Hệ thống hậu cung vào 150 năm đầu của Ottoman rất khác so với các đế quốc Hồi giáo trước đó. Vào đầu thế kỷ 15, các Sultan cưới cả vợ hợp pháp và các thê thiếp nô lệ. Tuy nhiên, cũng vào khoảng thời gian này, lại hình thành nên những nguyên tắc sẽ định hình đời sống tình dục của các Sultan về sau: nguyên tắc chỉ lấy các thê thiếp nô lệ, không lấy vợ; nguyên tắc mỗi thê thiếp chỉ được phép sinh một con. Tới giữa thế kỷ 15, việc cưới vợ tự do không còn được chấp nhận nữa vì những lý do chính trị trong nước và quốc tế.
Vào thế kỷ 14 và đầu thế kỷ 15, các Sultan muốn lấy vợ thì sẽ xin hỏi cưới các công chúa của những nước Kitô giáo ở Rumelia và Hồi giáo ở Anatolia. Mục đích của các cuộc hôn nhân này rất rõ ràng, để kết nối quan hệ giữa hai Hoàng tộc với nhau, thông thường hôn lễ sẽ được tổ chức khi Ottoman cần liên minh với một nước nào đó, hoặc khi Ottoman đánh bại một nước và hôn lễ trở thành biểu tượng cho thấy nước đó đã thất bại và trở thành chư hầu của Ottoman. Hoàng tộc Ottoman thường sẽ giới hạn các cuộc hôn nhân này trong khu vực mà họ cần mở rộng ảnh hưởng, các Hoàng tộc nước khác đã gả công chúa cho Ottoman bao gồm Byzantine, Serbia, Germiyan, Aydin,… Tất nhiên không phải chỉ có mỗi Ottoman sử dụng hôn nhân làm công cụ chính trị.
Các cuộc hôn nhân trong Hoàng tộc Ottoman vào thế kỷ 14 thường là với các phụ nữ Kitô giáo, đến khoảng thế kỷ 15 thì đa phần là với các phụ nữ Hồi giáo, cho thấy quyền lực của Ottoman ngày càng mở rộng khắp Anatolia. Các Sultan và hoàng tử không chỉ cưới các công chúa của các tiểu quốc Hồi giáo, mà còn gả em gái và con gái mình cho các tiểu quốc đó. Hôn lễ cho thấy sự liên minh giữa hai nước với nhau hoặc sự đầu hàng làm chư hầu của một nước với Ottoman. Việc cưới vợ Hồi giáo thay vì Kitô giáo cũng là vì Kafa'ah của Hồi giáo chỉ trích những phụ nữ cưới chồng có địa vị xã hội thấp hơn, nên ban đầu khi Ottoman chưa mạnh thì các nước Hồi giáo lớn hơn không muốn gả công chúa cho Sultan, nhưng sau này Ottoman dần mạnh lên thì các Sultan có khả năng lấy vợ Hồi giáo từ các tiểu quốc.