Tác phẩm văn học dài nhất bạn từng đọc mà chất lượng xứng đáng với dung lượng?

Tôi nghĩ đến câu hỏi này khi đang đọc “Anna Karenina” – Tolstoy, một tác phẩm tôi mới bắt đầu đọc dạo gần đây. Đến khi tôi đọc xong (mong là đọc được hết) thì đây sẽ là quyển sách dài nhất tôi từng đọc, khoảng 870 trang. Thật đáng kinh ngạc khi có vài tác phẩm dài như Anh em nhà Karamazov (Brothers Karamazov – Fyodor Dostoevsky)Chiến tranh và hòa bình (War and Peace – Tolstoy)Don Quixote – Miguel de Cervantes được xếp vào hàng những tác phẩm tuyệt vời nhất. Mặc dù hai yếu tố này không hoàn toàn xung khắc, tôi đang nghĩ về mối liên hệ giữa chất lượng và dung lượng. Một quyển sách có số trang nhiều hơn chính là một tấm tranh lớn hơn mà tác giả có thể có nhiều không gian để trổ tài nhiều hơn trong việc phát triển nhân vật, hình thành chủ đề tác phẩm và hoàn thiện toàn bộ cốt truyện.

Bạn đã từng đọc tác phẩm nào khẳng định nhận định này chưa? Bạn có nghĩ đến yếu tố nào khác về dung lượng tác phẩm lớn không? Bạn đã đọc và tâm đắc với tác phẩm nào và vì sao tác phẩm đó tuyệt vời đến thế?

Chỉnh sửa: Hãy thử đọc Bá tước Monte Crisco (The Count of Monte Crisco – Alexandre Dumas) mỗi khi có người nhắc đến nhé

_____________________

u/Curiositycatau (194 points)

Những người khốn khổ (Les Miserables – Victor Hugo), khoảng 1450 trang theo Wikipedia. Một tác phẩm tuyệt vời vì đọc mọi đoạn văn đều giống như hành trình vào lỗ thỏ wiki vậy.

_____________________

u/malachai926 (185 points)

Tôi đã đọc quyển Sự trỗi dậy và suy tàn của Đế chế thứ Ba (The Rise and Fall of the Third Reich – William L. Shirer), tác phẩm khắc họa lịch sử Đức quốc xã chi tiết nhất. Quyển sách dày 1100 trang ở khổ lớn, nên với khổ sách tiêu chuẩn thì có lẽ quyển này sẽ dày 1500-1800 trang.

Nhưng than ôi. Đây thực sự là một chuyện kinh dị, và 100% có thật.

Tác phẩm này chỉ dành 1 chương 80 trang để viết về cuộc diệt chủng Holocaust, và tôi nghĩ rằng đây là một trong những tài liệu chi tiết nhất ghi lại sự tàn bạo của Đức quốc xã. Đây chắc chắn là một trong những chương sách dữ dội nhất tôi từng đọc. Phần còn lại của quyển sách tập trung vào hoạt động chính trị và nỗ lực quân đội của Đảng Quốc xã. Tôi không thực sự hiểu sức mạnh và tiềm lực của họ khủng khiếp thế nào cho đến khi tôi đọc quyển sách và yeah, hoàn toàn xứng đáng. Dù vậy tôi mất hai năm rưỡi mới đọc xong. Và đây là tác phẩm duy nhất tôi không đặt lên giá sách của mình. Tôi không muốn giải thích vì sao quyển sách to nhất trên giá sách tôi in hình chữ vạn to đùng. Nhưng tôi rất vui lòng cho mượn nó nếu bất kì ai muốn đọc.

Vấn đề duy nhất của tác phẩm này đối với tôi là cách tác giả liên hệ tâm trí và tâm hồn lạc lối của Đức quốc xã với đồng tính luyến ái. Một kết hợp ghê tởm đáng chê trách của tác phẩm

_____________________

u/rudebish (165 points)

Nó, Đối đầu (IT, The Stand – Stephen King)… cả hai đều hơn 1000 trang và đều tuyệt vời…. Tôi không muốn những quyển sách này kết thúc.

>u/gamblinwad (34 points)

11/22/63 – Stephen King thuộc về nơi đây

_____________________

u/4a4a (109 points)

Tôi yêu một vài quyển truyện cực dài mà tôi từng đọc. Chiến tranh và hòa bình (War & Peace) thực sự là một tác phẩm hay. Nếu bạn thích Anna Kerenina, có lẽ bạn sẽ thích W&P. Cả hai quyển này đều có rất nhiều chuyện bên lề và cốt truyện phụ và các nhân vật phụ mà tác giả có thể khai thác thêm. Và thêm không biết bao nhiêu đoạn văn về đủ các thể loại chủ đề như tôn giáo, lịch sử, chiến thuật quân sự, chính trị, các mối quan hệ, v.v..

Bá tước Monte Cristo (The Count of Monte Cristo) là một tác phẩm thú vị với nhiều đoạn kết bỏ lửng làm bạn chỉ muốn đọc không ngừng. Khi tôi hoàn thành quyển truyện, tôi khá thất vọng vì tác phẩm đã khép lại mặc dù tôi cũng thỏa mãn với cách câu chuyện kết thúc

_____________________

u/RazorEcho58 (284 points – x1 hugz)

Chúa tể những chiếc nhẫn (The Lord of the Rings – J. R. R. Tolkien) đối với tôi là một tác phẩm rất dài vì tôi chưa bao giờ đọc tiểu thuyết kì ảo cho đến những năm cấp 3. Mặc dù LotR không dài đến vậy (tổng số trang gộp lại khoảng 1200), cảm giác đọc khá dài vì dạng văn xuôi. Kể cả thế, Chúa tể những chiếc nhẫn đã xây dựng được một số nhân vật và một vũ trụ tuyệt vời nhất tôi từng đọc và tôi mừng rằng tôi đã quyết định đọc hết tác phẩm.

_____________________

u/Th3ee_Legged_Dog (16 points)

Bộ bài đăng này chỉ dành cho tác phẩm hư cấu à?

Nếu không thì tôi muốn đề cử Alexander to Actium, một tác phẩm cực lớn về các vương quốc thời kỳ Hy Lạp hóa sau cái chết của Alexander Đại Đế cho đến khi chúng hoàn toàn sụp đổ và sự ra đời của Đế quốc La Mã, v.v…

Đáng lẽ các tác giả nên chia tác phẩm thành từng phần cho từng vương quốc. Đây là một tác phẩm được viết rất rộng mở. Vì họ đã viết kiểu này, độc giả sẽ không tiếp cận được chi tiết bối cảnh, cách các vương quốc tác động lẫn nhau, các và tác giả đã không làm nổi bật các chi tiết phù hợp.

Có thể nói, đây là một trong những tác phẩm lịch sử khó đọc nhất tôi từng đọc, tôi không cảm thấy mình đã hoàn thành tác phẩm khi lật đến trang cuối.

_____________________

u/RepairmanJacked (128 points)

The Way of Kings bởi Brandon Sanderson. Thực ra là cả series cơ. Phần lớn bộ truyện đó quyển nào cũng khoảng 1000 trang, và đều thú vị (T/N: series The Stormlight Archive)

_____________________

u/yellingtiger (74 points)

Không phải quyển sách dài nhất tôi từng đọc, nhưng tác phẩm dài mà hay nhất tôi từng đọc: Cuộc trung chuyển (Middlemarch – George Eliot). Tôi yêu những quyển sách dài. Người đọc sẽ dành nhiều thời gian hơn để nghiên cứu và quan tâm đến diễn biến câu chuyện. Bạn thực sự cần phải hóa thân vào thế giới của quyển tiểu thuyết đấy.

>u/thewickerstan (9 points)

À đúng rồi Middlemarch! Tôi đã đọc Silas Marner của Eliot đợt trước và tác phẩm đã hoàn toàn khuấy đảo thế giới quan của tôi. Tôi từng đọc được một đoạn trích trong Middlemarch đã in hằn trong lòng tôi từng chữ một:

“Nhưng ảnh hưởng của cô ấy lên những người xung quanh cô sâu sắc và to lớn không kể xiết; rằng những lợi ích cứ lớn dần của thế giới này phần nào phụ thuộc vào những hành động không được ghi vào lịch sử; và những thứ đó chẳng ảnh hưởng tồi tệ với tôi và bạn đến thế, thì một nửa trong số đó là nhờ có những người đã sống một cuộc đời bình thường đầy chân thành, và an nghỉ ở những ngôi mộ chẳng một lần được ghé thăm.”

Tôi nghe nói rằng có những đoạn trích kiểu này ở mỗi trang sách! Thật tuyệt vời! (T/N: mình không dám nhận mình đã dịch đoạn trên nữa huhu đọc còn không hiểu nửa đầu….)

_____________________

u/dgmachine (148 points)

Bồ câu cô đơn (Lonesome Dove – Larry McMurtry ~ 864 trang). Cốt truyện và nhân vật hay, một tác phẩm luôn hấp dẫn tôi không rời mắt.

_____________________

u/VarunOB (17 points)

Tôi ngấu nghiến 1492 trang của Chàng trai phù hợp (A Suitable Boy – Vikram Seth). Tôi nghĩ tôi chưa từng đi sâu vào thế giới câu chuyện như vậy cho đến khi tôi đọc truyện này

_____________________

u/amishbr07 (55 points)

Đối với tôi là Phía đông vườn địa đàng (East of Eden – John Steinbeck). Tôi không ưa Chùm nho uất hận (Grapes of Wrath) nhưng rất yêu thích Phía đông vườn địa đàng. Tôi có xu hướng đọc truyện ngắn hơn vì thời gian đọc của tôi được chia nhỏ và tôi sẽ có thể đọc lướt qua truyện ngắn nhanh hơn.

_____________________

u/icaved1818 (77 points)

Tôi thích các tác phẩm của Ken Follett. Những cột trụ của Trái đất (Pillars of the Earth) là tác phẩm yêu thích của bản thân tôi, đặc biệt dài, và là phần đầu của một bộ truyện. Tôi phải tạm ngừng đọc mấy lần, nhưng tôi đã đọc phần lớn các sáng tác của ông ấy. HBO còn làm cả một series phim nhỏ dựa trên truyện này cách đây mấy năm trước.

_____________________

u/ChunkyLover451 (50 points)

Đi tìm thời gian đã mất (In Search of Lost Time) của Marcel Proust. Tôi đọc cuốn này hồi nhỏ và thực sự đã dành thời gian ‘tiêu hóa’ hết. Hoàn toàn xứng đáng. Nếu bạn không dành đủ thời gian đọc thì đừng đọc làm gì.

_____________________

u/rutfilthygers (10 points)

David Copperfield (Charles Dickens). Bản của tôi 945 trang. Cảm giác như một trong số ít quyển sách bao hàm mọi thứ của cuộc đời. Tác phẩm này chứa đựng biết bao nhiêu nhân vật và sự kiện đáng nhớ.

_____________________

u/Voidmaster05 (9 points)

Lâu rồi tôi không đọc sách nhưng chắc chắn tôi sẽ chọn quyển Nhà sử học (The Historian – Elizabeth Kostova). Đây là một tiểu thuyết lịch sử hư cấu về bá tước Dracula, một sự kết hợp nhân vật lịch sử và phiên bản hư cấu. Một câu chuyện được truyền từ đời này sang đời khác, thêm thắt lịch sử dòng tộc và mối liên hệ với con quái vật quen thuộc. Truyện không hoàn toàn kinh dị, nhưng gợi nên cảm giác tăm tối và khung cảnh đáng sợ bao trùm toàn tác phẩm. Hồi thiếu niên tôi rất thích tác phẩm này (nó hoàn toàn khác với các tác phẩm dành cho giới trẻ

_____________________

u/CoCagRa (8 points)

Cuốn tự truyện của Malcolm X (Autobiography of Malcolm X) bởi Alex Haley và Malcolm X – 544 trang. Xứng đáng đến từng con chữ.

Musashi – Giang hồ kiếm khách bởi Eiji Yoshikawa – 984 trang. Một trong những tác phẩm hay nhất từng được viết và phần lớn nội dung dựa trên lịch sử.

Người vô hình (Invisible Man) bởi Ralph Ellison – 598 trang. Tất cả mọi người nên đọc cuốn này

_____________________

u/svevobandini (6 points)

Tôi vừa mới đọc Of Time and The River của Thomas Wolfe, 1024 trang, và nó là một trong những tác phẩm hay đến-từng-câu-chữ nhất tôi từng đọc. Nhặt bất cứ chi tiết nào từ tác phẩm này đều hay như uống bia gừng ấy.

Một vài tác phẩm đặc sắc khác mà tôi có thể kể tên ngay và luôn (ước chừng số trang):

Cá voi trắng (Moby Dick – Herman Melville) 750 trang

Gravity’s Rainbow – Thomas Pynchon, 760 trang

Demons – Fyodor Dostoevsky, 770 trang

Underworld – Don DeLillo, 830 trang

From Here to Eternity – James Jones, 830 trang

Against The Day – Thomas Pynchon, 1050 trang

The Executioner’s Song – Norman Mailer, 1100 trang

Harlot’s Ghost – Norman Mailer, 1030 trang (T/N: chắc bạn này gõ nhầm, theo wiki và nytimes thì hơn 1300 trang cơ)

_____________________

u/AWhistlingSnail (5 points)

Pandora’s Star của Peter F. Hamilton

Hành trình đầu tiên nghiêm túc của tôi đến với truyện khoa học viễn tưởng, và được hoàn toàn nhập vai vào thế giới Hamilton xây dựng thực sự rất tuyệt vời. Cảm giác các nhân vật đều có thật và câu chuyện trôi đi với dòng thời gian vừa giống thực vừa nhanh như một giấc mơ đẹp.

(và chắc chắn Bá tước Monte Cristo phải nằm trong bài này)

_____________________

u/Ghrishmar (23 points)

Tôi cho rằng mối liên hệ giữa dung lượng và chất lượng tác phẩm phụ thuộc vào sự linh hoạt của tác giả. Nếu cách viết đó được đánh giá hay và ổn định xuyên suốt trong tác phẩm, vậy là bạn có thêm một sản phẩm tốt và ai mà không thích điều đó? Điều này cho phép độc giả thực sự tiếp cận được chiều sâu tác phẩm. Bạn có thể thấy nhiều người dành cả đời đọc đi đọc lại và và nghiên cứu những tác phẩm để đời đến độ chúng trở thành kinh thánh của họ (War & Peace, Don Q., Infinite Jest, Ulysses, (tôi cực kì hạnh phúc khi biết Bloomsday tồn tại), Zov Bros., v.v…) Chúng tôi yêu các thử thách và phần thưởng, và những tác phẩm kinh điển đã cho chúng tôi tham gia cuộc chơi từ cách đây hàng năm trời. Sự công nhận từ các độc giả thu được nhiều thông tin và kiến thức xuyên suốt lịch sử đã làm nhiều người khác nhận ra rằng sách truyện chứa đựng điều gì đó, mặc dù họ không thể tự tìm ra.

Chú thích: Tôi say mê những quyển sách dày cộm. Tôi đã đọc ít nhất một quyển 1000 trang mỗi năm trong vòng 5 năm qua. Năm ngoái tôi đọc quyển Chiến tranh và hòa bình, và đó là một trải nghiệm thú vị. Trong sáu tuần đọc, tôi được đưa đến nước Nga thế kỉ 19 và sau khi đọc xong tôi thấy có chút trống rỗng. Tôi không chuyển sang đọc quyển khác luôn như tôi thường làm, mà tôi dành thêm một hai ngày để cảm nhận trải nghiệm vừa qua một cách sâu sắc hơn. Tôi cảm giác tôi sẽ đọc những bản dịch khác nhau của cùng tác phẩm đó cho suốt phần đời còn lại.

Tôi yêu cách một nhà văn kiệt xuất đưa bạn đến một thế giới rộng lớn bằng những tác phẩm dài đó. Chiến tranh và hòa bình không chỉ là một cuốn tiểu thuyết, mà là một sản phẩm được chủ động chăm chút đến từng chi tiết và bộc lộ tất thảy tài năng sáng tạo của Tolstoy, một tác phẩm hoàn chỉnh của một trong những tác gia đỉnh nhất mọi thời đại của chúng ta.

Infinite Jest – David Foster Wallace cũng vậy nhưng Wallace có trí sáng tạo phong phú hơn, tôi yêu cách ông dựng nên Tổ chức các quốc gia Bắc Mỹ (O.N.A.N – Organization of North American Nations) và ý tưởng về Sponsored years với cách nhìn của ông về lịch sử thập niên 2000. Tôi học được nhiều điều từ những suy nghĩ và chỉ trích của Wallace thông qua Infinite Jest với khung cảnh thế giới trải qua nền văn minh hiện đại, ngập ngụa trong chất kích thích, bệnh tâm lý, những thứ tổn hại nhận thức, lấy giải trí làm tiêu khiển, trưởng thành ở thời điểm bắt đầu thế kỉ thứ 21, và những thay đổi tồn tại ở buổi đầu thiên niên kỷ mới (đấy là tôi chỉ mới liệt kê vài thứ thôi).

Những quyển sách dài có vẻ lan man và tôi yêu điều đó. Không gì có thể ngăn cản tác giả và họ thỏa sức sáng tạo như mong muốn. Muốn viết sách dài thì phải làm việc nhiều nhưng tôi thấy những thử thách trong quá trình viết đều hết sức xứng đáng. Nếu sách nói chung là thiền định cho tâm hồn thì những tác phẩm đồ sộ chính là những liệu pháp kéo dài nhiều tháng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *