Bộ ba bất khả thi nói rằng bạn chỉ có thể thực hiện đồng thời hai trong ba điều dưới đây:
Tỷ giá hối đoái cố định
Tự do lưu chuyển vốn
Chính sách tiền tệ độc lập
Bạn không thể thực hiện cả ba chính sách cùng lúc. Chúng ta sẽ đi vào xem xét chi tiết.
Tỷ giá hối đoái
Giả sử tất cả các quốc gia khác muốn mua sản phẩm do đất nước bạn sản xuất, bước đầu tiên họ phải làm là dùng đồng tiền của mình mua nội tệ của bạn. Điều này nghĩa là đồng tiền của bạn sẽ lên giá và lượng ngoại tệ bạn nhận được trên mỗi đơn vị nội tệ sẽ tăng.
Ví dụ, nếu người Mỹ đột nhiên muốn mua áo phông do Anh sản xuất, họ sẽ phải dùng đô la Mỹ để mua bảng Anh. Nhu cầu cao khiến bảng Anh lên giá so với đô la Mỹ. Đó là tỷ giá hối đoái thả nổi. Một chính phủ ấn định tỷ giá hối đoái nghĩa là họ đang chống lại các lực lượng thị trường. Trong ví dụ Mỹ-Anh ở trên, khi người Mỹ dùng đô la để mua bảng Anh, ngân hàng trung ương Anh BOE phải bán bảng Anh để mua đô la Mỹ nếu muốn giữ tỷ giá hối đoái không đổi.
Chính sách tiền tệ
Chính sách tiền tệ độc lập là khả năng của chính phủ trong việc điều chỉnh lượng tiền đang lưu hành trong nền kinh tế. Ví dụ, chính phủ Mỹ muốn tăng cung tiền nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, họ có thể in thêm lượng lớn đô la, yêu cầu Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ (FED) mua trái phiếu kho bạc Mỹ hoặc cả hai. Tương tự, nếu chính phủ Mỹ muốn hút bớt tiền khỏi lưu thông để ngăn chặn nguy cơ lạm phát, họ có thể ngừng in tiền, yêu cầu FED bán trái phiếu hoặc cả hai.
Kiểm soát vốn
Chính phủ có thể ban hành chế độ “kiểm soát tiền tệ”, có thể quyết định số tiền được trao đổi, nơi mà sự trao đổi được phép diễn ra… Những điều như trên được gọi là biện pháp kiểm soát vốn.
Giờ hãy giả sử chúng ta đang sống ở Fixlandia, một quốc gia có nội tệ là đồng Fixit, tỷ giá hối đoái cố định và không có biện pháp kiểm soát vốn. Một ngày đẹp trời nọ, chính phủ Fixlandia quyết định nới lỏng tiền tệ. Điều này sẽ làm tăng cung tiền ở Fixlandia, cũng kéo hạ lãi suất. Nếu Fixitlandia có tỷ giá hối đoái thả nổi, điều này sẽ khiến đồng Fixit giảm giá trên thị trường ngoại hối (nguồn cung tăng mà cầu không tăng nên giá sẽ giảm). Tuy nhiên, chính phủ Fixlandia cố gắng để điều này không xảy ra.
Điều này nghĩa là mọi người sẽ đột nhiên có lãi khi vay đồng Fixit, thế là họ vay Fixit, bán nó lấy ngoại tệ rồi cho vay số ngoại tệ đó. Số người bán Fixit lấy ngoại tệ ngày càng tăng khiến chính phủ Fixitlandia phải bán ra rất nhiều ngoại hối để mua Fixit vào vì họ muốn giữ tỷ giá hối đoái cố định. Tới một lúc nào đó, chính phủ Fixlandia sẽ cạn kiệt dự trữ ngoại hối hoặc phải dừng nới lỏng tiền tệ.
Vì vậy, bạn không thể thực hiện cả ba chính sách trên mà chỉ có thể:
1) Không kiểm soát vốn và chính sách tiền tệ độc lập. Đây là điều mà Mỹ làm.
2) Tỷ giá hối đoái cố định và chính sách tiền tệ độc lập. Trung Quốc chọn cách này (về mặt kỹ thuật, tỷ giá hối đoái của họ là “thả nổi có kiểm soát”, nhưng mức độ kiểm soát khá cao).
3) Tỷ giá hối đoái cố định và không kiểm soát vốn. Đây là cách của Hồng Kông.