Chúng ta đi qua cuộc đời với một vài điều biết và hàng tỉ điều không biết. Ngày mai là một cái không biết lớn. Đêm nay ngủ có chắc là ngày mai thức dậy không, hay đây sẽ là giấc ngủ cuối cùng? Ngày mai có chắc là ông boss không cho mình nghĩ việc vì lý do quái quỷ nào đó? Người yêu mình không phải lòng người khác? Một anh say nào đó không lái xe tông thẳng vào mình? Bị cúm cả tuần cho nên hỏng một mớ việc? Đó là chưa nói đến đánh nhau ở đâu đó trên thế giới làm thị trường chứng khoán thế giới sụp đổ và mình khánh tận? Hay một cơn bão mặt trời làm đảo lộn cả thái dương hệ?
Dĩ nhiên chúng ta dựa vào xác suất để mong rằng ngày mai cũng gần giống hôm nay và chẳng có gì bất ngờ xảy ra. Giống thì cũng giống đấy, nhưng bất ngờ thì cũng rất thường. Chính vì thế mà chúng ta hay bị chới với vì bất ngờ–thất tình, thất chí, sân hận, bi ai… Và do đó, đời là khổ, ta kết luận.
Bản chất thay đổi thường trực của cuộc đời, và tính bất khả tri (“không thể biết”) của các thay đổi đó làm cho chúng ta chới với, suy sụp, và đau khổ, vì rất nhiều thay đổi ta không cầu, không thích (trong khi thay đổi ta muốn—như là trúng số độc đắc—thì hầu như chẳng bao giờ đến 🙂 ).
Nếu chúng ta hiểu được bản chất cuộc đời là nhiều thay đổi không biết trước được, thì ta có thể học cách quản lý đời ta thế nào để chúng ta bớt đau khổ và thêm nhiều an lạc, dựa trên các quy tắc sau:
1. Hiểu được bản chất cuộc đời là có nhiều thay đổi thử thách bất ngờ. (Đây là điều Phật gia gọi là Vô thường, và triết gia Hy Lạp Heraclitus nói “Không ai tắm hai lần trong một giòng sông.”)
2. Tập khả năng hòa nhập với thay đổi để sống.
Đời là một dòng sông dài, nhiều khúc quanh, nhiều gềnh thác bất ngờ. Ta là con cá sống trong dòng sông đó. Gặp nước cạn thì bơi kiểu nước cạn, nước trong thì lặn kiểu nước trong, nước đục thì ăn kiểu nước đục, rơi xuống thác thì bơi kiểu rơi xuống thác…
Tức là sống “ở đây lúc này”. Đến ngày mai, sẽ sống ở đó ngày mai, với những vấn đề và thử thách của ngày mai (mà hôm nay mình vẫn chưa biết chúng là gì). Vấn đề của ngày mai, để ngày mai đến rồi hãy tính.
Và dù chuyện gì xảy đến, thì cách giải quyết duy nhất vẫn là “xoay sở”. “Xoay sở” chỉ có nghĩa là đi đến đâu tìm cách giải quyết đến đó. Lái xe đến chỗ nào thì sẽ biết phải nhanh phải chậm phải thắng phải quẹo ở chỗ đó. Không nói trước được.
Vì lo xa, cho nên ta vẫn tính một tí cho ngày mai. Đó là việc tốt. Nhưng tính là tính vậy, đừng tin là mọi sự sẽ cứ như mình tính.
3. Điểm (1) và (2) bên trên đưa đến hệ luận này: Tất cả mọi kế hoạch lớn, bé, cá nhân, gia đình, xã hội của ta đều cần uyển chuyển. Kế hoạch thì có vậy nhưng sẵn sàng xét lại, suy nghĩ lại, và thay đổi để phù hợp với những yếu tố mới mà ta không tính trước được.
Rất nhiều người thấy kế hoạch mình không thành vì những yếu tố không tính trước. Rồi ngồi đó bó tay chịu trận, và thất bại, và đổ lỗi cho “không gặp thời.”
Người làm kế hoạch giỏi biết trước là kế hoạch của mình chỉ là kế hoạch tạm, và sẽ gặp thử thách liên tục bởi các điều không tính trước, và sẽ thay đổi kế hoạch liên tục với các yếu tố bất ngờ, để đi đến thành công.
Kế hoạch không phải là một bản vẽ chết cứng. Kế hoạch là là một cuộc hành trình, là một bàn cờ chuyển dịch không ngừng.
“Kế hoạch làm ra là để thay đổi. Plans are made to be changed.”
4. Tin vào quy luật nhân quả tự nhiên của cuộc đời: Gieo hạt tốt chắc chắn sẽ có quả tốt một lúc nào đó, không chóng thì chầy. Quy luật này tự nhiên, không thể thay đổi. Mỗi ngày gieo hạt tốt dọc đường đi, và hãy vui vẻ khi mình đang ngồi trên đống lửa, vì mình biết là ở đâu đó đang có sẵn một đám mưa rào đến từ các hạt mình gieo lâu nay.
Sống an nhiên tự tại như con cá bơi lội trong dòng sông với nhiều thay đổi.
st