T-14 ARMATA, LỊCH SỬ DỰ ÁN XE TĂNG TƯƠNG LAI CỦA NƯỚC NGA
T-14 Armata là xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) do Công ty quốc phòng Nga Uralvagonzavod thiết kế. Các báo cáo đầu tiên cho thấy Armata mới có thể dựa trên xe tăng chiến đấu chủ lực T-95 Object 195 của Nga và xe tăng dự án “Đại bàng đen” được giới thiệu tới công chúng tại triển lãm quốc phòng Omsk năm 1999. Armata sẽ có hỏa lực mạnh hơn thế hệ xe tăng chiến đấu chủ lực mới nhất T-90. Đây là dự án của Nga đưa ra nhằm cạnh tranh với dự án tương tự nhưng đã bị hủy bỏ của Hoa Kỳ là FCS – Future Combat Systems
Armata được trang bị một tháp pháo không người lái mới. Các chuyên gia Nga tin rằng sự xuất hiện của khẩu pháo được điều khiển từ xa cuối cùng sẽ dẫn đến sự phát triển của một chiếc xe tăng robot hoàn toàn có thể được triển khai như một phần của mũi nhọn trong cuộc tấn công. T-14 Armata lần đầu tiên được ra mắt công chúng trong cuộc duyệt binh quân sự ở Moscow ngày 9 tháng 5 năm 2015.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, cuộc thử nghiệm đầu tiên của MBT T-14 Armata mới là được thực hiện vào năm 2014. Việc giao xe tăng đầu tiên cho Lực lượng Vũ trang Nga đã được bắt đầu vào năm 2015. Tổng cộng 2.300 MBT dự kiến sẽ được cung cấp vào năm 2020 (tuy nhiên bây giờ đã là năm 2020 rồi mà Armata vẫn chưa hoàn thành xong giai đoạn thử nghiệm để đưa vào biên chế và đương nhiên cũng vẫn chưa thể đưa vào sản xuất hàng loạt)
Theo Bộ Tư lệnh Lục quân Nga, trung đoàn 1 xe tăng của sư đoàn Taman sẽ là đơn vị đầu tiên được trang bị lại với Armata T-14 thế hệ mới thay thế cho những chiếc xe tăng T-72B3 hiện tại.
T-14 Armata được trang bị một tháp pháo không người lái và tất cả ba người trong tổ lái đều được đặt ngồi ở khoang phía trước. Tháp pháo từ xa không người lái mới của T-14 sẽ được trang bị pháo nòng trơn 125mm 2A82-1M thế hệ mới với bộ nạp đạn tự động và 32 viên đạn sẵn sàng sử dụng trên tổng số 45 viên đạn mang theo. Ngoài ra xe tăng T-14 của Nga sẽ có thể bắn tên lửa dẫn đường qua nòng pháo tương tự tên lửa Reflex-M 9K119M trên xe tăng T-90.
Đối với mẫu T-14 Armata mới nhất, vũ khí phụ bao gồm một súng máy 12.7 mm Kord với 300 viên đạn và súng PKP 7.62 mm hoặc súng máy PKTM với 1.000 viên đạn. T-14 Armata cũng được trang bị một trạm vũ khí từ xa được gắn ở phía sau trên cùng của tháp pháo được trang bị một súng máy 7.62mm.
Điểm độc đáo của Armata T-14 là được chia thành ba khoang, thân tàu có ba thành viên điều khiển ở phía trước, tháp pháo điều khiển từ xa không người lái ở giữa và phần động cơ ở phía sau là động cơ turbin khí 1.500 mã lực.
T-14 Armata được bảo vệ bằng ERA (Giáp phản ứng nổ) mới. Theo các kỹ sư của Armata, ERA mới có thể chống lại đạn chống tăng được các nước NATO áp dụng, bao gồm cả APFSDS DM53 và DM63 tiên tiến được phát triển bởi Rheinmetall của Đức. Ngoài ra T-14 Armata được trang bị Hệ thống phòng vệ chủ động Afghanit tương tự như Trophy trên các xe tăng Merkava IV của Israel. Hệ thống phòng vệ chủ động (APS) Afghanit là vũ khí rất cần thiết khi các chiến xa M1 Abrams đã được tích hợp tổ hợp Trophy trong khi trên ZTZ-99 của Trung Quốc sẽ là GL5, bởi vậy mà Armata không thể tụt hậu.
Là dự án rất được kỳ vọng của chính quyền cũng như quân đội Nga nhưng T-14 Armata liên tục trễ hạn. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga, cựu Giám đốc điều hành Tập đoàn Kalashnikov Concern, ông Alexei Krivoruchko cho biết quá trình phát triển họ phương tiện chiến đấu trên khung gầm Armata tiếp tục bị trì hoãn. Tới tận đầu năm 2020 xe tăng T-14 và biến thể của nó là xe chiến đấu bộ binh T-15 mới vừa hoàn thành thử nghiệm sơ bộ. Phải vài tháng tới thì quân đội Nga mới nhận 5 xe đầu để thử nghiệm cấp nhà nước. Tiến độ này là chậm so với hợp đồng tiếp nhận 100 xe ngay trong năm 2020.