Phần 4: Chim sa cá lặn
Ông bước vào trong, hơi lạnh bất giác phà phà. Ở đây, ngoài một màu tăm tối, bác tôi chẳng còn thấy gì khác cả. Ông chắc mẩm trong bụng; Có khi cái thứ ban nãy là một con tà sống ở chốn hoang vắng, chờ người đi qua rồi bức hại, do vậy, không nên tò mò mà tìm nó nữa. Bác tôi vội vã rời khỏi đấy, men theo bờ để về lại thuyền.
– Sao rồi cậu Hoàng?
– Ừm ổn chú! Tìm được một bụi. Về thôi! Qua giữa giờ Dậu thì lại mệt.
Ông Cường nhìn bác tôi:
– Chà! Cậu Hoàng cũng biết mấy cái tích đó à?
– Ông bà xưa căn dặn sao thì mình nghe vậy thôi chú ạ.
– Ừ. Phải. Sống gần sông hồ, thì nên tránh giấc chạng vạng. Mà…Thôi! Đừng nhắc tới chuyện này nữa. Nhìn xung quanh tối hù, tôi thấy ớn quá!
Bác tôi đã không kể cho ông Cường nghe về thứ ông thấy lúc nãy. Một phần vì bác tôi chưa rõ đó là gì nên không muốn vội kết luận. Một phần nữa lời nói của ông có sức ảnh hưởng, nếu ông Cường nghe, sau đấy đi kể người khác, lại gây nên hoang mang cho dân trong cái vùng ven sông này.
Chẳng bao lâu, ông Cường cũng đưa bác tôi về lại nhà gia chủ.
Vậy là bài thuốc đầu tiên đã hoàn tất. Trong những ngày tiếp theo, bác tôi đều đặn cho cụ Cầu uống và theo dõi tình hình. Đúng thực, có hiệu quả bất ngờ. Chỉ mới chưa đầy một tuần lễ, cụ Cầu đã bớt ho, ông có thể ngồi dậy được. Ai trong nhà đều mừng rỡ và thêm phần thán phục tay nghề của bác tôi.
Một ngày mới lại đến ở chốn làng quê ven sông. Hôm nay là ngày tổ chức Tiên Thường cha Cụ Cầu và Cụ Quan. Theo phong tục, con cháu trong nhà sẽ cùng làm lễ xin phép Thổ Công để mời gia tiên nội ngoại về hưởng giỗ vào ngày mai.
Ai ai đều bận rộn cả. Người lau dọn bàn thờ, người chuẩn bị đồ làm lễ phục vụ việc cúng bái vào chiều nay.
Bác tôi do bận công chuyện gia đình nên mới từ huyện về lại làng. Đến đầu ngõ, thấy đám trẻ con đang ồn ào, ông tiến lại xem thử.
– Đánh nó đi! Đánh nó đi!
– Cố lên! Cố lên!
Một thằng nhóc đang đá đấm liên tục vào thằng nằm bên dưới. Thằng ấy chỉ biết ôm đầu chịu đòn. Bác tôi nhíu mày, ông dự phải bước đến can ngăn.
Bỗng, thằng Sang từ đâu chạy tới. Nó đạp thằng kia văng ra. (Sang là đứa trẻ trong nhà cụ Quan, nuôi chim nhồng)
– Mắc mớ gì tụi bây đánh nó!!!
Bọn trẻ xóm này đều ngán thằng Sang, bởi tính cách khá dữ dằn cũng như uy thế gia đình nó.
– …Tụi em xin lỗi…
– Tại tụi em đang chơi thì thằng này nó xen vào…
Sang quát lên:
– Tụi bây không cho nó chơi chung được hả!?
– Dạ…Dạ…
– Cút hết! Tao còn thấy đứa nào ăn hiếp thằng Khờ thì biết tay tao!
Đám trẻ con lủi thủi rời khỏi, chẳng đứa nào dám mở miệng hó hé. Bác tôi đưa tay chống cằm, ông mỉm cười: “Chà! Thì ra thằng bé tinh nghịch này lại là một anh hùng nhí có máu nghĩa hiệp như vậy.”
Sang đỡ thằng Khờ lại gốc cây cho nó dựa vào. Bác tôi bước lại gần.
– Để xem nào!
– A! Chú Hoàng! Chú lại coi giùm bạn con đi! Sao hôm qua con không thấy chú ở nhà?
Bác tôi lấy chai dầu ra, ông thoa lên cái gò má đang sưng tấy của thằng nhóc “ngơ ngơ ngáo ngáo”.
– Chú có việc nên về huyện. Nay không đi học hả?
– Dạ. Do nhà có cỗ nên mẹ xin cho con nghỉ.
– À…Mà…đây là bạn con hả Sang?
– Dạ đúng rồi! Đây là thằng Khờ! Con của cô Út hàng xóm. Ê! Chào chú tao đi Khờ!
Thằng bé ấy đưa đôi mắt ngây dại nhìn bác tôi:
– Chú…Chào…
Bác tôi đoán ra ngay đứa trẻ này mắc chứng “ngũ trì”. Ông lắc đầu:
– Hời…Thật là đáng thương.
– Dạ. Trong xóm mình, chẳng đứa nào chịu chơi với nó hết á! Con thấy tội nó lắm, nên con…
Bác tôi đặt tay lên vai Sang:
– Con là một đứa trẻ tốt bụng đấy! Con cứ tiếp tục làm những điều tốt đẹp như thế này nhé!
Bỗng, Sang đưa miệng lại gần tai bác tôi, nó khẽ nói:
– Thằng Khờ tuy hơi ngớ ngẩn. Nhưng mà…Nó…nó thấy được vong đó chú Hoàng!
Bác tôi chớp đôi mắt:
– Hở? Sao con biết?
– Đi từ từ về, rồi…con kể chú nghe. Sắp tới giờ cơm á, mẹ con mắng. Khờ! Về thôi mày!
Bạn đang đọc một tác phẩm của tác giả Hoàng Ez – Biên tập Phạm Đào Hoa
Bác tôi cùng hai đứa trẻ bước trên con đường làng. Ở cái giấc trưa trời đứng bóng, ai cũng trong nhà chuẩn bị cơm nước. Thằng Khờ đi trước, nó vừa ngước ngước nhìn mây, vừa đưa tay hái cỏ hoa dại ven đường.
– Chuyện là vầy nè chú Hoàng. Hồi hôm Tết, con với mấy bạn đi lên xóm trên chơi á, mà lúc đó không có thằng Khờ theo. Xong rồi tới chiều chuẩn bị về, thì phát hiện thằng Mẹo không biết biến đâu mất tiêu. Tụi con đi tìm quá trời luôn, mà chẳng thấy nó. Tới tối, cha mẹ nó soi đèn chạy kiếm, cũng thua luôn. Qua ngày hôm sau, con gặp thằng Khờ, con lo cho bạn con quá nên kể thằng Khờ nghe, mặc dù con nghĩ thằng Khờ nó không hiểu gì đâu.
– Xong rồi, tự nhiên thằng Khờ rủ con lên xóm trên. Nó chỉ tay về phía rừng tre, nó nói là có mấy con ma bóng trắng đi vô đó. Lúc đầu con thấy không tin với nghe cũng sợ dữ lắm. Con chạy về nói cha mẹ thằng Mẹo liền luôn. Mấy người đó ào ào đi theo con. Cuối cùng, y như lời thằng Khờ. Mọi người phát hiện thấy thằng Mẹo nằm trong bụi tre á! Ghê ở chỗ, mồm nó ngậm toàn c*t bò! Cha mẹ nó hoảng quá, mang dao mang rựa ra chặt tre, xong, đưa nó khỏi cái bụi. Lúc mà thằng Mẹo tỉnh lại, nó kể có người rủ nó đi ăn kẹo mạch nha, rồi thì nó không nhớ gì nữa. Từ chuyện lần đó, con tin thằng Khờ thấy được ma luôn đó chú Hoàng!
Bác tôi im lặng, ông ngờ nghệch nhìn thằng bé ngẩn ngẩn ngơ ngơ đang đi đằng trước. Ông nghĩ, Sang là trẻ con, nên nó chẳng đặt điều nói dối vì mục đích gì. Còn chuyện thằng Khờ thấy được vong, chỉ duy nhất nhóc Sang biết. Cha mẹ thằng Mẹo hôm ấy đi theo, cũng là vì nghĩ đám trẻ này đã cùng nhau rong chơi, nên xác định được chỗ, chứ có thể họ chẳng nghĩ thêm gì nữa. Mà đúng thật, thường thì người bị khuyết mất khả năng nào đấy, họ đều được ông Trời bù lại bằng những cảm quan đặc biệt.
Bác tôi gật gật đầu:
– Ừm…Chú tin con.
Đến gần cổng nhà cụ Quan. Sang đưa tay chào tạm biệt thằng Khờ. Chợt, thằng bé ấy có biểu hiện lạ. Nó nhảy tưng tưng lên, hai tay thì vỗ vào nhau liên tục.
– Thích quá! Thích quá! Nhà sắp có cỗ lớn! Sắp có nhiều cỗ lớn!
Bác tôi và nhóc Sang nhìn nhau.
– Gì vậy Khờ? Mày nói gì á? Sao mày biết nhà tao chuẩn bị có giỗ?
Thằng bé ấy nghiêng nghiêng cái đầu, nó chỉ chỉ ngón tay về phía cây cột trước cổng.
-Treo nhiều cờ quá! Nhiều cờ quá!
Thằng Khờ vừa nhảy như con chim chích, vừa vỗ tay bộp bộp, nó từ từ vào trong nhà cô Út trước sự ngờ ngợ của bác tôi và nhóc Sang.
– Con hiểu nó nói gì không?
– Dạ? Thua!
Nhóc Sang đến bên mấy bụi huỳnh liên, nó ngó qua ngó lại cái cổng.
– Kì vậy ta? Làm gì có treo cờ?
Bác tôi cười, ông bước lại:
– Haha. Chắc là cô Út nói cho thằng Khờ nghe, ngày mai nhà con tổ chức Chính Kỵ ấy mà.
Đôi mắt nhóc Sang chợt ánh lên một chút lo lắng.
– Nhưng…Thằng Khờ rất ít khi như vậy chú Hoàng ơi…Con sợ…Sắp có chuyện gì á…!
– Haha. Thôi! Đừng như ông cụ non nữa. Vào nhà còn ăn trưa!
…
Đến chiều, có mấy đoàn người ăn mặc sang trọng tới nhà cụ Quan, họ đem theo quà cáp, đồ lễ. Đây là bà con, anh em bằng hữu thân thiết với nhà cụ, họ từ huyện lớn đến để dự giỗ.
Bác tôi cũng được mời, nên sau khi cho cụ Cầu uống thuốc xong, ông lật đật về phòng chuẩn bị quần áo chỉnh tề. Sở dĩ không đưa cụ Cầu ra ngoài dự lễ chung, là vì bệnh của cụ rất kỵ với gió, cần phải nằm trong phòng kín để đảm bảo sức khỏe.
Ở ngoài sân chính chỉ đặt có mấy bàn, ngày mai gia đình mới mời xóm giềng. Tuy vậy, tại gian giữa đồ cúng đã tươm tất, lễ vật nhiều, bàn kéo dài đến tận ngoài sân.
Cụ Quan chống gậy, ông ta bước đến bàn thờ gia tiên. Bên cạnh là ông Bách (Con trai trưởng), tay đang giữ tờ văn khấn.
Bác tôi cùng nhiều người khách đứng một bên, người nhà cụ Quan thì đứng một bên.
Phía trên trời xế tà, cái màu tím tía của không gian trùm lên những món đồ cúng, khiến chúng thêm phần huyền bí đến lạ. Nào là phẩm oản, xôi chè, trầu câu, trái cây, rượu nước,…Nhưng bác tôi đặc biệt chú ý đến một thứ, đó là cặp hình nhân bằng giấy nằm ở trung tâm. Thật sự cũng chẳng có gì để lấy làm lạ, nhưng bên dưới cặp hình nhân ấy, là một chiếc thuyền mã. Dường như, nó ngầm ẩn chứa ý nghĩa sâu xa nào đó…
Cụ Quan rít một hơi thuốc rê, ông đưa cốc trà cho người hầu. Cụ bắt đầu đọc văn khấn.
Lúc này, trong sân ai ai cũng im lặng lắng nghe. Nhang khói mờ ảo từ từ lan tỏa khắp khoảng sân rộng.
Giọng khàn khàn của cụ Quan vẫn cất lên, ông đã sắp đọc đến đoạn cuối văn khấn Thần.
– …Kính thỉnh các Tiên Linh, Gia Tiên chúng con…
Bỗng, một trận gió không biết từ phương nào thổi tới. Những ngọn đèn cầy trên bàn vụt tắt. Mọi người bắt đầu ngước ngước nhìn chung quanh.
Đột nhiên, có tiếng vỗ cánh phành phạch. Từ đâu, một con nhồng sà xuống bàn cúng. Ai nấy đều kinh ngạc khi thấy nó. Nó không hề giống như những con nhồng họ từng thấy, lông nó đen tuyền bóng lóa, nơi yếm cổ là một màu đỏ au như m.á.u.
Mọi người chưa kịp làm gì, con nhồng ấy đã gắp cặp hình nhân bằng giấy lên, nó vỗ cánh bay đi.
Cụ Quan nghe sau lưng ồn ào, ông xoay đầu lại. Bất ngờ, ông quát to:
– Chặn nó lại cho tao!!! Chặn nó!!!
Đám trẻ con nghe thấy thế, chúng chạy ngay vào nhà lấy giàn ná. Nhiều người trong sân cũng nhặt đá ném về phía con vật kia. Nhưng chẳng kịp làm gì thêm, nó đã bay mất hút sau những mái nhà.
Cụ Quan nghiến răng:
– Không..Không xong rồi!
Cùng lúc ấy, bỗng nhiên, mọi người nghe thấy, nước trong cái hòn non bộ gần nơi họ đứng phát ra âm thanh sùng sục.
Mọi người vội chạy lại nhìn vào. Thật quái dị, bọn cá bên trong đều đã lộn ngược. Chúng phơi cái bụng trắng phau lên rồi dần dần chìm xuống đáy…
(Phân tích thêm về phần truyện: Hiện tượng “Chim sa cá nhảy” thường báo hiệu về điềm gỡ, tuy nhiên, tại trường hợp này lại là “Chim sa cá lặn”. Theo quan niệm tại địa phương trong truyện, “chim sa cá lặn” vừa mang hàm ý về điềm rất tồi tệ, cũng vừa mang hàm ý mô tả nhan sắc người phụ nữ đẹp. Tuy nhiên, khi hiện tượng “chim sa cá lặn” xuất hiện, tai ương còn hơn cả “chim sa cá nhảy”. Để biết thêm chi tiết, mời đọc những phần sau).