TP. Hải Phòng sẽ xây mới tuyến đường sắt mới đường đôi, khổ 1.435 mm Hà Nội – Hải Phòng, chạy dọc tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, phía nam đường cao tốc.
Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 396/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Kế hoạch).
Trong đó, sẽ ưu tiên thực hiện đối với các tuyến đường sắt chưa chuẩn bị đầu tư, lộ trình đầu tư trước năm 2030. Tổ chức triển khai lập quy hoạch đối với các tuyến, ga đường sắt được quy hoạch trong giai đoạn đến năm 2030, cụ thể: 3 quy hoạch tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối Hà Nội, khu vực đầu mối TP.HCM và khu vực đầu mối TP. Hải Phòng; quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng (bao gồm cả đoạn nối đến Hạ Long); quy hoạch các ga đường sắt quốc gia trong đô thị, ga đầu mối đường sắt quốc gia, ga liên vận quốc tế (trừ các ga đã có trong quy hoạch các khu đầu mối Hà Nội, TP.HCM, TP. Hải Phòng); các tuyến đường sắt đang chuần bị đầu tư, thực hiện đầu tư được cập nhật thành quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành (Tuyến TP.HCM – Cần Thơ…).
Có thể nói, hệ thống đường sắt Việt Nam hiện nay đã lạc hậu so với khu vực và thế giới. |
Theo Báo cáo quy hoạch TP. Hải Phòng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 – bản dự thảo lấy ý kiến cộng đồng của UBND Thành phố, Hải Phòng dự kiến xây mới 4 tuyến đường sắt quốc gia; 4 tuyến đường sắt đô thị, trong đó có tuyến đi trên cao kết hợp đi ngầm qua khu vực Cảng hàng không Cát Bi.
Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sẽ có 4 tuyến đường sắt liên quan đến khu vực TP. Hải Phòng.
Cụ thể, xây mới tuyến đường sắt mới đường đôi, khổ 1.435mm Hà Nội – Hải Phòng. Tuyến chạy dọc tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (phía nam đường cao tốc) đến ga Nam Hải Phòng kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế Hải Phòng và các khu bến cảng Đình Vũ, Nam Đồ Sơn, Lạch Huyện, dự kiến thực hiện năm 2030.
Xây mới đường sắt Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh là tuyến song song với đường bộ ven biển, dự kiến thực hiện vào năm 2030.
Nghiên cứu xây dựng mới tuyến đường sắt nối đường sắt Yên Viên – Hạ Long đi cảng Lạch Huyện. Đây sẽ là tuyến phục vụ vận tải hàng hóa (qua thành phố mới Thủy Nguyên) khi có nhu cầu, dự kiến thực hiện vào năm 2030.
Cùng đó, nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt hiện hữu trong tương lai khi hình thành tuyến đường sắt tốc độ cao mới Hà Nội – Hải Phòng. Nghiên cứu chuyển đổi tuyến hiện có thành đường sắt nội đô, kết nối với các tuyến đường sắt đô thị khác tại khu vực ga trung chuyển Hải Phòng, dự kiến thực hiện năm 2030.
Đường sắt ven biển Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh (bao gồm cả đoạn Nam Hải Phòng – Hạ Long) từng bước xây dựng các tuyến đường sắt kết nối vùng, liên vùng phù hợp nhu cầu từng giai đoạn, dự kiến thực hiện năm 2050.
Nhiều hành khách lựa chọn đi lại bằng tàu hỏa tuyến Hà Nội – Hải Phòng. |
Đối với đường sắt đô thị tại Hải Phòng, 4 tuyến đường sắt được đề xuất xây dựng nhằm kết nối các điểm thu hút (trung tâm hành chính mới phía bắc sông Cấm, khu trung tâm đô thị hiện hữu, trung tâm đô thị mới phía nam, trung tâm dịch vụ, cảng, khu công nghiệp, sân bay, khu thể thao…).
Cụ thể, gồm tuyến thẳng (M1) nối khu vực đô thị phía Bắc sông Cấm – Trung tâm đô thị hiện hữu – Trung tâm phát triển tập trung phía Nam. Tuyến vòng (M2) nối Trung tâm phát triển tập trung phía Nam (CBD) – Đình Vũ – Khu đô thị hiện hữu – Khu vực đô thị mới phía Nam – Cảng hàng không Tiên Lãng – CBD.Tuyến thẳng (M3) chạy theo hướng đông tây (phía bắc đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng), nối khu vực phát triển phía tây với các khu vực phía nam (kết thúc tại tuyến M1). Tuyến thẳng (M4) chạy theo hướng đông tây (phía nam đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng), nối khu vực phát triển phía tây với khu vực CBD.
Trong dự thảo quy hoạch cũng nêu rõ, giai đoạn đến năm 2030, TP. Hải Phòng sẽ tập trung ưu tiên xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến M1) do đây là tuyến gắn kết nhiều điểm thu hút quan trọng hiện có như khu trung tâm hành chính phía bắc, khu trung tâm hiện hữu và khu phát triển mới CBD phía nam (trong tương lai).
Dự thảo đề xuất xây dựng tuyến đi trên cao kết hợp đi ngầm qua khu vực Cảng hàng không Cát Bi. Toàn tuyến dài khoảng 20km với đoạn đi ngầm 2km. Giai đoạn đầu có thể thực hiện đoạn tuyến với điểm đầu tại phía bắc sông Cấm – cầu Nguyễn Trãi dự kiến, điểm cuối khu vực ga trung chuyển phía nam đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, chiều dài khoảng 12km.
Tại Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định mục tiêu đến năm 2030 “Trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á; trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao”.