Tại sao người dân Trung Quốc ko nên đấu tranh cho dân chủ? Có phải họ đã thực sự hài lòng với chính phủ hiện tại hay ko?

A: Brian Chi Zhang, kĩ sư ở Oscar Health (2018 đến nay)

“Họ có thực sự hài lòng với chính phủ hiện tại của mình không?”

Câu trả lời có lẽ là “KHÔNG”, nhưng điều đó không liên quan, tôi sẽ cố gắng giải thích. Một nền dân chủ có lẽ sẽ khiến rất nhiều người Trung Quốc hạnh phúc, và có lẽ cũng khiến bạn và rất nhiều người trên Quora này vui vẻ, nhưng nó có thể biến Trung Quốc thành một Brazil hay Mexico khác, mà chắc chắn không phải là một Trung Quốc mà kiểu “holy shit nhìn xem kinh tế nước nó phát triển chưa kìa!”.

Đây là một vài điều đáng để bạn suy nghĩ trong ngày hôm nay:

Nếu bạn phải chọn, giữa một ổ bánh mì hàng ngày, và việc có tiếng nói trong chính phủ nước bạn, bạn sẽ chọn cái nào?

Nếu bạn đang đọc những dòng này trên chiếc iPhone ưa thích hoặc trên một chiếc máy tính, có thể bạn sẽ chọn “có tiếng nói trong chính phủ”. Nhưng hãy tưởng tượng bạn chỉ kiếm được 20$ một tháng, bạn phải tiêu nửa số lương cho chi phí sinh hoạt gia đình, và đó là năm 1949.

Những người Trung Quốc vô thần này đã chọn bánh mì. Sau đó bánh mì được thay thế bằng xe đạp, TV, điện thoại thông minh, vv… Thời gian gần đây, câu hỏi đó lại được hỏi: “ Bạn chọn hệ thống đường sắt cao tốc bao phủ toàn bộ đất nước, hay việc có tiếng nói trong chính phủ?” Và đây là câu trả lời (xem ảnh).

Câu hỏi của bạn dường như còn ám chỉ một thiên kiến vừa rõ ràng lại vừa tinh tế:

“Tại sao người dân Trung Quốc không nên đấu tranh cho dân chủ?”

Họ thực sự nên nghe theo ý kiến ​​của chúng ta, nhỉ?  Có loài sinh vật điên khùng nào mà không muốn dân chủ? Vậy thì chúng ta phải khai sáng cho họ biết đến khái niệm dân chủ chứ? Bởi vì, thì bạn cũng biết đấy, chúng ta là những người Mỹ nên tất nhiên chúng ta biết điều gì là tốt nhất cho họ mà.

Đây là điều có thể gây shock:

Dân chủ, bản chất là sự bảo thủ.

Ngay cả trong một nền dân chủ hoàn hảo, chính phủ tuân theo ý kiến của đại đa số, thì, theo định nghĩa, vẫn là bảo thủ. Thử nghĩ xem. Nếu một đất nước với quy mô của một ngôi làng nhỏ, có 100 người, và 70 người muốn được lấy nước miễn phí từ cái giếng khô, thì dân chủ sẽ nói “Ok cháu nào cũng có phần!”.

Rồi một ngày, nhìn thấy cái giếng đang ngày một cạn kiệt, một vài thanh niên đề nghị đào giếng mới. Nhưng đào giếng sẽ tốn kém, vì vậy họ muốn đi xung quanh và nhận quyên góp 10$  từ tất cả mọi người để tổ chức đào giếng. Người lớn tuổi nghĩ rằng thật điên rồ khi phải trả tiền vì họ đã 70 tuổi và cái giếng khô có thể kéo dài ít nhất là 20 năm nữa, nên họ nói KHÔNG. Hơn nữa, họ thuyết phục những người ở độ tuổi 40s và 50s bằng việc chỉ ra thực tế là “Chính cái giếng này đã phục vụ chúng ta qua nhiều thế hệ”. Những đứa trẻ không thể bỏ phiếu, vì bạn biết đấy, chúng dưới 18 tuổi. Trước khi bạn biết điều đó thì công cuộc bỏ phiếu đã kết thúc với 50 KHÔNG và 25 CÓ, tất nhiên còn 25 trẻ em không được bỏ phiếu.

Cái giếng vẫn tiếp tục cạn kiệt dần…

Chủ nghĩa tư bản nói, chắc chắn một ông chủ hào phóng nào đó sẽ giải quyết tốt vụ này, đầu tư vốn cần thiết để “tài trợ” một cái giếng mới, sau đó tính một khoản phí hàng tháng là 1$ cho bất cứ ai sử dụng nó. Sau cùng thì, có ai mà không muốn trở nên giàu có?

Trong khi cách này giải quyết được vấn đề, hãy nhớ rằng cái giếng kia vẫn chưa hoàn toàn cạn kiệt, vì vậy mọi người có lẽ sẽ không muốn trả tiền. Và chúng ta hãy hy vọng giếng mới không được tài trợ bởi một khoản vay với lãi suất, vì trước khi bạn biết điều đó thì nó có thể đã trở thành một tài sản vay thế chấp của ngân hàng rồi.

Sự thật là, dân chủ luôn luôn bảo thủ, chủ nghĩa tư bản thì thường tiến bộ.Và sự cân bằng đó chính là yếu tố thúc đẩy các nước như Mỹ trở nên thịnh vượng.

Nhưng nếu có giải pháp nào khác thì sao? Có thể là…

Một cuộc họp được tổ chức, ý kiến đào một cái giếng mới được đề xuất. Trưởng thôn yêu cầu các thanh niên nói rõ quan điểm của mình: “Chúng tôi phải đào một cái giếng mới để hỗ trợ dân số ngày càng tăng”, những người trẻ tuổi nói. Người lãnh đạo quay sang Beth- một nhà toán học, và xin lời khuyên của cô: “Vâng, giếng có thể cạn trong 20–30 năm, với tốc độ hiện tại, nhưng với dân số ngày càng tăng thì nó có thể cạn trong vòng 10 năm.”. “Vậy thì hãy đào nó!” người lãnh đạo nói, sau đó quay sang Jack – anh chủ thầu: “Chúng ta cần những gì? Tiền? Lao động?”. Jack nói anh cần 10 người đàn ông khoẻ mạnh trong 6 tháng, và 500 đô la tài trợ. Người lãnh đạo cho anh ta tất cả những điều đó, nhưng nhắc nhở mọi người rằng chúng ta có thể phải cắt giảm ngân sách cho các lễ hội trong năm nay để tài trợ cho cái giếng.

Ngay sau đó, một chiếc giếng thứ hai được xây dựng, mọi người không phải xếp hàng để chờ lấy nước nữa.

Chính phủ Trung Quốc lúc này là một sự kết hợp của chủ nghĩa cộng sản (Communism), chủ nghĩa xã hội (Socialism), chế độ nhân tài (Meritocracy – chính quyền do những người thực sự có tài nắm giữ (ND)), và chế độ kỹ trị (Technocracy – việc điều khiển hoặc quản lý các phương tiện công nghiệp của một đất nước bởi các chuyên gia kỹ thuật (ND)). Và không, đó không phải những gì người ta muốn, nhưng chúa ơi, nó hoạt đông tốt ở đất nước đó. Liệu nó có mặt trái nào ko? Tất nhiên là có chứ. Liệu người Trung Quốc sẽ đánh đổi nó để có tiếng nói trong chính phủ hay ko?

Hãy tự hỏi bạn câu hỏi:

Bạn sẽ chọn cái gì: Có tiếng nói trong chính phủ, hay một cái giếng thứ hai?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *