Thứ năm, ngày 01/05/2025 15:30 GMT+7
Trước sáp nhập, Quảng Trị có 3 người con vang danh được kính trọng, bậc hiền tài trong thiên hạ
Tào Nga Thứ năm, ngày 01/05/2025 15:30 GMT+7
Quảng Trị là nơi đã sản sinh ra nhiều hiền tài ghi danh khoa bảng, các vị quan thanh liêm, chính trực.
Quảng Trị là một tỉnh nằm ở dải đất miền Trung, cách thủ đô Hà Nội 593 km về phía Nam. Phía bắc Quảng Trị giáp tỉnh Quảng Bình, phía nam giáp thành phố Huế, phía tây giáp 2 tỉnh Savannakhet và Salavan của Lào, phía Đông giáp biển Đông.
Hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị đang tiến gần đến dấu mốc mang tính lịch sử, hợp nhất thành một tỉnh mới với tên gọi dự kiến là Quảng Trị. Sau khi hai tỉnh sáp nhập, tỉnh mới sẽ có diện tích gần 12.700 km², dân số trên 1,86 triệu người.
Nằm giữa khúc ruột miền Trung, Quảng Trị được cả nước và thế giới biết đến nhiều nhất qua cuộc kháng chiến chống Mỹ từ năm 1954-1975.

Những địa danh đã đi vào lịch sử dân tộc như “Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải” gắn với nổi đau chia cắt đất nước; “Thành Cổ Quảng Trị” gắn với cuộc chiến đấu chống phản công, tái chiếm Quảng Trị 81 ngày đêm năm 1972; cầu treo Bến Tắt, Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn… gắn với Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh huyền thoại; địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh gắn với cuộc chiến bảo vệ quê hương…
Nơi đây đã sản sinh ra một số hiền tài ghi danh khoa bảng, các vị quan thanh liêm, chính trực, điển hình như: Bùi Dục Tài, Nguyễn Đức Hoan, Nguyễn Văn Tường, Lê Trinh, Hoàng Hữu Xứng, Lê Đăng Doanh (tự Lê Văn Dinh, cố tổ Tổng Bí thư Lê Duẩn, từng được phong Hiệp biện Đại học sĩ” dưới thời vua Thiệu Trị vì có công dạy bốn đời vua)…
Các danh nhân ở Quảng Trị
Nhà toán học, nhà thiên văn học Nguyễn Hữu Thận
Quê hương Quảng Trị tự hào vì tạo dựng nhiều làng mạc nổi tiếng và sinh ra nhiều người con ưu tú. Một trong những tài năng đó có danh nhân Nguyễn Hữu Thận ở làng Đại Hòa, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong.

Nguyễn Hữu Thận sinh năm 1757 mất năm 1831. Sinh thời dưới triều Tây Sơn, ông được thăng đến chức Thị Lang; thời Gia Long, ông được cất nhắc chức Thượng thư Bộ Lại, đứng đầu lục bộ, sau chuyển sang làm Thượng thư Bộ Hộ tận tụy với công việc. Ông nổi tiếng là một nhà toán pháp, một nhà lịch pháp thời cận đại.
Thân phụ là Nguyễn Phú Điêu làm Huấn đạo – một chức quan chuyên trông coi việc học – say mê cửu chương toán pháp và ham nghiên cứu những chuyển động của thời tiết. Nguyễn Hữu Thận được tâm lĩnh vốn kiến thức ở người cha từ rất sớm. Ông học rất giỏi, nhưng không mấy thiết tha với khoa cử. Ông dồn tâm trí vào toán học và thiên văn bằng con đường tự tìm tòi, nghiên cứu.
Nhờ đọc sách, xem thời tiết, quán thiên tượng mà ông ứng dụng để viết thành lịch, tiên đoán được hiện tượng thiên nhiên trong trời đất, vũ trụ.
Sau đó, ông bước vào chốn quan trường nhưng không phải để tìm lợi lộc – mặc dầu rất nhiều lần ông giữ các chức quan đứng đầu một bộ – mà mong được hiểu biết sâu rộng ở hai lĩnh vực toán học và thiên văn.
Cho đến lúc về hưu năm 1828, ở tuổi 71, ông đã có những tập bản thảo đồ sộ “Bắt tay duyệt lại, bổ sung những chỗ khuyết lược, làm sáng tỏ những chỗ chưa rõ” và hoàn tất bộ Ý Trai toán pháp. Theo một số nhà nghiên cứu, bộ toán thư của Nguyễn Hữu Thận gồm 8 quyển, trình bày về toán pháp cửu chương như phép phương điền (Đo diện tích ruộng đất, tức hình học phẳng), phép sai phân (chia một tổng thành nhiều phần), phép khai bình phương (tức tìm căn bậc hai), phép câu cổ (tính các chiều trong tam giác vuông), phép phương trình (đại số học), Phép lập phương (tìm căn bậc ba), giải 47 bài toán minh hoạ và nghiên cứu ma phương.
Lâm Hoằng – niềm tự hào lớn của vùng đất nghèo khó tỉnh Quảng Trị
Lâm Hoằng sinh ngày 28/2/1824 (Giáp Thân) thuộc làng Gia Bình, xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.
Theo gia phả tại làng Gia Bình, kể từ cụ Thuỷ tổ Lâm Kim Bảng đến cụ Lâm Hoằng ít nhất cũng được 7 đời nối tiếp sinh sống ở vùng rừng núi phía Tây Quảng Trị. Đến đời cụ Lâm Hoằng mới là người đầu tiên trong dòng dõi họ Lâm thi đỗ đến đại khoa. Hiện tại chưa tìm ra được tư liệu cho biết hoàn cảnh nào Lâm Hoằng được đi học, học ở đâu, với thầy nào. Nhưng theo tài liệu chính sử cho biết đến khoa thi Đinh Mão năm 1867, Lâm Hoằng thi đậu Cử nhân (năm 45 tuổi); đến khoa thi Mậu Thìn 1868, thi đậu Phó bảng. Có thể nói rằng, việc Lâm Hoằng đỗ đạt đại khoa, mở ra truyền thống khoa bảng; đây là niềm tự hào lớn không chỉ của dòng họ Lâm làng Gia Bình, mà là cả một niềm tự hào lớn của vùng đất nghèo khó tỉnh Quảng Trị.
Lâm Hoằng là một vị quan có tấm lòng nhân ái, trung nghĩa, luôn thương yêu, chăm lo cho dân. Năm 1883, Đô đốc Courbet thống lĩnh 8 tàu chiến với nhiều đại bác 65 ly với sức công phá lớn và hơn ngàn lính Pháp kéo đến tiến đánh cửa biển Thuận An. Lâm Hoằng cùng các vị quan trấn giữ lên mặt thành trực tiếp chỉ huy quân lính chống trả mãnh liệt. Quân triều đình bắn súng thần công, nhưng do đạn quá thô sơ nên không đánh phá chìm tàu địch. Sau ba ngày chống trả, nhiều quan binh của triều đình bị tử trận; không để rơi vào tay giặc, Lâm Hoằng đã gieo mình xuống sông tuẫn tiết.
Với những công lao to lớn và sự hy sinh anh dũng của Lâm Hoằng trong trận quyết chiến với quân Pháp, triều đình đã truy phong cho Lâm Hoằng là “Công Bộ Thượng thư” và cho quân lính đưa về an táng tại quê nhà thuộc làng Gia Bình, tổng An Định, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị (nay là thôn Xuân Mai, xã Gio Bình, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị). Bài vị của ông được đưa vào thờ trong Đền Trung Chính của triều đình nhà Nguyễn.
Di tích lăng mộ Lâm Hoằng được công nhận là di tích cấp tỉnh, đồng thời có đường Lâm Hoằng ở thành phố Đông Hà.
Có thể nói, cuộc đời và sự nghiệp của Lâm Hoằng là tấm gương sáng về sự hiếu học, yêu thương dân, luôn chăm lo đến đời sống của dân; đặc biệt là tinh thần yêu nước, sự xả thân, chống trả giặc đến hơi thở cuối cùng của ông trong trận ngày 16/8/1883 đáng để người đời kính trọng, noi theo.
Bùi Dục Tài – bậc hiền tài trong thiên hạ
Từ một thiếu niên không được đi học, không biết chữ nhưng chỉ 12 năm đèn sách đã đỗ Tiến sĩ, trở thành nhà khoa bảng đầu tiên của xứ Đàng Trong. Đó là Tiến sĩ Bùi Dục Tài (1477 – 1518), người làng Câu Nhi, xã Hải Phong (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị). Sau 12 năm đèn sách, năm 24 tuổi ông bắt đầu ứng thí, vượt qua 4 trường thi trong 20 ngày để tranh tài với 5.000 sĩ tử bốn phương trong khoa thi Hội tại Thăng Long và tiến vào thi Đình trong sân rồng điện Kính Thiên.

Bùi Dục Tài ra làm quan lúc 25 tuổi, trải 15 năm, sử cũ chép vắn tắt: “Ông nổi tiếng văn học, làm quan trải các chức Hàn lâm Hiệu lý (1502). Tham chính đạo Thanh Hoa. Năm Hồng Thuận I, đời Lê Tương Dực (1509) ông được thăng chức Lại bộ Tả thị lang.
Dưới thời Lê Chiêu Tông, niên hiệu Quang Thiệu (1546 – 1522), ông giữ chức Tham tướng. Khi trở về kinh lý ở xứ Thuận Hóa bị gian đảng sát hại” (Ô Châu cận lục). Một số nguồn tư liệu ghi rõ hơn: “Triều đình giao ông chức Tham tướng và đưa về Thuận Hóa vận động nhân dân và sĩ phu chống lại âm mưu chiếm ngôi của Mạc Đăng Dung. Khi trở ra Thăng Long ông đã bị bọn tay chân của họ Mạc sát hại”.
Biết bị mai phục vẫn dũng cảm đánh quân phản nghịch đến hơi thở cuối cùng. Nhân dân làng Cẩm Thạch dựng miếu lớn thờ ông tại chỗ. Trong phổ hệ của gia tộc dòng họ Bùi cũng đã ghi chép lưu truyền rõ ràng bằng mấy câu đối: Nam kỳ khoa giáp thụ tiền mao, kỳ sanh bất ngẫu/ Cẩm thạch sơn hà lưu chính khí, thị tử du (Văn chương lừng lẫy xứ Nam kỳ, bia còn tạc/ Khí tiết lưu truyền làng Cẩm Thạch, chết thơm danh).
Khái quát về Tiến sĩ Bùi Dục Tài, nhà nho Dương Văn An (đỗ Tiến sĩ năm 1547) đánh giá: “Bùi Dục Tài về chính trị và văn chương xứng đáng là bậc hiền tài trong thiên hạ”. 200 năm sau, nhà bác học Lê Quý Đôn khen Bùi Dục Tài: “Văn mạch một phương dằng dặc không dứt”. Ngày nay, trong từ điển văn hóa Việt Nam xác nhận “Bùi Dục Tài nổi tiếng là một tri thức xuất sắc”. Nhưng trên hết, Bùi Dục Tài là tấm gương tiêu biểu về lòng ham học và ý chí khổ học để thành tài.