Tại sao quân Mông Cổ có thể xâm chiếm được Miến Điện nhưng lại thất bại ở Việt Nam?

Cuộc xâm lược của quân Mông Cổ vào Việt Nam nhìn chung được các nhà sử học tóm tắt là một thất bại của Mông Cổ, do khí hậu và địa hình nhiệt đới khiến quân Mông Cổ mắc bệnh. Họ thất bại một phần là do chiến thuật tiêu thổ của Việt Nam và thiên tài quân sự vĩ đại Trần Hưng Đạo. Vế trước được coi là nguyên nhân chính của thất bại, vậy nên chúng ta sẽ thảo luận về phần đó.

Cuộc xâm lược Miến Điện của người Mông Cổ vào năm 1277-1287 ít được các nhà sử học biết đến hơn nhưng lại được các nhà sử học tóm tắt là một chiến thắng khi người Mông Cổ tìm cách tiêu diệt Đế chế Pagan vĩ đại và chia cắt nó thành nhiều vương quốc, vốn không thể nào thống nhất được trong khoảng 2 thập kỷ rưỡi cho tới thời trị vì của Bayinnaung.

Mặc dù quân Mông Cổ không chinh phục được Miến Điện nhưng việc bị đánh đuổi một thập kỷ sau đó đã khiến Đế quốc Pagan chia cắt thành nhiều mảnh.

Điều gì khiến quân Mông Cổ có thể xâm lược và tiêu diệt thành công Miến Điện trong khi họ không thể làm được điều tương tự với Việt Nam, một quốc gia tương đối nhỏ hơn.

Điểm giống nhau của họ là:

  • Cả hai nước đều có khí hậu nhiệt đới nên dễ mắc bệnh hơn.
  • Các khu vực mà quân Mông Cổ tấn công các quốc gia này có rất nhiều núi non, điều này có thể trì hoãn đội quân kỵ binh chủ yếu của quân Mông Cổ.
  • Các khu vực mà quân Mông Cổ tấn công các quốc gia này là ở trong rừng rậm, điều này có thể trì hoãn đội quân kỵ binh chủ yếu của quân Mông Cổ.

Tuy nhiên, Miến Điện có lợi thế hơn Việt Nam ở một số điểm sau:

  • Miến Điện có nhiều người và quân đội hơn nên việc chiến đấu sẽ dễ dàng hơn. Lý do là vì Đế quốc Pagan lớn hơn Đại Việt vào thời điểm đó.
  • Khu vực mà quân Mông Cổ tấn công quân Miến Điện có nhiều ngọn núi hiểm trở hơn những ngọn núi ít khắc nghiệt hơn ở miền Bắc Việt Nam. Việt Nam tuy có núi non hùng vĩ, nhưng sau khi vượt núi thì địa hình sẽ trở nên bằng phẳng, rất thích hợp cho kỵ binh. Đây là vấn đề của Miến Điện, mặc dù núi của họ dày hơn.
  • Khu vực quân Mông Cổ tấn công quân Miến Điện không gần biển, điều này khiến quân Mông Cổ gặp khó khăn hơn trong việc vận chuyển hàng tiếp tế, trái ngược với nước Việt Nam ở gần biển.

Mặc dù người Miến có nhiều lợi thế hơn người Việt, nhưng tại sao họ lại dễ dàng bị đánh bại trong khi Việt Nam thì không?

_____________________

Tôi không cho là quân Mông Cổ đã thành công ở Myanmar. Chiến tranh được định nghĩa là sự tiếp nối của chính trị. Nguyên đã không giữ được Pagan (trừ phần phía bắc) và phải rút lui, Hốt Tất Liệt không đạt được mục tiêu giành quyền kiểm soát tuyến đường thương mại từ Đông Nam Á tới Ấn Độ, đồng nghĩa với việc quân Mông Cổ không đạt được mục tiêu chống lại Pagan. Sau cuộc xâm lược, Pagan rơi vào tình trạng nội chiến, nhưng nguyên nhân sâu xa là do 1) Myanmar ngay từ ban đầu chưa bao giờ thống nhất, kể cả bây giờ trong thời hiện đại, 2) Myanmar đã luôn và vẫn đa dạng về sắc tộc hơn miền bắc Việt Nam, 3) sự vươn lên nắm quyền của người Thái-Shan, như ở Lan Xang, Lan Na và Xiêm. Quân Mông Cổ có thể đã đẩy nhanh quá trình nội chiến, nhưng họ không đạt được mục tiêu cũng như không phải là nguyên nhân sâu xa của thời kỳ nội chiến.

Ngược lại với Myanmar, Đại Việt rất đoàn kết trước và sau cuộc xâm lược của quân Mông Cổ. Không giống như chính quyền lỏng lẻo theo kiểu hệ thống Mandala của Pagan, Đại Việt vào thời nhà Trần có một chính quyền trung ương độc tài Phật giáo-Nho giáo kiểu Trung Quốc với sự pha trộn nặng nề của chủ nghĩa quân phiệt và chế độ phong kiến do gia tộc điều hành, cùng với đó là một đội quân chuyên nghiệp to lớn và một số quân đội riêng của các hoàng tử nhà Trần ở các vùng đất của họ, vốn nằm rải rác khắp đất nước. Hơn nữa, chính quyền trung ương ở vùng đồng bằng đã có lịch sử hợp tác rất lâu đời với người Thái ở vùng cao phía Bắc, ít nhất là từ thế kỷ thứ 10. Năm 938, người Thái, Mường và Việt được ghi nhận là đã liên minh giành độc lập chống lại nhà Đường và Nam Hán. Bản thân người Mường và người Việt cũng có sự pha trộn nhiều với người Thái thông qua tổ tiên Âu Việt của họ mặc dù họ không nói được tiếng Thái. Vào thời nhà Lý, chính quyền nhà Lý được ghi nhận là đã tái khẳng định liên minh chính thức với người Thái ở vùng cao phía bắc, hỗ trợ cho các cuộc nổi dậy của người Thái phía nam ở Quảng Tây chống lại lực lượng liên hợp Tống – Bắc Tráng, và tiếp nhận những người Thái tị nạn từ các đồng minh người Thái khi họ thua trận. Vào thời Trần, mối quan hệ gia đình giữa hoàng tộc nhà Trần với các tộc trưởng người Thái, Mường ở vùng cao đã được thiết lập qua nhiều năm và được tái khẳng định một lần nữa, đặc biệt là trước các cuộc xâm lược của người Mông Cổ. Kết quả là, thay vì trở thành mối đe dọa tiềm tàng đối với các nỗ lực kháng chiến chống quân Mông Cổ như người Thái-Shan ở Myanmar, người Thái và người Mường ở vùng cao phía Bắc đã góp phần tích cực vào chiến thuật chiến tranh du kích của Đại Việt chống lại quân Mông Cổ.

Ngoài việc tổ chức tốt hơn, dân số tương đối đồng nhất và đoàn kết, một lợi thế khác mà Đại Việt có được hơn Myanmar là Đại Việt có đường biển, họ nổi tiếng là đã sử dụng thủy chiến ở 2 trong 3 cuộc xâm lược của quân Mông Cổ. Đội quân Mông Cổ không đặc biệt nổi tiếng về khả năng đi biển của họ, nhưng Đại Việt thì có. Sự thông thạo hải quân và chiến thuật du kích đã giúp Đại Việt có khả năng chọn chiến trường và thời điểm giao chiến, điều này có thể đã dẫn đến ít sự tàn phá trên đất liền hơn và nhìn chung là ít hỗn loạn hơn sau chiến tranh.

——–

Đây là một câu trả lời rất hay. Tôi đã hỏi giáo viên lịch sử của tôi về câu hỏi này. Cô biết về Việt Nam và khí hậu của nước này đã cản trở cuộc xâm lược của quân Mông Cổ như thế nào, nhưng cô không biết câu trả lời về Miến Điện, một chủ đề ít được biết đến hơn.

Mặc dù câu hỏi này đã được trả lời thực sự rất hay rồi nhưng tôi vẫn có một số câu hỏi về nó:

Đội quân Mông Cổ không đặc biệt nổi tiếng về khả năng đi biển của họ, nhưng Đại Việt thì có. Sự thông thạo hải quân và chiến thuật du kích đã giúp Đại Việt có khả năng chọn chiến trường và thời điểm giao chiến, điều này có thể đã dẫn đến ít sự tàn phá trên đất liền hơn và nhìn chung là ít hỗn loạn hơn sau chiến tranh.

Vậy tức là việc sử dụng biển có lợi cho người Việt hơn là quân Mông Cổ phải không?

Tôi không cho là quân Mông Cổ đã thành công ở Myanmar. Chiến tranh được định nghĩa là sự tiếp nối của chính trị. Nguyên đã không giữ được Pagan (trừ phần phía bắc) và phải rút lui

Vậy theo nghĩa tương tự thì điều này có nghĩa là các chiến dịch ở Hungary và Ba Lan không thành công à?

sự vươn lên nắm quyền của người Thái-Shan, như ở Lan Xang, Lan Na và Xiêm

Người Thái-Shan đã lên nắm quyền như thế nào? Chẳng phải họ đã bị tiêu diệt trong cuộc xâm lược của quân Mông Cổ sao? Hay người Mông Cổ đã sử dụng các bộ tộc Thái để làm lợi thế cho họ trong việc tiêu diệt quân đội Miến Điện?

——–

Đúng vậy, việc sử dụng chiến tranh hải quân là một lợi thế rất lớn cho phía Việt Nam. Trận Bạch Đằng lần hai trứ danh mà phía Việt Nam cắm cọc dưới lòng sông để phục kích các tàu Mông Cổ lớn hơn và kém cơ động hơn là trận đánh quyết định trong cuộc xâm lược của quân Mông Cổ lần thứ ba. Trong cuộc xâm lược thứ hai và thứ ba của quân Mông Cổ, người ta ghi nhận rằng quân Trần đã trốn thoát khi quân Mông Cổ tiến quá gần bằng cách tiến ra biển và chạy vòng quanh lực lượng quân Mông Cổ kém cơ động hơn. Trong cả hai cuộc xâm lược thứ hai và thứ ba, quân Trần được ghi nhận là đã nhử quân chủ lực Mông Cổ ra khỏi các tàu tiếp tế đi cùng của họ và phục kích các tàu tiếp tế chậm hơn nhằm tạo ra kịch bản quân Mông Cổ sẽ chết đói dần dần ở kinh đô với chiến lược tiêu thổ.

Tôi không am hiểu lắm về lịch sử châu Âu nên không tự tin trả lời về cuộc xâm lược của người Mông Cổ vào Hungary và Ba Lan. Xin lỗi bạn nhé.

Người Thái ở Tây Nam đã di chuyển dần dần từ miền nam Trung Quốc đến lục địa Đông Nam Á từ trước thế kỷ thứ 1 sau Công nguyên, bắt đầu từ sự sụp đổ của Vu Việt trước nhà Chu vào năm 306 trước Công nguyên. Nhóm Âu Việt cổ trong lịch sử Việt Nam là một trong những làn sóng đầu tiên của người Thái bị đẩy ra khỏi Vu Việt. Từ khi Vu Việt sụp đổ cho đến khoảng thế kỷ 13, người Thái Tây Nam tiếp tục bị người Hán và người Tráng phía bắc đẩy về lục địa Đông Nam Á. Khi họ tích lũy được số lượng đông đảo, người Thái ở lục địa Đông Nam Á bắt đầu thành lập một số vương quốc Thái. Tại Lan Na và Lan Xang, người Thái ít gặp phải sự kháng cự nào từ người dân địa phương nói tiếng Nam Á (Khmu, Môn, Vietic, v.v.) và thành lập vương quốc của họ ở đó. Ở nơi mà về sau trở thành Myanmar và Thái Lan ngày nay, lúc đầu, các vương quốc Thái này đã quy phục các đế quốc địa phương (Pagan và đế quốc Khmer) với tư cách là các nước chư hầu, nhưng đến thế kỷ 13-14, khi cả Pagan và đế quốc Khmer đều suy tàn, các vương quốc Thái đã nảy sinh mong muốn tiếp quản các đế chế từ các nhóm sắc tộc cầm quyền (người Barmar ở Pagan và người Khmer ở đế quốc Khmer) và ý thức thống nhất toàn Thái. Ở nơi về sau trở thành Thái Lan, các vương quốc Thái nổi dậy chống lại đế quốc Khmer và đánh chiếm lẫn nhau, cuối cùng tạo ra vương quốc Sukhothai vào thế kỷ 13, tức tiền thân của Thái Lan ngày nay. Ở Pagan, cuộc xâm lược của quân Mông Cổ cũng chỉ đẩy nhanh quá trình khi họ tạm thời loại bỏ triều đình Pagan khỏi quyền lực, để lại gánh nặng của cuộc kháng chiến của quân Mông Cổ ở miền trung Miến Điện cho các vương quốc Shan địa phương. Điều này cuối cùng đã dẫn đến sự tập trung quyền lực giữa các vương quốc Thái nhỏ hơn, tạo ra vương quốc Ava của người Shan đã Miến hoá và Liên minh các nước Shan. Nói chung, trong khi cuộc xâm lược của người Mông Cổ là chất xúc tác, thì sự nắm giữ quyền lực lỏng lẻo của Pagan và sự trỗi dậy của người Shan là nguyên nhân sâu xa của thời kỳ nội chiến ở Miến Điện.

Theo: Hoàng Linh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *