Nguồn và giải thích: https://fictionalist.co/p/show-dont-tell-doesnt-hard
#1 Thêm chi tiết thông qua cảm giác
Cách thể hiện đơn giản nhất là vẽ một bức tranh bằng năm giác quan: thị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác và vị giác. Nếu cảnh của bạn thiếu sự rung động (hoặc tính chân thực), xem xét lại một cách chặt chẽ và thêm các chi tiết mang tính cảm quan.
Tránh nêu ý kiến khi thêm các chi tiết mang tính cảm quan. Một bông hoa trông không hề “đẹp”, nó có màu đỏ với chỏm cam rung rinh dưới ánh nắng. Món hầm không có mùi “ngon”, nó có mùi của thịt và bơ pha chút gia vị. Đẹp và ngon là ý kiến, không phải chi tiết đến từ cảm giác.
#2 Thể hiện đặc điểm tính cách thông qua hành vi
Thay vì liệt kê những đặc điểm của nhân vật, hãy thể hiện tính cách nhân vật của bạn qua cách họ cư xử và tương tác với người khác. Thể hiện lòng tốt của nhân vật bằng cách cho họ giúp đỡ một người đang trong hoạn nạn. Thể hiện trí thông minh của họ bằng cách cho họ giải quyết một vấn đề khó khăn.
Trong phần mở đầu của Đấu trường sinh tử, thay vì nói với chúng ta rằng Katniss là một “kẻ sinh tồn bụi bặm lấy gia đình làm trọng tâm”, Suzanne Collins đã thể hiện điều này bằng cách cho Katniss lẻn ra khỏi khu vực có hàng rào để săn bắt cho gia đình.
Bạn cũng có thể sử dụng hành vi để thể hiện cảm xúc, ý định và suy nghĩ. Ví dụ:
Jack, một người trượt tuyết kém, rất sợ trượt tuyết xuống ngọn đồi dốc. (Kể)
Jack đứng trên đỉnh đồi, nắm chặt cây gậy trượt tuyết của mình. Nhịp tim của anh đập thình thịch như búa tạ dưới bộ đồ bảo hộ. (Thể hiện)
#3 Thể hiện hoàn cảnh đằng sau cảm xúc
Những người kể chuyện tài ba nhất đạt được sự cộng hưởng cảm xúc bằng cách thể hiện những tình huống làm nảy sinh nó. Họ tin rằng nguồn gốc chung của cảm xúc đều được mọi người hiểu rõ. Họ biết cách tốt nhất để truyền tải cảm xúc là thông qua sự đồng cảm.
Bằng cách chỉ ra nguyên nhân sâu xa khiến nhân vật sợ hãi, bạn sẽ giúp người đọc cảm thấy nỗi sợ hãi tương tự. Bằng cách chỉ ra những tình huống dẫn đến nỗi đau, bạn sẽ khiến người đọc trải qua cảm giác đau lòng tương tự.
Đây là những gì Ernest Hemingway đã nói về việc thể hiện cảm xúc:
“Tìm điều gì mang lại cho bạn cảm xúc; hành động nào đã mang lại cho bạn sự phấn khích. Sau đó viết chúng một cách rõ ràng để người đọc cũng có thể nhìn thấy.” — Ernest Hemingway
“Khi đó, tôi đang cố gắng viết và tôi nhận thấy khó khăn lớn nhất, ngoài việc biết bạn thực sự cảm thấy gì, hoặc đúng hơn là những gì bạn phải cảm nhận và được dạy để cảm nhận, là viết những hành động thực sự đã diễn ra; những điều trên thực tế đã tạo ra cảm xúc mà bạn trải qua.” – Ernest Hemingway
#4 Sử dụng ngôn ngữ tượng hình
Ngôn ngữ tượng hình (ẩn dụ, so sánh, nhân hóa, cường điệu và biểu tượng) tạo nên sự thể hiện xuất sắc. Hãy sử dụng chúng một cách có chiến lược, bất cứ khi nào bạn cần người đọc lưu giữ một hình ảnh tinh thần mạnh mẽ. Bằng cách này, bạn tối đa hóa tác dụng của ngôn ngữ tượng hình mà không làm người đọc mệt mỏi.
Dưới đây là một đoạn trong The Luminaries của Eleanor Catton, một cuốn tiểu thuyết đoạt giải Booker. Hãy chú ý đến cách ngôn ngữ tượng hình mang lại sức mạnh hình ảnh cho khung cảnh:
“Cơn bão sinh ra trên những ngọn gió xanh lục. Nó bắt đầu với vị đồng trong vòm miệng của một người, một cơn đau kim loại tăng lên khi những đám mây tối dần và tiến tới, và khi nó đánh vào, nó vả bằng lòng bàn tay của một cơn thịnh nộ vô nghĩa. Boong tàu sôi sục, luồng ánh sáng và bóng tối kỳ lạ được tạo ra bởi những cánh buồm gãy và biến dạng phía trên nó, nỗi sợ hãi hiện hữu của các thủy thủ khi họ chiến đấu để giữ cho con thuyền đi đúng hướng – đó là chất liệu của cơn ác mộng, và Moody có cảm giác như bị mộng đè, khi con tàu ngày càng đến gần các mỏ vàng, rằng bằng cách nào đó cô ấy đã tạo ra cơn bão địa ngục cho chính mình.”
Bạn có thể nhận ra các trường hợp nào của ngôn ngữ tượng hình?
“khi nó đánh vào, nó vả bằng lòng bàn tay của một cơn thịnh nộ vô nghĩa” (Ẩn dụ, Nhân hóa)
“Boong tàu sôi sục, luồng ánh sáng và bóng tối kỳ lạ” (Ẩn dụ, Nhân hóa)
“Đó là chất liệu của cơn ác mộng” (Ẩn dụ)
“Moody có cảm giác như bị mộng đè, khi con tàu ngày càng đến gần các mỏ vàng, rằng bằng cách nào đó cô ấy đã tạo ra cơn bão địa ngục cho chính mình” (Cường điệu, Nhân hóa)
#5 Làm cho bối cảnh trở nên sống động
Có một khung cảnh sống động giúp bạn tránh được Hội chứng căn phòng trắng (T/N: sự thiếu mô tả đáng kể của bối cảnh trong văn chương). Một khung cảnh sống động sẽ giúp bạn thiết lập tâm trạng và bầu không khí phù hợp cho câu chuyện của mình.
Tiếp cận bối cảnh như một họa sĩ. Trọng tâm của bạn là trọng tâm của người đọc. Các chi tiết về bối cảnh (hoặc cách nhân vật tương tác với bối cảnh) tạo nên nền tảng hình ảnh và cảm xúc của một cảnh. Ví dụ, trong Không chốn dung thân, mọi người đều nhớ đến những vết xước do đôi giày của viên phó để lại trên sàn vải sơn khi ông ta chật vật trút hơi thở cuối cùng.
Đây là những gì Anton Chekov đã nói về việc làm cho bối cảnh của bạn trở nên sống động:
“Khi mô tả Thiên nhiên, cá nhân phải nắm bắt những chi tiết nhỏ, nhóm chúng lại để khi người đọc nhắm mắt lại, họ sẽ thấy được một bức tranh. Chẳng hạn, bạn sẽ có một đêm trăng nếu bạn viết trên đập nhà máy, mảnh thủy tinh từ một cái chai vỡ lấp lánh như một ngôi sao nhỏ sáng chói, và bóng đen của một con chó hay một con sói lăn qua như một quả bóng.” — Anton Chekov
#6 Thêm các lớp subtext (ẩn ý)
Subtext là mọi thứ được ngụ ý hoặc gợi ý đằng sau các dòng văn bản. Đó là điều mà ai cũng biết nhưng không đề cập tới. Đó là điều mà các nhân vật tránh nói đến.
Ẩn ý rất cần thiết để thể hiện động cơ, động lực của nhân vật, chủ đề và sự hồi hộp. Giải thích một cách rõ hơn:
Cảm xúc và động cơ phức tạp: Một nhân vật có thể nói một điều nhưng giọng điệu, ngôn ngữ cơ thể hoặc hành động của họ gợi ý một cảm xúc hoặc ý định khác. Ẩn ý giúp bạn thể hiện sự bất hòa về nhận thức này.
Đặc tính của mối quan hệ: Thay vì nêu rõ các nhân vật cảm thấy thế nào về nhau, bạn có thể sử dụng ẩn ý để truyền tải những căng thẳng, xung đột và tình cảm tiềm ẩn.
Chủ đề: Bạn có thể sử dụng ẩn ý để khai thác những ý nghĩa sâu sắc hơn mà không cần nói ra.
Hồi hộp và hấp dẫn: Bạn có thể tạo ra sự hồi hộp và hấp dẫn bằng cách gợi ý về động cơ, bí mật hoặc xung đột tiềm ẩn thúc đẩy câu chuyện tiếp diễn.
#7 Tiết lộ quan điểm thông qua xung đột
Xung đột là huyết mạch của đối thoại và là xương sống của một câu chuyện hay. Đó cũng là cách tốt nhất để thể hiện niềm tin của nhân vật.
Thay vì để nhân vật của bạn tuyên bố quan điểm của họ, hãy đặt nó đối đầu với một người có suy nghĩ khác. Hãy đặt họ vào những tình huống mà niềm tin của họ bị thách thức. Cho thấy các nhân vật hành động theo đức tin và giá trị của họ, sau đó cho người đọc thấy kết quả của nó.
Một số tác phẩm văn học hay nhất về cơ bản là về những niềm tin đối nghịch của các nhân vật (ví dụ: Anh em nhà Karamazov của Dostoevsky).
#8 Sử dụng động từ và danh từ mạnh
Cuối cùng, một cách bị đánh giá thấp khi thể hiện câu chuyện của bạn là sử dụng các động từ mạnh và danh từ cụ thể. Sự sống động trong hình ảnh tâm trí của người đọc phụ thuộc vào cách lựa chọn từ ngữ của bạn. Thể hiện câu chuyện của bạn bằng cách thay thế các động từ tĩnh bằng động từ chủ động và danh từ mơ hồ bằng những danh từ có tính cụ thể cao.
Ví dụ:
“có một quả cam trên bàn của tôi” và “một quả cam nằm trên bàn của tôi”
“ánh sáng của ngọn nến phản chiếu trong gương” vs “ánh lửa từ ngọn nến phả vào tấm gương lớn” (gương lớn-pierglass là tấm gương đặt trên tường giữa hai cửa sổ)
Tuy nhiên, đồ họa này (dù vẫn có tác dụng của nó), vẫn đang KỂ chứ không THỂ HIỆN.
THỂ HIỆN sẽ thể hiện một ví dụ về cách thực thi nó. Đừng kể rằng tôi cần vẽ một bức tranh: hãy THỂ HIỆN cho tôi thấy cách ai đó vẽ một bức tranh.
Tôi luôn gặp rắc rối với lời khuyên “đừng kể” (đặc biệt là trong viết lách) bởi vì tất cả những người nói về điều này luôn KỂ về nó và không bao giờ THỂ HIỆN. Đối với những người rất kiên định với điều này, họ lại dường như không bao giờ làm theo cả. Và khoảnh khắc duy nhất tôi hiểu được điều đó là khi ai đó THỂ HIỆN cho tôi qua một đoạn trích trong Frankenstein của Shelley, và đặc biệt là khoảnh khắc Frankestein vừa đánh thức con quái vật của mình và bỏ chạy, rồi dành thời gian chỉ đi đi lại lại và suy nghĩ về những gì đã làm. Họ bắt tôi đọc phần này của cuốn sách, sau đó họ hỏi: “Cảm xúc của Victor Frankestein là gì?” “Chà, hiển nhiên là ông ấy đang khiếp sợ rồi” tôi đáp. “Tốt. Bây giờ, bạn có thể cho tôi biết các từ ‘sợ hãi’, ‘kinh hoàng’ và tất cả các từ đồng nghĩa cũng như thuật ngữ phái sinh của chúng ở đâu không?” Và tôi chợt nhận ra: chúng không xuất hiện ở đâu cả. Tôi nhìn thấy nỗi sợ hãi mà không cần sự tồn tại của từ “sợ hãi”.
Và ĐÓ là cách bạn dạy đúng lời khuyên “Đừng kể, hãy thể hiện”, bởi ĐÓ là cách bạn THỂ HIỆN một ví dụ điển hình về “Đừng kể, hãy thể hiện”. Bằng việc thể hiện cách làm điều đó như thế nào chứ không phải bằng cách kể lại cách thực hiện nó với đồ họa thông tin mơ hồ.
Haha, trớ trêu thay câu thứ ba của văn bản gốc lại là:
Trớ trêu thay, lời khuyên lại vi phạm chính nó. “Đừng kể, hãy thể hiện” kể lại cho bạn biết phải làm gì. Nó không thể hiện cho bạn cách làm điều đó.
Tôi cũng có những nỗi thất vọng tương tự như bạn, khi phải mất nhiều năm áp dụng các phiên bản khác nhau của lời khuyên “Đừng kể, hãy thể hiện” cho đến khi nó biến thành một thứ có thể áp dụng được.
Bạn có còn nhớ những nguồn đã giúp bạn giác ngộ không?
Đối với tôi đó là: https:literactorcomessayschuck-palahniuknuts-and-bolts-%E2%80%9Cthought%E2%80%9D-verbs
Mình dịch nốt bài trong link này vì nó hay :3
Trong sáu giây nữa, bạn sẽ ghét tôi.
Nhưng trong sáu tháng, bạn sẽ trở thành một nhà văn giỏi hơn.
Từ thời điểm này trở đi – ít nhất là trong nửa năm tới – bạn không được sử dụng các động từ kiểu như “suy nghĩ”. Chúng bao gồm: Nghĩ, Biết, Hiểu, Nhận ra, Tin tưởng, Mong muốn, Ghi nhớ, Tưởng tượng, Khao khát và hàng trăm thứ khác mà bạn thích sử dụng.
Danh sách này cũng nên bao gồm: Yêu và Ghét.
Và nó nên bao gồm: Có, nhưng chúng ta sẽ đề cập đến điều đó sau.
Cho đến tầm Giáng sinh (TN: bài này ra đời vào tháng 8/2013), bạn không được viết: Kenny tự hỏi liệu Monica có thích việc anh ra ngoài vào ban đêm không…”
Nghĩ là trừu tượng. Biết và tin là vô hình. Câu chuyện của bạn sẽ mạnh mẽ hơn nếu bạn chỉ thể hiện các hành động và chi tiết của các nhân vật, đồng thời cho phép độc giả là người nghĩ và biết. Và yêu và ghét.
Thay vào đó, bạn sẽ phải tháo bung nó ra nó thành những thứ như: “Những buổi sáng khi Kenny qua đêm ở ngoài, chuyến xe buýt cuối cùng đã rời bến từ lâu, cũng là khi anh phải đi nhờ xe hoặc trả tiền taxi và trở về nhà chỉ để thấy Monica đang giả vờ ngủ. Là giả vờ, vì chưa bao giờ cô ngủ tĩnh lặng đến vậy. Những buổi sáng đó, cô chỉ cho tách cà phê của mình vào lò vi sóng. Và chẳng bao giờ là tách của anh”
Thay vì các nhân vật biết bất cứ điều gì, bây giờ bạn phải trình bày những chi tiết để người đọc biết về họ. Thay vì nhân vật muốn điều gì đó, bây giờ bạn phải mô tả điều đó sao cho người đọc muốn điều đó.
Thay vì nói: “Adam biết Gwen thích anh ấy”
Bạn sẽ phải nói: “Giữa các tiết học, Gwen luôn dựa vào tủ đựng đồ của Adam khi anh đến đó. Cô ấy đảo mắt và đẩy mình ra, để lại vệt giày đen trên cánh cửa kim loại, và cả mùi nước hoa ở lại. Ổ khóa vẫn phảng hơi ấm từ cơ thể cô. Và vào giờ giải lao tiếp theo, Gwen sẽ lại đứng tựa vào đó”
Tóm lại, không dùng đường tắt nữa. Chỉ những chi tiết giác quan cụ thể: hành động, mùi, vị, âm thanh và cảm giác.
Thông thường, người viết sử dụng những động từ “nghĩ” này ở đầu đoạn văn (Ở dạng này, bạn có thể gọi chúng là “Tuyên bố luận đề” và tôi sẽ xỉ vả nó sau) Theo một cách nào đó, chúng nêu rõ ý định của đoạn văn. Và những gì tiếp theo sẽ minh họa chúng.
Ví dụ:
“Brenda biết cô ấy sẽ không bao giờ hoàn thành công việc đúng thời hạn. Giao thông ùn tắc từ trên cầu, đến tận tám hay chín lối ra đầu tiên. Pin điện thoại của cô đã cạn kiệt. Ở nhà, lũ chó của cô sẽ phải được ra ngoài, nếu không chúng sẽ để lại một đống bừa bộn cần phải được dọn dẹp. Không những vậy, Brenda còn hứa với hàng xóm sẽ tưới cây hộ họ nữa…”
Bạn có thấy “tuyên bố luận đề” mở đầu đã đánh cắp sự chú ý của những gì tiếp theo không? Đừng làm điều đó.
Nếu không còn gì khác, hãy cắt câu mở đầu và đặt nó sau tất cả những câu khác. Tốt hơn hết, hãy cắt ghép nó lại và đổi thành: Brenda sẽ không bao giờ hoàn thành công việc đúng thời hạn.
Nghĩ là trừu tượng. Biết và tin là vô hình. Câu chuyện của bạn sẽ mạnh mẽ hơn nếu bạn chỉ thể hiện các hành động và chi tiết của các nhân vật, đồng thời cho phép độc giả là người nghĩ và biết. Và yêu và ghét.
Đừng nói với độc giả của bạn: “Lisa ghét Tom”
Thay vào đó, hãy trình bày vụ việc của bạn giống như một luật sư trước tòa, từng chi tiết một. Đưa ra từng bằng chứng. Ví dụ:
“Trong khi điểm danh, khoảnh khắc khi giáo viên vừa dứt lời gọi tên Tom, ngay lúc đó, và trước khi cậu kịp trả lời, Lisa sẽ thì thầm, lớn đủ để cậu nghe được: ‘Giẻ chùi đít” cùng nhịp Tom đáp, ‘Có mặt”
Một trong những sai lầm phổ biến nhất mà các nhà văn mới bắt đầu mắc phải là để nhân vật của họ ở một mình. Khi viết, bạn có thể ở một mình. Khi đọc, độc giả của bạn có thể ở một mình. Nhưng nhân vật của bạn nên dành rất ít thời gian ở một mình. Bởi vì một nhân vật đơn độc bắt đầu nghĩ, lo lắng, tự hỏi.
Ví dụ: Trong lúc đợi xe buýt, Mark bắt đầu lo lắng liệu chuyến đi sẽ kéo dài bao lâu”
Trong khi câu chữ hợp lý hơn có thể là: “Lịch trình cho biết xe buýt sẽ đến vào buổi trưa, nhưng đồng hồ của Mark đã hiển thị con số 11:57. Mark có thể nhìn thấy dọc con đường, đến tận Trung tâm thương mại đằng xa kia, vẫn không xuất hiện bóng dáng xe buýt đâu cả. Không còn nghi ngờ gì nữa, người tài xế đang đậu xe ở ngã rẽ cuối phố và chợp mắt. Người tài xế ngả lưng ghế, gác chân lên vô lăng, đang chìm vào cõi mộng, và Mark sắp muộn giờ rồi. Hoặc tệ hơn, người lái xe đang uống rượu, hắn sẽ cập bến trong tình trạng say khướt, đòi Mark bảy mươi lăm xu chỉ để chết trong một vụ tai nạn giao thông đầy khói lửa…”
Chính nhân vật cũng phải chìm trong tưởng tượng hoặc hồi ức, nhưng ngay cả khi đó bạn cũng không thể sử dụng các động từ “nghĩ” hoặc bất kỳ họ hàng hang hốc trừu tượng không kém nào của nó.
Ồ, và bạn có thể quên đi việc sử dụng động từ quên và nhớ.
Không còn những đoạn chuyển tiếp như: “Wanda nhớ cách Nelson thường chải tóc cho cô ấy”
Thay vào đó: “Hồi năm hai, Nelson thường kéo những đường dài và mượt trên tóc cô bằng bàn tay anh ấy”
Một lần nữa này, tháo bung nó ra. Đừng đi đường tắt.
Tốt hơn hết, hãy nhanh chóng đưa nhân vật của bạn với một nhân vật khác. Hãy tập hợp họ lại và bắt đầu hành động. Hãy để hành động và lời nói của họ thể hiện suy nghĩ của họ. Còn bạn — tránh xa đầu họ ra.
Và trong khi bạn đang tránh các động từ kiểu “nghĩ”, hãy hết sức cảnh giác khi sử dụng động từ nhạt nhẽo như “có”.
Một trong những sai lầm phổ biến nhất mà các nhà văn mới bắt đầu mắc phải là để nhân vật của họ một mình.
Ví dụ:
“Mắt của Ann có màu xanh lam”
“Ann có đôi mắt màu xanh lam”
So với:
“Ann ho và vẫy một tay lên trước mặt, gạt khói thuốc ra khỏi tầm nhìn của đôi mắt xanh lam, rồi mỉm cười…”
Thay vì những câu văn ai đó “có” gì đó một cách nhạt nhẽo, hãy thử cất giấu chi tiết về những cái mà nhân vật có trong hành động hoặc cử chỉ. Một cách cơ bản nhất, đây là thể hiện câu chuyện của bạn thay vì kể nó.
Và mãi mãi về sau, một khi bạn đã học được cách bung các nhân vật của mình ra, bạn sẽ ghét những lối viết lười biếng kiểu: “Jim ngồi cạnh điện thoại, tự hỏi tại sao Amanda không gọi”
Làm ơn. Bây giờ, hãy ghét tôi nếu bạn muốn, nhưng đừng sử dụng động từ “suy nghĩ”. Sau Giáng sinh, bạn có thể làm điều mình muốn, nhưng tôi cá rằng bạn sẽ không làm vậy đâu.
Và một chương trong cuốn “Self-Editing for Fiction Writers”
Thực chất, nguồn tốt nhất giúp ích cho tôi lại chính là những cuốn sách. Tôi đã nói về Frankenstein và đó là một ví dụ rất hay. Hầu hết những câu chuyện kinh dị hay vào thời đó đều rất tuyệt với, chẳng hạn như Shelley, tất nhiên rồi, nhưng Poe cũng vậy, vì ông ấy cố gắng truyền tải rất nhiều yếu tố trần trụi bằng cách thể hiện chứ không phải kể lại.
Như mọi khi, đối với việc viết lách, cuốn sách tốt nhất sẽ giúp bạn tiến bộ là cuốn sách mà bạn thực sự thích đọc, và phân tích lý do tại sao bạn lại thích nó và tái hiện điều đó.