SỢ HAY NGƯỠNG MỘ

Có một câu chuyện xảy ra vào năm mình học lớp 5…

Hôm ấy, thầy chủ nhiệm bị ốm nên không đi dạy được, và có một thầy ở văn phòng trường vào lớp dạy thay.

Trong lúc thầy đang dạy, thằng bạn ngồi kế bên nó nói chuyện riêng với mình, mình quay sang nhắc nó là “Đừng có nói chuyện riêng, để mình nghe thầy giảng bài”. Đúng lúc đó thì thầy thấy được và gọi cả 2 đứa cùng lên.

Thầy yêu cầu 2 đứa đứng úp mặt vào bảng, quất mỗi đứa 5 cây vào mông.

Thằng bạn kia bị đánh trước, mặt nó tỉnh bơ (cái này chắc do ở nhà nó bị đánh nhiều nên lì đòn, hoặc là nó biết nó có lỗi nên nó chấp nhận được).

Còn mình, thầy đánh cây nào là muốn nhảy lên cây nấy (ở nhà mình cũng bị mẹ đánh, nhưng chưa bao giờ mẹ đánh đau như thầy, với lại ngẫm thì thấy mình bị oan ức quá, có giải thích thầy cũng không chịu tin. Đã vậy, thằng bạn đứng kế bên nó có lỗi trước mà nó cũng chẳng thanh minh thanh nga gì cho mình luôn mới ức chứ)

Thầy đánh xong, cho 2 đứa về chỗ ngồi. Mấy “thánh soi” phía dưới cũng thương mình lắm, ra chơi tụi nó kể “Mặt mày tái mét, môi tím luôn”. Cái này thì chắc là do đau nên tái mặt và do giận nên tím môi.

Xong cái vụ đó, trong não mình ghim ngay quyết định “Từ giờ trở đi, học tập là phải tập trung nghe thầy cô giảng bài, thấy đứa nào học mà hay nói chuyện riêng thì mình phải né nó ra ngay từ đầu để không bị “ăn cây” như vụ này nữa”.

Mà cái quyết định đó đúng là “nguy hiểm” thật, kể từ đó về sau là mình cũng ít nói chuyện lại, mấy đứa nào ngồi học trong lớp mà nói chuyện riêng là mình tranh thủ né nó ra ngay từ đầu. Lên lớp 6, mình được cô giáo bổ nhiệm làm Lớp phó học tập, chắc tại cô nhìn vào kết quả được miễn thi tốt nghiệp tiểu học và được tuyển thẳng lên trung học nên cô bổ nhiệm thôi chứ bề ngoài nhìn nhỏ con như con nhái, trong khi bạn bè đứa nào đứa nấy như con ếch.

Mà cũng từ khi có cái chức danh đó, “con nhái” kia cũng tự dưng trở thành “bà la sát” lúc nào không hay. Nó chúa ghét đứa nào học mà nói chuyện riêng. Nó có 1 cuốn tập để ghi tên hết những đứa nào học mà nói chuyện riêng vào đó.

Cuối tuần có tiết sinh hoạt lớp, “con nhái” đó lên đứng trước lớp đọc oang oang tên mấy đứa nói chuyện. Rồi hình phạt thế nào cô cũng giao cho nó tuỳ quyết luôn. Khi đó, trường có tổ chức chương trình mỗi lớp có một vườn hoa nhỏ trước lớp; thế là nó yêu cầu mấy đứa nói chuyện riêng trong giờ học phải đem phân bò lên bón cho cây vào đầu tuần sau.

Tuần sau, đứa nào đem lên thì phải để đó, chờ “con nhái” tới lớp kiểm tra điểm danh lại xem còn sót đứa nào không đem thì sẽ có biện pháp “xử mạnh hơn”.

****

Cách đây 1 tuần, mình có trị liệu tổn thương cho 1 bạn hơn 30 tuổi và cũng bị ám ảnh từ việc giáo viên không nghe giải thích và đánh rất bạo (theo lời bạn ấy cảm nhận là đánh như đánh kẻ thù chứ không phải đánh một đứa trẻ). Sau những lần đó, bạn ấy có đọc bài tốt hay chưa tốt, giơ tay phát biểu hay không phát biểu cô cũng rầy la đủ cách. Câu chuyện này ám ảnh bạn ấy vào trong cả những giấc mơ và khiến bạn ấy dần trở nên tự ti, nhút nhát, sợ đám đông phán xét cho đến trước khi được mình trị liệu thì bạn ấy vẫn không thoát ra được trạng thái đó.

Chi tiết câu chuyện của bạn ấy thì khác với câu chuyện của mình, nhưng điểm chung là cả 2 đều bị oan nhưng không được giáo viên lắng nghe để cho lời giải thích mà bị đánh ngay.

Khác nữa là bạn ấy trở nên tự ti, nhút nhát, sợ đám đông theo phong cách của vân tay Ulna chứ không biến thành “bà la sát” theo phong cách vân tay Ws như mình.

Khác nữa là mình đã được chữa lành tổn thương này cách đây 2 năm, còn bạn ấy thì bây giờ mới tìm đến mình để được chữa lành tổn thương đó.

Mỗi một đứa trẻ, tính cách khác nhau thì suy nghĩ sẽ khác nhau, môi trường giáo dục giống nhau thì sự ảnh hưởng giống nhau. Vậy nên, dù chung bố mẹ, chung thầy cô nhưng tính cách bên trong của những đứa trẻ khác nhau thì quyết định bên trong của chúng cũng sẽ khác nhau.

Hãy nhìn những hành vi chưa tốt của một đứa trẻ mà dành thời gian lắng nghe, yêu thương, chăm sóc và nuôi dạy chúng cho đúng hướng; chứ đừng vội vàng đánh giá con bé này lì lợm đá hay con bé kia chậm chạp nhé các bậc phụ huynh và các bậc thầy cô.

****

Nếu mà trẻ sợ, thì sẽ kìm hãm sự phát triển

Nếu mà trẻ ngưỡng mộ, thì sẽ có động lực để phát triển.

Khi gặp trẻ con, vì “quan tâm” và “yêu thương” quá nên người lớn thường hay hỏi:

– “Con ở nhà có sợ ba mẹ không?”

– “Con đi học có sợ thầy cô không?”

Rồi cũng ngộ lắm, đứa trẻ nào mà thưa “Con không sợ” thì người lớn sẽ gắn cho đứa trẻ đó là đứa trẻ lì. Còn đứa trẻ nào mà thưa “Con sợ lắm” thì người lớn xoa đầu khen đứa trẻ đó là đứa trẻ ngoan.

Ba mẹ dạy con cũng như thầy cô dạy học. Cần dạy để chúng cảm nhận được tình yêu thương và cho phép chúng được sửa sai nếu như có lỗi. Chứ mà dạy để chúng phải thấy sợ hãi vì những lỗi sai và phải chịu đựng lời đe doạ, đòn roi thì sự phát triển của chúng về sau cũng gánh chịu nhiều tổn thương sâu sắc về mặt tâm lý lắm ấy ạ!

Ba mẹ, thầy cô hãy là tấm gương để con trẻ ngưỡng mộ để đứa trẻ có thêm động lực phát triển; xin đừng hô biến mình thì thành nhân vật để khiến con trẻ phải sợ mà kìm hãm sự phát triển tinh thần của trẻ về sau.

(Trương Vĩnh Thị Lê Hằng)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *