Tại sao các triều đại [dynasty] Trung Quốc không lấy tên của triều đại nắm quyền cai trị đương thời? Chẳng hạn, triều đại Minh là do họ Chu cai trị, vậy tại sao không gọi là triều đại Chu?

Thông thường, “triều đại” là nói về một họ tộc các nhà cai trị hoặc những người có tầm ảnh hưởng, như triều đại Habsburg vậy. Tuy nhiên, trong lịch sử Trung Hoa, “triều” có vẻ như là một thuật ngữ khác, do các thời kỳ cai trị của các họ tộc khác nhau được gọi tên là “triều”, nhưng lại không lấy họ của các đời vua. Tại sao vậy?


Giải thích đơn giản là vì một vài lý do, tiếng Anh đã chọn từ ‘dynasty’ để dịch thuật ngữ tiếng Trung triều (朝). Tuy nhiên, về mặt ngữ dụng, từ ‘triều’ hầu như tương đương với từ tiếng Anh ‘court’ (triều đình), và do đó thường sở chỉ về nhà nước [state], thường là một nhà nước cụ thể nếu kèm theo một cái tên nhất định, hoặc mang nghĩa trừu tượng nếu đứng riêng. Ít ra nếu truy nguyên, người Trung Quốc chưa hề thai nghén ý tưởng rằng triều đại Chu (viết thường) cai trị Triều Đại Minh (viết hoa) – thay vào đó là hoàng tộc (皇族), có họ (tính) là Chu 朱, cai trị Đại Minh (大明), hay Minh Triều (明朝). Còn về lý do tại sao vẫn giữ từ ‘dynasty’, một phần là do các học giả phương Tây quen dùng; phần khác có thể là từ phía Trung Quốc, chủ nghĩa dân tộc hiện đại đã cố gắng khắc họa Trung Hoa là một nhà nước liên tục, được cai trị bởi các triều đại nối tiếp nhau, và đã giữ thuật ngữ tiếng Anh để nhấn mạnh tính liên tục đấy. Đã có vài trường hợp có sự chuyển giao từ ‘triều đại’ đến ‘đế chế’, hay thậm chí là với nhà Kim, Nguyên, Minh và Thanh còn thẳng tay sử dụng quốc hiệu là ‘Đại X’ – riêng các học giả thời Thanh còn có xu hướng chuyển từ ‘triều đại’ sang ‘đế quốc’ hay ‘Đại Thanh’, tuy điều này phần nhiều là để cố không khẳng định tính liên tục xuyên suốt giữa Thanh triều do người Mãn Châu sáng lập với những triều đại người Hán tiền nhiệm.
Về lý do tại sao các nhà nước không đặt tên theo họ vua, áp lực từ tiền lệ là một thứ, một số hoàng triều rốt cuộc đặt tên theo vùng phát tích, hoặc theo tước hiệu cũ của nhà lập quốc. Hán 漢 được đặt là vì nhà cai trị đầu tiên có một đất phong bên sông Hán; nhà nước Liêu 遼 của người Khiết Đan phát nguyên từ vùng sông Liêu. (Tào) Ngụy 魏 được đặt như thế vì hoàng đế khai quốc Tào Phi kế tục tước vị Ngụy Vương từ cha mình; Đường 唐 được khai nguyên bởi các Đường quốc công. Tuy nhiên, một số nhà nước, đặc biệt là những nhà hậu khai, thường dùng Đại 大 (‘To lớn) về mặt hình thức, rồi chọn tên theo ý nghĩa biểu tượng. Nhà nước Nữ Chân dưới quyền họ tộc Hoàn Nhan gọi bản thân là Kim 金, ‘hoàng kim’; người Mông Cổ bên nhánh Đà Lôi của dòng Thành Cát Tư đã chọn Nguyên 元 ‘hồng hoang, gốc’; Chu Nguyên Chương, lãnh đạo của Quân Khăn Đỏ, đã chọn Minh 明, ‘sáng’, các nhà lãnh đạo Ái Tân Giác La của người Mãn Châu chọn 清, ‘thuần khiết’.
Nhưng đáng nói là bên châu Âu cũng không rõ ràng rành mạch như bạn nói. Đôi khi chúng ta cũng nói ‘Nền quân chủ Habsburg’, là vùng Áo-Tây Ban Nha hợp nhất dưới thời Charles Đệ Ngũ, hoặc đồng nghĩa với Đế quốc Áo (sau đó là Áo-Hung); chúng ta cũng quy chiếu đến ‘đế chế Carolus’ hay đế quốc Angevin’ nữa. Về mặt lý thuyết, có thể chỉ cần gọi đế chế Carolus là Francia, còn đế quốc Angevin thì… có lẽ là phức tạp hơn. Nhưng điều thú vị là chúng ta trên thực tế cũng gọi các nhà nước châu Âu bằng tên của triều đại đương thời, nhưng với Trung Quốc thì không.


Có một câu hỏi thường gặp là tại sao Trung Hoa có thể cố kết lâu đến vậy cho đến thời hiện đại, chỉ thay đổi từ nhà này sang nhà khác, nhưng theo những gì bạn vừa nói, các học giả Trung Quốc xưa thực sự ghi chép bản triều với tư cách các nhà nước khác nhau sao?


Ừ, trên một mức độ nào đó. Sự nhìn nhận các triều đại như các vòng lặp liên tiếp của cùng một khái niệm ‘Trung Hoa’ xuyên suốt là quyết định của hậu thế, thường là một ý tưởng chịu ảnh hưởng bởi chủ nghĩa dân tộc. Trong các biên chép cổ, thuật ngữ ‘Trung quốc’ với tư cách một lãnh thổ không phải là một ‘quốc gia’ Trung Quốc (‘vương quốc trung tâm’) đặc thù, mà nhằm chỉ Thiên hạ (‘vạn vật phía dưới trời xanh’), nó lại có ngụ ý khác hẳn – ‘phần thế giới đáng để tâm’. Chẳng hạn, từ Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung, viết dưới thời Minh:
話說天下大勢,分久必合,合久必分:周末七國分爭,并入於秦。及秦滅之後,楚、漢分爭,又并入於漢。
Thế lớn trong thiên hạ, tan lâu rồi lại hợp, hợp lâu rồi lại tan: như cuối đời nhà Chu, bảy nước tranh giành xâu xé nhau rồi sau lại hợp về nhà Tần. Đến khi nhà Tần mất, thì Hán Sở tranh hùng rồi sau thiên hạ lại hợp về tay nhà Hán.
Bản tóm lược này không phải về một ý niệm xuyên suốt thời đại mang tên ‘Trung quốc’, mà là về sự kế tập giữa các nhà nước, tranh giành xâu xé nhau để giành lấy quyền cai trị.
[ND: Theo mình biết thì thuật ngữ ‘trung quốc’ (viết thường) trong cổ văn không mang sắc thái chính trị của ‘đất nước’, mà phiếm chỉ vùng đất trung tâm theo quan niệm của các vua Trung Hoa xưa, nằm giữa bốn bề man di (tứ di), trong đó có Việt Nam bị họ coi là ‘Nam man’. Ngoài ‘trung quốc’ còn có hai khái niệm ‘địa trung’ (地中) và ‘trung nguyên’ (中原) ít nhiều cũng nêu bật luận thuyết dĩ Hoa vi trung này, với các sắc thái khác nhau. Gộp ‘trung quốc’ với ‘tứ di’ và các vùng liên quan là thành ‘thiên hạ’. Đến thời Ngũ tộc cộng hòa, để 5 dân tộc Hán, Mông Cổ, Hồi Hột, Mãn Châu và Tây Tạng đoàn kết lại với nhau, người ta đã sử dụng ‘trung quốc’ với ngữ nghĩa quốc gia, đất nước như ngày nay]


và khi họ [người Hán] bị nô dịch hóa (chẳng hạn như bởi người Mông Cổ hay người Nữ ChânMãn Châu), tầng lớp cai trị rốt cuộc cũng bị hấp thụ vào dân Hán và “trở thành người Hán”. Trên thực tế, đây là một phần những điều đã xảy ra với người Mãn Châu, rất khó để phân biệt họ với người Hán, do nhiều người còn không tự xưng là Mãn Châu nữa.
… Không. Thứ lỗi nhé, như thế là sai hoàn toàn. Mình không biết về sử ký thời Kim hay Nguyên, nhưng hoàn toàn có thể khẳng định rằng ý niệm người Mãn Châu bị ‘Hán hóa’ đã bị bãi bỏ từ đầu những năm 1990. Người ta công nhận rằng có sự ‘tiếp biến văn hóa’, nghĩa là sự hấp thụ ảnh hưởng từ văn hóa Hán và sự suy tàn của tập tục Mãn Châu và trên hết là tiếng Mãn Châu, nhưng ta phải xét hai khía cạnh: một là, ‘Mãn Châu’ trên phương diện căn tính được dựng lên từ những năm 1630, và văn hóa kèm theo đó, ‘đạo Mãn Châu’, là một kiến trúc vào thế kỷ XVIII; hai là, liên quan đến ‘tuổi đời non trẻ’, văn hóa không phải thành tố duy nhất, càng không phải tối quan trọng, đến căn tính Mãn Châu, mà căn tính này liên hệ mật thiết đến cương vị trong Bát kỳ và các dòng dõi cụ thể.
Trên thực tế là, tuy có vài người không tự xưng là người Mãn Châu, cuộc điều tra dân số ở Trung Quốc năm 2010 cho thấy có 10.4 triệu người Mãn Châu. So sánh với khoảng 4.62 triệu dân Bát kỳ vào năm 1909, mình nghĩ căn tính Mãn Châu hãy còn năng động lắm.


Về từ tiếng Trung triều 朝
Theo mình biết thì chữ này nghĩa là “buổi sáng”. Nó có liên quan tý nào về buổi thượng triều hằng ngày vào sáng sớm, giữa hoàng đế với các thần tử không (tảo triều 早朝triều kiến 朝見)? Có lẽ nên dịch nó là “government” [chính quyền] hay “court” (triều đình 朝廷)?


Đúng, nó còn có nghĩa ‘buổi sáng’, nhưng cũng là ‘state’ [nhà nước], ‘court’ hay ‘government’ (nếu chỉ gán một từ tiếng Anh thì sẽ thành vấn đề). Mình thừa nhận bản thân không biết nhiều về từ nguyên – tầm hiểu biết có hạn – nên mình không thể chọn lựa.


Nó có liên quan tý nào về buổi thượng triều hằng ngày vào sáng sớm, giữa hoàng đế với các thần tử không (tảo triều 早朝triều kiến 朝見)?
Theo một nguồn tiếng Trung thì có. Nội hàm chính quyền của từ này đúng thực là đến từ việc những cuộc lâm triều thường nhật thường diễn ra vào những buổi sáng sớm.
Tuy nhiên, mình không phải chuyên gia về dịch thuật hay ngôn ngữ học, nên mình không thể xác minh những cách dịch thay thế của bạn.


Trong tảo triều 早朝, tảo 早 cũng có nghĩa là buổi sáng, không chỉ có triều 朝, và trong triều kiến 朝見, 見 là “họp mặt”, nên có thể giải nghĩa cả từ này là “thuật trị quốc vào sáng sớm” hay “cuộc họp cấp nhà nước”. Mình không biết nữa, đọc Trung văn chưa thấy từ này bao giờ.


Theo Thuyết văn giải tự, đó có nghĩa là bình minh [朝, 旦也 / 旦者,朝也朝之義主謂日出地時也。周禮:春見曰朝。], theo từ điển Nhĩ Nhã【爾雅·釋言】陪朝也。【註】臣見君曰朝 ] khi các quan lại thiết kiến nhà vua thì đó là ‘triều’, theo Kinh Lễ [【禮·曲禮】天子當宁而立,諸公東面,諸侯西面,曰朝], khi Thiên Tử lâm triều, chư công hướng về phía Đông, chư hầu hướng về phía Tây, đó là triều.
Triều cũng mang ý nghĩa họp mặt lễ nghi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *