Việt Nam vừa có 4 nhà hàng đầu tiên được gắn sao của Michelin Guide – tổ chức xếp hạng ẩm thực danh giá nhất thế giới. Chuyện ”gắn sao” Michelin chắc chắn mang lại nhiều lợi ích cho ngành ẩm thực đất nước. Nhìn rộng hơn, ”sao Michelin” gợi ý rằng sẽ tốt hơn nếu giao việc xếp hạng, gắn sao trong nhiều lĩnh vực kinh doanh – công cụ đo tín nhiệm của thị trường – cho các tổ chức, hiệp hội thay vì Nhà nước đứng ra làm.
“Sao” là hệ thống phân loại xếp hạng của Michelin Guide. Một sao dành cho nhà hàng “có chất lượng món ăn ngon, xứng đáng để dừng chân thưởng thức”. Hai sao là “nhà hàng có chất lượng món ăn xuất sắc, xứng đáng để khách quay lại”. Ba sao (cao nhất) là nơi “chất lượng món ăn tuyệt hảo, xứng đáng để lên kế hoạch đến tận nơi thưởng thức”.
Không hề khập khiễng khi so sánh mức độ đắt giá và đáng mơ ước của sao vàng Michelin trong thế giới ẩm thực với tượng Oscar ở bộ môn nghệ thuật thứ bảy. Những nhà hàng dù đạt 1 hay 3 sao đều được nâng cao danh tiếng và giá cả đắt đỏ thuộc hàng top thế giới. Dù việc đặt chỗ tại nhà hàng có sao Michelin có thể tốn cả năm trời, hàng triệu thực khách vẫn không ngừng mơ ước được một lần nếm thử.
Lần này, cả 4 nhà hàng Việt Nam đều nhận một sao và bản đồ Michelin Guide chính thức có thêm hương vị của những món ăn Việt. Ngoài ra, còn có 102 nhà hàng, cá nhân tại Việt Nam lọt vào danh sách theo ba hạng mục Michelin Selected (Michelin đề xuất); Michelin Guide Special Awards (giải thưởng đặc biệt) và Bib Gourmand (các quán ăn ngon với giá cả phải chăng).
Các nhà hàng gắn sao Michelin sẽ giúp nâng cao vị thế của văn hóa ẩm thực Việt Nam và kỳ vọng sẽ tạo bước ngoặt mới cho ẩm thực nước nhà. Trên thế giới, Pháp là quốc gia có nhiều nhà hàng được gắn sao Michelin nhất, và chính điều này đã đưa đất nước hình lục lăng trở thành điểm đến nổi tiếng thế giới cho những người yêu thích ẩm thực. Số lượng nhà hàng gắn sao Michelin liên tục gia tăng những năm gần đây khẳng định vị thế của Nhật Bản trên bản đồ ẩm thực thế giới. Tương tự, Hoa Kỳ trở thành điểm đến hấp dẫn với những người sành ăn bởi ngày càng có nhiều nhà hàng được gắn sao Michelin. Các nhà hàng được gắn sao Michelin nhìn chung là tài sản quý giá đối với bất kỳ quốc gia nào.
Ở góc độ chính sách công, chuyện gắn sao Michelin cho nhà hàng cũng giống như gắn sao cho khách sạn, đánh giá trường đại học, xếp hạng tín nhiệm ngân hàng… đều biểu thị cho sự tín nhiệm của thị trường. Về mặt kinh tế học, đây là một công cụ khắc phục một dạng thất bại thị trường: hiện tượng bất đối xứng thông tin. Đó là khi thông tin của người mua về một loại hàng hóa có thể không đầy đủ và ảnh hưởng đến quyết định của họ. Do đó, xếp hạng sao khách sạn, đánh giá tín nhiệm ngân hàng hay xếp hạng đại học… là công cụ trung gian giúp giải quyết vấn đề đó.
Trên thế giới, việc này thường do tư nhân đứng ra làm và sẽ hiệu quả hơn: như sao Michelin trong lĩnh vực ẩm thực, hay xếp hạng của Fich Ratings, Moody trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Bản thân các đơn vị xếp hạng phải cạnh tranh nhau và tạo lập uy tín xếp hạng của chính mình. Tuy nhiên ở Việt Nam, nhiều bộ, ngành vẫn “giành việc” của thị trường. Ví dụ điển hình là xếp hạng sao ở ngành kinh doanh khách sạn; việc độc quyền xếp hạng dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp “chạy” sao.
Vì vậy, nhân chuyện “sao Michelin”, Việt Nam cần khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đánh giá tín nhiệm – dù là nhà hàng; khách sạn, trường đại học, ngân hàng… Yêu cầu tiên quyết là: nhà nước hãy rút lui và nhường chỗ cho tư nhân.
Cẩm Phô
Nguồn Báo Đại biểu Nhân dân