PHẦN 4: THỊNH THẾ NHÀ HÁN/CON ĐƯỜNG TƠ LỤA
Dẫn nhập: Khi nhà Hán dần dần tập quyền hóa, các hoàng đế cuối cùng cũng dám đề ra những chính sách táo bạo, mối họa soán ngôi cũng dễ lường trước hơn. Hán Võ Đế (汉武帝) là ngọn cờ tiên phong trong số những hoàng đế “hùng mạnh” này. Ông đã đặt đạo Nho làm quốc giáo, đồng thời tạo ra trụ cột của nền khoa cử (科举).
Hệ giáo lý nhị nguyên của nhà Hán: Tuy nói đến nhà Hán, ai cũng nghĩ đến Nho giáo, và tuy biến Nho giáo thành quốc giáo, Hán Võ Đế còn tạo ra một hệ tư tưởng kết hợp giữa Pháp gia và Nho gia. Điều này được thể hiện qua những chính sách và cận thần theo Pháp gia của ông (tư tưởng chủ đạo của một chính thể tập quyền là Pháp gia). Hán Võ Đế còn khai mở các trường học do chính quyền tài trợ để giáo huấn kinh điển Khổng Nho. Hệ thống này là sự dung hòa giữa lý tưởng Pháp và Nho, đã định hình Trung Quốc ngày nay và các nét văn hóa của người Hán (cũng như ảnh hưởng đến các nước châu Á khác).
Bình Nam: Khi các bộ lạc phía Nam như Mân Việt (闽越) và Nam Việt (南越) tiến đánh lẫn nhau, Hán Võ Đế đã quyết định xâm lược, tái chiếm đất đai đã mất từ khi nhà Tần suy vong và giành lấy nhiều phần lãnh thổ của Trung Quốc ngày nay. Để đồng hóa các bộ lạc phương Nam và ngăn họ kháng cự, Hán Võ Đế đã dùng biện pháp đày ải, làm giảm mật độ dân cư phi Hán ở phía Nam. Điều này cùng với những vấn đề khí hậu khắc nghiệt đã làm phía Nam Trung Hoa tương đối kém phát triển, đến mãi các triều đại sau, khi Bắc man xâm lược, khiến người Hán thiên di về phía Nam. Đến thời nhà Tống, sự thịnh vượng của vùng phía Nam đã đưa triều đại đến đỉnh cao của Con đường Tơ lụa hàng hải nói riêng và sự phồn vinh của giao thương nói chung.
Trương Khiên (张骞) và Con đường Tơ lụa: Một trong những cái gai trong mắt mọi triều đại Trung Quốc là các bộ lạc man di ở vùng thảo nguyên phía Bắc (lần này là Hung Nô 匈奴), chúng liên tục cướp phá và yêu cầu cống phẩm từ nhà Hán. Khi nhà Hán mạnh lên, Hán Võ Đế đã quyết định đoạn tuyệt chính sách vỗ về này, thảo phạt các bộ lạc từ trận này sang trận khác (sau vài trăm năm, nhà Hán đã giành chiến thắng chung cuộc, ép các bộ lạc di cư về Đông Âu và trở thành rợ Hung). Để làm được điều đó, Hán Võ Đế phải kết đồng minh ở phía Tây. Là một sứ giả Hán triều, Trương Khiên được giao phó việc bang giao giữa nhà Hán với người ở Trung Á, giúp xây dựng các tuyến đường ngoại thương và kết giao với người Nguyệt Chi (họ bị Hung Nô cướp đất từ hàng trăm năm trước) để đánh đế quốc Hung Nô. Trên đường đến Trung Á, Trương Khiên đã bị bắt giữ bởi Hung Nô, bị giam lại đất của chúng trong mười năm. Dù vậy, Trương Khiên vẫn ghi nhớ sứ mệnh của mình và trốn thoát khi Hung Nô mất cảnh giác. Sau một hành trình dài, Trương Khiên rốt cuộc cũng đến được các quốc gia Trung Á phức tạp. Tuy không thành công trong việc kết liên minh với người Nguyệt Chi, ông đã chứng kiến hai thành bang Hy Lạp hóa là Bactria và Ferghana đồng thời hồi hương sau 13 năm (trên đường về còn bị bắt giữ bởi Hung Nô MỘT LẦN NỮA) với bồ kiến thức đầy giá trị về Hung Nô và các nước Trung Á.
Thiên Mã chi chiến (chiến tranh vì ngựa trời): Sau khi thắng một trận với Hung Nô, Hán Võ Đế đã quyết định điều binh về phía Tây, xuyên qua sa mạc Taklamakan để tấn công Ferghana để đoạt lấy ngựa trời. Đây là Chiến tranh Hán – Đại Uyên đầy tai tiếng. Hơn nửa quân lính đã ch.ết khát, nhưng sau hai lần thử và hơn 100000 binh lính tử trận, Hán Võ Đế đã thành công đánh bại Ferghana, cướp ngựa và còn tranh thủ chiếm quyền kiểm soát một nhóm bộ lạc phía trong vùng bồn địa Tarim. Sau khi tiền đồn ở bồn địa này đã ổn định, Con đường Tơ lụa manh nha ra đời (đoán xem, nhiều ngựa hơn cả!).
Vấn đề về chiến tranh: Để có nguồn tiền cho chiến tranh, Hán Võ Đế không muốn phải tăng thuế của dân. Do đó, ông phải độc quyền hóa các ngành luyện sắt, đúc tiền và làm muối đầy sinh lời. Cuối cùng, chính quyền của ông bắt đầu bán tước vị để lấy tiền. Điều này gây nên nhiều vấn đề nghiêm trọng trong tương lai, do chỉ có người có của ăn của để mới có quyền uy, chứ không phải người tài. Chiến tranh được một số trò chơi hiện đại và các sử gia tô vẽ là hào quang rực rỡ, nhưng đời thực thì tất nhiên thường khủng khiếp (tôi biết điều đó là dĩ nhiên, nhưng trộm nghĩ là đáng nhắc đến). Vấn đề của bất kỳ nhà cai trị nào mà gây chiến tranh liên miên, giống như Justinian Đại đế của đế quốc Byzantine, hay trong trường hợp này là Hán Võ Đế, là vắt kiệt quốc lực. Vô vàn nhân mạng đã mất để có được vài thớt “ngựa trời”. Do đó, có sự khác biệt lớn trong nhãn quan giữa nhân dân đương thời với thời nay đối với các vị quốc chủ. Dù ngày nay, chúng ta xem thời cai trị của Hán Võ Đế là một thịnh thế trong lịch sử Trung Quốc, trên thực tế, ông không được lòng dân ở thời bấy giờ, và bị xem là một bạo quân không bàn cãi bởi nhiều người.
PHẦN 5: TÂY HÁN SUY VONG, NHÀ TÂN TRỖI DẬY
Dẫn nhập: Sau sự bành trướng lãnh thổ của Hán Võ Đế và đỉnh cao của nhà Hán dưới thời Hán Tuyên Đế (汉宣帝), đế chế bắt đầu suy kiệt khi nạn hối lộ tăng dần. Các vấn đề nội trị bắt đầu nổi cộm, một số phe cánh bắt đầu lớn mạnh dần. Điều này về sau sẽ dẫn đến sự suy vong của nhà Tây Hán và sự trỗi dậy của nhà Tân “xã hội chủ nghĩa”.
Họ Vương trỗi dậy: Vấn đề của nhà Tây Hán mà đã gây nên tính bất ổn và sự phân quyền, đó là ngoại thích, tức là hoàng thân bên ngoại, tăng dần quyền lực (điều này còn trở nên nan giải hơn vào thời Đông Hán). Một ví dụ là họ Lã, hay cụ thể hơn là Lã thái hậu, người đã nắm quyền nhiếp chính và giật dây những vua Hán bù nhìn vào đầu thời Hán***. Nếu họ Lã tiếp tục thu phục quyền lực, họ có thể đã soán ngôi nhà Hán vào thời sơ kỳ còn yếu nhược. Không may thay, khi Lã hậu mất, họ Lã cũng đồng quy vu tận (hầu hết thân thích của Lã thị đều bị gi.ết hoặc loại bỏ khỏi quan trường). Tình thế này thường xuyên xảy ra, vì ngoại thích thân thuộc với hoàng tộc, nghĩa là chúng sẽ càng ngày có nhiều quyền lực hơn. Nhờ các ấu quân và một hoàng đế vô tự (giúp các ngoại thích giành được nhiều quyền lực hơn, vì chúng sẽ được bổ nhiệm để ảnh hưởng đến lựa chọn trữ quân), họ Vương (王) trở nên lớn mạnh hơn trong triều đình vào mạt kỳ Tây Hán (trước thềm thiên niên kỷ mới, 0 CN).
Vương Mãng (王莽) khiêm cung thăng tiến như vũ bão: Một trong những thành viên của họ Vương là Vương Mãng. Tuy nhiên, khác với ruột thịt, cha và anh em của Vương Mãng mất sớm, gia đình của ông không có duyên với những chức vị cao trong chính quyền (nhờ chủ nghĩa con ông cháu cha, bổ khuyết nhân sự bằng những người trung thành, giá mà được vậy thì gia đình họ sẽ dễ sống hơn). Trưởng thành hơn, do có họ hàng với hoàng hậu và nhờ có bản tính khiêm cung được việc (chẳng hạn, được nghe rằng khi người chú quyền lực bị ốm, hắn đã hầu hạ ngày đêm…), Vương Mãng đã leo lên bậc thang xã hội. Thật không may, vào năm 5 TCN, hắn đã phạm sai lầm mà bất kính với hoàng thái hậu họ Phó, nên bị lưu đày đến địa giới tỉnh Hà Nam ngày nay. Khi bị đày, Vương Mãng náu mình (để không bị cáo buộc làm phản), chờ thời cơ chín muồi để đảo chính. Cơ hội đến vào năm 2 TCN, khi hoàng thái hậu họ Phó qua đời, cũng như có nhiều người đòi phục chức cho Vương Mãn, Hán Ai Đế (汉哀帝) đã triệu hồi hắn về kinh đô. Vào năm 1 TCN, Ai Đế băng, hoàng thái hậu họ Vương nắm quyền, phong Vương Mãng nhiếp chính. Vương Mãng nay có quyền lực tối cao, đã thanh trừng mọi phe cánh đối địch trong triều đình. Để tăng cao quyền lực, chuẩn bị cướp ngôi nhà Hán, Vương Mãng đã tiếp tục gây dựng phe cánh, trong những năm sau, đã nhiều người “bói toán”, so sánh hắn với những hình tượng huyền thoại khác. Đến năm 5 CN, hoàng đế 13 tuổi trở nên bất mãn với Vương Mãng, vì ông đã tỏ tường rằng Vương Mãng là người gi.ết hại và lưu đày mọi thành viên trong hoàng tộc. Để ngăn họa vào thân, Vương Mãng đã đầu độc nốt Hán Bình Đế, đưa một hoàng đế 1 tuổi lên ngôi. Sau khi đã trừ khử mọi kẻ thù, Vương Mãng tiếm vị, viện dẫn tính chính danh từ phe cánh của mình và những lời sấm truyền để đăng quang hoàng đế. Cướp ngôi và tiêu diệt nhà Hán kéo dài 200 năm, Vương Mãng lập nên nhà Tân (新) vào năm 9 CN. (thật là ly kỳ, mong là bạn vẫn còn đọc).
Vương Mãng cai trị: Mớ bòng bong mang tên Vương Mãng cũng khó hiểu ngang ngửa Caligula [ND: Một hoàng đế La Mã, được mệnh danh là “hoàng đế điên”] vậy. Vương Mãng đã cật lực phấn đấu qua nhiều năm để cuối cùng cũng diệt được nhà Hán, xưng bá mình ên. Và rồi, hắn buông xuôi… Hắn đột ngột đưa ra nhiều chính sách kỳ cục, chẳng hạn như đúc tiền “mới” và đổi tên các địa phương, cố lấy lại đất từ địa chủ để chia cho dân nghèo. Tại sao? Có vẻ như một lý do là Vương Mãng là một kẻ nệ Nho. Một trong những giáo điều của Khổng Tử đó là nhà Chu sơ kỳ đã đi đúng chính đạo. Do đó, trong suốt thời gian tại vị, Vương Mãng đã dùi mài kinh sử về nhà Chu, cố hiểu được hệ thống luật pháp xưa và ban hành nó, về bản chất là ngược về quá khứ 1000 năm về trước. Vấn đề là không có nhiều thông tin về thời Chu sơ, nhiều ý tưởng đương thời đã lạc hậu, vì chỉ áp dụng cho một vương quốc nhỏ hơn.
Vương Mãng rớt đài cũng như vũ bão: Vì những lần cải cách vô lý/lạ lùng này mà quan dân một lòng chống Vương Mãng. Tầng lớp tiện dân không thích hắn vì Hoàng Hà đã gây lũ lụt vào thời hắn tại vị, tạo ra một trong những nạn đói tệ hại nhất trong lịch sử Trung Quốc. Giới thương nhân không thích hắn vì làm khó việc giao thương, do những loại tiền tệ mới (đúng rồi đấy, nhiều loại lắm) là phi thực tiễn, nhiều người đã tham gia vào chợ đen chỉ để dùng tiền xu “bình thường”. Giới quý tộc/chủ đất không thích hắn vì nỗ lực tịch thu đất đai và trở về chế độ thời nhà Chu. Một khi mọi người đều ghét bỏ tân triều của Vương Mãng, tàn dư họ Lưu đã mộ binh và dấy loạn.
Phiến quân đấu tranh nội bộ, Lưu Tú (刘秀) trỗi dậy: Hai phong trào khởi nghĩa nông dân chính đương thời là Xích Mi (赤眉) từ hai vùng Sơn Đông (山东) và Giang Tây (江西), cùng với Lục Lâm (绿林) do Lưu Huyền (刘玄) lãnh đạo từ hai vùng Hà Nam (河南) và Hồ Bắc (湖北). Quân Lưu Huyền đã tiêu diệt đội binh của Vương Mãng, tái chiếm kinh đô và lập nên nhà Đông Hán… Nhưng câu chuyện vẫn chưa đến hồi kết, do tuy Lưu Huyền đăng cơ thành công nhưng vẫn phải đối đầu với nhiều vấn đề khác. Trước tiên là thanh trừng phe chống đối từ họ Lưu, gi.ết Lưu Diễn (刘演), nhưng tha cho em Diễn là Lưu Tú (刘秀), người vốn đã là một tướng tài và góp phần tiêu diệt Vương Mãng. Lưu Tú ngầm oán hận vì cái ch.ết của anh mình, đã lên kế hoạch đảo chính. Sau đó, vào năm 24 CN, quân Xích Mi quyết định tấn công Lưu Tuấn và tiêu diệt chế độ của ông. Vấn đề là tuy quân Xích Mi giỏi về mặt chiến sự và có một đội quân hùng mạnh, chúng lại phạm phải nhiều “lỗi” trong quản trị (như cướp của). Mất đi lòng dân ở đất kinh kỳ và vùng Quan Trung (关中), quân Xích Mi cạn kiệt quân trang và lương thực. Lưu Tú, người giữ thế trung lập trong cuộc chiến giữa Lưu Huyền với quân Xích Mi, đã nắm bắt thời cơ và tiêu diệt quân Xích Mi đã suy yếu, lập nên nhà Đông Hán, xưng hiệu Quang Vũ Đế (光武帝).
PHẦN 6: NHÀ ĐÔNG HÁN: ẤU QUÂN, TRANH GIÀNH QUYỀN LỰC VÀ GIẶC KHĂN VÀNG
Dẫn nhập: Khi nhà Tân cáo chung, lịch sử Trung Quốc đến một thịnh thế khác, kéo dài suốt ba đời hoàng đế, rồi sụp đổ và ngập trong biển lửa chốn cung đình (nào ta cùng khám phá…).
Thịnh thế nhà Đông Hán: Tiếp nối thời cai trị của Quang Vũ Đế từ 25 đến 57 CN, khi đế quốc đã được ổn định và bành trướng, là Minh Chương chi trị (明章之治). Đến thời hai hoàng đế này cai trị, người dân cuối cùng cũng được thở phào nhẹ nhõm, hồ chứa nước được xây, đất nước được khuyến nông. Chính là vào thời này mà giấy được sáng chế, giúp việc phân bố văn bản và phổ cập giáo dục. Hơn nữa, các nghề thủ công như làm sứ đạt đến “đỉnh cao”. Cuối cùng, chính quyền được tập quyền hóa, rợ Hung được bình định, đạo Phật du nhập vào Trung Quốc qua Con đường Tơ lụa, tranh đấu với Nho giáo trong tâm khảm người dân. Sự đấu tranh giữa các triết lý/tôn giáo này sẽ dần khiến Phật và Nho dung hòa qua thiên niên kỷ để trở thành Lý học (Tân Nho giáo).
Quyền lực họ Lưu dần thoái trào: Sau 3 hoàng đế đầu tiên, các vấn đề bắt đầu nổi cộm, do hoàng đế và hoàng thân bắt đầu mất dần quyền lực về tay các thế lực khác, bao gồm các hoạn quan và giới quý tộc/quân phiệt. Điều này là do các vua trẻ, bù nhìn của các hoàng thái hậu, cần có các phe cánh như quý tộc hay hoạn quan để lấy lại quyền lực từ nhiếp chính. Một ví dụ là thời của Hán Hoàn Đế (汉桓帝), mọi sự bắt đầu thay đổi, hoạn quan được đắc sủng. Để lấy lại quyền lực từ ngoại thích họ Lương, Hán Hoàn Đế đã nương nhờ các hoạn quan, trao thưởng hậu hĩnh vì sự giúp đỡ. Chúng công khai lũng đoạn triều đình và lần đầu tiên, được hoàng đế phê chuẩn, do bản thân Hoàn Đế cũng mục ruỗng, xử tội bất kỳ ai can gián hoàng quyền. Để minh họa quyền lực thượng tôn của các hoạn quan này, xin dẫn câu: “Tả hồi thiên, Cụ độc tọa, Từ ngọa hổ, Đường lưỡng đọa” (左回天, 具独坐, 徐卧虎, 唐两堕) [ND: Mình cũng không hiểu bối cảnh của câu này lắm, chỉ xin dịch nghĩa từ tiếng Anh, đại khái là “Tả Quan (左悺) có thể làm trái ý trời, Cụ Viện (具瑗) thượng tọa vô đối, Từ Hoàng (徐璜) lòng lang dạ sói, Đường Hoành (唐衡) uy quyền rộng khắp như mưa xối xả”]. Theo Tập san Lịch sử châu Á (Journal of Asian history), sự tăng trưởng quyền lực của những người nằm ngoài hoàng tộc đã dần khiến hoàng quyền bị khi dễ, thể hiện qua việc những thư từ giả mạo và nạn ám sát trong thời mạt Đông Hán tăng cao. Thực vậy, theo Tập san Lịch sử Kinh tế Xã hội phương Đông (Journal of the Economic and Social History of the Orient): “quyền lực tư nhân và địa phương đã thay thế công quyền”.
Những vấn đề nội trị: Vào năm 86 CN, do sự khác biệt văn hóa giữa các thái thú nhà Hán với dân bản địa, đế quốc quá rộng lớn (khiến cho việc dẹp loạn diễn ra chậm chạp hơn) và lại có những thái thú thối nát, Khương tộc ở vùng Tây Bắc (西北) ngày nay đã dấy loạn. Sau đó, người Khương và các tộc người khác ở Nam Trung Hoa sẽ nhiều lần phản loạn và trở thành một cái gai trong mắt triều Đông Hán. Điều này cùng với sự mục ruỗng của các hoạn quan và hoàng đế, những kẻ mua quan bán tước và bỏ qua nhân tài, càng làm sợi tóc đội thêm ngàn cân.
Giặc khăn vàng: Cuối cùng, do động đất, nạn đói, dịch bệnh và nhiều thiên tai khác mà người dân trở nên khốn cùng tuyệt vọng. Được dân chúng kỳ vọng, một người tên Trương Giác (张角) đã trình diện với vai trò giải pháp. Hắn tuyên bố rằng có thể chữa bệnh bằng sức mạnh Đạo giáo thần kỳ. Hắn cũng ngoa rằng nhà Hán đã mất thiên mệnh và phải bị lật đổ. Điều này đã dấy lên cuộc khởi nghĩa khăn vàng khủng khiếp, kéo dài từ 184 đến 205 CN (hầu hết phiến quân đều bị đàn áp trong chỉ vài năm đầu, nhưng tàn dư của chúng cầm cự khá lâu). Tuy bản thân cuộc khởi nghĩa không gây nên sự cáo chung của nhà Hán, nhưng nó góp phần làm cho một số quân phiệt mạnh lên, do hoàng đế cần thêm lực lượng để tiêu diệt giặc hoàng cân. Vào năm 189 CN, hoàng đế đột ngột băng hà, nắm quyền lực trong tay, Hà Tân (河津), anh của hoàng thái hậu và là “lãnh đạo” của các quân phiệt, đã quyết định trừ khử mọi hoạn quan (chủ nghĩa bè phái cũng là một nhân tố của sự đối địch này). Để làm thế, hắn đã nhờ cậy vào các quân phiệt trên khắp đất nước và thành công thanh trừng các hoạn quan (Hà Tân tử trận vì một âm mưu). Tuy phần thắng thuộc về phe quân phiệt, chúng cũng kiệt quệ. Và rồi, Đổng Trác (董卓), một quân phiệt bạo chúa từ vùng viễn Bắc đã đến, bước vào kinh đô trong biển lửa và tìm thấy hai hoàng tử của hoàng đế, khử một đứa và bắt cóc đứa còn lại, lập vua trẻ để làm bình phong. Từ đó, thời kỳ tam quốc bắt đầu (hồi sau sẽ rõ).
[Đoạn này tác giả khiêm tốn và đặt câu hỏi thảo luận, xin không dịch vì quá dài rồi]
* Kết nghĩa huynh đệ không có nghĩa là trở thành anh em máu mủ, mà chỉ trên danh nghĩa mà thôi. Vào thời kỳ này, nghĩa tình “huynh đệ” có vẻ như là một cách thức thông thường để tạo “liên minh” chính trị hoặc mối liên kết với ai đó.
** Hãy nhớ rằng hầu hết nguồn tin cậy nhất về các thời kỳ trước nhà Hán là sách viết ở thời Hán, như Sử ký Tư Mã Thiên [ND: Tác giả nhầm, TMT tự chép chứ không do hoàng đế yêu cầu]. Vấn đề của chúng là … chúng được biên chép vào thời Hán, được san định bởi chính quyền, nên chắc hẳn (100%) là có thiên kiến về nhà Tần và sự sáng lập nhà Hán… Một điều nữa là sử sách thường xuyên khai khống quân số, do đó sẽ không chuẩn xác… Ôi, chẳng phải đó là những gì mà chúng ta, những sử gia (nghiệp dư), yêu mến hay sao, những câu chuyện/huyền thoại và sự thật hỗn độn!
*** Các sử gia không coi những “hoàng đế” bù nhìn của Lã hậu là chính danh.