Ôi! Một cơ hội để nói về lịch sử địa phương! Đi thôi!
PHẦN I: TUYỂN CHỌN HƯƠNG CẢNG
Theo hiểu biết của tôi, Anh đã yêu sách lãnh thổ ở Trung Quốc từ năm 1793, thời Đại sứ quán Macartney yêu cầu tăng cường cơ hội thương mại, về cơ bản là yêu cầu lật đổ Chế độ Quảng Châu [Canton System] được thiết lập vào những năm 1750. Cùng với những thay đổi trong việc thu thuế hải quan và thông quan thương mại, một trong những yêu cầu được đưa ra từ bên đại sứ quán là quyền kiểm soát một hòn đảo có thể được dùng làm phương tiện tạo thuận lợi hơn cho việc thương mại của Anh trong khu vực. Và hòn đảo đó, bạn đoán xem, là một ‘hòn đảo nhỏ không có pháo đài gần Chu Sơn’^1
Cái gì cơ?
Vâng, trước tiên, điều quan trọng cần lưu ý là trước khi Chế độ Quảng Châu được thành lập vào những năm 1750, cảng chuyển khẩu [entrepôt] quan trọng của Anh không phải là Quảng Châu ở cực nam mà là Ninh Ba, ngay phía đông nam Thượng Hải. Chắc chắn dung tích thương mại ở Quảng Châu là cao hơn, nhưng Ninh Ba được coi là mối ưu tiên chính cho sự phát triển trong tương lai, do nằm gần sông Dương Tử và có vị trí trung tâm hơn ở vùng duyên hải. Ví dụ, Vụ Flint [Flint Affair] năm 1759 liên quan đến một bản kiến nghị của James Flint gửi Càn Long đế, yêu cầu mở cửa lại Ninh Ba cho các thương gia người Anh, và Đại sứ quán Macartney năm 1793 cũng tìm cách giành lại quyền lợi giao dịch ở đó. Quần đảo Chu San nằm trên một eo biển hẹp từ Ninh Ba, chỉ rộng 5 km, với thành phố trọng điểm là Định Hải, nằm trên hòn đảo chính cùng tên của Chu San, cách trung tâm thành phố Ninh Ba chỉ 50 km, và do đó, đối với chính sách tập trung vào Ninh Ba, quần đảo Chu Sơn sẽ là địa điểm hoàn hảo để thành lập cơ sở kinh doanh. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, Đại sứ quán Macartney đã thất bại, và do đó việc mở lại thương mại ở Ninh Ba cũng như việc nhượng lại đảo Chu Sơn không diễn ra^1
Tuy nhiên, bạn có thể thắc mắc, Ninh Ba đã được mở cửa trở lại với vai trò một phần của các điều khoản của Hiệp ước Nam Kinh năm 1842, vậy tại sao lúc đó lại không chiếm Chu Sơn? Câu trả lời liên quan nhiều đến diễn biến của cuộc chiến. Khi cộng đồng thương gia Anh bị đuổi khỏi Quảng Châu vào năm 1839, đặc mệnh toàn quyền Anh Charles Elliot đã sử dụng bến cảng tự nhiên tại Aberdeen ở phía tây nam của Đảo Hương Cảng làm nơi neo đậu cho các tàu của thương gia và lực lượng hải quân hộ tống của họ, và rõ ràng là ông ấy cũng có kế hoạch dài hạn. Elliot, trái ngược với những người tiền nhiệm, nhận thấy Hương Cảng là nơi có tiềm năng sử dụng cao nhất trong tương lai chứ không phải Chu Sơn (rất có thể là do tầm nhìn tương đối hạn hẹp của ông về các mục tiêu chiến tranh tổng thể, hầu như hoàn toàn lấy Quảng Châu làm trung tâm), nhưng không ngần ngại trong chiếm Chu Sơn bằng vũ lực vào tháng 6 năm 1840 sau khi lực lượng viễn chinh chính của Anh cập bến. Tuy nhiên, rõ ràng là Elliot không có ý định duy trì quyền kiểm soát nó. Thỏa thuận hòa bình tạm thời của ông với quan lại người Mãn Châu Kỳ Thiện, được gọi là Hiệp định Xuyên Tị, không yêu cầu mở bất kỳ cảng nào ngoại trừ việc nối lại thương mại tại Quảng Châu, và quan trọng là đã yêu cầu nhượng lại Hương Cảng. Sau thỏa thuận, Elliot ra lệnh sơ tán quân Anh khỏi Chu Sơn vào tháng 1 năm 1841.^2
Trái ngược với khẳng định được đưa ra trong cuốn Thiên Triều Sụp Đổ [Collapse of the Heavenly Dynasty] xuất sắc của Mao Hải Kiến, Hiệp ước Nam Kinh quả thực có nhiều ám hiệu từ thỏa thuận Xuyên Tị, và phần nhiều có thể được giải thích bằng việc chiến tranh được tiến hành một cách liên tục đến đáng ngạc nhiên, bất chấp sự thay đổi chính phủ ở Anh vào năm 1841. Cả Elliot lẫn người kế nhiệm ông, Henry Pottinger, đều được bổ nhiệm bởi cùng một người, Lord Palmerston (lúc bấy giờ là Ngoại trưởng dưới thời Thủ tướng Lord Melbourne), và cả người kế nhiệm Palmerston là Lord Aberdeen và người kế nhiệm Melbourne là Sir Robert Peel đều không hề thực hiện những thay đổi đáng kể đối với chính sách với Trung Quốc của người tiền nhiệm. Thật vậy, phe Bảo thủ của Sir Robert Peel vào năm 1841 đã thắng cử vì Đảng Whigs không giành chiến thắng trong cuộc chiến đủ nhanh (trớ trêu thay lại là phe phản chiến vào năm 1839) và chủ yếu tìm cách đạt được một giải pháp nhanh chóng. Do đó, quy định thành điều khoản về Hương Cảng chưa bao giờ bị hủy bỏ, mặc dù lực lượng của Pottinger tái chiếm Chu Sơn vào tháng 10 năm 1841 với vai trò một phần của chiến dịch tấn công mới và thỏa thuận cuối cùng, Hiệp ước Nam Kinh năm 1842, bao gồm cả việc mở cửa trở lại Ninh Ba trong số các điều khoản^2
Cuối cùng, Elliot đã nhận nhiều lời chỉ trích vì tập trung vào Hương Cảng thay vì Chu Sơn, nhưng đó chưa phải là hồi kết của câu chuyện. Giống như Đức đã chiếm đóng miền bắc nước Pháp cho đến năm 1873 để đảm bảo Pháp phải bồi thường chiến tranh, Anh tiếp tục chiếm giữ Chu Sơn cho đến tháng 6 năm 1846 để đảm bảo nhà Thanh phải bồi thường của mình. Và vào thời điểm đó, nước Anh cũng đã cố gắng để có được miếng bánh của mình. Mặc dù khoản nợ cuối cùng đã được trả vào tháng 1 năm 1846, Sir John Francis Davis, Thống đốc Hương Cảng, đã dành thêm sáu tháng nữa để cố gắng đạt được một số thỏa thuận nhằm duy trì quyền kiểm soát Chu Sơn vĩnh viễn. Cho đến tận năm 1852, Davis vẫn dự đoán rằng Chu Sơn sẽ là điểm tranh chấp then chốt với Trung Quốc, mặc dù rốt cuộc lịch sử đã chứng minh điều ngược lại, và quần đảo không có hoạt động đáng kể nào trong Chiến tranh Nha phiến lần thứ hai xảy ra bốn năm sau đó. Cả trong và sau khi Chu San được trả lại cho nhà Thanh, nhiều cá nhân, nổi bật nhất là Robert Montgomery Martin, đã cố gắng đảm bảo việc duy trì nó, nhưng đến cuối thời kỳ chiếm đóng, rõ ràng là không thể kiểm soát Định Hải. Davis đã ước tính rằng chỉ riêng việc phòng thủ sẽ phải chi tối thiểu 70.000 bảng Anh mỗi năm, và không giống như Hương Cảng, hoạt động thương mại không đủ phát triển trong suốt 5 năm chiếm đóng để bù đắp chi phí hành chính. Do đó, Định Hải thường bị tất cả mọi người công nhận là một ngõ cụt, ngoại trừ những người ủng hộ nhiệt thành nhất vàhoặc thiếu hiểu biết nhất^3
Thư mục
- Stephen R. Platt, Imperial Twilight: The Opium War and the End of China’s Last Golden Age (2018)
- Julia Lovell, The Opium War: Drugs, Dreams and the Making of Modern China (2011)
- Christopher Munn, The Chusan Episode: Britain’s Occupation of a Chinese Island, 1840-46 in The Journal of Imperial and Commonwealth History, 25:1 (1997), pp. 82-112
PHẦN II: HƯƠNG CẢNG THUỘC ĐỊA VÀ NHÀ THANH
Rõ ràng có nhiều điều để nói về vấn đề này, nhưng một điều quan trọng cần lưu ý về Hương Cảng thuộc địa là cách nó đóng vai trò cầu nối cho cả phong trào phản Thanh và ý thức mới nổi về chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc.
Một ví dụ ban đầu về điều này là Hồng Nhân Can, em họ của Thái Bình Thiên vương Hồng Tú Toàn. Mặc dù lúc ông bắt đầu cư trú ở đó vào năm 1852, Hương Cảng chỉ mới nằm dưới sự cai trị của Anh hơn một thập kỷ, nhưng việc tiếp xúc với các nhà truyền giáo, thương gia và quân đội nước ngoài có thể giúp ông đánh giá cao về ảnh hưởng tiềm tàng mà các cường quốc nước ngoài có thể nắm giữ, và lập trường thân phương Tây mạnh mẽ của ông với tư cách Thái Bình Can vương từ năm 1859 trở đi có thể dễ dàng quy kết cho sự tiếp xúc với những ảnh hưởng của phương Tây ở đó^1 Ngược lại, một số người của phe Thái Bình Thiên Quốc sau đó đã ẩn náu ở Hương Cảng. Vương Thao, sau này là một nhà cải cách nổi tiếng, đã trốn sang Hương Cảng vào thời khắc cao điểm của cuộc chiến năm 1862, và trong khi ở đó, cũng như Hồng Nhân Can, ông đã đánh giá cao những lợi ích tiềm tàng của công nghệ và thể chế phương Tây, điều này sẽ được áp dụng khi ông trở về đại lục^2
Vai trò điểm nóng của cả phong trào phản Thanh và chủ nghĩa dân tộc (không loại trừ lẫn nhau) của Hương Cảng vẫn tiếp tục kéo dài đến đầu Thế kỷ 20. Năm 1884, việc các công nhân bến tàu Hương Cảng từ chối sửa chữa các tàu Pháp trở về sau chiến thắng ở Phúc Châu là một trong những minh chứng rõ ràng đầu tiên về tinh thần đoàn kết dân tộc trong lịch sử Trung Quốc cận đại, và được chứng minh là một sự kiện dung dưỡng quan trọng trong sự phát triển chủ nghĩa lý tưởng cách mạng của Tôn Trung Sơn. Xa hơn, Hương Cảng cuối cùng đã trở thành nơi sản sinh ra vô số cuộc nổi dậy ở tỉnh Quảng Đông, có lẫn không liên kết với Trung Quốc Đồng minh hội, bao gồm cả âm mưu đánh bom năm 1903 (tình cờ là có liên quan đến cháu trai của Hồng Tú Toàn, Hồng Toàn Phúc)^4 Rõ ràng có nhiều điều hơn nữa đang diễn ra trong các mối quan hệ xuyên biên giới, nhưng chắc chắn việc tài trợ cho cuộc nổi dậy, cải cách và cách mạng là một yếu tố chính trong lịch sử thuộc địa sơ khai của Hồng Kông.
Thư mục
Stephen R. Platt, Imperial Twilight: The Opium War and the End of China’s Last Golden Age (2012)
Elizabeth Sinn, Wang Tao in Hong Kong and the Chinese “Other”, in Elizabeth Sinn and Christopher Munn (eds) Meeting Place: Encounters across Cultures in Hong Kong, 1841–1984 (2017), pp. 1-22
David Wilmshurst, Hong Kong during the Sino-French War (1884-85): Impressions of a French Naval Officer in Journal of the Royal Asiatic Society Hong Kong Branch, Vol. 50, Fiftieth Anniversary 1961-2010 (2010), pp. 141-163
Roxann Prazniak, Of Camel Kings and Other Things: Rural Rebels against Modernity in Late Imperial China (1999).