Phần 6: Giờ trùng tháng trùng
Trời trưa, trong sân nhà cụ Quan linh đình như trẩy hội. Cái khoảng sân rộng ấy vậy mà bà con xóm giềng ngồi muốn hết cả. Bao nhiêu món ngon, rượu tốt đều đặt trên bàn để chiêu đãi khách. Phải nói là sự giàu có và quyền uy nơi nhà cụ Quan thể hiện rõ nhất trong những dịp cỗ như thế này.
Người rót rượu, người mời, tiếng cười cười nói nói vui vẻ tràn ngập khoảng sân. Đại phải đi tiếp rượu ở từng bàn. Phía xa, Cụ Quan thì đang ngồi trên phản ở gian chính với mấy bô lão và mấy người có uy trong làng trong huyện, thầy Sửu (thầy của bác tôi) cũng được ngồi chung mâm. Có lẽ vì mãi mê ăn cỗ và chuyện trò mà mọi người dần không để ý….tới những chuyện đang âm thầm xảy đến…
Phía bếp, Viên phải bưng bê các món mang ra bàn chung với đám người ở. Áo quần cô ấy giờ đã lấm lem, trên gò má còn dính lọ nghẹ. Thật khó đoán đó là một tiểu thư gốc gác từ thành phố.
Bà Hậu càu nhàu:
– Mới bưng bê có chút xíu mà đi đứng như bại liệt thế kia! Nhanh nhanh lên coi!
– Dạ…dạ…
Bỗng, bà Uyên tiến tới, bà ta đặt dĩa thịt lên trên cái mâm Viên đang bưng.
– Hộ chị nhé em! Chị mỏi tay quá.
Viên cắn răng, bờ vai cô run run. Bây giờ cái mâm đã thêm nặng. Viên vừa bước đi, vừa thở hổn hển, trông như sức của cô đã gần cạn kiệt.
Bác tôi ngồi ăn ở bàn gần đấy. Nhìn thấy thế, ông liền bỏ chén đũa qua một bên, chạy lại để giúp Viên.
“XOẢNG!!!”
Cả mâm đồ ăn lẫn bát đĩa đều rơi xuống đất. Viên khuỵu gối, cô bé đã không giữ nổi thứ ấy nữa. Bác tôi nhăn mặt, ông lật đật chạy tới giúp thu dọn.
– Em có sao không? Hết sức rồi thì xin phép mọi người nghỉ ngơi đi chứ!
– Dạ…Em…
Cụ Lành và mấy bà cô, bà chị cùng lúc ấy bước ra.
– Trời ơi là trời! Thứ vô dụng!
– Có nhiêu đấy mà bưng bê cũng không xong!
– Đúng là cái loại con nhà tiểu thư chả làm nên trò trống gì cả!
– Dạ…con…Con xin lỗi mọi người…
…
….
Đến chiều, tiệc đã sắp tàn. Trong sân chỉ còn lại anh em họ hàng thân thuộc với nhà cụ Quan. Ai nấy đều đã say mèm, nhưng vẫn cố ngồi rót rượu, chuyện trò.
Viên bị cụ Lành sai rửa đống chén bát, còn đám người làm trong nhà chỉ việc dọn ở ngoài. Phải nói, nhìn thấy cái mớ chén bát ấy chỉ muốn khóc thét ngay, chúng nhiều tới mức, xếp đầy cái sân nhỏ sau bếp. Nhưng…Viên không một lời thở than, cô lầm lũi, ngồi xuống và dọn rửa. Đúng thật, nếu mang phận dâu cho cái nhà này, quả sẽ là một cực hình.
Ngoài sân, bác tôi còn ngồi nói chuyện với mọi người, ông chỉ uống chút chút, nên vẫn tỉnh táo như thường.
Bỗng, nhìn ra phía cổng chính, bác tôi thấy thằng Khờ đang đứng đấy. Nó cứ đưa đầu nhìn qua nhìn lại vào trong nhà. Bác tôi nghĩ bụng, kể ra cũng tội nghiệp thằng bé này, không được gia đình dẫn đến ăn cỗ như những đứa trẻ khác.
Bác tôi xin phép mọi người, ông hốt một mớ bánh kẹo cho vào lòng bàn tay.
Ông rời khỏi bàn, đi về phía cổng.
– Con! Khờ! Đang làm gì đó?
Thằng bé ấy cứ ngơ ngơ, nó chả quan tâm đến người đang bước tới.
– Ăn kẹo không? Chú cho này.
Trong khi ấy, ở sau bếp, Viên vẫn đang cắm cúi dọn dẹp.
Bỗng, bà Thùy bước vào. Bà Thùy là con gái lớn nhất của cụ Cầu. Bà này tính tình điềm đạm, không giống như các em của bà. Từ sớm đến giờ, bà chỉ ở phòng chăm cho cha, không tham dự cỗ. Nhưng bà cũng hay tin, Đại dẫn người yêu về.
– Chào cô ạ…
Bà Thùy cười:
– Hì hì. Cô gì mà cô. Theo vai vế, cứ gọi chị là chị đi, chị tên Thùy. Chị cũng là chị cùng cha khác mẹ của Đại nè. Em là Viên đúng không?
– À dạ phải. Chào chị Thuỳ.
Bà Thùy ngồi xuống, đưa mắt ngắm nhìn cô em dâu tương lai:
– Chu choa…Xinh dữ thần! Công nhận thằng Đại giỏi ghê! Chị có nghe mọi người nói về em rồi.
Khuôn mặt Viên bỗng tươi tỉnh hẳn ra, cuối cùng cô cũng gặp được một người thảo tính trong cái nhà này.
– Thôi! Đừng có rửa nữa. Để đấy cho gia nhân nó làm. Theo chị vào gặp cha chồng tương lai đi! Ông ấy nghe tin em tới, cũng mừng lắm! Ông ấy muốn gặp em.
– Dạ. Nhưng mà…
– Không sao, có chị đây sợ gì. Người đâu! Vào đây dọn cái mớ này coi!
….
Bác tôi vẫn đứng bên thằng Khờ. Ông đưa kẹo nhưng nó chẳng có phản ứng gì cả.
– Này con. Con đang nhìn gì mà say sưa thế?
Bấy giờ, thằng Khờ bỗng chịu mở miệng, nó đưa tay lên:
– Ở đằng kia…Ở đằng kia kìa…
– Hửm? Đằng đấy có gì?
– Một con chim…Con chim…
Bác tôi cười:
– Con thích chim à?
Đột nhiên, thằng Khờ bỏ chạy, nó la toáng lên:
– Trùng đến rồi!!! Trùng đến rồi!!! Trùng đến thật rồi!!!
Bác tôi ngớ người, ông chẳng hiểu gì hết. Ông từ từ bước vào trong, vừa đi vừa thầm nghĩ, chắc thằng Khờ lại nói mấy thứ lung tung, hay là…
Chợt, bác tôi nhận ra có điều bất thường, bàn tay thằng Khờ lúc nãy, chẳng phải chỉ về phía phòng cụ Cầu nếu băng qua khoảng sân hay sao?
Ông hốt hoảng, vội vác giò lên mà chạy. Nhiều người đang ngồi ở bàn thấy thế liền hỏi, nhưng bác tôi không đáp lời.
Đến phòng cụ Cầu, ông đẩy ngay cánh cửa.
“Rầm!”
Phía trong, tấm vải che buồng đã kéo ra. Cụ Cầu đang tựa lưng trên gối, ông từ từ đưa mặt lên. Đối diện là Viên và bà Thùy.
Bất chợt, vừa trông thấy cô con dâu tương lai. Đôi mắt cụ Cầu trừng trừng banh ra, chiếc miệng với cử chỉ cười của ông như cứng đơ. Cơ bụng dịch lên dịch xuống liên tục, ông bấu chặt tay vào chiếc chăn.
Người cụ Cầu bắt đầu co giật dữ dội, thân thể ông quật ầm ầm lên chiếc giường. Viên và bà Thùy sợ hãi la lên cầu cứu.
Bác tôi nhanh chân chạy tới.
Nhưng…Mọi thứ đã không còn kịp nữa.
Cụ Cầu ho một phát thật mạnh như tống cả tạng phế ra ngoài. Từ trong miệng ông, những cục đen ướt sũng m.á.u văng ra, chúng đập lợp bợp vào tường.
Cụ Cầu, ngã uỵch xuống giường. Đôi mắt ông trưng trưng về phía Viên khiến cô ấy rất sợ hãi…
Bác tôi đưa hai ngón tay đặt lên vùng yết hầu, rồi di chuyển tới các mạch.
Ông hít một hơi thật sâu, ngước nhìn hai người phụ nữ đang co ro run rẩy trong nỗi lo lắng cùng cực.
– Cụ Cầu…Cụ ấy…Mất rồi!
– KHÔNGGGG!!!
ẦM!!!!!!
Sấm chớp ngoài kia chói lóa rạch ngang trời.
Trong căn phòng thiếu ánh sáng. Bà Thùy ôm lấy xác cha, khóc nức nở. Bác tôi thật sự cũng đang rối bời. Ông cứ ngỡ tình trạng sức khỏe cụ Cầu đã chuyển biến tốt hơn trong những ngày qua, nhưng lại không ngờ, bây giờ ông ta đã đột tử, mà nguyên nhân chính dẫn đến cái chế.t vẫn chưa rõ ràng.
Bác tôi đưa tay, banh rộng mắt cụ Cầu ra.
– Cậu Hoàng! Tôi đi báo cho mọi người nhé…!…- Bà Thùy vừa nói trong nghẹn ngào vừa nấc lên từng hồi.
– Khoan đã! Chị bình tĩnh!
Bác tôi đã dần đoán ra nguyên do cụ Cầu ra đi đột ngột. Có vẻ lạ, nhưng chính là vì…cụ ông nhìn thấy Viên.
Bác tôi đưa mắt về phía cô gái đang đứng nép người vào tấm vải buồng ấy:
– Viên! Em và cụ Cầu có quen biết nhau từ trước à?
Viên bối rối trước câu hỏi của bác tôi:
-Em…Em thật sự không biết…Đây là lần đầu tiên em gặp cha của anh Đại!
Tuy đau lòng trước cái chế.t quá đột ngột của đấng sinh thành. Nhưng bà Thùy vẫn giữ được lý trí. Bà ta không nghĩ nguyên nhân sự việc này là do Viên. Vì trước đó, bà có kể cho cụ Cầu nghe về gia đình, tên và nơi ở của Viên thông qua lời của mấy bà chị. Nếu hai người biết nhau, hoặc gia đình quen từ trước, chắc chắn cụ Cầu đã phản ứng ngay lúc đó.
-Thôi…Được rồi cậu Hoàng…Cha tôi số đã tận…Nên ông phải đi…Cậu đừng nghĩ vậy…Lại liên lụy cho em nó…
Bác tôi là người luôn đưa ra lý luận có cơ sở. Nhưng ý con cả cụ Cầu đã vậy, lại nhìn bộ dạng của Viên, ông không khỏi động lòng trắc ẩn. Ông thừa hiểu, mấy người phụ nữ trong nhà này vốn đã không có cảm tình với Viên. Nếu họ biết cái chế.t của cụ Cầu có liên quan trực tiếp đến cô. Chuyện có thể sẽ đi xa hơn, chứ không phải chỉ nằm ở vấn đề hôn nhân của hai đứa.
– Viên! Đi ra sau bếp tiếp tục rửa dọn đi!
Cô gái ấy chớp mắt nhìn bác tôi. Giọng cô ngập ngừng.
– Dạ…Nhưng…
– Tôi bảo thì nghe! Đi nhanh lên!
Bác tôi xoay mặt qua bà Thùy:
– Bây giờ chị ở yên đây! Tôi sẽ ra tìm thầy Sửu và báo cho mọi người! Chắc là…Chị…
Bà Thùy liền gật gật đầu:
-Tôi biết nên làm gì mà. Cậu an tâm…
Ngoài trời bắt đầu trở gió, bụi lá bay mù mịt. Cụ Quan đứng dậy như linh cảm được có chuyện không lành đang xảy tới.
Phía xa cánh cổng, ông Bách (Con trai lớn Cụ Quan) và ông Hoài (Con rể cụ Cầu, chồng bà Uyên) đã về tới.
Phía sau họ, chính là thầy Nhị, người vang danh lừng lẫy ở vùng đồng bằng này về tài pháp.
Ông mặc một chiếc áo có tà dài màu đỏ, trên ấy thêu những họa tiết đầy tinh xảo. Đầu đội nón hình bán thoi, chân mang giày có mũi sành hướng lên. Thân hình ông mập mạp, vạm vỡ, khuôn mặt khá bậm trợn với bộ râu dài đen tuyền.
Vừa trông thấy vị pháp sư từ nơi xa tới, cụ Quan mừng rỡ rời ngay khỏi chỗ.
Cùng lúc ấy, bác tôi chạy tới:
– Thầy Sửu! Cụ Quan! Cụ Cầu không hay rồi!
– Sao? Ông ấy thế nào!?
– Không có nhiều thời gian đâu! Đến phòng cụ Cầu ngay đi mọi người!
Thầy Nhị nghênh ngang bước lại. Nhìn thấy cái đùi gà trên bàn cỗ. Ông ta tiện tay chợp lấy rồi nhai ngấu nghiến. Bên cạnh việc thầy Nhị nổi tiếng về tài pháp,người này cũng bậc nhất với khả năng ăn chẳng biết no.
– Thế nào! Gọi ta đến đây có việc gì!?
Cụ Quan chống gậy, tay còn lại ông hướng về phía sân sau:
– Mời thầy theo tôi.
Mưa bắt đầu đổ xuống trên những mái tìm. Ở vùng này, rất hiếm khi mưa giông vào giữa tháng tư. Nhưng điều đang xảy ra, có thể là điềm báo cho vô số hiện tượng lạ sắp xảy tới ở tương lai gần.
Đến căn phòng u tối của cụ Cầu, cô Thùy đang ôm cha khóc nức nở. Thầy của bác tôi ngồi xuống bên giường. Ông đưa tay kiểm tra cái xác đang lạnh dần và đảo mắt để quan sát. Với kinh nghiệm y thuật lâu năm của mình, ông đoán ra ngay cụ Cầu không phải mới vừa mất, ít nhất cũng đã gần nửa tiếng trước.
– Này cô! Thấy cha như vậy, sao cô không đi báo liền? – Thầy Sửu gặng hỏi.
Bác tôi chạm nhẹ vào lưng vị thầy ấy, ông nhếch lông mày ra ám hiệu. Thầy Sửu ngờ nghệch, nhưng cũng hiểu ngay đang có sự tình uẩn khúc.
Cùng lúc ấy, cụ Quan và nhiều người trong nhà đi vào. Vừa trông thấy em mình đang nằm đó, da tái, người cứng đờ, cụ Quan không kiềm được nỗi đau. Đôi chân ông run lên, từ từ bước lại.
– Em…Em trai ta!!!
Bỗng, thầy Nhị đưa tay ra ngăn cản.
– Cụ đây chắc tầm trung thọ, đừng nên lại gần, sẽ ảnh hưởng đến nguyên khí! Khi vừa đến cổng nhà, ta đã thấy có khí người ch.ết bốc ra ngùn ngụt. Hẳn là người này nằm xuống cũng hơn một nén nhang.
Nghe vậy, cụ Quan dừng bước. Ông ta nhíu cặp chân mày bạc trắng lại, đưa đôi mắt chăm chăm nhìn thầy Nhị:
– Tận một nén nhang trước à?