Có một vài lý do, một số liên quan đến địa lý, còn lại nhờ các quyết định của chính phủ Singapore. Tôi sẽ giải thích từng cái một.
Thứ nhất là quyết định chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức, Singapore chọn làm thế bởi đặc tính sắc tộc tại Singapore rất đặc biệt: phần lớn là người Hoa và các cộng đồng thiểu số lớn người Ấn Độ và Mã Lai. Để tránh sự bất bình và oán giận từ hai nhóm còn lại, chính phủ đã quyết định chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ chính, điều này đã giúp các doanh nghiệp nước ngoài dễ dàng kinh doanh tại Singapore. Một lý do khác là giống như Hồng Kông, Singapore thừa hưởng truyền thống pháp lý của Anh, dẫn đến việc luật pháp tương tự như tại Vương quốc Anh, càng làm cho Singapore trở thành một nơi thuận lợi để kinh doanh.
Một lý do khác là đơn giản về mặt địa lý: Singapore nằm ở đầu eo biển Malacca, một trong những tuyến đường thủy quan trọng nhất thế giới, vận chuyển hơn 25% hàng hóa toàn cầu. Vì lý do này, người Anh đã đầu tư nhiều vào Singapore, phát triển nó thành một cảng lớn.
Tầm quan trọng của vị trí chiến lược này có thể thấy từ những ngày đầu của Singapore. Vào năm 1823, Sir Thomas Stamford Raffles, được mệnh danh là “Cha đẻ của Singapore”, chính thức tuyên bố Singapore là 1 cảng tự do, củng cố vị thế của Singapore lúc bấy giờ. Trong một báo cáo gửi chính quyền Bengal, ông viết, “Đầu tiên, tôi đã tuyên bố rằng cảng Singapore là một cảng tự do, và hoạt động thương mại tại đây mở cửa cho tàu bè và thuyền từ mọi quốc gia, miễn thuế, công bằng và bình đẳng” Ý tưởng mở một cảng không thu thuế khá là mới mẻ bấy giờ — và sau đó, trong một lá thư gửi cho các thương nhân của Singapore, ông còn khẳng định thêm rằng “Singapore sẽ mãi mãi là một cảng tự do, và để có một Singapore thịnh vượng, việc miễn trừ mọi loại thuế đánh vào thương mại và công nghiệp là điều kiện kiên quyết nhất”
Đây chủ yếu là các chính sách được thực hiện bởi ngưòi Anh trước khi Singapore độc lập, nhưng Đảng Hành động Nhân dân (PAP, thành lập bởi Lý Quang Diệu) – là đảng cầm quyền ở Singapore kể từ khi độc lập – đã đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thành công của Singapore. Như nhà sử học kinh tế WG. Huff viết trong “Sự tăng trưởng kinh tế của Singapore”, PAP cam kết quyết liệt trong việc thúc đấy phát triển kinh tế, kết hợp cách tiếp cận không-can-thiệp vào thị trường và chủ động mời gọi các công ty nước ngoài đến kinh doanh ở Singapore. Huff viết, “Mô hình Singapore mang lại bài học rằng sự can thiệp và dẫn dắt của chính phủ hoàn toàn có thể thúc đẩy thị trường tự do”
Thay vì né tránh vốn đầu tư nước ngoài, Singapore đã chào đón nó bằng cách giảm thuế và thuếphí xuất nhập khẩu. Chiến lược của Singapore khá đơn giản: các công ty nước ngoài sẽ mang đến vốn, công nghệ và kỹ năng, và người Singapore sẽ học hỏi từ họ. Cuối cùng, họ sẽ có thể sao chép các phương pháp kinh doanh mà các công ty nước ngoài mang đến Singapore. Điều này có thể thấy ngày nay qua số lượng lớn các công ty Singapore nổi tiếng trên thế giới như Singapore Airlines, UOB, DBS. Những công ty này được thành lập dựa trên kiến thức và chuyên môn của phương Tây, nhưng Singapore đã nhanh chóng học hỏi từ họ và thay thế họ bằng người Singapore. Chính phủ cũng đầu tư mạnh vào giáo dục, giúp Singapore nhanh chóng chuyển từ các ngành công nghiệp sản xuất trong những năm 1960 sang các ngành dịch vụ và tài chính có lợi nhuận cao hơn vào những năm 1980. Họ đã đi theo con đường tương tự như ba quốc gia khác trải qua quá trình tương tự, bao gồm Hồng Kông, Hàn Quốc và Đài Loan. Tất cả đều đi theo một lộ trình tương tự và vươn lên từ những quốc gia nghèo sau Thế chiến II để trở thành những quốc gia giàu có đến không ngờ vào những năm 1980.
Ơ thế tôi tự hỏi dù Singapore có vị trí địa lý quan trọng như vậy, tại sau Malaysia lại khai trừ Singapore khỏi liên bang?
Vì sao Malaysia lại trục xuất Singapore ư?
Lãnh đạo Malaysia khi đó, Tunku Abdul Rahman và đảng của ông, Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất (UMNO), muốn áp dụng chính sách “bumiputera”, ưu tiên người Mã Lai trước và điều này gây thiệt thòi cho các sắc tộc thiểu số khác (người Hoa, người Ấn).
Ngược lại, Lý Quang Diệu muốn một “Malaysia của người Malaysia”, nơi mọi người được cơ hội bình đẳng, không có sự phân biệt chủng tộc như đề xuất của UMNO.
Điều này rõ ràng không được lòng UMNO và người Mã Lai; căng thẳng bùng phát thành bạo động sắc tộc vào năm 1964 tại Singapore. Không cần phải nói, đặc điểm sắc tộc của Singapore trong liên bang Malaysia hoàn toàn khác biệt so với phần còn lại của Malaysia, với đa số là người Hoa và thiểu số là người Mã Lai và Ấn Độ. Điều này càng làm tăng thêm sự nghi ngờ và hoài nghi về khả năng tương thích của Singapore với phần còn lại của Malaysia.
Trong những tuần cuối cùng, Abdul Rahman quyết định rằng việc Singapore tiếp tục ở lại trong Malaysia là không thể.