TẠI SAO HƠN MỘT TRIỆU CÔNG DÂN LIÊN XÔ ĐÃ CẦM SÚNG CHIẾN ĐẤU CÙNG VỚI NGƯỜI ĐỨC TRONG THẾ CHIẾN II?
Trong những số liệu thống kê và những bài diễn văn hùng hồn nhân ngày chiến thắng, tổng thống Nga Vladimir Putin và các lãnh đạo chính trị thường hay trích dẫn con số 26 triệu người Liên Xô đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại để giải phóng nhân loại khỏi ách thống trị của chủ nghĩa phát xít.
Sự thật mà nhiều người ít được biết tới là trong số 26 triệu người đó, không phải ai cũng cầm súng chiến đấu chống lại quân phát xít hoặc bị quân phát xít giết hại, ngược lại có không ít người đã cùng chiến đấu bên cạnh những người lính Đức chống lại chính quyền Bolshevik Liên Xô và bị Hồng quân hạ sát. Nói một cách nhẹ nhàng, đây không phải là một chủ đề phổ biến để thảo luận công khai ở Nga.
Đây không phải là một nhóm nhỏ. Tổng cộng, số công dân Liên Xô phục vụ dưới lá cờ phát xít là gần 1,2 triệu người, trong đó có tới 700.000 người Slav, 300.000 người vùng Baltic và đến 200.000 người gốc Thổ ở các nước cộng hòa thuộc Liên Xô tại vùng Trung Á, người vùng núi Kavkaz và những người khác từ các dân tộc thiểu số. Có tới 20% nhân lực của phe phát xít ở Liên Xô là các công dân Liên Xô, khoảng một nửa trong số đó là người Nga.
TẠI SAO NHIỀU NGƯỜI LIÊN XÔ SÁT CÁNH CÙNG QUÂN ĐỨC?
Trước chiến tranh, Liên Xô trông bề ngoài giống như một khối đoàn kết khổng lồ mạnh mẽ nhưng thực tế nó có những vấn đề nội bộ lớn. Không phải tất cả mọi người, nói một cách nhẹ nhàng, hài lòng với sự cai trị của những người Bolshevik, đặc biệt là trong thời gian vừa trải qua nạn đói và những cuộc đàn áp thanh trừng tàn bạo diễn ra dưới thời Stalin làm hàng triệu người chết.
Những thất bại thảm khốc mà Hồng quân phải chịu đựng trong năm 1941 khiến người dân tràn ngập những suy nghĩ tiêu cực về khả năng lãnh đạo kém, sự bất lực của chính quyền Liên Xô trong việc kiểm soát tình hình và thậm chí cuộc chiến đã mở ra những mâu thuẫn mà xã hội Liên Xô đang che đậy với bên ngoài.
Trong sáu tháng đầu của cuộc chiến, hơn 3 triệu lính Hồng quân đã bị bắt. Kể từ khi bắt đầu chiến tranh, tù binh Liên Xô bị chính phủ Liên Xô coi là những kẻ phản bội. Khi không có đường lui, một số người thực sự đã trở thành kẻ phản bội. Một tài liệu của Liên Xô được ban hành dưới chữ ký của Stalin đã khẳng định rằng “kẻ hốt hoảng, kẻ hèn nhát và kẻ đào ngũ còn tệ hơn kẻ thù”.
Trước cuộc cách mạng tháng Mười, khoảng một nửa dân số nước Nga là người Nga, phần còn lại là các dân tộc khác như người Ukraine, Belarus, người vùng núi Kavkaz, người Hồi giáo Trung Á, các dân tộc thiểu số gốc Mông Cổ như Tatar, Kalmyk, các dân tộc sống rải rác như người Cossack, …. Là một nhà nước đa sắc tộc, với các phong tục tập quán, ngôn ngữ, văn hóa vô cùng đa dạng nên không tránh khỏi, nếu không muốn nói là cực kỳ nhiều những xung đột giữa các nhóm cộng đồng dân cư khác nhau nhưng tất cả đều bị quyền lực của nhà nước kiềm lại. Phong trào Nga hóa Liên Xô của Stalin nhằm biến tất cả các sắc dân này thành một dân tộc duy nhất là dân tộc Xô Viết theo hình mẫu của người Nga, xóa bỏ bản sắc dân tộc thiểu số khiến không ít các dân tộc bất bình, nảy sinh xu hướng ly khai. Điều này sẽ lại tái diễn vào năm 1991 làm sụp đổ Liên bang Xô viết.
Đồng thời, trong xã hội Liên Xô có những người ủng hộ quân Đức vì lý do ý thức hệ. Bản thân họ căm ghét sâu sắc phe cộng sản Bolshevik và họ chiến đấu chống lại chính quyền Liên Xô để tái lập một nước Nga không có cộng sản. Những cựu binh phe bảo hoàng trung thành với chính quyền Sa hoàng Nga và người dân từ các vùng lãnh thổ mà Liên Xô vừa mới thôn tính bằng bạo lực trước Thế chiến II: các quốc gia Baltic và các khu vực của Tây Ukraine và Tây Belarus từng là một phần của nước cộng hòa Ba Lan chỉ hai năm trước dĩ nhiên không muốn cầm súng chiến đấu cho chính quyền của Stalin.
Ở nhiều nơi trên khắp Liên Xô, tác động tiêu cực của các chính sách khủng bố nhân dân của Stalin được thực hiện trong những năm 1930 vẫn còn hiện hữu trong ký ức của người dân. Chúng bao gồm nạn đói Holodomor khủng khiếp năm 1933 khiến hàng triệu người chết, cuộc đàn áp trong Cuộc thanh trừng vĩ đại năm 1937 – 38, các vụ đàn áp khi thực hiện tập thể hóa nông nghiệp, lưu đày cư dân cũng gây ra bất mãn lan tràn
Tất cả mâu thuẫn giai cấp, sắc tộc, tôn giáo, kinh tế….âm ỉ trong xã hội chỉ chờ cơ hội nhà nước Xô Viết suy yếu để bùng nổ. Cơ hôi ấy đã đến khi quân Đức nổ súng xâm lược Liên Xô năm 1941. Quân đội phát xít vô tình đã trở thành đồng minh tự nhiên của tất cả những người đang bất mãn với hệ thống Xô Viết.
Do đó, ở nhiều nơi nhân dân các thị trấn, thành phố và làng mạc Liên Xô vẫy tay chào đón người Đức như là những người giải phóng, điều này giúp giải thích sự thành công nhanh chóng chưa từng thấy của lực lượng Đức trong việc chiếm đóng Liên Xô nửa cuối năm 1941.
VỠ MỘNG
Nếu Đệ tam Đế chế tận dụng tối đa những người háo hức chiến đấu chống lại chế độ cộng sản ở Liên Xô, điều này sẽ làm tăng đáng kể cơ hội chiến thắng của họ. “Cuộc kháng chiến của những người lính Hồng quân sẽ bị phá vỡ ngay trong ngày họ nhận ra Đức sẽ mang lại cho họ một cuộc sống tốt hơn so với Liên Xô,” Otto Brautigam, một quan chức Đức phát biểu năm 1942. Ý tưởng về một nước Nga không có chính quyền cộng sản có sức hấp dẫn đối với nhiều người Liên Xô và do đó đã được các quan chức Đức phổ biến rộng rãi. May mắn thay cho Moscow, sự bướng bỉnh của Hitler đã loại bỏ ý tưởng này và ông thậm chí không muốn nghe bất cứ điều gì về một nhà nước Nga, bất kể nó có thể chống Cộng hay trung thành (với Đức) như thế nào. Học thuyết của Hitler đòi hỏi phá hủy không chỉ Liên Xô mà còn cả nước Nga, biến vùng lãnh thổ Nga thành Lebensraum (không gian sống) của người Đức. Đó là lý do tại sao Đức quốc xã sau thời gian đầu thu hút được khá nhiều người ủng hộ đã phải chuyển sang những biện pháp cưỡng ép nhiều hơn để có thêm lực lượng từ các công dân Liên Xô. Việc quân Đức đàn áp tàn bạo với những người dân Liên Xô trên vùng lãnh thổ chiếm đóng càng khiến nhiều người căm ghét họ. Người Đức cơ bản không muốn trao trả độc lập cho các dân tộc thiểu số ở Nga hay muốn chính quyền Sa hoàng Nga tái lập thay cho Bolshevik Liên Xô. Cái họ muốn là biến hết tất cả các vùng lãnh thổ đó trở thành không gian sinh tồn riêng dành cho người Đức như là một “dân tộc thượng đẳng”.
Sau sự sụp đổ của Đệ tam Đế chế năm 1945, hầu hết các công dân Liên Xô về phe với Đức và không ủng hộ chính quyền cộng sản đều bị Hồng quân tiêu diệt hoặc bắt giữ, những đơn vị chiến đấu ở các mặt trận khác bị quân Đồng Minh bắt giữ cũng được bàn giao cho nhà nước Liên Xô. Một số nhóm còn lại tan rã nhưng vẫn tiếp tục cuộc chiến du kích chống lại chính quyền như Quân đội Nổi dậy Ukraine tiếp tục chiến đấu tới năm 1956, các nhóm Anh em Rừng ở ba nước Baltic tiếp tục chiến đấu du kích cho tới thập niên 60 mới kết thúc.
Phong trào chống đối chính quyền Xô Viết, ly khai khỏi Liên Xô không kết thúc mà nó chỉ chờ cơ hội để bùng lên thêm một lần nữa. Năm 1991, phong trào ly khai đã thành công và Liên bang Xô viết tan rã thành 15 quốc gia còn phong trào phản đối chính quyền cộng sản dẫn đến việc nước Nga và 14 quốc gia ly khai từ bỏ con đường XHCN để trở thành các quốc gia tư bản mới trên bản đồ thế giới