#138Q: Đâu là cách tốt nhất để đối phó với trò ăn vạ nơi công cộng của một đứa trẻ 2…

Tại sao cùng là bị đánh bị mắng mà trẻ em ngày xưa lại ít bị vấn đề về tâm lý hơn bây giờ?

Đề nghị người đặt ra câu hỏi này đến chi nhánh bệnh viện tâm thần gần nhất để nhìn rõ tình hình thực tế. Không cần phải đi mấy chỗ nổi tiếng chuyên nghiệp có đội ngũ y bác sĩ hàng đầu gì đâu, bệnh viện nho nhỏ bình thường là được rồi.

Khoa điều trị nội trú đa số toàn là những người trung niên lớn tuổi từ 40 đến trên 50, và hầu như không có trẻ em.

Có người bị bệnh từ nhỏ, có người kiềm nén mười mấy hai chục năm mới phát bệnh.

Bố mẹ nào mà còn lương tâm thì sẽ dẫn con đi khám, hàng năm trả viện phí đều đều, nhưng họ sẽ không đi thăm con, mà chỉ nói với bên ngoài là con mình mất rồi hoặc là xuất ngoại, hoặc là đang làm việc ở tỉnh khác,…

Có trường hợp con bị điên rồi thì bố mẹ trực tiếp không nhận con luôn, để con ở ngoài lang thang không có ăn không có mặc, cuối cùng phải để chính phủ ra mặt đưa người vào bệnh viện chữa trị.

Cũng có trường hợp bố mẹ đưa con đến thăm khám rồi nộp tiền viện phí mấy tháng xong thì biến mất tăm, như là bị bốc hơi vậy. Tất cả các phương thức liên lạc đều bị chặn hoặc xóa, bệnh viện cũng không thể nào đuổi bệnh nhân ra ngoài được, cứ để người ở trong đó để chữa tiếp thôi.

Còn có chuyện chồng đưa vợ vào viện nữa, hoặc là vợ có vấn đề tâm lý sẵn, cưới về đẻ mấy đứa con rồi cho vào viện; hoặc là trầm cảm sau khi sinh; hoặc cũng có thể là bị ám ảnh tâm lý từ nhỏ, sau khi kết hôn mới phát bệnh.

Vợ đưa chồng vào viện cũng có, nhưng thường thì nếu để vợ đưa “trụ cột kinh tế” trong nhà vào thì toàn là đã xảy ra một chuyện gì đó rất lớn mà thôi.

Đương nhiên cũng có trường hợp con cái lớn rồi, phát hiện bố mẹ không bình thường nên mới đưa vào viện.

Những nhóm người này, toàn bộ đều là “những đứa trẻ ngày xưa ít bị các vấn đề tâm lý” mà bạn hỏi ở đầu bài đấy.

Chỗ như này bình thường sẽ không có “những đứa trẻ bây giờ đều có tâm lý yếu mềm” như trong miệng bạn nói đâu. Cho dù có trẻ đến khám thì bố mẹ cũng không bỏ mặc con không lo ở bệnh viện. Nếu có những đứa trẻ bị bố mẹ nuông chiều đến mức trở thành “thủy tinh dễ vỡ” như bạn vẫn nghĩ thì bọn họ nhất định sẽ đến thăm con vào ngày nghỉ, dẫn con về nhà vào cuối tuần và điện thoại hỏi con sống như thế nào vào mỗi tối. Những bố mẹ mà ở gần thì hầu như ngày nào cũng đưa cơm đến tận nơi, bọn họ sợ con mình không quen ăn cơm bệnh viện.

Bạn thấy đấy, nhóm người trung niên hiện giờ mới chính là nhóm đối tượng bị xã hội lãng quên, bị gia đình ruồng bỏ.

Trong trí nhớ của tôi có một dì lớn tuổi rồi, lần nào gặp bác sỹ hay y tá dì cũng nắm áo, cầu xin bọn họ cho mình gọi một cuộc điện thoại về nhà. Tôi đến chỗ dì mấy lần, lần nào cũng bị dì kéo lại mượn điện thoại.

Thái độ của bác sỹ là không quan tâm, không phải là vì bọn họ cảm thấy phiền phức hay gì, mà là vì cho dù có điện thì người trong nhà cũng sẽ không để ý đến dì. Mới đầu cũng không phải là không cho mượn, nhưng sau đó tất cả mọi người đều cảm thấy không đáng, người nhà còn nói thẳng với bác sỹ là sau này đừng để dì điện nữa, nhưng dì vẫn ôm hy vọng nếu bản thân điện thêm một cuộc thì người nhà sẽ nhớ đến mình thêm một chút, thậm chí, có thể sẽ đón mình ra ngoài.

Cả cái bệnh viện, dù lớn hay nhỏ thì vẫn có rất nhiều người giống như dì.

Lý do bạn cảm thấy trẻ em ngày nay yếu mềm và không chịu được tổn thương tâm lý là vì, bọn họ được xã hội quan tâm. Cho dù xã hội có phớt lờ thì vẫn có bố mẹ đứng sau lưng ủng hộ. Mà bạn cảm thấy những đứa trẻ năm đó ít bị bệnh là vì xã hội đã quên lãng bọn họ, người nhà cũng đưa họ vào dĩ vãng, ngay cả bạn cũng quên mất bọn họ đó thôi.

Lúc lướt thấy câu hỏi “Tại sao những gia đình tri thức dễ xuất hiện những đứa trẻ tự kỷ?”, tôi có bấm vào xem, ở bên dưới có câu trả lời như thế này: Không phải là những gia đình tri thức dễ xuất hiện những bệnh nhân mắc chứng tự kỷ, mà là những bệnh nhân mắc chứng tự kỷ ở những gia đình tri thức mới dễ được biết đến. Những đứa trẻ nhà nghèo bị tự kỷ thì họ chỉ nghĩ là con mình hơi ngốc thôi, cứ nuôi mười mấy hai chục năm rồi cưới đại một người vợ, gả đại một ông chồng là được rồi, sinh cháu rồi thì để cháu nuôi ngược lại; hoặc là họ sẽ nghĩ con mình bị quỷ nhập làm mất hồn, uống vài bát nước có tro bùa là hết thôi, không hết nữa thì có khi con mình ngốc thật; hoặc là lại sinh thêm một đứa nữa đi, để cho đứa nhỏ nuôi đứa lớn; hoặc là dẫn con ra ngoài rồi giả bộ lạc mất con, đem con đi cho người khác cũng được nữa, sau đó thì cả nhà xem như không có chuyện gì mà tiếp tục sống.

Đó chính là vận mệnh của những đứa trẻ thời trước đấy.

Thật ra, tôi cảm thấy những đứa trẻ thời đó mới là người đáng thương. Nửa đời trước dù bị đánh bị mắng như thế nào cũng phải tỏ ra là một đứa con ngoan ngoãn hiểu chuyện, mình cho dù có làm sai hay không thì bố mẹ cũng mắng cũng chửi để giải tỏa áp lực cuộc sống, kiềm chế đến mức bản thân bị điên rồi nửa đời sau mới được đưa vào viện tâm thần để “tự sinh tự diệt.”

Lúc bình thường không ai để ý, lúc không bình thường cũng chả ai quan tâm. Cả đời này cho dù họ có bình thường hay không bình thường thì cũng không được người khác liếc một cái.

#138Q: Đâu là cách tốt nhất để đối phó với trò ăn vạ nơi công cộng của một đứa trẻ 2…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *