Là một người mẹ đã có nhóc con 2 tuổi, tôi nghĩ tôi đủ kinh nghiệm và thấu hiểu để trả lời vấn đề này.
Đầu tiên, hãy quay trở lại với những câu chuyện của các thế hệ trước. Điển hình là thời đại ông bà tôi đây, các bậc phụ huynh có thể dành ra nhiều nhất là 20% tinh thần và sức lực để chăm sóc cho con cái. 20% đó không thể đảm bảo chúng không chết đói, không lạnh chết, thậm chí còn không thể đảm bảo chúng có thể sống tiếp hay không. Sinh mười chết bốn là rất bình thường. Chết vì không có sữa bú rất bình thường. Chết vì cảm lạnh rất bình thường. Hay chết đuối vì kênh nước trước cửa nhà cũng rất bình thường. Mọi người đều nghĩ, trẻ nhỏ mà, sinh thêm mấy đứa nữa, thể nào chẳng có đứa mệnh lớn sống được.
Tiếp theo là thế hệ gần chúng ta nhất, thế hệ của bố mẹ. Thời đại bố mẹ tôi sinh ra thì đỡ hơn, các bậc phụ huynh đã có thể dành đến 40% tinh thần và sức lực cho việc chăm sóc con cái. 40% này sẽ không để những đứa trẻ bị đói chết hay bị lạnh cóng không chịu nổi, nếu người lớn chịu để ý con cái thì dù nuôi 3-4 đứa cũng không đứa nào bị chết yểu. Bên họ nội nhà bố có 4 chị em, họ ngoại nhà mẹ có 3 anh em đều lớn lên khỏe mạnh hết. Còn về vấn đề giáo dục à, thôi tùy duyên vậy, dù gì cũng đã đảm bảo chúng ăn no mặc đủ rồi, đứa lớn chăm đứa nhỏ, vậy là được rồi. Đến tuổi đi học thì cho đi học. Còn việc thi đại học á hả? À thi được thì thi, không được thì thôi, chứ chẳng có gia sư hay học thêm gì đâu.
Đến thời đại chúng ta sinh ra thì điều kiện sống đã ngày càng được cải thiện. Bố mẹ có thể dồn cho chúng ta đến tận 60% tinh thần và sức lực. Các ông bố bà mẹ lúc này đã bắt đầu than thở nuôi con chẳng dễ rồi. Tại sao vậy? Tại vì tháp nhu cầu không đi xuống. Cho con ăn no rồi thì bắt đầu nghiên cứu cách để cân bằng dinh dưỡng; mặc ấm được rồi thì lại nghĩ đến cách mặc vừa ấm vừa đẹp; trường lớp học hành đã phổ cập thì lại nghĩ đến chuyện học thêm để con giỏi vượt bậc; đường cái xe cộ ngày càng nhiều thì không thể nuôi thả mấy đứa nhỏ chạy đùa ngoài đường nữa rồi; con nhà người ta bắt đầu học tiếng anh rồi, con nhà mình cũng không thể thua kém được. Ôi mà sắp thi đại học thì cả nhà như lâm đại dịch, vừa hồi hộp vừa căng thẳng; còn mà thi không đậu á? Bố mẹ cho tiền con đi du học!
Lại đến thời đại bây giờ, thời đại mà con của chúng ta sinh ra thì yêu cầu dành cho các bậc phụ huynh đã cao đến tận bảy thước trời mây rồi, người bình thường chẳng ai đáp ứng được.
Tôi từng đọc được đoạn văn như thế này:
“- Cách để trở thành một người mẹ tốt năm 2017: Đảm bảo đủ đầy cho con về các mặt: học tập, cảm xúc, tâm lý, tinh thần, vật lý, dinh dưỡng, chuẩn mực xã hội và đồng thời phải ứng xử cẩn thận, không được quá kiểm soát, cũng không được quá bỏ bê, lại càng không được chê bai, xem nhẹ các con; phải dùng thuốc đúng cách, không được trở thành những bậc phụ huynh can thiệp quá nhiều vào đời sống riêng tư của con; không được cho con nghịch các thiết bị thông minh quá lâu; không được cho con ăn thực phẩm rác quá nhiều; phải để các con tránh xa năng lượng tiêu cực; phải rèn cho các con có thái độ tích cực khi nhận định về bản thân, có thái độ chuẩn mực trong các cuộc giao tiếp ngoài xã hội; phải khéo léo trong việc chu cấp, nuôi dưỡng các con nhưng vẫn đảm bảo chúng có tính tự lập mà không quá dựa dẫm vào bố mẹ; dịu dàng nhưng không dễ dãi; tốt nhất là nên nói N thứ tiếng ở nhà để con làm quen với môi trường ngoại ngữ; và cũng tốt nhất là nên có một căn nhà rộng, thoáng mát, sau nhà có sân trồng cây xanh, có vật nuôi để các con chăm sóc, chơi đùa…
Cách để trở thành một người mẹ tốt ở các thế hệ trước chúng ta: Không chết đói (Nguyên văn: Feed them sometimes :))))”
Lần đầu tiên nhìn thấy đoạn văn này tôi đã cười nghiêng ngả, quá đúng, không thể cãi được.
Trước khi đứa nhỏ chào đời, chúng tôi đã quyết tâm sẽ dành 80% tinh thần và sức lực để chăm sóc con, nhưng không biết tại sao mà tôi thấy vậy vẫn chưa đủ.
Ví dụ như trong trường hợp con khóc, nếu nói 20% có nghĩa là ném chúng sang một bên để chúng khóc đến lúc mệt, thì 40% tức là bố mẹ có lời an ủi, dỗ dành nhưng đã quá mệt mỏi nên đành vỗ nhẹ hai cái xong, đến 60% thì người lớn sẽ ôm chúng vỗ về đến khi cánh tay mỏi nhừ; 80% sẽ là cảnh có ít nhất hai người lớn thay phiên nhau ôm dỗ dành và đu đưa. Có phải là phần trăm bỏ vào càng nhiều thì nhu cầu của đứa nhỏ càng cao không?
Lại một tình huống khác, về việc ăn uống đi. Ngày xưa cả nhà chỉ có tiền nấu cháo kê ăn chung vào mỗi sáng thì dễ rồi, bây giờ gia đình đã có điều kiện, đương nhiên sẽ có món này món kia. Người lớn thì ăn bánh bao, nhưng trẻ nhỏ lại không được, phải nấu một nồi cháo riêng, chưa kể, phải thay đổi mỗi ngày mỗi loại, nay cháo gáo lứt, mai cháo bí đỏ, mốt cháo cá, nếu không chúng sẽ ngán và không chịu ăn. Hoặc khi chúng lớn lên, bạn sẽ bắt đầu đắn đo đến việc cung cấp dinh dưỡng để đảm bảo sự phát triển thể chất của chúng là tốt nhất. Nhưng có khi, chúng về đến nhà lại bảo con thèm mì gói! Bạn bảo không được, nhưng bà thương cháu thì gật đầu cái rụp: “Lần này thôi đấy.”
Ừ đấy, mọi chuyện chập chùng thế đấy.
Thế là tôi nghĩ, có khi chúng ta cảm thấy mệt mỏi vì đã quá cố gắng để trở thành các bậc phụ huynh “hoàn hảo”, các con có thể cảm thấy chúng ta đang gây áp lực lên chúng, làm chúng không có cơ hội tìm thấy chính mình. Chúng ta có thể dừng lại một nhịp, thả lỏng các con, nhưng không phải là buông tay mặc kệ, như vậy chúng sẽ cảm thấy bất an, thiếu cảm giác được quan tâm.
Có một câu rất hay, và tôi cũng thấy rất đúng với hiện trạng xã hội ngày nay: Cả đời bố mẹ chỉ mong nhận được lời cảm ơn của con, nhưng cả đời của con chỉ muốn bố mẹ xin lỗi mình.