Sự gia nhập của Thor và Odin vào Thần Hệ Germanic

Gần đây tôi có đọc một tác phẩm đại chúng về thần hệ Bắc Âu/Germanic. Tác giả của tác phẩm khẳng định Tyr vốn nguyên bản là chủ thần của thần hệ và đến từ hình mẫu của ‘Dyeus’ của truyền thống Ấn-Âu.

Ngoài ra, anh ta cũng khẳng định là Thor và Odin được thêm vào sau này (trong Thời Kỳ Hậu Di Cư?), và dần thay thế Tyr trong thần hệ với tư cách là chủ thần (trong trường hợp của Odin) và về tầm quan trọng nói chung.

Tôi hi vọng là những người có chuyên môn ở đây có thể đánh giá các khẳng định đó và cung cấp thêm những thông tin/ngữ cảnh/chi tiết có thể bị thiếu sót.

_____________________

Tôn giáo Ấn-Âu Nguyên Thủy được đứng đầu bởi một vị thần vương của bầu trời ban ngày và tên của thần có nghĩa là chói sáng hay tỏa sáng, nhưng thần không phải là thần mặt trời. Từ sau khi người Ấn-Âu tách thành nhiều nhóm, các vị thần cũng hóa thành các biến thể mà chúng ta biết đến ngày nay. Vị thần bầu trời này trở thành Zeus (Hy Lạp), Indra (Hindu), Jupiter (La Mã) và Tyr (Bắc Âu). Zeus và Jupiter dung hợp với một vị thần Ấn-Âu Nguyên Thủy khác là thần sấm. Vị thần sấm này vẫn được giữ lại trong văn hóa Slavic với cái tên Perun và trong văn hóa Germanic/Bắc Âu là Thor. Tyr mất đi rất nhiều đặc tính của thần bầu trời (và không có thêm đặc tính nào của thần sấm) và phát triển qua thời gian thành thần của lòng anh dũng, luật pháp, và sự thống trị, đó cũng là những đặc tính của Zeus và Jupiter bên cạnh các đặc tính của thần sấm. Chúng ta biết được Tyr có chung nguồn gốc với Zeus và Jupiter là vì từ nguyên của các cái tên đó đến từ cùng một từ gốc có nghĩa là chói sáng hay tỏa sáng. Perun và Thor có nguồn gốc có nghĩa là sấm.

Thor khả năng cao là không phải một sự thêm thắt sau này, thần hẳn là đã luôn tồn tại bởi vì thần vốn bắt nguồn từ vị thần sấm trong thần hệ Ấn-Âu Nguyên Thủy. Thần hẳn là chỉ trở nên phổ biến hơn, có thể là từ sự ảnh hưởng của các nhóm người lân cận.

Odin thì khá là phức tạp. Thần không phải là một vị thần nổi bật trong thần hệ Ấn-Âu Nguyên Thủy (và có thể là vốn hoàn toàn không tồn tại trong thần hệ đó). Câu trả lời hợp lý nhất mà tôi từng đọc được là Odin vốn là thần của một giáo phải nhỏ của các quý tộc và qua thời gian được áp đặt lên những người khác với tư cách là thần tối cao.

Đa số quá trình suy diễn về nguồn gốc các vị thần là thông qua từ nguyên, còn phần còn lại là thông qua so sánh các đặc tính. Sự liên kết với cây sồi, đại bàng, sấm chớp/búa/rìu hai lưỡi là điểm chung của Zeus, Thor, Perun, Jupiter và Indra nhưng không có ở Odin.

Bởi vì chúng ta không có bất kỳ ghi chép nào về các vị thần Germanic/Bắc Âu thời kỳ đầu nên việc cố gắng xâu chuỗi các chi tiết cũng phải thực hiện qua các nguồn tư liệu thứ cấp. Một trong số những ghi chép sớm nhất về các vị thần Germanic là quyển Germania của Tacitus [link: https://www.gutenberg.org/cache/epub/9090/pg9090.html]. Tacitus nhắc đến một Mercury phiên bản Germanic, vị thần mà có thể là Odin vì cả hai đều dẫn đường cho linh hồn người chết, Hercules có thể đã được dùng để gọi Thor, Mars là Tyr và Isis là Freya. Đáng tiếc là Tacitus cho chúng ta rất ít thông tin (Bản dịch thô sơ từ Google Translate của IX Germania) [trans: cái đoạn ông kia tự dịch rất khó hiểu, mình dịch từ bản tiếng anh của đại học Tufts http://www.perseus.tufts.edu/hopper/text…] :

Mercury là vị thần mà họ tôn thờ chính, và đôi khi họ cho rằng có thể hiến tế cả con người cho thần. Hercules và Mars chấp nhận những lễ tế hợp pháp hơn. Một số người Suevi cũng hiến tế cho Isis.

Bạn có thể thử hỏi bên /r/mythology xem có nhà thần thoại học nào biết nhiều hơn không vì gần như không có ghi chép lịch sử nào về chủ đề này.

>u/abrowndog (2 points)

Thú vị đấy. Nguồn tư liệu của bạn về giả thuyết thần bầu trời trong thần hệ Ấn-Âu Nguyên Thủy là gì. Nó có được chấp nhận rộng rãi không, và bạn có biết giả thuyết đối lập nào đáng chú ý không?

>>u/svarogteuse (2 points)

Đó là giả thuyết chủ lưu và tôi chưa thấy bất kỳ giả thuyết đối lập nào. Từ nguyên là rất rõ ràng, hãy thử tìm từ nguyên của những cái tên Zeus (tỏa sáng), Jupiter (cha tỏa sáng), Tyr/Teiws/Tiwas (Bắc Âu/Gothic và Germanic Nguyên Thủy) và bạn sẽ tìm thấy cùng một từ gốc Ấn-Âu. Tôi tìm trong quyển Ngữ pháp Ngôn ngữ Ấn-Âu Hiện đại (A Grammar of Modern Indo-European) của Quiles thấy ở trang 279 và dưới phần của Djeus Pater viết:

… tên của Thần của Bầu trời ban ngày … tồn tại như Zeus trong tiếng Hy Lạp (sở hữu cách Dios), Jupiter trong tiếng Latin, Dyaus/Dyaus Piter trong tiếng Phạn, Tiwas trong tiếng Germanic (Tyr trong tiếng Bắc Âu Cổ, Ziu trong tiếng Đức Cao địa Cổ), Astwatz trong tiếng Armenia và Dispater trong tiếng Gaul …

Perquenos từ gốc per-q ở trang tiếp theo có một danh sách tương tự liệt kê các tên thần bắt nguồn từ nó và một gốc tượng thanh tar cho sấm sét. Dòng đầu tiên viết:

… và trong một số truyền thống được đồng nhất với Djeus

Cuốn sách đó cũng cung cấp chi tiết về các vị thần khác trong thần hệ. Sau đó thảo luận về các điểm giống nhau giữa các thần thoại của hầu hết thần thoại Ấn-Âu; một cái cây thế giới, thần Sấm giết chết một con mãng xà/rồng (cũng có điểm tương tự với một số nền văn hóa không phải Ấn-Âu), một mối liên hệ giữa con rồng và thần âm phủ, và thần thoại về một vị anh hùng giải thoát mặt trời hoặc bình minh ra khỏi tảng đá sau khi tiêu diệt một con mãng xà, một tinh linh tự nhiên như Pan, một con sói bảo vệ địa phủ, vân vân. Tất các những điểm này phù hợp với tôn giáo Ấn-Âu Nguyên Thủy [link: https://en.wikipedia.org/wiki/Proto-Indo-European_mythology], mà thật ra là có chiều sâu hơn là chủ đề ngữ pháp. Trang wiki đó có một số tài liệu tham khảo, bao gồm một số nhà thần thoại học so sánh nổi tiếng như Frazer và Dumezil, nhưng mà nếu muốn biết thểm thì bạn nên đọc các quyển sách của Mallory và Adams. Hai tác giả đầu quan tâm rất rộng về so sánh các thần thoại và cũng khá già rồi, chúng ta đã biết nhiều thứ hơn hồi đó và hầu hết các tác phẩm của họ bây giờ chỉ được xem là tài liệu danh mục còn Mallory và Adams thì tập trung vào các tài liệu dành riêng cho Ấn-Âu.

Một nguồn tài liệu online khác [https://mudrac.ffzg.hr/~rmatasov/PIE%20Religion.pdf].

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *