soi-tiet-nieu-nhap-vien-muon-co-the-gay-bien-chung-nhiem-trung,-suy-than

Sỏi tiết niệu nhập viện muộn có thể gây biến chứng nhiễm trùng, suy thận

PGS.TS Hoàng Long, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Tiết niệu, Bệnh viện Việt Đức cho biết, sỏi tiết niệu chiếm 45 – 50% các bệnh tiết niệu ở Việt Nam là biểu hiện bệnh trong 0,5 – 2‰ dân số. Tỷ lệ nam (60%) cao hơn nữ (40%), lứa tuổi thường gặp từ 30-60 tuổi là 75 – 80%.

 “Sỏi đài thận hình tròn hay đa giác, thường gặp 1 hoặc nhiều viên nằm ở đài dưới hay đài giữa thận. Sỏi bể thận có hình tam giác hay đa diện thường có kích thước 10 – 30mm khuôn theo hình bể thận với đầu nhọn quay hướng về phía cột sống. 

Khi sỏi nằm lấp kín cả đài – bể thận được gọi là sỏi san hô có kích thước 30 – 40mm”, PGS Long phân tích. 

Nguyên nhân gây sỏi tiết niệu

Theo PGS Long, nguyên nhân gây sỏi tiết niệu rất đa dạng, bao gồm các yếu tố địa dư, khí hậu và chế độ ăn uống ảnh hưởng đến sự hình thành sỏi thận.

Sỏi tiết niệu nhập viện muộn có thể gây biến chứng nhiễm trùng, suy thận - Ảnh 1.

Theo PGS Long, nguyên nhân gây sỏi tiết niệu rất đa dạng, bao gồm các yếu tố địa dư, khí hậu và chế độ ăn uống ảnh hưởng đến sự hình thành sỏi thận. (Hình ảnh minh họa sỏi tiết niệu. Ảnh BSCC)

Nguyên nhân hình thành sỏi gồm: Rối loạn chuyển hoá gây tăng calci máu và calci niệu; thay đổi pH nước tiểu (bình thường pH: 5,6 – 6,3); dị dạng đường tiết niệu bẩm sinh hoặc hẹp đường tiết niệu mắc phải gây ứ đọng nước tiểu tạo điều kiện thuận lợi hình thành nên sỏi.

Đa số các trường hợp sỏi calci không rõ nguyên nhân, một số tăng calci do chế độ ăn uống, bệnh lý như mất nước, nằm bất động lâu, tăng calci niệu gây sỏi hoặc do cường tuyến cận giáp gây tăng calci, hạ phospho.

Các triệu chứng lâm sàng khi bị sỏi tiết niệu

PGS Long cho biết, các triệu chứng lâm sàng khi bị sỏi tiết niệu bao gồm: 

– Đau âm ỉ thắt lưng khi sỏi đài thận hoặc sỏi san hô chưa gây tắc nghẽn. Đôi khi bệnh nhân không có triệu chứng được phát hiện sỏi thận khi khám sức khỏe định kỳ hay do tăng huyết áp.

– Cơn đau quặn thận điển hình khi sỏi gây tắc nghẽn bể thận niệu quản. Cơn đau lan xuống hố chậu, bìu kèm theo nôn và bụng chướng. 

– Đái ra máu do sỏi di chuyển khi vận động hay do nhiễm khuẩn gây tổn thương niêm mạc đài bể thận chảy máu. 

– Khi có nhiễm khuẩn tiết niệu: Bệnh nhân sốt cao 38o – 39oC, thận to đau, đi tiểu đục và đôi khi gặp tình trạng sốc nhiễm trùng vã mồ hôi, nổi vân tím toàn thân và tụt huyết áp. 

– Thăm khám lâm sàng thấy thận to đau khi sỏi thận gây tắc nghẽn ứ nước thận. 

– Một số trường hợp bệnh nhân đến muộn khám thấy vùng thắt lưng bên có sỏi thận sưng nề tấy đỏ do sỏi tắc nghẽn gây ứ mủ thận, viêm tấy quanh thận hoặc thấy rò mủ thắt lưng do áp xe quanh thận đã vỡ sau phúc mạc và ra da. 

“Khi bệnh nhân đến viện muộn, sỏi đài bể thận sẽ gây biến chứng như: Nhiễm khuẩn tiết niệu; Viêm đài bể thận, viêm thận kẽ, viêm hẹp cổ đài thận; Giãn đài bể thận, ứ nước, ứ  mủ thận, áp xe thận; Viêm quanh thận xơ hoá (fibrose – xanthogranulomatose); 

Cao huyết áp do sỏi san hô thận gây thiếu máu nhu mô thận, teo thận; Suy thận do sỏi thận 2 bên gây tắc nghẽn. Những điều này khiến sức khỏe của người bệnh bị đe dọa”, PGS Long cho biết. 

Các biện pháp điều trị sỏi tiết niệu

Theo PGS Long, hiện có nhiều biện pháp điều trị sỏi tiết niệu bao gồm:

– Tán sỏi thận qua da là phương pháp can thiệp dùng máy tán nội soi và lấy sỏi thận qua đường hầm được tạo qua da chỉ định điều trị sỏi đài bể thận kích thước trên 2cm với nhiều lợi ích hơn so với mổ mở.

Hiện nay, tán sỏi thận qua da là phương pháp điều trị sỏi thận tối ưu, triệt để đã thay thế cho phần lớn chỉ định mổ mở lấy sỏi.

Phương pháp này có thể tán được những sỏi lớn và rắn. Tán sỏi qua da trực tiếp có thể rửa sạch lấy hết cặn sỏi và dẫn lưu bể thận qua da cho phép giải quyết phần lớn sỏi thận thường gặp ở nước ta.

Sỏi tiết niệu nhập viện muộn có thể gây biến chứng nhiễm trùng, suy thận - Ảnh 2.

Khi bệnh nhân mắc sỏi tiết niệu nhưng đến viện muộn, sỏi đài bể thận sẽ gây biến chứng nguy hiểm (Bệnh nhân đến khám tiết niệu tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh BVCC)

 – Tán sỏi thận nội soi ngược dòng bằng ống soi mềm là phương pháp sử dụng ống soi mềm nội soi ngược dòng qua niệu quản lên đài bể thận để tán sỏi trong thận bằng năng lượng Laser. 

Sỏi tán vỡ được lấy bằng bơm rửa hoặc dùng rọ Dormia, Nitinol gắp sỏi ra ngoài. Đây là phương pháp điều trị sỏi trong thận hiệu quả và an toàn chỉ định cho sỏi thận kích thước dưới 2,5cm.

 – Tán sỏi ngoài cơ thể: Chỉ định điều trị các sỏi đài bể thận nhỏ đường kính £ 20mm bể thận không giãn không bị nhiễm khuẩn, chức năng hình thái thận tốt. Sỏi thận sẽ vỡ thành mảnh nhỏ đường kính dưới 4mm sẽ theo đường bài xuất thải ra ngoài. 

Sỏi thận kích thước 20 – 30mm cần đặt ống thông niệu quản trước khi tán sỏi ngoài cơ thể để dự phòng tắc vụn sỏi.

 “Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật khi sỏi đài bể thận có biến chứng đái máu tái phát nặng, nhiễm khuẩn, viêm đài bể thận, thận ứ nước, ứ mủ, suy thận; 

Sỏi san hô thận phức tạp có nhiều viên đã gây biến chứng; Sỏi thận lớn 2 bên sẽ chỉ định mổ bên thận còn chức năng trước; Sau các can thiệp tán sỏi ngoài cơ thể hoặc tán sỏi qua da thất bại. 

Các phương pháp phẫu thuật tuỳ theo vị trí và kích thước sỏi”, PGS Long nhấn mạnh. 

Để đề phòng sỏi tiết niệu tái phát, PGS Long khuyến cáo, bệnh nhân sau khi điều trị cần duy trì chế độ ăn uống nhiều nước trên 2 lít/ ngày; Chế độ ăn hạn chế thức ăn nhiều calci, oxalate như sữa, phomat, chè; Điều trị nhiễm khuẩn Proteus, điều chỉnh pH nước tiểu kiềm (sỏi PAM); 

Hạn chế protit động vật, điều trị bằng Allopurinol đối với sỏi axit Uríc.

“Theo dõi sau điều trị rất quan trọng cho dù bệnh nhân được điều trị theo phương pháp nào để kiểm soát được diễn biến bệnh sỏi thận. 

Bệnh nhân cần phối hợp đến khám định kỳ nhằm phát hiện sỏi thận tái phát hoặc các biến chứng, di chứng sau can thiệp để có kế hoạch điều trị tích cực và dự phòng sỏi thận tái phát”, PGS Long nhận định.  

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *