành (Vợ sau cụ Cầu), cả hai đều rất đau lòng, trống trải, nên thường xuyên ngồi bên nhau tâm sự về ngày xưa. Bà con xóm giềng cũng tiếc nuối vì sự ra đi của cụ Cầu, một người hiền lương, tốt tính… 

Hôm nay, bác tôi trở lại làng Minh Thị để thăm khám cho một vài bệnh nhân đang liệt giường. Loay hoay, cũng đến tầm gần tối, ông xong việc liền ra về. Ông cũng tính sẽ ghé nhà cụ Quan hỏi thăm đôi lời, nhưng trễ quá nên đành thôi. 

Đang đứng đợi công nông đi qua xin quá giang về huyện, chợt, bác tôi nhìn thấy có nhiều người đang cầm đuốc cầm đèn phía xa xa. 

Ông giật mình: “Đấy là người nhà cụ Quan và hàng xóm mà? Họ đang đi đâu thế nhỉ?” 

Nhìn thấy bà Thùy phía sau đoàn người, bác tôi vội chạy theo hỏi thăm thử. 

– Ơ! Chào cậu Hoàng! 

Khuôn mặt bà Thùy muốn tỏ ra niềm nở khi trông thấy bác tôi, nhưng một nỗi lo nặng nề đã vội đè lên ánh mắt bà, khiến bà ta chỉ có thể cười nhợt nhạt. 

– Có chuyện chi vậy cô? 

– Cụ Thy – mẹ tôi. Bà ấy mất tích rồi cậu! Chúng tôi đang chia nhau đi tìm! Cậu giúp chúng tôi một tay với! 

– Hả? Cụ nhà lớn tuổi vậy rồi thì đi đâu được!? 

– Chuyện thế này, lúc sáng, mẹ bảo với em tôi là ra ngoài có việc. Nhưng…tới giờ này vẫn chưa thấy bà ấy về…Với lại…Còn có một số điều kì lạ xảy ra trước đó nữa…Nên…Nên…Tôi lo quá cậu ơi!!! 

Bác tôi lấy chiếc đèn chạy pin trong hộp đựng thuốc ra, ông quyết định theo giúp tìm cụ Thy. 

Vừa đi, bà Thùy vừa kể cho bác tôi nghe những chuyện bất thường đã xảy đến vài hôm trước. 

Cứ chập tối, bà Thùy sau khi lo cơm nước cho mấy đứa nhỏ, thường ghé phòng cụ Thy để tâm sự. Nhưng dạo gần đây, cụ Thy hay qua cụ Lành chơi nên bà Thùy chẳng tới nữa. 

Tuy nhiên, vào cái đêm cách đây 3 ngày trước. Bà Thùy có đi ngang qua phòng cụ Lành, nhưng không thấy mẹ mình ở đó. Hỏi ra thì biết, cụ Thy đã ngưng qua cụ Lành được mấy hôm rồi. Bấy giờ, bà Thùy tá hỏa, những đêm chẳng thấy mẹ mình ở phòng, vậy rốt cuộc là bà ấy đi đâu? 

Chạy khắp nhà tìm kiếm, bà Thuỳ chẳng hề thấy cụ Thy ở đâu cả. Khi này đã điểm giờ Tí, trời cũng khuya nên ai nấy đều chìm vào giấc ngủ. Sợ làm phiền mọi người, bà Thùy về phòng, gọi ông Tài (là chồng) dậy để phụ đi tìm mẹ. 

Ra ngoài cổng, hai người nhìn về phía con đường làng, thấy thấp thoáng xa xa có bóng người lụ khụ dưới ánh trăng. Họ biết ngay là cụ Thy, nên vội vã chạy theo. 

Lúc tới gần, một điều quái lạ đã xảy ra. Ông Tài và bà Thùy không còn thấy mẹ mình đâu cả. Họ đưa mắt về phía cái lối dẫn đến rừng tre. Lại một lần nữa, họ thấy bóng cụ Thy lờ mờ. Cứ như vậy, hai người đuổi theo, đuổi theo mãi…

Cuối cùng, họ phát hiện mình đã tới bãi tha ma bên làng. Ở chỗ này lác đác mấy cái mã chẳng biết được dựng lên từ thời nào. 

Bà Thùy và ông Tài nhận thấy có điềm, họ khẽ nói với nhau; Hình như nãy giờ họ bị ma dẫn đi, phải quay về nhà ngay kẻo “mất hồn”. 

Bỗng nhiên, hai người nghe có tiếng động lạ cách đó không xa. Họ đánh liều đi về phía âm thanh đó. 

Phía sau làn sương khói xám tro bay là đà, cả hai nhìn thấy cụ Thy đang làm một việc vô cùng kinh khủng. Bà ta dùng tay bới móc vào mấy cái vũng nước đọng bên cạnh những gò mã. Sau đó, bà cúi mặt xuống, húp sì sụp thứ nước bẩn ấy như một kẻ bị khát lâu ngày. 

Chứng kiến mẹ mình hành động quá sức tưởng tượng như thế, bà Thùy và chồng vội chạy lại. 

Nhưng…Thật kỳ lạ… 

Cụ Thy lại biến mất chỉ trong nháy mắt. Những việc vừa xảy ra y hệt ảo ảnh. 

Bà Thùy và ông Tài chẳng biết họ vừa gặp ma quỷ hay thứ gì, hai người quá sức kinh hãi, họ cắm đầu cắm cổ chạy một mạch về lại nhà. 

Đến phòng cụ Thy. Hai người dừng lại, họ há hốc mồm, sau cánh cửa khép hờ, phía bên trong, bà cụ đang ngồi ngâm chân. 

…. 

….. 

– Chuyện là vậy đó cậu Hoàng! Hoàn toàn là sự thật! Tận mắt tôi và chồng thấy như vậy! 

Bác tôi chống tay lên cằm, ông gật gật đầu. 

– Thế…Chuyện kỳ lạ ấy, cả nhà đều biết hết rồi phải không?

– Chưa chưa cậu! Tôi mới kể cho mấy đứa em tôi biết thôi, để bọn nó quan sát mẹ, nhưng bọn nó đều không tin cậu ạ…Ai ngờ đâu, hôm nay bà lại mất tích…Tôi lo quá cậu ơi! 

– Thôi, chị bình tĩnh…Còn nước còn tát. 

Bác tôi đã dần hình dung được những chuyện đang từ từ xảy đến với nhà cụ Quan. Ông là người luôn tự đặt câu hỏi cho bản thân và trả lời theo hướng hợp lý nhất có thể, nhưng lần này, rõ là ngoài tưởng tượng. Chẳng lẽ, chuyện ma quỷ gây nhiễu sự cả một dòng họ mà ông từng nghe ai đấy kể thuở còn bé, đã và đang xảy đến với nhà cụ Quan? Mặc dù bận nhiều việc ở hiệu thuốc, nhưng bác tôi luôn để tâm đến gia đình này. Chính vì vậy, ông không ngại trễ giờ, vẫn đi theo giúp tìm kiếm cụ Thy, cũng như mong muốn khám phá ra những chuyện đang ẩn phía sau.

Đoàn người đã tới bãi tha ma bên làng. Họ đưa đuốc, soi từng lùm cây, gò mã, miệng vẫn hô to tên cụ bà. 

Cùng lúc ấy, nhóc Sang và thằng Khờ chẳng biết từ đâu chạy lại. Bà Uyên (Mẹ của Sang) thấy thế liền quát mắng:

– Tao đã bảo ở nhà cơ mà! Còn ra đây làm gì!? Chuyện người lớn cái thằng ranh này!

Nhóc Sang thở hồng hộc, nó vội đáp:

– Mẹ ơi! Ngoại đang ở bên nghĩa trang của họ mình đó! Không phải chỗ này đâu!

Bà Uyên chớp chớp mắt:

– Ơ hay? Sao mày biết?

Bác tôi thấy nhóc Sang đi với thằng Khờ, ông đoán ra ngay, chắc chắn thằng Khờ đã cho nhóc Sang hay chuyện bằng khả năng đặc biệt của nó. 

Bác tôi lên tiếng:

– Cô Thùy! Nghĩa trang dòng nằm ở đâu?

Bà ta ngạc nhiên khi thấy bác tôi tin vào lời thằng nhóc tinh nghịch nhất nhà. Nhưng bây giờ, mọi người không còn lựa chọn nào khác, bất cứ tia hy vọng nào liên quan tới dấu vết của cụ Thy đều cần phải kiểm nghiệm. 

Bác tôi, nhóc Sang, thằng Khờ và 3 người con gái của cụ Thy tách ra khỏi đoàn đang trong bãi tha ma. Bọn họ quay trở lại rừng tre, đi dọc theo đê bao. 

Theo lời những người này, bác tôi được biết, nghĩa trang của dòng họ cách miếu Thủy Tử không xa, nhưng từ đây tới đó cũng mất nửa canh giờ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *