Trên bản đồ địa lý, Bạc Liêu và Cà Mau nối liền như hai mảnh đất ruột thịt, chung đường bờ biển dài, mạng lưới sông rạch đan xen, rừng ngập mặn trù phú và hệ sinh thái đặc trưng của bán đảo Cà Mau. Nhưng dưới lớp địa tầng tự nhiên ấy là hai sắc thái văn hóa riêng biệt: một bên là Bạc Liêu của tài tử, của giai thoại “Công tử Bạc Liêu”, của âm nhạc và những dinh thự kiểu Pháp; một bên là Cà Mau của rừng U Minh, của những con người nặng nghĩa phù sa, gắn bó với sông nước và rừng tràm từ thuở mở đất.
Theo danh sách dự kiến 34 tỉnh, sáp nhập Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau, lấy tên là tỉnh Cà Mau, với trung tâm chính trị – hành chính đặt tại thành phố Cà Mau là một bước đi trong chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, có thể tạo ra những chuyển biến tích cực và cả những thách thức đối với lĩnh vực du lịch tại Bạc Liêu – một trong những địa phương nổi bật về văn hóa và điểm đến ở đồng bằng sông Cửu Long.
Bạc Liêu không chỉ có câu chuyện “Công tử Bạc Liêu” nổi tiếng khắp Nam kỳ lục tỉnh, mà còn sở hữu những điểm đến đậm chất văn hóa – lịch sử: nhà hát Cao Văn Lầu, nhà Công tử Bạc Liêu, điện gió Bạc Liêu, chùa Xiêm Cán, khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu, những ngôi chùa Khmer cổ kính ven quốc lộ 1A… Mỗi nơi đều mang dấu ấn riêng, gắn với lịch sử và đời sống người dân vùng đất này.
Sáp nhập Bạc Liêu: “Ốc đảo xanh” giữa lòng thành phố

Khi nhắc đến du lịch Bạc Liêu, hình ảnh đầu tiên hiện lên trong tâm trí nhiều du khách thường là nhà công tử Bạc Liêu – một biểu tượng văn hóa đã gắn liền với vùng đất trù phú này. Thế nhưng, nếu muốn tìm kiếm một không gian sinh thái nghỉ dưỡng trong lành, rộng rãi và mang đậm tinh thần miền Tây Nam Bộ, khu du lịch sinh thái Hồ Nam chính là gợi ý đầy hứa hẹn cho các tín đồ xê dịch.
Cách trung tâm thành phố Bạc Liêu chỉ khoảng 1km, Hồ Nam như một “ốc đảo xanh” nhẹ nhàng nhưng đầy cuốn hút. Nằm trên khu đất rộng đến 18ha, khu du lịch gây ấn tượng mạnh mẽ ngay từ ánh nhìn đầu tiên với hồ nước ngọt tự nhiên rộng 12ha nằm ở vị trí trung tâm. Mặt hồ phẳng lặng, phản chiếu nền trời miền Tây và những rặng cây ven bờ, tạo nên một khung cảnh thanh bình hiếm có giữa lòng đô thị.
Bao quanh hồ là khu resort – nghỉ dưỡng được thiết kế theo phong cách giao thoa giữa cổ điển và hiện đại, gợi nhớ đến hình ảnh hào hoa của công tử Bạc Liêu nhưng vẫn gần gũi, dễ chịu nhờ lối kiến trúc mở và ngập tràn cây xanh. Dưới bóng mát của những hàng cây, du khách dễ dàng bắt gặp những bungalow nhỏ xinh hay các villa ẩn mình sau vườn hoa, nơi mỗi ban công đều đón trọn ánh sáng và gió trời, đem đến cảm giác thư thái “đúng nghĩa” nghỉ dưỡng.
Không chỉ là nơi nghỉ dưỡng, Hồ Nam còn chiều lòng du khách bằng hành trình ẩm thực đậm chất miền Tây. Với thực đơn hơn 800 món ăn phong phú, từ các món đặc sản trứ danh như cơm cháy khô cá dứa, chạo ốc Hồ Nam, đến các món đồng quê dân dã được chế biến cầu kỳ, khu ẩm thực ở đây thực sự là thiên đường vị giác.
Sáp nhập Bạc Liêu: Hướng về phía biển – nơi thiên nhiên giao hòa trong vẻ mộc mạc, hoang sơ nhưng đầy sức sống

Với 156km đường bờ biển trải dài, cùng các cửa biển quan trọng như Gành Hào, Nhà Mát, Cái Cùng, Vĩnh Hậu, vùng đất cực Nam Tổ quốc này mang đến một không gian biển đặc trưng, khác biệt hoàn toàn với hình dung quen thuộc về biển xanh cát trắng thường thấy. Biển Bạc Liêu không phô trương với cát trắng miên man, mà lại ẩn mình trong những bãi bồi xa tít, những rừng cây ngập mặn xanh rì và những bè nổi mộc mạc, nơi con người và tự nhiên gần như hòa làm một.
Biển nơi đây cũng là vựa tôm quan trọng bậc nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tôm đất, tôm thẻ, tôm sú… từ các vùng Cái Cùng, Vĩnh Hậu, Gành Hào tấp nập về chợ trong ngày, mang đến nguồn hải sản tươi ngon bậc nhất. Nhiều món ăn được chế biến ngay trên ghe, trên bến, hoặc bởi chính tay người dân trong những quán nhỏ ven biển: đơn giản nhưng giữ trọn vị ngọt lành từ biển. Một con tôm hấp với vài lát sả, một đĩa nghêu nướng mỡ hành, hay vài con cua lột chiên giòn… là đủ để làm mềm lòng mọi thực khách.
Tại đây, không gì thú vị hơn khi được ngồi trong một căn nhà gỗ dựng ngay trên mặt nước, nhâm nhi vài món hải sản tươi rói vừa được đánh bắt, vừa lắng nghe tiếng sóng lùa qua rặng cây, vừa đón lấy từng làn gió mặn mòi lồng lộng thổi qua lồng ngực. Đó là một kiểu tận hưởng rất riêng của miền biển Bạc Liêu: không cầu kỳ, không hào nhoáng, nhưng để lại dư vị khó quên.
Sáp nhập Bạc Liêu: Điểm dừng chân lý tưởng sau những trải nghiệm đậm chất thiên nhiên và truyền thống ở ngoại ô

Hoàn thành xây dựng vào năm 2014, quảng trường Hùng Vương rộng lớn với diện tích trên 85.000 mét vuông, trong đó khoảng sân rộng đến 40.000m2 được lát đá sạch sẽ, phẳng phiu, tạo nên một không gian mở thoáng đãng, mời gọi mọi người đến tụ tập, vui chơi và thưởng ngoạn.
Điểm nhấn đặc biệt của quảng trường chính là tượng đài cây đờn kìm vươn cao hơn 18 mét. Từ xa, du khách sẽ dễ dàng nhận ra hình ảnh cây đàn đờn kìm uốn lượn mềm mại, vươn mình mạnh mẽ như khẳng định sự bền bỉ, nét duyên dáng và sự sáng tạo không ngừng nghỉ của miền đất này.
Để cảm nhận trọn vẹn vẻ kỳ vĩ của tượng đài, du khách cần lùi lại một chút, bởi độ cao ấn tượng của nó khiến việc quan sát chi tiết ở cự ly gần không thể bao quát hết được. Quảng trường Hùng Vương không chỉ là không gian sinh hoạt cộng đồng, mà còn là nơi thể hiện niềm tự hào và sự kết nối của người Bạc Liêu với di sản văn hóa đậm đà bản sắc miền Tây Nam Bộ.
Sáp nhập Bạc Liêu: Hành trình đậm sắc thái tâm linh và chiều sâu lịch sử

Nếu Hà Nội tự hào với Nhà thờ Lớn, Sài Gòn nổi bật với Nhà thờ Đức Bà, thì miền Tây có Nhà thờ Tắc Sậy – biểu tượng tôn giáo đặc biệt của Bạc Liêu, gắn liền với cuộc đời và sự hy sinh của Linh mục Phanxico Trương Bửu Diệp. Tọa lạc cách trung tâm thành phố khoảng 37km, nhà thờ không chỉ là nơi hành lễ mà còn là điểm đến hành hương nổi tiếng thu hút đông đảo du khách và tín đồ khắp cả nước.
Tên gọi Tắc Sậy xuất phát từ khung cảnh thiên nhiên bao quanh nhà thờ với những rặng lau sậy um tùm và một lối tắt đặc biệt dẫn vào bên trong. Nhà thờ thuộc một nhánh của họ đạo Bạc Liêu, do linh mục người Pháp Jules thành lập từ năm 1925. Một năm sau, cha Phaolô Trần Minh Kính về đảm nhiệm chức cha xứ đầu tiên, rồi đến năm 1930, cha Trương Bửu Diệp – người sau này được nhiều tín hữu yêu mến và tôn kính, chính thức kế nhiệm.
Hiện nay, nhà thờ đã được trùng tu và mang dáng dấp rất riêng, nổi bật với ba nóc mái theo phong cách Á Đông, hài hòa giữa vẻ cổ kính và trang nghiêm. Công trình có ba tầng: tầng trệt là nơi tiếp đón khách thập phương đến nghỉ ngơi, tầng hai và tầng ba là không gian dâng lễ trang trọng. Khu vực tiền sảnh rộng rãi giúp dòng người hành hương dễ dàng tham quan và chiêm bái.
Không chỉ có giá trị tôn giáo sâu sắc, khu vực quanh nhà thờ còn là nơi du khách có thể nghỉ ngơi, thưởng thức những đặc sản miền Tây như bánh bò, bánh tiêu, bún mắm, lẩu mắm… giữa không khí mộc mạc, đậm đà tình quê.
Sáp nhập Bạc Liêu: Không gian kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa con người và tín ngưỡng, giữa cộng đồng và di sản

Sau khi lắng đọng trong không khí thiêng liêng của Nhà thờ Tắc Sậy, nơi ghi dấu cuộc đời vị linh mục được nhiều người sùng kính, hành trình khám phá Bạc Liêu sẽ trở nên trọn vẹn hơn khi du khách dừng chân tại Phước Đức cổ miếu – một công trình văn hóa mang đậm dấu ấn cộng đồng người Hoa tại vùng đất này.
Điểm ấn tượng đầu tiên khi bước vào miếu là lối kiến trúc cổ truyền tinh xảo, thể hiện qua từng mái ngói cong vút, đầu kèo chạm trổ, linh vật canh giữ, cho đến hoa văn uốn lượn trên các khánh thờ. Những tấm biển đá và gỗ khắc chữ Hán mạ vàng được trình bày bằng các thể chữ Hành thư, Khải thư vừa trang nghiêm vừa nghệ thuật, như đang kể lại bao lớp lịch sử qua từng nét bút.
Không chỉ là một công trình kiến trúc, Phước Đức cổ miếu còn là biểu tượng văn hóa của người Hoa ở Bạc Liêu, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia. Trong quá khứ, nơi đây từng là điểm dạy học chữ Hoa cho con em trong vùng, góp phần giữ gìn tiếng nói, chữ viết và truyền thống dân tộc giữa cộng đồng đa sắc tộc của miền Tây.
Đặc biệt, vào khoảng tháng Giêng đến tháng Tư âm lịch hàng năm, không khí nơi đây trở nên sôi động hơn bao giờ hết với các lễ hội cổ truyền. Du khách sẽ được hòa mình vào những hoạt động văn hóa đặc sắc như múa lân, dâng hương, trò chơi dân gian… và lắng nghe những câu chuyện về tín ngưỡng, đời sống của người Hoa bản địa.
Sáp nhập Bạc Liêu: Sự kết tinh tinh hoa từ biển cả thành những hạt muối trắng ngần

Bạc Liêu, vùng đất xinh đẹp và thơ mộng của đồng bằng sông Cửu Long, không chỉ níu chân du khách bằng các công trình văn hóa – lịch sử như Nhà công tử Bạc Liêu, chùa Xiêm Cán hay vườn nhãn cổ… mà còn bởi bức tranh lao động dung dị và rực rỡ nơi những cánh đồng muối trải dài tít tắp. Với hơn một thế kỷ làm nghề, người dân nơi đây đã đúc kết được một kỹ thuật làm muối độc đáo và tạo dựng nên thương hiệu “muối Bạc Liêu” nổi tiếng khắp Nam Bộ.
Nằm rải rác tại hai huyện Hòa Bình và Đông Hải – được xem là thủ phủ muối của cả nước, những cánh đồng muối Bạc Liêu mỗi mùa nắng đến lại rộn ràng bước chân người thợ. Muối Bạc Liêu có màu trắng ngà, ánh hồng, không lẫn tạp chất, mặn đậm nhưng không đắng, hạt to và chắc, là kết quả của quy trình kết tinh kỹ lưỡng từ nước biển, qua bàn tay chăm chút của người dân địa phương. Đặc biệt, loại muối tắc: được chôn dưới đất trong keo thủy tinh qua nhiều năm, không chỉ dùng để nấu ăn mà còn được tin là có công dụng chữa bệnh và làm đẹp hiệu quả.
Không chỉ hấp dẫn bởi hương vị riêng biệt, cánh đồng muối Bạc Liêu còn là một điểm đến du lịch hấp dẫn, nơi du khách có thể dễ dàng ghi lại những khoảnh khắc “sống ảo” đầy nghệ thuật. Vào mùa nắng, đặc biệt là từ tháng 12 đến tháng 4 âm lịch, khi mùa thu hoạch muối bước vào cao điểm, cả cánh đồng trắng tinh khôi như phủ tuyết, từng đống muối lấp lánh dưới nắng mai hoặc ánh chiều tà, tạo nên một khung cảnh vừa bình dị vừa đầy chất thơ.
Giữa khung cảnh ấy, hình ảnh những người dân lam lũ với đôi vai gánh muối, áo bạc màu nắng gió, tay không ngừng xúc từng lớp muối trắng, khiến du khách không khỏi xúc động. Đó không chỉ là vẻ đẹp của lao động, mà còn là lời nhắc nhở nhẹ nhàng về những giá trị bền vững đã được gìn giữ qua bao thế hệ.
Sáp nhập Bạc Liêu: Nơi thiên nhiên nguyên sơ đang “thì thầm” một nhịp sống hoàn toàn khác, êm đềm và đầy hoang dã

Vườn chim Bạc Liêu nằm cách trung tâm thành phố khoảng 6km về hướng biển, thuộc xã Hiệp Thành, chính là điểm dừng chân lý tưởng cho những tín đồ yêu thiên nhiên, đặc biệt là giới quan sát chim và nhiếp ảnh gia. Đây không chỉ đơn thuần là một khu bảo tồn sinh học, mà còn là bức tranh sinh thái sống động, nơi hàng nghìn cánh chim chao lượn mỗi ngày giữa rừng cây ngập mặn xanh rì.
Khi mùa mưa về, từ tháng 5 đến tháng 10, cả khu vườn như bừng tỉnh bởi những âm thanh ríu rít vang vọng từ các loài chim nước kéo về làm tổ: le le, diệc, cò, vạc, còng cọc, quắm đen… Những chiếc tổ ken dày trên ngọn cây, từng đàn chim sải cánh bay qua bầu trời, tạo nên một khung cảnh vừa nhộn nhịp, vừa đầy chất thơ. Đặc biệt, khi đứng trên tháp canh cao ngang tán rừng, du khách sẽ có một cái nhìn toàn cảnh: phía dưới là những thảm rừng xanh thẳm, xen lẫn những bóng trắng, xám của cánh chim vỗ nhịp – một khung hình hiếm có mà không cần phải qua ống kính đã thấy đậm đà sắc thái Nam Bộ.
Đây không chỉ là nơi để tham quan, mà còn là một không gian để lắng lòng và kết nối với thiên nhiên. Không khói bụi, không ồn ào, chỉ có tiếng gió lùa qua tán lá và tiếng chim gọi nhau vang vọng, như một bản hòa tấu bình dị giữa chốn sông nước mênh mang.
Với hai vùng sinh thái ngọt – mặn đan xen rõ nét, bờ biển trải dài và hệ sinh thái rừng ngập mặn xanh tươi, Bạc Liêu mang trong mình lợi thế tự nhiên khó nơi nào sánh kịp trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Những cánh đồng muối lấp lánh dưới nắng, những đầm tôm công nghệ cao hiện đại bên cạnh rừng đước nguyên sinh, cùng cảnh quan nông nghiệp truyền thống đang góp phần tạo nên hình ảnh một Bạc Liêu vừa giàu bản sắc vừa chuyển mình mạnh mẽ…