TÂM LÝ CỦA NHỮNG KẺ GIẾT NGƯỜI HÀNG LOẠT
Viết bởi: Sam H Arnold
Tôi rất có hứng thú với những tên giết người hàng loạt. Không phải hứng thú theo kiểu sẽ viết thư và hỏi cưới người ta, mà là về mặt tâm lý.
Từ hồi còn nhỏ tôi đã thích tâm lý rồi, từ chuyện Watson và lũ chuột của ông ta* tới Zimbardo và nhà tù của gã**. Nhưng tâm lý học tội phạm hấp dẫn tôi hơn cả.
Tâm lý học là một môn học rộng lớn và còn thay đổi thường xuyên nữa. Tuy nhiên hầu hết những tên giết người hàng loạt có một số điểm chung nhất định.
(*Xem thí nghiệm Little Albert)
(**Xem thí nghiệm nhà tù Stanford của Zimbardo)
· Điều gì xác định một tên giết người hàng loạt?
Đây là một bước quan trọng trước khi chúng ta bắt đầu tiến hành nhận định xem đó là giết người hàng loạt hay giết người rải rác. FBI đã phân ra một số dấu hiệu nhận diện rõ ràng như sau:
· Tối thiểu 3-4 nạn nhân
· Có thời kỳ giảm nhiệt trước những lần giết người. – Đây là đặc điểm quan trọng phân biệt những kẻ giết người hàng loạt với những kẻ giết người nói chung.
· Các nạn nhân thường không quen biết kẻ giết người, điều này khiến các vụ mưu sát trở nên ngẫu nhiên và không liên kết được với nhau. Thông thường bọn chúng có gu chọn nạn nhân riêng, Jack Đồ tể ưa thích gái điếm, Harold Shipman thiên về những phụ nữ lớn tuổi. Nạn nhân trong những vụ kiểu này có tính biểu tượng cao, người ta bảo rằng Kemper giết những phụ nữ gợi cho hắn ta nhớ đến mẹ mình. Một khi hiểu được tính biểu tượng trong đó, việc bắt giữ sẽ dễ dàng hơn.
· Những kẻ giết người hàng loạt bản chất đã tàn bạo và thích kiểm soát.
· Bọn chúng hiếm khi giết người vì lợi ích, thay vào đó chúng bị thôi thúc bởi những nhu cầu thuộc về tâm lý.
· Chúng thường tự lựa chọn những nạn nhân yếu đuối chẳng hạn như phụ nữ, gái điếm và trẻ em.
Những kẻ giết người hàng loạt ở Mỹ thường có vài đặc điểm chung nhất như sau: là nam giới, da trắng, giữa 20 và 30 tuổi, thuộc tầng lớp trung lưu hoặc thấp hơn.
· Sáu giai đoạn của một chu kỳ sát nhân hàng loạt
Có 6 bước rõ ràng được xác định là một phần của chu kỳ sát nhân hàng loạt
1. Aura phase (tạm dịch: Giai đoạn manh nha) – Kẻ đó bắt đầu mất đi cảm giác thu hút với thực tại
2. Trolling phase (tạm dịch: Giai đoạn thu thập) – Mất đi hứng thú với thực tại, kẻ đó bắt đầu tìm kiếm nạn nhân
3. Wooing phase (tạm dịch: Giai đoạn đặt bẫy) – Kẻ đó dẫn dụ nạn nhân về phía mình, sử dụng vẻ hấp dẫn và kỹ năng diễn xuất của mình
4. Capture phase (tạm dịch: Giai đoạn săn bắt) – Nạn nhân đã bị bắt
5. Murder phase (tạm dịch: Giai đoạn hành quyết) – tên giết người hàng loạt cảm thấy thăng hoa vì đã thỏa mãn được năng lực của mình
6. Depression phase (tạm dịch: Giai đoạn trầm cảm) – Kẻ đó thấy chán nản và buồn rầu bởi sự kiện kia đã qua rồi, cơn chán nản này dẫn dắt hắn khởi động một chu kỳ mới.
· Đặc điểm của một tên sát nhân hàng loạt kinh điển
Thông qua các cuộc phỏng vấn đa dạng với nhiều tên sát nhân hàng loạt khác nhau, thống kê hành vi đã cung cấp cho chúng ta vài đặc điểm chung liên quan đến chúng. Edmund Kemper là tên sát nhân hàng loạt đã tham dự nhiều cuộc phỏng vấn nhất.
Nhiều tên trong số chúng có tuổi thơ rất bất ổn. Chúng nếm trải cảm giác bị bỏ rơi và thậm chí còn mắc phải hội chứng rối loạn gắn bó. Sự thiếu thốn kỷ luật, tình yêu và giới hạn cho phép có thể giải thích tại sao trong cuộc sống về sau, chúng lại vượt qua ranh giới pháp lý. Chúng thường khá lý trí và biết tính toán, điều này giúp chúng thoát khỏi sự truy bắt.
Một số kẻ bộc lộ hành vi lệch lạc chẳng hạn như nghiện những nội dung khiêu dâm. Một số từng gặp rắc rối với cảnh sát từ hồi vị thành niên do phạm phải các tội lặt vặt. Số khác thậm chí vừa mới thụ án xong trước khi tiếp tục giết người. Điều này đặc biệt đúng với Fred West và Ian Brady, cả hai đều bị cảnh sát để mắt đến từ hồi còn tuổi teen. Chúng thường bị bắt vì các tội như đốt phá, hành hạ động vật, các tội không quá nghiêm trọng.
Chúng rất có hứng thú với cảnh sát và quyền lực, thường tự đặt mình vào hướng đi của các vụ án để có thể quan sát cảnh sát. Một số tên giết người thường quay lại hiện trường xảy ra án mạng hoặc thậm chí còn “giúp đỡ cảnh sát” trong công cuộc điều tra. Ian Huntley là một ví dụ điển hình. Khi người ta đang tìm kiếm hai đứa trẻ mà hắn sát hại, hắn đã trả lời phỏng vấn báo chí rất nhiều lần.
Có vài kẻ giết người hàng loạt từng chia sẻ rằng có giọng nói trong đầu ra lệnh cho chúng giết người. Trong những vụ án mạng nghiêm trọng, kẻ sát nhân hàng loạt tuyên bố các nạn nhân đều đáng chết, điều này đặc biệt đúng với John Wayne Gacy.
· Những tên giết người hàng loạt có khả năng đeo mặt nạ
Nhiều kẻ giết người hàng loạt khi bị đem ra xử án trông cũng giống như người bình thường. Chúng che giấu sự sa đọa của mình sau lớp mặt nạ. Chúng có thể khoác lên mình những bộ quần áo vừa vặn với thân hình mình và sống dưới tầm ngắm của cảnh sát và những người xung quanh. Chúng dường như đều là những người trầm tính và giữ mình tách biệt với đám đông, nhưng lại hiếm khi bị nghi ngờ. Nhân cách thật được che giấu đằng sau vẻ về ngoài mà chúng khắc họa lên. Cả Sutcliffe và Shipman đều rất giỏi đeo mặt nạ, đến vợ của hai gã này cũng phát biểu rằng họ không hề nghi ngờ chồng mình làm gì sai.
Những kẻ giết người hàng loạt về bản chất đều bị thái nhân cách. Chúng không có sự đồng cảm với người khác, do vậy chúng gặp khó khăn trong việc gìn giữ những mối quan hệ. Chúng là những diễn viên với khả năng diễn xuất và quyến rũ bẩm sinh. Nhưng nếu nói những ai bị thái nhân cách sẽ giết người thì không đúng. Nhiều doanh nhân và phụ nữ thành đạt đạt điểm cao trong bài kiểm tra thái nhân cách nhưng họ chưa bao giờ bị thôi thúc phải giết người.
Henry Lee Lucas miêu tả thế này, làm một tên giết người hàng loạt cũng như làm ngôi sao điện ảnh vậy.
· Thôi thúc
Khi được phỏng vấn, nhiều tên sát nhân hàng loạt đã nói về thôi thúc muốn giết người.
Thôi thúc đó là một phần mạnh mẽ và nghiêm trọng trong tâm trí một kẻ giết người hàng loạt. Điều này thể hiện khá rõ khi chúng ta quan sát Brady, hắn suy nghĩ và tưởng tượng về vụ mưu sát hoàn mỹ càng nhiều thì lại càng thèm khát giết người. Theo thời gian, nhu cầu giết chóc của hắn trở thành nhu cầu cấp bách. Tình trạng và cảm xúc của hắn sau đó càng gia tăng khi hắn gặp một tên đồng phạm tự nguyện ở Hindley. Nhiều người tranh luận rằng có khi hắn sẽ chẳng giết ai nếu hai bọn chúng không gặp nhau. Tôi nghi ngờ điều đó, tôi tin rằng thôi thúc đó ở Brady là quá mạnh mẽ. Hắn luôn có ý định giết chóc, chỉ là vấn đề thời gian.
Ngoại trừ thôi thúc này, nhiều tên giết người hàng loạt không có quy tắc đạo đức và xã hội cố hữu. Không phải ai cũng giết người, thứ ngăn chặn những kẻ sát nhân hàng loạt chính là cái chốt đạo đức mà chúng còn thiếu. Ví dụ, khi tranh luận với bạn bè người thân, nhiều người trong số chúng ta có một cát chốt cửa giúp ngăn chặn chúng ta đánh họ, nhưng những kẻ này thì không.
· Khi bị bắt
Nhiều kẻ giết người hàng loạt bị bắt chỉ vì một lỗi sai mà chúng gây ra. Cảm giác kiêu ngạo vì bản thân quan trọng và không thể chạm tới khiến chúng mắc phải những sai lầm ngớ ngẩn. Shipman đã thay đổi hồ sơ bác sĩ cho bệnh nhân của mình mà không nhận ra máy tính đã được đánh dấu thời gian. Sutcliffe bị phát hiện khi đang lái một chiếc xe gắn biển số giả.
Khi bị bắt, nhiều kẻ giết người hàng loạt sẽ giả vờ bị điên để không phải chịu trách nhiệm cho tội ác của mình. Allitt quyết tâm chứng minh mình bị bệnh tâm thần để tránh thi hành án trong tù, nhờ vào kỹ thuật diễn xuất của cô ả. Cả Kemper và Brady đều trú tại bệnh viện tâm thần suốt thời gian bị giam giữ. Khi lớp mặt nạ này bị gỡ bỏ, con người thật của một kẻ giết người hàng loạt cũng sẽ lộ ra ngoài ánh sáng.
Ted Bundy không bao giờ có thể hiểu tại sao mọi người không chấp nhận rằng hắn ta chỉ cần giết người mà thôi. Hắn giết chóc bởi vì hắn muốn thế và tại sao hắn phải dừng lại.
Sau khi bị bắt, một số kẻ giết người hàng loạt cố tự sát. Không phải vì bị bắt nên chúng làm như thế, mà là do bị mắc kẹt trong giai đoạn trầm cảm của chu kỳ, không thể giết người được nữa. Ảo tưởng mang tính nghi thức đó đã mất rồi. Các nạn nhân của kẻ giết người không còn đại diện cho những gì chúng gán cho họ nữa. Chúng nhận ra giết người không thể xóa nhòa quá khứ và các sự kiện đã trải qua dẫn đến hành vi giết chóc hiện tại cũng chẳng thể nào thay đổi. Sau đó chúng phát sinh cảm giác ghê tởm bản thân, một cảm giác đã sinh sôi nảy nở từ trước khi chúng bắt đầu giết chóc.
Nhiều người trải qua những sự kiện khủng khiếp trong đời nhưng đâu có đi giết người khác. Những sự kiện kiểu này không tạo ra một kẻ giết người hàng loạt, nhưng các sự kiện kết hợp với nhau có thể khiến một người có nhiều khả năng trở thành kẻ giết người hơn. Cũng đúng khi kết luận rằng một số kẻ giết người hàng loạt không có đặc tính tâm lý nào trong đây, nhưng chúng vẫn đi giết người khác. Chúng chỉ đơn giản là xấu xa tàn ác và không có lời giải thích nào khác được đưa ra.
Liệu môi trường sống có đóng vai trò gì trong những suy nghĩ độc ác này không, chúng ta còn cần nghiên cứu thêm. Những kẻ giết người hàng loạt đang gia tăng và điều này cho thấy chúng ta đang bước vào một đại dịch giết người hàng loạt. Nghiên cứu đã được thực hiện dựa trên các dấu hiệu di truyền và sinh học để xác định kẻ giết người, và có thể xác định sớm nhất ở độ tuổi là 5. Để tìm hiểu thêm, các chuyên gia cần tiếp tục phỏng vấn và tổng hợp dữ liệu từ những cá nhân này. Những cá nhân giết người vì phân biệt đối xử để thỏa mãn sự thôi thúc và cảm giác hồi hộp. Một khi mọi thứ rõ ràng hơn, có lẽ chúng ta có thể loại bỏ thôi thúc giết chóc trước khi vụ mưu sát xảy ra.
___________________________________
Nguồn: https://medium.com/crimebeat/the-psychology-of-a-serial-killer-503f64c2b0a3
Người dịch: Kat from Tâm lý học mỗi ngày
#Ilena