.
Năm nay tôi 53 tuổi rồi, cũng leo lên được chức quản lý trong công ty, không phải rất cao nhưng cũng chẳng thấp. Tiền lương tạm ổn, so với mặt bằng chung ở Thâm Quyến thì cao hơn một chút. Tôi sợ hãi kết hôn, cũng không thích con nít nên quyết định không cưới không đẻ.
Đa phần là vì tôi muốn tự do, không muốn có con cái và hôn nhân trói buộc, còn một phần nhỏ chắc là do trời sinh lãnh đạm đi.
Tuy lãnh đạm là vậy nhưng nếu gặp chuyện thì tôi lại nóng nảy hơn bất kỳ ai. Nếu bố mẹ mà nói gì tôi thì đôi bên nhất định sẽ cãi nhau to. Nên là, sau này bố mẹ không thúc ép tôi kết hôn sinh con nữa, nhưng tôi biết, hai người vẫn ôm trong lòng tiếc nuối mà ra đi, tiếc nuối lúc sinh thời không nhìn thấy con gái lấy chồng, không được ôm cháu ngoại trong lòng để đung đưa ru ngủ.
Tôi có một người anh trai, nhưng lúc nhỏ anh bị người ta bắt đi mất rồi, đến bây giờ cũng không rõ tung tích.
Sau khi bố mẹ đi, tôi cảm thấy bơ vơ và hoảng hốt cực độ, lúc nào cũng rơi vào trầm tư và tự hỏi: “Sự cố chấp và kiên trì của mình những năm này là sai rồi sao? Tại sao tôi không đi tìm một người đàn ông tốt, sinh một đứa con thơ để mang lại niềm vui và sức sống cho cái nhà này? Nếu làm vậy thì bây giờ tôi đã là người có gia đình rồi. Đến năm 70 80 tuổi, tôi vẫn là người có gia đình.”
Nhưng bây giờ thì sao? Tôi không còn người thân nữa rồi, không còn, không còn một ai hết. Loại cảm giác cô độc như rơi vào bóng tối vô tận này bạn có hiểu không?
Lúc còn trẻ tôi là một người tự lập, thân gái một mình cũng dám đi với đồng hương lên Thâm Quyến lăn lộn. Tuy ở thành phố lớn đôi khi sẽ cảm thấy cô độc nhưng vì ở nhà còn có bố mẹ nên năm nào tôi cũng ngóng trông ngày Tết được về nhà. Đến bây giờ thì tôi không còn nhà nữa rồi, cảm giác cô độc năm đó lại như vũ bão, nhanh chóng xâm chiếm tâm hồn tôi, đuổi mãi vẫn không chịu đi.
Hóa ra, những năm này tôi cố chấp không muốn kết hôn không phải vì bản thân độc lập hay kiên cường mạnh mẽ gì. Mà là vì người nhà vẫn còn thì tôi vẫn còn vốn liếng để kiên trì không chịu kết hôn.
2.
Có người nói, không có con cái thì bản thân có thể tự do tự tại, muốn đi du lịch ở đâu thì đi ở đó.
Nhưng có mấy người thật sự thích đi du lịch? Chấp nhận đi du lịch cả đời?
Những người suốt ngày mơ mộng được đi du lịch chỉ là vì cảm thấy áp lực công việc quá lớn, quá mệt mỏi nên muốn đi du lịch để thả lỏng, để thư giãn. Tôi đi du lịch rất nhiều nơi rồi, thậm chí là đi đến phát ngán. Mệt rồi, muốn về nhà, nhưng bây giờ không còn nhà để về nữa. Tôi cũng không dám đi du lịch tiếp, bởi vì tôi cảm thấy bản thân giống như cô hồn dã quỷ đi tha hương hơn là du khách đi hưởng thụ.
Tuổi trẻ sợ hãi mất đi tự do thì về già phải gánh hậu quả, muốn tự do thì phải chịu được cảnh cô độc khi bay một mình, trên đời này làm gì có chuyện vẹn toàn đôi bên.
Lúc đăng ảnh đi du lịch lên dòng thời gian thì được họ hàng, bạn bè hâm mộ nói tôi tự do như vậy nhìn thích quá đi. Họ muốn đi đâu cũng phải mang theo con, theo cháu, đùm đùm đề đề. Nhưng họ cũng từng nói, nếu thật sự phải đổi qua kiểu cuộc sống tự do giống như tôi thì họ cũng không đồng ý.
Họ cảm thấy, gia đình vẫn là quan trọng nhất.
Nhà không có người nhà thì không được tính là nhà, đó chỉ là một chỗ để ở thôi. Có những người may mắn hơn, đến 50 60 tuổi rồi mà bố mẹ vẫn còn, nhưng đến lúc đó thì bố mẹ cũng 80 90, đã đến tuổi gần đất xa trời rồi. Sớm muộn gì cũng có ngày giống tôi mà thôi.
Lúc tâm trạng không vui, hoặc là lúc cảm thấy cô đơn, tôi sẽ rủ bạn bè đi chơi. Bởi vì trong thành phố lớn này muốn tụ tập đi ăn 1 bữa cơm rất khó, mọi người đều phải tăng ca, hoặc là về nhà chăm con, chăm chồng, hoặc là họ rảnh thì tôi bận, hoặc cũng có thể là đã có hẹn với bạn khác rồi,…Lâu dần, tôi cảm thấy bản thân càng ngày càng ít bạn.
Chuyện dưỡng lão thì tôi cũng không lo lắm. Tôi tiết kiệm được một khoản tiền rồi, sau này còn rút thêm tiền bảo hiểm xã hội ra nữa.
Tuy vậy nhưng tôi cũng sợ lạm phát tăng cao, mấy đồng bạc đó của mình không đủ sống đến lúc mất nên cũng không dám tiêu xài hoang phí. Ai cũng bảo ở một mình muốn tiêu bao nhiêu thì tiêu bấy nhiêu, nhưng mà mọi người nghĩ đẹp quá, đến cái tuổi này của tôi rồi, không con không cái lại càng không dám tiêu tiền. Những người thật sự dám tiêu tiền thả ga thì nhất định là trong nhà có mỏ vàng mỏ bạc, còn nếu không nữa thì là ngốc không biết lo.
Trước năm 2008 tôi chỉ để lại cho mình 40 vạn tệ để dưỡng lão, lúc đó bản thân còn ngây thơ nghĩ như vậy là đủ rồi, nhưng mà lạm phát lại tát thẳng một cái vào mặt tôi và bảo: “40 vạn tệ này bây giờ chỉ tiêu được mấy năm là hết chứ đừng nói là 10 năm 20 năm sau này.”
Tôi đã từng bị bệnh phải nhập viện, lúc trước mẹ còn sống thì có bà đến chăm cho tôi, nhưng nay bà mất rồi, tôi chỉ có thể tự mình chăm sóc chính mình.
Tôi đã từng làm phẫu thuật, lúc đó cũng không biết nên nhờ ai đến chăm, cuối cùng không còn cách nào nên phải nhờ em họ đến. Nhưng rõ ràng là em họ không vui lắm. Cũng đúng thôi, tôi chưa nuôi em họ được ngày nào mà lại bắt người ta đến chăm thì ai mà vui nổi. Đương nhiên là tôi cũng có thuê y tá riêng, nhưng có những việc không phải cứ có y tá là xong được. Già rồi, đủ loại bệnh tật thi nhau mà đến, loại tiểu phẫu này tôi còn tự tay ký tên được, chứ sau này gặp phẫu thuật lớn hơn cần chữ ký của người nhà thì cũng không biết phải làm sao nữa.
Lỡ mà tôi bị Alzheimer, cả ngày cứ nhớ nhớ quên quên thì mong các bác sĩ đừng cố sức cứu chữa nữa, cứ cho tôi một liều thuốc nào đó để ngủ mãi không tỉnh đi. Sau khi chết còn được hiến tạng cho người khác chứ lúc còn sống có ích gì cho đời đâu.
Bây giờ tôi bắt đầu cảm thấy thích con nít rồi. Lúc nào tôi cũng mong bạn bè, họ hàng dẫn con cháu của họ ra chơi với bà già này. Tình mẫu tử lúc đó mới trỗi dậy, có thể tôi là loại người không thích con cái nhưng lại thương cháu chắt. Tuy bạn bè họ hàng không nói gì, nhưng tôi cảm thấy họ nhất định là cảm thấy tôi cô đơn nên vẫn ngầm thương hại tôi, “cái người lúc trẻ vì không thích con nít mà không chịu kết hôn bây giờ trông mới nực cười làm sao.”
Lúc trước tôi vẫn nghĩ bản thân độc lập tự cường, không nhất thiết phải sinh con để phòng ngừa tuổi già sức yếu không ai chăm. Bây giờ nghĩ lại mới thấy, người ta sinh con thật sự chỉ vì như vậy thôi sao? Không phải, có thể là vì người ta muốn lúc còn sống mình vẫn có người nhà, có người nhà thì mới có động lực và hy vọng.
Tôi có tìm hiểu về viện dưỡng lão rồi, đắt thì tôi không nộp nổi chi phí sống đến cuối đời. Rẻ thì môi trường sống lại không tốt, bầu không khí lúc nào cũng trầm lặng, không có sức sống, ai cũng như cái xác không hồn, cả đời bọn họ như chỉ còn 1 mục tiêu duy nhất đó là, đợi chết. Nghĩ thôi là đã đủ sợ rồi, tôi thật sự không dám trải qua mấy năm còn lại ở chỗ này.
3.
Bây giờ trong nhà rất yên tĩnh, yên tĩnh đến mức đáng sợ, chỉ còn tiếng chó sủa, không còn tiếng người nói, cũng không còn cơm ngon canh ngọt đợi tôi về. Giờ tôi chỉ muốn ngày nào cũng phải tăng ca, về đến nhà thì lăn ra ngủ, không cần phải nghe tiếng cười đùa của con nít từ nhà hàng xóm vọng sang, cũng không cần phải nhấm nháp nỗi cô đơn đáng sợ trong suốt buổi tối nữa.
Trong nhà có chó, nhưng bây giờ tôi không muốn nuôi nữa. Không phải vì tôi ác, mà là vì thêm hai năm nữa thì nó đến cái tuổi phải đi rồi. Tôi sợ bản thân không trụ được nữa.
Lúc trước tôi luôn muốn tăng ca để kiếm thêm chút tiền, tối đến thì cứ gọi cơm ngoài hoặc là ra tiệm ăn chung với đồng nghiệp. Bố mẹ có làm cơm kêu về ăn cũng không chịu về. Bây giờ bố mẹ đi rồi thì càng không muốn nấu nướng gì nữa, ngày nào cũng ăn mấy phần cơm tiệm chán ngắt. Đúng là mất đi thì người ta mới biết quý trọng.
Đáng sợ nhất là dịp Tết mỗi năm, họ hàng lúc nào cũng gọi tôi qua ăn tết chung, nhưng đi một lần rồi thì tôi không muốn đi thêm nữa, sự hạnh phúc của nhà người ta chỉ càng làm nổi bật thêm sự đáng thương của tôi thôi. Sau này, năm nào tôi cũng lấy cớ muốn đi du lịch để trốn tránh.
Từ năm 30 đến 40 tuổi là khoảng thời gian hạnh phúc lớn hơn nỗi đau. Bởi vì những năm này tôi còn trẻ, thu nhập lại cao, muốn đi đâu thì đi đó, bạn bè đồng trang lứa ai cũng hâm mộ tôi.
Nhưng đã qua cái tuổi 40 rồi thì bố mẹ càng già hơn, mà tôi cũng đang dần già đi, không tranh được với lớp trẻ hiện giờ rồi, áp lực có lớn cũng không dám nói với ai. Lúc này thì nỗi đau lớn hơn hạnh phúc. Càng ngày càng cô đơn, càng đau khổ, nhưng tôi lại không thể kể với bạn bè. Tôi sợ mọi người cười chê, sợ mọi người thương hại nên lúc nào cũng phải giả vờ kiêu sa, giả vờ tự do để biểu thị rằng “tôi vẫn ổn.” Lúc sắp gục ngã cũng chỉ dám tìm một người bạn chung không có nhiều bạn để trải nỗi lòng.
Lúc bố mẹ còn sống, tôi vẫn là một người phụ nữ kiên cường và mạnh mẽ, không ỷ lại, không dựa dẫm vào người nhà. Lúc đó tôi vẫn nghĩ là bọn họ cần tôi, nhưng bây giờ tôi mới biết, một người không con không cái như tôi mới là kẻ không thể rời xa bố mẹ.
Bố mẹ ra đi là vô tận thống khổ, tôi không còn người nhà, chỉ còn họ hàng, nhưng họ hàng thì cũng chỉ là họ hàng mà thôi.
Nếu bây giờ anh trai của tôi còn bên cạnh thì tốt biết mấy, ít nhất tôi còn người nhà. Nhưng nghĩ lại thì cảm thấy không cần thiết nên tôi cũng không muốn tìm. Tuy có chung huyết thống nhưng lại chẳng lớn lên bên nhau, mọi chuyện đã không thể quay lại được nữa rồi, bố mẹ không còn thì tình anh em xa cách bao năm nay sao mà bù đắp lại cho được.
Nói thật thì tôi cũng không bi quan lắm đâu. Bây giờ tôi vẫn có việc để làm, mỗi ngày cũng sẽ trôi qua như trước, chỉ là cảm giác cô độc năm nào quay lại khiến tôi cảm thấy bất lực thôi.
Tôi không thiếu bạn, chỉ là không có người nhà thôi. Công việc và bạn bè rất quan trọng, nhưng người nhà lại càng quan trọng hơn. Lúc trước không có điều kiện đón bố mẹ về chăm sóc, đến khi có điều kiện rồi thì lại chẳng ở chung với nhau được bao lâu.
Những người bị bố mẹ thúc giục chuyện kết hôn sinh con xin hãy hiểu cho bố mẹ mình, đừng giống như tôi trước kia, bốc đồng lại không hiểu chuyện.
Đừng cãi nhau, cũng đừng chiến tranh lạnh, cứ bình tĩnh ngồi xuống uống trà, ăn miếng bánh rồi nhẹ nhàng nói chuyện với nhau để thấu hiểu suy nghĩ đôi bên. Đừng để cái tuổi trẻ ngu dốt làm tổn thương tấm lòng cha mẹ, trưởng thành rồi mới hối hận thì đã không kịp nữa rồi.