Điều không mong đợi nhất sau khi (hoặc đang) thưởng thức một bữa sáng tuyệt vời là cơn đau bụng ẻ ập đến khiến bạn mất cả hứng ăn uống.
Trên thực tế, có thể mất tầm 1-2 ngày trước khi thức ăn kết thúc chuyến hành trình qua đường tiêu hóa của một người. Do đó, nếu bạn đi nặng ngay sau khi ăn thì có khả năng đó là những món mà bạn đã ăn trước đó một hoặc hai ngày.
Ngoài ra, nó còn có thể là phản xạ dạ dày. Đây là một phản ứng bình thường (không tự chủ) đối với thức ăn đi vào dạ dày. Tuy nhiên, cường độ phản xạ của dạ dày ở mỗi người có thể khác nhau. Khi thức ăn đi vào cơ quan này, cơ thể sẽ tiết ra một loại hormone gây co bóp ruột kết. Những cơn co thắt này di chuyển thức ăn đã ăn trước đó đi xa hơn trong hệ thống tiêu hóa, điều này có thể dẫn đến nhu cầu đi vệ sinh. Đối với một số người có phản xạ dạ dày ở mức nhẹ sẽ không gây ra triệu chứng. Ngược lại, một số khác có thể sẽ muốn đi vệ sinh ngay sau khi ăn. Một số tình trạng sức khỏe có thể ảnh hưởng đến phản xạ dạ dày như Hội chứng ruột kích thích (IBS) có thể khiến đường tiêu hóa của bạn di chuyển thức ăn trong hệ thống với tốc độ nhanh hơn nhiều.
Các nguyên nhân khác bao gồm:
- Dị ứng hoặc không dung nạp thực phẩm
- Sự lo lắng
- Viêm dạ dày
- Bệnh celiac
- Bệnh viêm ruột (IBD)
- Bệnh Crohn
Các nguyên nhân này có thể làm tăng cường độ phản xạ của dạ dày, dẫn đến vấn đề đau đầu trên. Chúng cũng có thể làm phát sinh thêm các triệu chứng tiêu hóa đi kèm như:
- Đầy hơi giảm sau khi đi ngoài ra khí hoặc phân
- Đau bụng hoặc khó chịu
- Chất nhầy trong phân
- Tiêu chảy, táo bón hoặc combo cả hai cùng lúc
Cách cải thiện:
Vì phản xạ dạ dày là một phản ứng bình thường của cơ thể nên về mặt kĩ thuật, nó không cần điều trị. Tuy nhiên, có những bước mà mọi người có thể làm để giúp giảm cường độ và cảm giác muốn đi nặng sau khi ăn.
- Đi khám bác sĩ nếu dạ dày phản ứng mạnh mẽ và thường xuyên đối với thức ăn, tiêu chảy kéo dài hơn 2 ngày hoặc có các triệu chứng được kể ở trên tít mù khơi trên kia.
- Thay đổi chế độ ăn uống: một số loại thức ăn có thể gây ra phản ứng dạ dày mạnh như thức ăn béo hoặc nhiều dầu mỡ, các sản phẩm từ sữa,… Việc ghi chép lại bạn đã ăn gì và cảm thấy như thế nào sau khi ăn sẽ giúp xác định được các loại thực phẩm làm tăng phản ứng dạ dày của bạn.
- Kiểm soát căng thẳng: đối với một số người, căng thẳng cũng có thể làm tăng cường độ phản xạ của dạ dày. Do đó, hãy tập thể dục thường xuyên hoặc bạn có thể thử cách thiền định.
