Dẫn nhập: Nhà Hán chắc hẳn là một thời kỳ hoàng kim của lịch sử Trung Quốc. Chứa gần 30% (ước tính) dân số thế giới vào thời bấy giờ, nhà Hán đã thiết lập nên Con đường Tơ lụa, khám phá ra giấy và là triều đại mà đạo Nho trở nên thịnh hành. Trong số các triều đại Trung Hoa, người Trung Quốc gọi bản thân là người Hán (汉族人, Hán tộc nhân), với nhà Hán là triều đại mà chúng ta đánh giá cao nhất.
Phần 1: Lưu Bang (刘邦) tranh đoạt quyền lực, từ một nông dân đến Hoàng đế Trung Hoa
Phần 2: Nho giáo trỗi dậy, cơ chế cai trị thay đổi
Phần 3: Nền kinh tế của nhà Hán
Phần 4: Thịnh thế nhà HánCon đường Tơ lụa
Phần 5: Tây Hán suy vong, nhà Tân trỗi dậy
Phần 6: Nhà Đông Hán: ấu quân, tranh giành quyền lực và giặc Khăn Vàng
PHẦN 1: LƯU BANG (刘邦) TRANH ĐOẠT QUYỀN LỰC, TỪ MỘT NÔNG DÂN ĐẾN HOÀNG ĐẾ TRUNG HOA
Dẫn nhập: Vào 221 TCN, khi nhà Tần thống nhất Trung Hoa, thế giới đã thở phào nhẹ nhõm. Chiến tranh cuối cùng cũng đã kết thúc, và với sự nhất thống này, hòa bình thịnh vượng rốt cuộc đã đến… Đáng tiếc thay, Tần Thủy Hoàng (秦始皇), hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa đã băng hà chỉ sau 11 năm cai trị (vài nguồn tin nói rằng ông tử vong do tự đầu độc bằng thủy ngân mà không hay biết, nguồn khác thì nói ông bị ám sát). Kể từ khi thiên tử về trời, chính quyền tập quyền, chất keo cố kết đế chế, đã vỡ vụn. Các thừa tướng đã làm giả di chiếu mà chúng ngoa rằng hoàng đế để lại trong phút lâm chung, bức ép thái tử phải tự sát, đưa vua bù nhìn lên ngôi và nhiều lần thay thế bằng những hoàng đế bù nhìn khác; Nói chung là một lần nữa, Trung Hoa lại trở thành một đống hổ lốn…
Phiến quân trỗi dậy: Các thừa tướng đã đấu tranh để lấp đầy ngôi vị quyền lực đã khuyết kể từ sau cái chết của Tần Thủy Hoàng, vì thế không ai chú ý đến hai kẻ nông dân Trần Sinh (陈胜) và Ngô Quảng (吴广) nổi dậy từ tỉnh Hà Nam (河南), dấy lên cuộc khởi nghĩa Đại Trạch Hương (大泽乡). Luật pháp nhà Tần được dựa trên những hình phạt khắc khe và nỗi sợ của tầng lớp tiện dân, nhưng để cưỡng ép chấp hành thì cần có một thế lực hùng hậu, còn chính quyền nhà Tần lúc ấy thiếu vắng một binh đoàn với nắm đấm thép. Cơn hỗn loạn trên đã làm nảy sinh bội phần các cuộc phiến loạn khác trên khắp đất nước. Một trong những thứ dân nổi dậy là Lưu Bang (刘邦), một nông dân chỉ đơn thuần cuốn theo dòng sự kiện và quyết định tham gia khởi nghĩa. Ghi danh vào một quân đội nông dân, Lưu Bang nhanh chóng thăng bậc, thậm chí được cho là đã kết nghĩa với Hạng Vũ (项羽), một quý tộc quyền lực từ nước Sở, cũng là một ứng cử viên nặng ký để trở thành hoàng đế tiếp theo của Trung Hoa. Thời gian trôi đi, triều đình cuối cùng cũng bình ổn, một hoạn quan tên là Triệu Cao (赵高) đã thành công soán đoạt (theo một số nguồn, hắn chính là người đã giật dây vụ ám sát Tần Thủy Hoàng). Hắn “thừa hưởng” một đế chế trong biển lửa (chúc mừng). Khi những vấn đề nội bộ của chính quyền nhà Tần đã được “giải quyết” (không hẳn), họ đã điều binh khiển tướng để cố dập tắt cuộc khởi nghĩa.
Chiến tranh với nhà Tần: Lực lượng phiến loạn dưới quyền của Sở Hoài Vương (楚怀王) nhận ra rằng họ không thể cầm cự trong cuộc chiến với quân đội nhà Tần, đã quyết định rằng phiến quân cần phải đánh vào trung tâm của đế quốc và chiếm đoạt Hàm Dương, thành đô của nhà Tần. Để nâng cao sĩ khí, Hoài Vương đã tuyên cáo rằng người đầu tiên chiếm được kinh đô sẽ trở thành vua của vùng Quan Trung (关中). Điều này gây ra sự cạnh tranh giữa Lưu Bang với Hạng Vũ. Vì Hạng Vũ bị cầm chân bởi quân đội nhà Tần (lấy trứng chọi đá, nhưng ông vẫn chiến thắng ngoài sức mong đợi), Lưu Bang đã đến và đoạt lấy kinh thành trước tiên (ở thời điểm đó, một trong những hoàng đế bù nhìn của Triệu Cao đã giết tên hoạn quan và đầu hàng trước Lưu Bang). Hạng Vũ giận sôi người; ông chôn sống hết thảy 200000** hàng binh nhà Tần và diễu binh về phía Hàm Dương. Hạng Vũ có 400000 quân, trong khi Lưu Bang chỉ có 100000, Lưu Bang sẽ bị quét sạch, trừ khi… Khi Hạng Vũ tiến về Hàm Dương, Lưu Bang được cho là đã phủ phục trước viên tướng và thuyết phục ông rằng mình trung nghĩa và không phải mối họa, thoát chết trong gang tấc ở “Hồng Môn Yến (鸿门宴)”.
Sự suy vong của đế chế Hạng Vũ: Tranh đoạt quyền lực sau hàng chiến thắng với nhà Tần, Hạng Vũ ngày càng trở nên hùng mạnh, dần biến Hoài Vương (hư vị của cuộc khởi nghĩa) thành bù nhìn của mình, về bản chất là trở thành hoàng đế về mọi mặt trừ danh nghĩa. Sau khi thành công đánh bại chính quyền nhà Tần, đế quốc được cát cứ thành mười tám phần. Lưu Bang được phân phong một trong những vùng đất kém hấp dẫn (nay là Tứ Xuyên, 四川), ông ta đang từ từ hồi phục sức mạnh. Một trong những lý do mà đế chế của Hạng Vũ thất vong là nhiều hầu tước trên các vùng không hài lòng với diện tích lãnh thổ của mình, do Hạng Vũ không muốn trao cho họ quá nhiều quyền lực. Điều này trở thành bổn cũ soạn lại như nhà Tần: Giới quý tộc thèm khát nhiều quyền lực hơn từ phía chính quyền trung ương, đã chiến tranh và mưu phản để chống chế độ và tự lập vương vị. Cuối cùng, Sở Hoài Vương băng hà năm 206 TCN, bất luận ông có bị bức hại bởi Hạng Vũ hay không, các vua chư hầu cũng quy tội Hạng Vũ để dấy loạn. Nhóm các nước phiến loạn do Lưu Bang lãnh đạo đã đánh bại Hạng Vũ, sử dụng quân số áp đảo và những tướng tài (mặc dù có nhiều lần thử, vì Lưu Bang để thua Hạng Vũ từ lần này đến lần khác), Lưu Bang đăng quang làm hoàng đế ở chung cuộc, ông đã rất khéo mà chia sẻ quyền lực nhằm cai trị toàn cõi Trung Quốc, mãi mãi chuyển hướng lịch sử Trung Hoa. Có một sự thật thú vị là cờ tướng (tượng kỳ, 象棋), một trò chơi thịnh hành tại Trung Quốc, miêu tả một phần của trận chiến trên, trong đó Hạng Vũ và Lưu Bang nghị hòa, quyết định cưa đôi đế quốc. Dĩ nhiên, Lưu Bang đã lập tức bội ước mà tấn công lúc Hạng Vũ không kịp trở tay, dẫn đến hậu vận của hai người (tuy Hạng Vũ đã lập nhiều chiến tích hiển hách).
Cuộc khởi nghĩa nông dân quy mô lớn đầu tiên và nguyên nhân: Trước nhà Tần, khác với sự phân cấp giàu nghèo âm ỉ về sau, đã có vài cuộc dấy loạn quy mô lớn của thứ dân, các triều đại thay thời đổi vận bởi thâm thù giữa các bộ lạc khác nhau với giới quý tộc của họ. Tuy nhiên, đến thời Tần, những cuộc khởi nghĩa nông dân quy mô lớn trở thành một tranh đề nhức nhối trong sự suy vong của hầu hết triều đại tương lai. Theo quan điểm của tôi (nếu sai thì xin sửa), hai trong số những lý do chính mà nhà Tần (và các hậu triều) có nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân đến vậy là sự đô thị hóa (mật độ dân số cao) và tính bất ổn về kinh tế trong giới thứ dân, do sưu cao thuế nặng (sẽ nói thêm vào phần 3). Tuy Trung Quốc chỉ mới đô thị hóa nghiêm ngặt vào thế kỷ XXI, vốn đã có sự khác biệt rõ rệt về mức độ đô thị hóa giữa sơ kỳ và mạt kỳ nhà Chu. Đó là do sự tiến bộ trong giao thương đã manh nha Con đường Tơ lụa và phát triển nội thương trên các con sông của Trung Quốc vào khoảng năm 600 TCN. Hơn nữa, những tiến bộ trong giao thương và sự tăng trưởng dân số đã làm tăng mức độ đô thị hóa (do người dân không cần bám ruộng, thay vào đó là tạo kế sinh nhai bằng cách tạo ra và buôn bán sản phẩm). Do sự đô thị hóa, người dân có xác suất dấy loạn nhiều hơn, do bất mãn tập thể và chứng kiến cái đói cái khổ hoành hành. Thực vậy, khi giao tiếp trở nên dễ dàng hơn, các cuộc khởi nghĩa quy mô lớn không chỉ dễ khơi mào hơn, mà còn huy động nhanh hơn, điều này đôi khi sẽ tạo nên sự khác biệt giữa một cơn phiến loạn nhỏ mất đà dọc đường, với một cuộc khởi nghĩa lớn có khả năng tàn phá một quốc gia.
PHẦN 2: NHO GIÁO TRỖI DẬY, CƠ CHẾ CAI TRỊ THAY ĐỔI
Dẫn nhập: Sau khi đánh bại Hạng Vũ ở trận Cai Hạ (垓下), lập nên nhà Hán, Lưu Bang và hậu duệ của ông sẽ cố ổn định đế triều, đương đầu với những mối họa nội phản.
Phục hồi chế độ phong kiến: Sau khi nhà Hán khai quốc, Lưu Bang phải làm trọn tất cả lời thề với những trung thần. Ông cũng phải quản lý động thái quyền lực của các quý tộc khác nhau, để ngăn họ dấy binh và đưa Lưu Bang về chung số phận với Hạng Vũ. Như đã hứa, Lưu Bang tái lập chế độ phong kiến của nhà Chu, trao trả đất đai cho những công thần trung thành (theo hiểu biết của tôi, có một quan niệm sai thường gặp là Lưu Bang đã phong đất cho thân quyến họ Lưu, người mà ông có thể tin tưởng. Trên thực tế, những “thân thích” giả sử này chỉ được ban tước sau khi giành quyền kiểm soát các nước, tức là khi đã chính danh cai trị nước đó), Lưu Bang giữ khoảng 50% đất Trung Hoa chưa phân chia, thay vào đó là thi hành chế định của nhà Tần: “Quận Huyện Chế (郡县制)”. Về bản chất, chế độ này chia đế quốc thành các quận huyện nhất định, chúng sẽ được cai trị bởi các thái thú do triều đình bổ nhiệm (chức vị cao thì được đích thân hoàng đế tuyển chọn, chức vị thấp thì các quan chức khác chọn lựa). Đáng tiếc thay, chế độ phong kiến của nhà Chu gặp nhiều bất cập, do mức độ tự trị của các nước chư hầu dâng cao, mỗi nước lại có luật pháp và quân đội riêng, dẫn đến nhiều vấn đề về sau.
Cuộc giằng co giữa các vua chư hầu với hoàng đế: Trong vài thế kỷ sau, do quyền lực của giới quý tộc và sự phân quyền của chính thể mà các vua nhà Hán đã cố thâu tóm quyền lực, trong khi giới quý tộc cố giành quyền tự trị nhiều hơn. Điều này dẫn đến nhiều trận chiến và thù hằn giữa hai bên. Một trong những cuộc dấy loạn điển hình là vào năm 154 TCN, Hán Cảnh Đế (汉景帝) đã chia nhỏ các quận huyện để giảm thiểu quyền lực của quý tộc. Điều này đã khiến 7 trên 12 vua chư hầu phản loạn, chiến đấu ngoan cường nhưng vẫn bại trận chỉ sau 3 tháng, đây được gọi là “Loạn bảy nước (Thất quốc chi loạn, 七国之乱)”, động viên Trung Hoa cố kết lại. Sự kiện này dần dà dẫn đến “khúc khải hoàn” của các hoàng đế nhà Hán đối với giới quý tộc, đồng thời chế độ phong kiến dần bị soán ngôi bởi Quận Huyện Chế của nhà Tần, sự cải tổ này hoàn thiện từ năm 100 TCN. Với quyền lực “kiện toàn” và một chính thể tập quyền, các hoàng đế như Hán Võ Đế (汉武帝) và Hán Tuyên Đế (汉宣帝) đã mang lại thịnh thế cho lịch sử Trung Quốc, thiết lập Con đường Tơ lụa và bành trướng đế quốc (tôi sẽ nói chi tiết hơn về Con đường Tơ lụa ở phần 4).
PHẦN 3: NỀN KINH TẾ CỦA NHÀ HÁN
Chủ đề này quá sức phức tạp và giàu lớp lang, khó mà tóm lược vậy, vì nó không dậm chân tại chỗ trong suốt 400 năm nhà Hán cai trị, mà tiếp biến theo thời gian, do đó tôi chỉ xin đưa ra vài tâm điểm theo tầm hiểu biết:
- Sự tăng trưởng dân số trong thời Hán: Dân số tăng trưởng nhanh chóng (đạt đến hơn 60 triệu dân) do sự phát triển của công nghệ nông nghiệp, đây là một con dao hai lưỡi, do nó dấy lên nhiều vấn đề quản trị và làm khó việc trị quốc. Nhiều người cũng chết đói vì sản lượng thực phẩm không bắt kịp nhu cầu quốc dân. Vào thời Chu, đất đai dễ kiếm hơn, vì tốc độ bành trướng ra các bộ lạc lân cận là nhanh hơn khả năng sinh đẻ. Tình thế này khá giống với Mỹ, nơi mà bạn chỉ cần đi ra một khoảng đất trống là có thể tự phong, không ai quan tâm. Nhưng đến thời Hán, điều này thay đổi, do nhu cầu đất ở tăng cao, trong khi nguồn cung thì tương đối giữ nguyên.
- Sự kiểm soát đất trong thời Hán: Như tôi đã nhắc đến trong bài viết về nhà Tần [ND: Tui dịch sau nha], trong thời kỳ Chiến quốc, nhờ Thương Ưởng cải tổ mà dân có thể tự do mua bán đất đai. Điều này phát sinh hàng thế hệ địa chủ giàu có, mở rộng cứ địa qua hàng trăm năm, đoạt lấy đất đai từ các tiểu địa chủ lâm vào cảnh phá sản. Theo Tiều Thố, một vị quan nhà Hán, một gia đình sở hữu đất 5 người trung bình sẽ có nguy cơ cao bị phá sản khi thiên tai ập đến, hoặc do sưu cao thuế nặng. Nhiều hoàng đế như Hán Ai Đế (汉哀帝) đã cố hạn chế lượng đất mà giới quý tộc có thể thâu tóm nhưng thất bại, vì các vị vua (đặc biệt là trong thời Đông Hán) lệ thuộc nặng vào giới quý tộc giàu có để củng cố đế vị. Vấn đề mật độ đất đai khiến người nhiều đất lại càng sung túc hơn, trong khi dân nghèo lại càng túng quẫn hơn.
- Sửa đổi thuế: Để cố ngăn các chủ sở hữu đất nông dân khỏi bị phá sản và giao nộp đất cho quý tộc, và đơn thuần là giúp tầng lớp tiện dân sống sót, nhà Hán liên tục cắt giảm sưu thuế trong những thời kỳ mất ổn định (chẳng hạn như thiên tai). Đôi khi, thuế đấtnông nghiệp còn được miễn giảm. Do đó, trong những thời kỳ cần nhiều tiền vốn (chẳng hạn như chiến tranh), nhà Hán phải tăng thuế lên giới thương nhân và quý tộc (chẳng hạn như tăng thuế tài sản và thuế khoán, hoặc quốc hữu hóa một ngành nghề nhất định). Trong thời Hán Võ Đế cai trị, khi cần sung vào quốc khố để phát động chiến tranh, ông đã bán tước vị, điều này trở thành một xu hướng, đặc biệt là trong thời Đông Hán, khiến cho chính quyền ngày một lũng đoạn và thiếu bóng nhân tài.