TẠI SAO SINH VIÊN CẦN THỰC TẬP SỚM?

Dạo gần đây mình đọc được rất nhiều bài viết trên trang confession trường mình (UEH). Trong đó các bạn sinh viên năm cuối chia sẻ rằng hiện tại các bạn đang lâm vào bế tắc đến mức trầm cảm. Lý do là chưa thể tìm được một nơi nào để thực tập, trong khi bạn bè xung quanh đã yên vị ở những công ty họ mong muốn. Dịch bệnh càng khiến cho việc tìm kiếm một vị trí intern trở nên khó khăn hơn. 

Tám năm trước, thời điểm mình đang chuẩn bị thực tập như các bạn bây giờ, thì rất nhiều bạn bè của mình cũng gặp tình trạng tương tự. Thậm chí có bạn chấp nhận bỏ luôn khoá luận và tốt nghiệp trễ vì không thể tìm được nơi thực tập. Mình khá bất ngờ là sau một thời gian dài như vậy, vấn đề nhức nhối trên vẫn còn tại trong sinh viên ngày nay. Mình đã nghĩ là với sự tiếp cận thông tin dễ dàng hơn, sự thay đổi trong phương pháp giảng dạy của các trường ĐH…thì thế hệ Z sẽ phải là những người rất chủ động thay vì nước đến chân mới nhảy 

Xuất phát từ kinh nghiệm bản thân, mình thấy rằng thực tập là việc vô cùng quan trọng đối với hành trình nghề nghiệp sau này của sinh viên. Nó không chỉ đơn giản là thứ để các bạn kiếm một dấu mộc cho bài khoá luận mà còn quyết định không nhỏ đến công việc tương lai. Và mình muốn chia sẻ một chút kinh nghiệm đó đến các bạn.

MÌNH BẮT ĐẦU THỰC TẬP KHI NÀO? 

Sơ qua một chút: mình học mảng Kinh doanh quốc tế, chuyên ngành ngoại thương xuất nhập khẩu (XNK). Đầu năm 3 đại học mình bắt đầu đi thực tập. Thời điểm đó mới vào học chuyên ngành được khoảng hơn 1 kỳ và mình đã cũng nắm được cơ bản một số kiến thức chính trong mảng mình học. Lúc đầu mình dự định (có thể) mình sẽ làm trong ngành XNK nên mình cũng tìm một vị trí liên quan để thực tập

TẠI SAO MÌNH CHỌN THỰC TẬP TỪ SỚM? 

*Có 2 Lý Do:

1. Mình muốn biết công việc mà dự định làm thực tế nó như thế nào. Nó đòi hỏi những kiến thức chuyên môn, kỹ năng gì. Mục đích của việc này là để mình chủ động tập trung học những kiến thức và kỹ năng đó. Như vậy sau này nếu có đi làm thì mình đã có sẵn mọi thứ và không bị bỡ ngỡ. Đồng thời mình không bị lan man vào những môn học không quá cần thiết cho công việc. Thực tế là sau khi tốt nghiệp mình có đi làm cho một công ty XNK, phía họ yêu cầu thử việc một tháng, nhưng mình tự tin đưa ra đề nghị 1 tuần, nếu ok thì ký hợp đồng luôn, bởi vì quá trình thực tập mình đã tương đối rành rọt về công việc. Và dĩ nhiên là sau đúng 7 ngày là vào làm chính thức.

1. Lý do thứ 2 là mình muốn biết công việc mình dự định làm có phù hợp với mình hay không. Các bạn biết sau vài ngày thực tập mình nhận ra điều gì không? – Mình không hề thích công việc XNK và nó không phù hợp với tính cách của mình. Chính nhờ phát hiện ra điều này sớm nên mình đã không mất nhiều thời gian tập trung cho nó mà dành phần lớn cho những thứ khác mình yêu thích. Con đường nghề nghiệp sau của mình cũng rẽ theo một hướng hoàn toàn khác những gì mình dự định lúc đầu. 

Chắc có bạn thắc mắc vì sao không thích mà ở trên mình lại kể là từng làm cho một công ty XNK. Cái này là…ý trời!  Nhưng thực ra mình cũng chỉ làm đúng 1 tháng 20 ngày rồi nghỉ việc luôn chứ không thể nào yêu thích nổi 

MỘT SỐ KINH NGHIỆM XIN THỰC TẬP KHÁC:

Lương Hay Không Lương? 

Dĩ nhiên có tiền thì vẫn thích hơn rồi. Nhưng nếu mục tiêu của bạn không phải kiếm tiền mà chỉ giống như mình ở trên, thì chấp nhận không lương, miễn là đạt được mục đích ban đầu. Hồi xưa mình còn chủ động xin làm không công cho mấy anh chủ doanh nghiệp để đổi lại kiến thức từ họ. Vì mình nghĩ các bạn trẻ quan trọng nhất vẫn là tích luỹ kiến thức, kinh nghiệm. Khi đã có đủ 2 thứ đó rồi thì chắc chắn sẽ kiếm được nhiều tiền. Và mình thấy bây giờ nhiều công ty có xu hướng tuyển thực tập trả lương hơn, một mặt để các bạn có động lực làm việc, mặt khác để có sự ràng buộc về trách nhiệm. 

**Xin Thực Tập Ở Đâu, Như Thế Nào?

Bản thân mình thì cứ apply vào mấy tập đoàn lớn mình thích. Hồi đó mình cứ Unilever, Nestle, Pepsi, Cocacola, Vinamilk…mà quất. Không quan trọng có đậu hay không, mục đích chủ yếu của mình là xem họ tuyển dụng như thế nào, rồi tranh thủ tìm hiểu môi trường làm việc, nhân sự bên đó. Măt khác, việc apply nhiều công ty lớn sẽ cho bạn cơ hội rèn luyện kỹ năng phỏng vấn, giúp bạn tự tin hơn,tích luỹ kinh nghiệm.. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho quá trình xin việc trong tương lai. 

Bản thân mình nhờ trải nghiệm sớm nên năm 3 ĐH mình cũng đã tự tin ứng tuyển luôn vào chương trình tuyển dụng quản lý chính thức của Unilever. Mặc dù chương trình đó dành cho sinh viên đã tốt nghiệp nhưng mình vẫn cứ apply, mục đích để học hỏi mà.  Và năm đó mình là sinh viên năm 3 duy nhất đậu. 

Trường hợp không đậu vào các công ty mong muốn thì theo mình các bạn không nên quá kén chọn. Hãy tập trung vào mục tiêu của mình là thực tập để lấy kiến thức, kinh nghiệm (hoặc xem công việc có phù hợp) chứ không phải để khoa trương mình làm trong tập đoàn danh tiếng. Nên thực tập công ty nhỏ cũng được, doanh nghiệp VN cũng tốt. Việc cứ khăng khăng phải đậu công ty mình khao khát chỉ khiến bạn mất đi cơ hội khác và tạo ra tâm lý chán nản thất vọng

Tìm một vị trí thực tập không hề khó. Hãy nhớ là các công ty họ cũng rất cần thực tập sinh, cũng giống như các bạn cần họ vậy. Vấn đề là bản thân các bạn có những thứ để thuyết phục họ nhận các bạn hay không thôi. Và thực tế là họ không cần kiến thức, kỹ năng gì quá ghê gớm từ các bạn đâu. Nhiều khi chỉ cần các bạn chăm chỉ, ham học hỏi, thái độ làm việc nghiêm túc là ổn. Hay như mình đang tuyển intern mảng e-commerce nè, chỉ cần mấy tiêu chí đơn giản như trên, cộng thêm… xinh xắn là ưu tiên duyệt luôn. Mà tuyển hoài chả thấy ai. Chắc các bạn lại chạy đua vào mấy tập đoàn hết rồi 

Cuối cùng, khi các bạn đọc bài viết này có thể các bạn sẽ rút ra được điều gì đó hoặc có thêm chút động lực. Nhưng mình cũng có thể khẳng định là bạn sẽ sớm quên nó nhanh thôi. Nếu các bạn không tự mình trải nghiệm thì những gì người khác chia sẻ với bạn cũng vô ích. Kinh nghiệm của họ không phải của bạn, chỉ có tự mình dấn thân thì nó mới trở thành của bạn! 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *