Tang Trùng Tang – P1

Một sáng hè ngày Chủ Nhật, tôi ngồi nhấm nháp tách cà phê ở quán cóc thân quen đầu ngõ.

Có mấy chú đỗ xe máy lại trước cái cây to gần đấy. Những người này kéo lá cờ tang lên. Chưa khi nào, tôi lại sợ nhìn thấy cái thứ nặng màu sầu bi ấy như lúc này.

-Chu choa…Mới gần nửa tháng, mà nhà ông Hùng đã có tận 3 người “đi khỏi”… – Bà chủ quán đang pha trà, nhìn nhìn ngó ngó nói vọng ra.

Tôi im lặng. Quả thực, lá cờ này vừa kéo xuống, lá cờ khác đã treo lên. Đó có đơn thuần chỉ là một sự ngẫu nhiên? Điều gì đang xảy đến với cái gia đình chỉ cách nhà tôi vỏn vẹn mấy căn?

– Hoàng!

Tôi giật mình thoát khỏi mớ suy nghĩ mông lung. Bác hai nhà tôi bước lại, ông ôm bộ cờ tướng.

– Làm vài ván không?

Bác tôi cũng tên Hoàng, trùng với tên tôi. Ông năm nay đã gần sáu mươi, là một thầy thuốc khám chữa bệnh miễn phí cho bà con nghèo. Một trong những người mà tôi kính nể và quý mến nhất trong dòng họ.

– Haha dạ…!

Bác tôi đặt bàn cờ xuống, ông ta nhìn ra ngoài. Bỗng, bác hỏi tôi:

– Có bao giờ nghe về thứ được gọi là “trùng tang” chưa?

Tôi ngờ ngợ đáp:

– Dạ…Ờ cũng có. Nhưng mà…Cũng không rõ lắm…Bác nghĩ nhà ông Hùng gặp trùng à?

Bác tôi đăm chiêu, ông lắc đầu:

– Chỉ có lập phép tính, mới biết gặp trùng hay không. Với cả, trùng tang là một khái niệm mang tính phổ quát. Mỗi vùng miền, mỗi tín ngưỡng, mỗi quan niệm tâm linh đều có cách nhìn nhận rất khác nhau.

Tôi gật gật đầu lắng nghe bác Hoàng lý giải.

– Và chính bác ngày xưa cũng đã từng trải qua, một chuyện về trùng tang, một chuyện thời còn trẻ, mà cho đến tận bây giờ, bác vẫn nhớ rõ như in. Con muốn nghe không? Có thể, nó sẽ làm thay đổi suy nghĩ của con về điều ấy…

– Dạ, được! Bác kể đi!

Lưu ý: tác phẩm bạn chuẩn bị đọc là một câu truyện dựa trên tích có thật, nhưng đã được tác giả hư cấu hóa. Các địa danh và nhân vật đều buộc thay đổi tên. Bạn đọc đảm bảo đã trên 16 tuổi.

Tác phẩm: Tang Trùng Tang

Tác giả: Hoàng Ez

Biên tập và cố vấn tâm linh: Phạm Đào Hoa, Duy Nguyễn, thầy Vũ Anh

Tháng Tư năm Canh Ngọ 1990, người nhà cụ Quan mời lương y Sửu về xem bệnh.

Thầy Sửu là thầy thuốc nổi tiếng ở cái huyện này, cũng là sư phụ của bác tôi thuở ấy.

Bác tôi năm đó hai mươi tám, tuy vẫn còn trẻ, nhưng kiến thức chăm sóc bệnh nhân và bốc thuốc phải gọi là tài tình. Chính vì lẽ ấy mà lương y Sửu dẫn cả bác tôi theo, để vài học trò ở lại trông hiệu thuốc.

Nhà cụ Quan nằm trong làng Minh Thị, ngôi làng với người dân chủ yếu làm nông nghiệp và đánh bắt cá bên nhánh của sông Thạch Hầu.

Ở nơi đây, gia đình cụ Quan được xem là giàu có nhất, còn dựng riêng một nhà rường chỉ để thờ tổ tiên ở phía Tây ngôi làng. Nhưng đằng sau sự quyền quý ấy, là cả một gia đình vẫn còn mang hệ tư tưởng phong kiến và những bí mật ít ai được biết…

– Mời hai thầy vào nhà ạ! – Bà Hợp cùng ông Bách ra đón thầy Sửu và bác tôi vào trong. Họ đều là con của cụ Quan.

Ngôi nhà với mái ngói đã cũ màu, tường vách kiên cố, trong khoảng sân rộng lát đá dặm bước đặt vô số chậu kiểng cảnh giá trị, để mà nói thì, đây là điền hình cho một ngôi nhà cực kỳ khang trang vào cái thời bấy giờ.

Vừa thấy lương y Sửu và bác tôi, cụ Quan đặt cơi trầu qua một bên, ông chống gậy lật đật đứng lên.

– Thầy Sửu đã tới rồi! Bọn bây đâu! Lấy ghế và mang trà nước ra đây!

Thầy Sửu vội tiến tới, đưa tay đỡ người cụ Quan.

– Được, được rồi bác! Không cần phải khách sáo…Mà chẳng hay, bác Cầu – em trai bác thế nào rồi?

Đại mang ấm trà nóng vừa pha ra, anh ấy đặt lên bàn.

– Mời thầy dùng rồi vào xem bệnh giùm cha con.

Cụ Quan tỏ vẻ khó chịu, đưa mắt lườm anh Đại.

– Việc gì cũng phải từ từ! Thầy Sửu đi đường xa, mày phải để thầy nghỉ ngơi một chốc!

– Dạ…dạ…Con xin lỗi. Vì con lo cho cha con quá…

Thầy Sửu đưa tay lên:

– Thôi bác! Đừng rầy nó, nó vẫn còn nhỏ. Tôi đến để xem bệnh, nên đó cũng chính là điều tôi phải gấp rút làm. Dẫn tôi vào trong gặp cụ Cầu đi!

Anh Đại là con trai của cụ Cầu. Sơ lược về anh Đại; người này năm nay hai mươi tư tuổi, đang làm việc ở một hợp tác xã ngoài huyện. Tính tình anh hiền lành, chân chất, ai cũng quý mến, ngược lại với mấy người chị cùng cha khác mẹ của anh.

Về cụ Cầu, cụ có hai vợ, vợ nhất sinh ra 3 người con gái. Đấy cũng là lý do cụ Cầu lấy thêm cô vợ trẻ, và đúng như ý ông muốn, người sau sinh con trai cho ông là anh Đại.

(Vì truyện có nhiều nhân vật và mối quan hệ gia đình phức tạp, tác giả sẽ thường chú thích để giúp độc giả có thể theo dõi dễ dàng nhất)

Mới đến gần buồng cụ Cầu nằm, mọi người đã nghe thấy tiếng ho ằng ặc vọng ra.

Bước vào trong, thầy Sửu ngồi xuống bên giường. Nhìn sắc mặt xanh xao của cụ Cầu, thầy không khỏi quan ngại.

– Hai hôm nay bác ăn uống có vào không?

Cụ Cầu ho một phát, ông đáp lại với giọng nghèn nghẹt như thứ gì đang mắc ở cổ.

– Tôi cảm giác giống bị khúc gỗ chèn lên người…Nên khó thở quá…Ăn uống cũng khó lắm thầy ạ…Ặc…ặc…

Sau hơn nửa tiếng đồng hồ bắt mạch chẩn bệnh, kiểm tra các huyệt. Thầy Sửu đứng dậy, ông lắc đầu rồi đi thẳng luôn ra ngoài.

– Sao rồi thầy ơi!? Cha con thế nào?

– Cha con có làm sao không thầy ơi!!

Vị lương y đưa tay lên:

– Mấy con vào trong đi! Thầy có việc riêng cần phải nói với cụ Quan!

Bác tôi cùng hai người đàn ông ấy ra ngoài sân.

– Thưa thầy, có phải tạng phế của cụ Cầu bị điền trướng đúng không? – Bác tôi hỏi.

Thầy Sửu vẫn còn đăm chiêu, ông buông tiếng thở dài:

– Không! Bác ấy đang mắc bệnh, một chứng bệnh lạ, thật sự rất lạ! Cả đời hành nghề, thầy chưa bao giờ gặp trường hợp này bao giờ!

Cụ Quan một tay chống gậy, một tay ngắt mấy chiếc lá sâu trên cành. Nhìn ông ta điềm tĩnh như thể đã đoán trước được vị lương y sẽ cho câu trả lời như vậy. Nhưng, chỉ có bác tôi mới thấy được điều này, còn thầy Sửu vẫn đang bận tâm suy nghĩ, nhìn về hướng khác.

– Bác! Tôi có ý này!

Cụ Quan nhìn vị lương y.

– Dạo gần đây, tôi bận nhiều công chuyện. Hay là…Tôi để cậu Hoàng ở lại chăm sóc, theo dõi tình hình bệnh của em bác. Bác thấy thế nào?

Khuôn mặt cụ Quan ánh lên chút hy vọng.

– Được vậy thì tốt quá! Tôi nghe danh cậu Hoàng tài không đợi tuổi đã lâu. Nay thầy có ý như vậy, tôi xin nhận…Chỉ là…

– Bác cứ nói!

– Tôi e…Bệnh của em tôi không thể chữa. Chỉ làm mất thời gian của hai vị. Vả lại, tôi biết cậu Hoàng còn bận nhiều việc gia đình và ở hiệu thuốc…

Bác tôi lên tiếng:

-Cụ đừng có lo! Dẫu là ai, thì chuyện chữa bệnh cứu người vẫn là trên hết. Gia đình tôi cách đây cũng không xa. Còn viêc ở hiệu thuốc…

– Đã có thầy và các đệ con lo rồi! – Vị lương y đặt tay lên vai bác tôi. Ông ta nói tiếp:

– Phải như vậy mới an tâm được bác ạ! Nhỡ chuyện gì xảy ra đột ngột, có cậu Hoàng ở đây còn trở tay kịp…

Cụ Quan cúi đầu cảm tạ.

– Nếu hai thầy đã có ý, tôi đây không dám chối từ! Thú thật, dạo gần đây, sức khỏe của tôi cũng chẳng được tốt lắm…

– Để tôi sắp xếp một phòng tốt cho cậu Hoàng ở lại. Tụi bây đâu!!

Thầy Sửu dẫn bác tôi đến bên cái cây si cổ thụ trong sân nhà, ông khẽ nói:

– Lần này là cơ hội để con thử sức. Thầy rất mong con có thể tìm ra phương thức chữa căn bệnh lạ này và ghi chép lại, điều đấy là quan trọng, vì ta còn giúp được những người sau.

– Cảm ơn thầy đã tin tưởng con nhiều tới vậy. Con sẽ cố thưa thầy!

– Tốt! Tốt lắm! Trước mắt, thầy sẽ về kê đơn bồi bổ Kinh Âm cho cụ Cầu trước, rồi cho thằng Lập mang tới cùng đồ đạc và vài quyển sách mà ta nghĩ, nếu con nghiền ngẫm sẽ có ích…

…………….

Bạn đang đọc một tác phẩm của tác giả Hoàng Ez – Biên tập Phạm Đào Hoa

Bác tôi nhận lấy vai trò như một thầy lang riêng cho gia đình cụ Quan. Điều này cũng không có gì là lạ, vì trước đây, mỗi khi người nhà ai trong vùng này có bệnh nặng, bác tôi đều ở lại dăm ba hôm, tận tình theo dõi và chăm sóc.

Sau khi tiễn thầy Sửu theo xe về huyện, bà Hợp và ông Bách dẫn bác tôi đến phòng mà ông sẽ ở lại trong thời gian tới.

Đôi nét về bà Hợp và ông Bách; hai người này đều là con của cụ Quan và đã lập gia đình. Bà Hợp làm nghề giáo trong làng, bản tính hiền lành, hay quan tâm người khác nên những hôm không có buổi dạy, bà ta đều ở nhà chăm sóc cụ Quan và mọi người. Ngặt nỗi, bà lấy chồng đến nay đã mấy chục năm, nhưng cả hai vẫn chưa có lấy một đứa con đầu lòng.

Ông Bách thì hơn bà ta tận 7 tuổi, tính tình cũng thảo như em gái mình, đang làm chủ một xưởng mộc trong làng, nhưng vì mang phận con trai trưởng, nên trong nhà có chuyện gì lớn nhỏ, ông đều phải đứng ra gánh trọng trách.

– Thấy chỗ này có ổn không cậu Hoàng? Do lâu ngày chưa ai ở, nên hơi bụi bặm một tí. Để lát tôi sai người làm vào dọn! – Ông Bách nói.

Bác tôi cười:

– Thôi không sao. Phiền cô chú quá. Để tôi tự sắp xếp là được rồi.

– Hì hì! Cậu Hoàng đừng ngại. Cậu là khách quý của nhà tôi mà. – Bà Hợp xếp chiếc chăn và gối mới lên cái giường gỗ.

Bỗng nhiên, từ bên ngoài hiên, một giọng như trẻ con the thé vang lên:

“C.hế.t chùm hết cả lũ! Ch.ết chùm hết cả lũ!”

Cả 3 người đều giật mình.

– Hả? Ai đang nói vậy cô chú?

Họ cùng bước ra ngoài xem thử. Hóa ra, phía trên có cái lồng chim. Con nhồng ở bên trong, vừa nhảy vừa giả tiếng người.

“Chế.t chùm cả lũ!….”

Ông Bách bực mình, lấy cục đá phang lên.

– Hừm! Chắc là con chim thằng Sang nuôi chứ gì nữa! Đúng là thằng nghịch ngợm, dạy nói bậy nói bạ!

Đôi nét về nhóc Sang; cu cậu năm nay tám tuổi, mỗi ngày đều đi học ở trường làng nên ít khi có nhà. Thằng bé rất tinh nghịch và lém lỉnh, nó thích bày trò để chọc phá mọi người. Phòng nó và hai chị ruột của nó kế bên phòng bác tôi. Nhóc Sang là con của bà Uyên – Bà Uyên là một trong 3 người con gái của cụ Cầu.

– Để chiều cha nó làm về, em mắng vốn cha nó! Thằng quỷ nhỏ này chỉ sợ ông Hoài thôi! – Bà Hợp cằn nhằn xong thì quay sang cười với bác tôi:

– Không có gì đâu cậu Hoàng. Ở cái nhà này tuy đông người, nhưng cũng ít xào xáo lắm. Cậu cứ tập trung chăm cha và chú tôi là được rồi.

…..

Buổi chiều, thằng Lập mang đồ đạc tới.

Sau khi nấu thuốc xong, lúc chờ nguội, bác tôi đi ra ngoài hóng gió. Ông chẳng hiểu vì sao, những lúc bên trong căn nhà rộng lớn của gia đình cụ Quan, ông luôn cảm thấy ngột ngạt và lạnh lẽo đến lạ thường.

Đi dọc theo con đê, bác tôi đưa mắt ngắm nhìn khúc sông xanh xanh trôi yên ả. Trên trời, nắng đã nhạt, những cụm mây cuối ngày bay lang thang về phía ngọn núi xa.

Chợt, bác tôi ngửi thấy mùi thuốc lào khen khét phảng phất trong gió. Ông đi thêm một đoạn thì bắt gặp ai đấy đang đứng trên cái gò đất cao.

Bác tôi kinh ngạc, là một vị cô nương, cô ấy đang miên man rít từng hơi thuốc trong cái điếu cày bằng gỗ.

Thấy lạ, bác tôi thử lại gần hơn một chút. Ông lại tiếp tục thêm phen hú vía. Người con gái này có mái tóc dài đến tận hông, nhưng điểm lạ là mái tóc bồng bềnh ấy mang màu xanh của nước xen lẫn vài sợi bạc. Làn da cô trắng tựa màu mây. Mặc trên mình là bộ áo đen tà dài, những hoa văn kỳ lạ được thêu dệt cực kỳ tỉ mỉ. Bác tôi nói rằng, cuộc đời ông, chưa gặp ai xinh đẹp đến như vậy.

Chợt, cô gái ấy đưa mắt lườm bác tôi:

– Nhìn gì đấy nhóc con?

Bác tôi kinh ngạc, sao người này trẻ cũng ngang ngửa tuổi ông lúc ấy, mà lại xưng với ông một cách kỳ lạ thế kia? Bên cạnh đó, giọng của cô gái này, nghe chẳng thể đoán được là đến từ vùng nào.

– Á à! Để ta xem!

Bỗng, cô ấy đi vòng quanh bác tôi, cô ta hết nhìn xuôi lại nhìn dọc.

– Hay quá! Mi có căn hợp với ta đấy! Mi có muốn làm đệ tử cuối cùng của ta không?

Bác tôi ngơ ngác:

– Này cô! Cô nói cái gì vậy??? Cô phải người làng Minh Thị không?

Chợt, người con gái ấy quát lên:

-Cha chả to gan!!! À, xin lỗi nhưng sự thật là…Ta còn hơn tuổi bà mi ở nhà đấy!! Cô cái gì mà cô! Gọi ta là thầy đi!

Lẽ ra bác tôi sẽ tỏ ra khó chịu khi thấy một người ăn nói lạ lùng, hay nói cách khác là thiếu lễ độ như vậy. Nhưng, chẳng hiểu vì lý do gì, ông bỗng cảm thấy kính sợ con người này một cách khó hiểu.

– À…Ừm…Mà…Mà cho tôi hỏi…Cô…À không…Thầy là thầy gì? Trông cách ăn mặc của thầy lạ quá???

– Cha chả! Mi cũng không được gọi ta là thầy! Ta đã dạy mi ngày nào đâu!?

Bác tôi bắt đầu cảm thấy khó xử, ông chẳng biết phải đáp lại thế nào cả.

– Nghe đây nhóc con! Dưới khúc sông này có rất nhiều tinh tà lâu năm. Nếu không sớm diệt trừ, ắt làng mi có đại họa! Còn không mau quỳ xuống mà bái ta làm sư phụ!!!

(Lưu ý: Truyện được xây dựng dựa trên lời kể của bác tôi, tuy nhiên, có một số tình huống sẽ không có mặt ông, nhưng ông vẫn thuật lại được vì sau tất cả, ông được biết từ những người có liên quan)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *