Tản mạn về những góc khuất của phong trào Tây Sơn.Bài viết này không nhằm mục đích h…

Tản mạn về những góc khuất của phong trào Tây Sơn

Tản mạn về những góc khuất của phong trào Tây Sơn.
Bài viết này không nhằm mục đích hạ bệ, hay đánh đổ vai trò lịch sử của phong trào nông dân Tây Sơn, ngược lại chúng tôi cho rằng phong trào này có rất nhiều tiến bộ; như lật đổ các thế lực phong kiến Trịnh – Nguyễn đang trên đà suy thoái, đánh bại các âm mưu xâm lược của ngoại xâm như Xiêm La, Mãn Thanh… Thế nhưng, lịch sử luôn có những mặt trái của nó, và vai trò lịch sử của phong trào Tây Sơn không chỉ là một “màu hồng” nó vẫn còn có những góc khuất, những góc khuất tác động tiêu cực đến lịch sử.
Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường có thể là người đầu tiên đụng đến những góc khuất của phong trào khởi nghĩa[1], phải đến hơn 20 năm sau mới có người lại đề cập đến những góc khuất này, đó là giáo sư Trần Quốc Vượng[2]. Gần đây chủ đề về mặt trái của Tây Sơn lại được khơi gợi từ sử gia George Dutton (Đại học Califonia), tuy nhiên công trình của ông vẫn chưa được in thành sách mà Nguyệt Cầm chuyển ngữ sang tiếng Việt. Hiện nay, nền sử học trong nước cũng đang trải qua thời kỳ “phản tỉnh” mạnh mẽ, bằng một loạt các trào lưu đánh sự kiện, hiện tượng và nhân vật lịch sử như đánh giá lại về nhà Mạc, nhà Nguyễn… Thế nhưng, cho đến nay việc “soi rọi” những góc khuất của phong trào Tây Sơn vẫn còn chưa được nhiều người chú ý, bài viết này hy vọng đóng góp một phần vào mục tiêu ấy.
  1. Từ Hội An, Quảng Nam…
Trong khí thế của một cao trào phản kháng đang lên, của một đội quân – đa dạng, đủ thành phần nhưng phần lớn xuất thân từ những nông dân, thảo khấu – lúc nào cũng hừng hực khí thế chiến đấu trước kẻ thù, thì dù là một đội quân “cướp của người giàu chia cho người nghèo” không thể tránh khỏi sự quá đà trong những lần chinh chiến trên chiến trường. Trong những năm 1773 – 1775, cuộc nổi dậy mang tên Tây Sơn (bắt nguồn từ Bình Định) đã nhanh chóng lan đến Quảng Nam, trong suốt thời gian đó Quảng Nam là vùng đất tranh chiếm và giằng co quyết liệt giữa Tây Sơn với chúa Nguyễn và sau này là với quân Trịnh (Đàng Ngoài). Chính trong thời gian này, người ta chứng kiến được những cảnh cướp phá và vơ vét của những đội quân với tinh thần “cách mạng” thái quá, tiếc thay sử liệu minh chứng cho những sự kiện này không phải xuất hiện từ phía nhà Nguyễn (vốn có tư tưởng thù địch với Tây Sơn), mà từ chính các nhà truyền giáo, các thuyền buôn nước ngoài, những người trực tiếp chứng kiến cảnh tượng ấy.
Trong một bức thư viết khoảng tháng 7 năm 1775, Đức cha Halbout đã ghi nhận: “…Quân nổi loạn đã cướp bóc, cướp phá chẳng nương tay, đến nổi các tỉnh Cham cứ 20 người thì có 19 người chết vì bị đầy đọa khổ sở. Các giáo khu ở Hàn và Cầu Né đều không còn… Năm ngoái, ở Bầu Nghé từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch số giáo dân bị giết đến sáu trăm người… Ở một nơi khác cũng thời gian ấy, ít nhất có đến 1500 giáo dân bị giết. Suốt hai năm ròng gần như quanh tôi lúc nào cũng có người chết và hấp hối…”[3].
Cảng thị Hội An nơi trước đây là một thương cảng sấm uất với “hàng trăm thuyền bè từ các của biển Trung Hoa và Nhật Bản đến mua đường, quế hồ tiêu…” nay trong mắt nhà buôn Chapman chỉ là một cảng thị điêu tàn[4], mà đến 10 năm sau chưa phục hồi lại được[5]. Linh mục Labartette miêu tả ở Cửa Hàn (Đà Nẵng) không còn một con heo, gà, vịt, đường cát trước kia sản xuất rất nhiều nay biến mất, tiền mất giá một quan còn giá trị độ một đồng, tình trạng đói khổ ăn xin xuất hiện phổ biến trong xứ, tình trạng này còn ảnh hưởng đến cả các dòng họ tôn thất và quan quyền của triều Nguyễn trước đây[6].
Tình trạng diễn ra ở Quảng Nam không phải là cá biệt, trước đó khi chiếm Quy Nhơn năm 1773, và sau này là Quảng Ngãi quân Tây Sơn cũng nhiều lần đốt phá dinh cơ[7]. Nhưng tình cảnh ở Quảng Nam có vẻ thê thảm hơn hay chúng ta không có nhiều tư liệu cho thấy tình cảnh này ở các nơi khác? Không chỉ có các tài liệu phương Tây, hệ quả mà quân Tây Sơn gây ra đã khiến cho dân xứ Quảng Nam, như Lê Qúy Đôn ghi nhận: “…quá đỗi đói khổ cùng khốn, họ chỉ ngóng trong quân nhà vua đến giải cứu cho họ…”[8]. Nhìn vào hiện tượng này, ta thấy dường như những động cơ tiến bộ của một cuộc khởi nghĩa nông dân đã bị các hành động thái quá làm biến dạng phần nào!
  1. …đến Cù Lao Phố, Gia Định
Từ năm 1776, sau khi tạm hòa với Trịnh ở mặt Bắc, Tây Sơn bắt đầu những cuộc truy đuổi tàn dư chúa Nguyễn ở phía Nam. Ngay trong lần đầu hành quân ấy, dù không lấy được Gia Định, nhưng quân tướng nhà Tây Sơn dưới quyền của Nguyễn Lữ, như cách nói của sử quan triều Nguyễn, đã kịp vơ vét thóc lúa chở trên hai trăm thuyền về Quy Nhơn[9]. Kể từ đó, cứ hằng năm quân Tây Sơn lại đánh chiếm Gia Định, quân Nguyễn vừa chống vừa lui, hễ đại quân Tây Sơn rút về Quy Nhơn, quân Nguyễn lại đến tái chiếm, dẫn đến thế trận giằng co liên tục. Từ đây lịch sử sẽ ghi nhận chiến công của Tây Sơn trong công cuộc đánh bại chúa Nguyễn và quân xâm lược Xiêm La (1784), nhưng cũng sẽ ghi nhận cuộc tàn phá và giết chóc tàn bạo nhất của phong trào này.
Những tài liệu cho đến nay vẫn còn ghi nhận về một cuộc thảm sát chưa từng có, của quân Tây Sơn đối với các cư dân người Hoa ở Gia Định, mà nhất là Cù Lao Phố vào năm 1782. Các sử liệu của nhà Nguyễn ghi nhận, tháng 3 năm ấy, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ vào đánh chiếm Gia Định, một viên tướng của Tây Sơn là Phạm Ngạn bị quân Hòa Nghĩa (gồm phần đông người Hoa theo Nguyễn Ánh) do tướng Trần Công Chương cầm đầu giết ở cầu Tham Lương. Đáp lại, Nguyễn Nhạc ra lệnh bắt người Hoa ở Gia Định không kể quân hay dân đều giết hết, xác quăng xuống sông, thây chắt ngổn ngang đến nổi nước không chảy nổi, hơn một tháng người dân không dám ăn cá, tôm và uống nước sông[10].
Những cảnh tượng “kinh khủng” được miêu tả ở trên phần nhiều là do sự phóng đại của sử quan triều Nguyễn vốn chẳng ưa gì nhà Tây Sơn, con số “hơn vạn người” mà họ đưa ra cũng có thể phần nhiều chỉ là “thổi phồng”. Thế nhưng, bức thư của Linh mục Andre Tôn (1-7-1784) lại ghi nhận số người chết trong các cuộc tấn công của nhà Tây Sơn là khoảng từ 10000 – 11000 người, trong đó phần lớn là người Hoa[11]. Ngược lại, Linh mục Castuera, người đã có mặt ở Chợ Quán ngày 7/7/ 1782, ghi nhận chỉ có 4000 người Hoa bị giết[12]. Vì thế cho đến nay, số nạn nhân thật sự trong những cuộc thành trừng của Tây Sơn là không thể biết chính xác, nhưng một bầu không khí khủng bố đối với người Hoa ở đây là có thật, đó là lý do tại sao mà từ những năm 1778, người Hoa từ Cù Lao Phố đã bắt đầu di cư đến vùng đất Sài Gòn ngày nay và cũng kể từ sau thời kỳ bị Tây Sơn chiếm đóng, Cù Lao Phố hay Nông Nại Đại Phố, một thời thịnh đạt“trên bến dưới thuyền” trở nên hoang tàn[13].
Nguyên nhân dẫn đến cuộc thảm sát năm 1782 là gì? Tại sao Nguyễn Nhạc lại đưa ra quyết định trừng phạt người Hoa một cách tàn bạo như vậy? Đó là những câu hỏi lịch sử cần được giải đáp. Trong học giới, hầu hết các học giả như Tạ Chí Đại Trường, Fujiwara Riichiro, Huỳnh Minh và Choi Byung Wook xem việc người Hoa ở Gia Định ủng hộ Nguyễn Ánh trong cuộc chiến chống lại Tây Sơn là lý do chínhđể gây ra cuộc thảm sát[14]. Tuy nhiên, nguyên nhân của thái độ ác cảm của các thủ lĩnh Tây Sơn hay cuộc thảm sát năm 1782 lại bắt đầu từ một nguyên nhân xâu xa hơn nằm ngoài phạm vi Gia Định, là hệ quả của một chuỗi các sự kiện trước đó.
Người Hoa, ngay từ những ngày đầu xuất hiện trong hàng ngũ Tây Sơn, mà quan trọng nhất là nhóm người Hoa ở Quy Nhơn, tập hợp lại thành Hòa Nghĩa quân do Tập Đình và Lý Tài đứng đầu. Trong lúc quân Tây Sơn đánh chiếm Quảng Nam, họ gặp một nhóm người Hoa nữa chính là những khách buôn giữ vai trò quan trọng trong các hoạt động mậu dịch ở Hội An. Cũng như nhóm người Hoa ở Gia Định, nhóm người Hoa ở đây lại ủng hộ họ Nguyễn, năm 1775, khi Tôn Thất Quyền, Tôn Thất Xuân nổi dậy chống lại Tây Sơn ở Quảng Nam, một thương nhân người Hoa đã đem tiền bạc giúp sức, nhờ vậy mà quân nổi dậy cầm cự một thời gian[15]. Việc Tây Sơn tàn phá Hội An có thể bắt nguồn từ đây chăng?
Cũng trong năm này, Tập Đình bị cách chức, Lý Tài cũng ngã về hàng ngũ chúa Nguyễn[16]. Sự phản bội của Lý Tài làm Tây Sơn mất đi một lực lượng quan trọng, không khỏi gây ra sự hậm hực của Nguyễn Nhạc, từ đây ác cảm của ông với người Hoa càng sâu đậm. Sau này, người Hoa Gia Định lại càng là nguồn hỗ trợ đắc lực cho Nguyễn Ánh ớ phía Nam, và là lực lượng hăng hái nhất trong cuộc đối đầu với Tây Sơn. Đó là lý do tại sao ngay từ năm 1776, quân Tây Sơn khi mới vào Gia Định đã đánh đuổi, cướp phá của người Hoa, cho đến năm 1782, nhân cái chết của một vị tướng thân thuộc – Phạm Ngạn – Nguyễn Nhạc đã quyết tiêu diệt người Hoa, trước là để trả thù riêng, sau là muốn diệt trừ một lực lượng quan trọng đóng góp trong sự nghiệp trung hưng nhà Nguyễn của Nguyễn Ánh lúc bấy giờ.
  1. Tạm kết
Bài viết này vừa điểm lại một phần lẫn khuất phía sau hào quang của Tây Sơn, như một phong trào cách mạng, tạo nên những chuyển biến sâu sắc trong lịch sử nước nhà trong suốt thời kỳ hậu bán thế kỷ XVIII. Trong đó, chúng tôi chú ý đến những góc khuất lịch sử vẫn còn nhiều bí ấn, bài viết chỉ là một nghiên cứu ngắn về nhà Tây Sơn, những chi tiết này chỉ là một “gam màu” tối trong lịch sử của phong trào Tây Sơn. Những góc khuất này không thể che lắp và phủ định được vài trò lịch sử của Tây Sơn, nhưng tự bản thân nó giúp chúng ta nhận chân hơn lịch sử, nhìn lịch sử bằng cái nhìn tương đối và tuyệt đối không huyền thoại hóa lịch sử.
Chú thích:
[1]Tạ Chí Đại Trường, Lịch sử nội chiến ở Việt Nam (1771 – 1802), Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2012.
[2]Trần Quốc Vượng, “Mấy vấn đề về vua Gia Long”, Tạp chí Xưa và Nay, số 448, tháng 6, 2014, tr. 26 – 29 và số 450, tháng 10, 2014, tr. 14 – 18.
[3]Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Thư của các giáo sĩ thừa sai, Nguyễn Minh Hoàng dịch, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2013, tr. 232 – 233.
[4]Dẫn theo Tạ Chí Đại Trường, sđd, tr. 58.
[5] Trần Quốc Vượng, “Mấy vấn đề về vua Gia Long”, Tạp chí Xưa và Nay,số 450, tháng 10, 2014, tr. 16.
[6] Dẫn theo Tạ Chí Đại Trường, sđd, tr. 64 – 65.
[7]P. Lorenzo Pérez, “La Révolte et la guerre des Tayson d’après les Franciscains Espagnols de Cochinchine”,Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises, XII, no.3-4 (1940), pp. 76.
[8] Lê Quý Đôn, Phủ Biên Tạp Lục, tập 1, Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa xuất bản, Saigon, 1972, tr. 134.
[9] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2002, tr. 187; Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2006, tr. 561.
[10] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, sđd, tr. 212; Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện,sđd, tr. 562.
[11] Trung tâm Nghiên cứu Quốc học,sđd, tr. 392.
[12]Dẫn theo Tạ Chí Đại Trường, sđd, tr. 101.
[13]F. Garnier, “Cholen”, Annuaire de la Cochinchina Francasie, Imprimerie Impériale, Saigon, 1865, pp. 51; Trần Văn Giàu (Chủ biên), Địa chí Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1987, tr. 220.
[14] Tạ Chí Đại Trường, sđd, tr. 100 – 101; Fujiwara Riichiro, “Vietnamese Dynasties Policies Toward Chinese Immigrants”, Acta Asiatica 18 (1970), p. 60; Huỳnh Minh, Gia Định Xưa và Nay, Saigon, 1973, tr. 182; Choi Byung Wook, Vùng đất Nam Bộ dưới thời Minh Mạng, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2011, tr. 65 – 69.
[15] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, sđd, tr. 185; Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, sđd, tr. 560 – 561.
[16]Như trên.
Tài liệu tham khảo
  1. Choi Byung Wook, Vùng đất Nam Bộ dưới thời Minh Mạng, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2011, tr. 65 – 69.
  2. Huỳnh Minh, Gia Định Xưa và Nay, Saigon, 1973.
  3. Fujiwara Riichiro, “Vietnamese Dynasties Policies Toward Chinese Immigrants”, Acta Asiatica 18 (1970).
  4. Garnier. F, “Cholen”,Annuaire de la Cochinchina Francasie, Imprimerie Impériale, Saigon, 1865.
  5. Lorenzo Pérez. P, “La Révolte et la guerre des Tayson d’après les Franciscains Espagnols de Cochinchine”, Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises, XII, no.3-4 (1940).
  6. Lê Quý Đôn, Phủ Biên Tạp Lục, tập 1, Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa xuất bản, Saigon, 1972.
  7. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2002.
  8. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2006.
  9. Tạ Chí Đại Trường, Lịch sử nội chiến ở Việt Nam (1771 – 1802), Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2012.
  10. Trần Văn Giàu (Chủ biên), Địa chí Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1987.
  11. Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Thư của các giáo sĩ thừa sai, Nguyễn Minh Hoàng dịch, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2013.
  12. Trần Quốc Vượng, “Mấy vấn đề về vua Gia Long”, Tạp chí Xưa và Nay, số 448, tháng 6, 2014, tr. 26 – 29 và số 450, tháng 10, 2014.


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *