Đến tận hôm qua, tôi mới biết nhóm Arabesque của anh Tấn Lộc – biên đạo múa hàng đầu Việt Nam – đã cặm cụi di phát quà cho người nghèo suốt từ lúc COVID bùng lên vào năm ngoái. Không một bài báo nào, không một post nào trên mạng xã hội. Có mỗi một người đi theo chụp hình để báo cáo cho những người góp tiền thì… không biết chụp hình. Tấm thì thiếu sáng, tấm thì out-focus, tấm thì bố cục lem nhem… Rồi lắm lúc nhiều người nhận bật khóc khi nhận một phần quà – như người phụ nữ này – thì họ thậm chí không chụp. Vì lúc người ta khóc, bên ngoài có khi cũng đang sì sụt khóc theo rồi.
Bức ảnh này được chụp (với kỹ thuật khá tệ, phải thừa nhận như vậy) ở phường 4, quận 3. Nhưng hình ảnh lại quá đẹp mà ta có thể tìm thấy hàng đêm ở bất kỳ nơi đâu tại cái thành phố không ngủ này. Nhóm của anh Lộc đã rong ruổi đi qua quận 3, Bình Tân, Thủ Đức, Quận 8, trao quà cho những người mà họ biết là thực sự khó khăn, cũng giống như bất kỳ người khó khăn nào họ tình cờ thấy trên đường. Có những người vô gia cư ngủ vạ vật dưới một gầm cầu hay bên một mái hiên, khi thức dậy thấy trước mặt mình đã là một bao gạo, chai nước tương và mấy trăm nghìn cho những ngày mưu sinh phía trước đỡ phần vất vả. Có phải Bụt nào đâu, những người thiện lương Sài Gòn đó chứ.
Anh Lộc bảo nghe tiếng chửi thề mà nó… đã. “ĐM, ̀̀500 ngàn lần, “ấm” à nha”. Hay “ĐM mày đứng xa xa ra, từ từ tới chứ làm gì nôn. Mày hỏng có tao lấy phần của tao tao cho mày luôn”. Thanh âm đời quá đỗi.
Anh Tấn Lộc và nhóm của anh tất nhiên chỉ là một trong vô số những nhóm thiện nguyện không tên đang âm thầm cưu mang những mảnh đời bất hạnh này. Hôm qua có tin Sài Gòn lock down, người người ùa ra siêu thị trữ đồ, tôi và nhóm bạn vẫn bình chân như vại, tụi nó bảo: Sài Gòn là nơi mà người ta không thể chết đói. Ngẫm lại thì thấy vậy thật.
Tôi nhớ ngày mình còn nhỏ, chưa từng nhận ra mình nghèo. Lớn lên một chút, khi thấy bạn bè có xe máy đi học, có tiền để mua quyển truyện tranh hay dẫn bạn gái mạnh dạn vào một quán kem, tôi mới biết mình nghèo. Còn hồi nhỏ, cứ thích ăn gì là tôi ra xóm ăn đó, mẹ tôi nhớ thì trả tiền, quên thì người bán hàng thôi luôn. Nhà hàng xóm nấu chè, kiểu gì tôi cũng ké được một ly.
Hồi nhà tôi sửa nhà, tôi được cho sang ké nhà hàng xóm ngủ trong cái nhà giàu ơi là giàu. Bác hàng xóm của tôi có đứa con gái, bác cho tôi ngủ luôn trong phòng đứa con gái, không hề có ý phân biệt giàu/nghèo. Lúc đó bọn tôi mới năm tuổi. Sau khi khi cô gái ấy có bồ, thằng bồ uống bia vô nẹt bô đám tụi tôi, thằng Tí bạn thân tôi bảo: “Thằng Bình mới là ngủ với vợ mày đầu tiên chứ không phải mày đâu con”. Bạn kia máu lên tới não, sau khi biết cái joke này xài đi xài lại miết thì cười hà hà, bèn uống cái ót mấy vòng xong chạy đi ói.
Người Sài Gòn về miền tây nhậu rất hay ôm gốc cây dừa vì cái kiểu có nhiêu chơi nhiêu. Xả láng sáng dậy sớm mà. Thực ra sáng có dậy sớm đâu, hôm nào cũng trưa trời trưa trật mới ngồi dậy nổi. Sài Gòn không có những món ăn đặc trưng, nhưng được cái tinh thần phái sinh cao ngất ngưởng. Một trong những đỉnh cao của phái sinh là Vetula, tức là Vét Tủ Lạnh, có gì mang ra xào hết vào một chảo. Đầu tiên người ta gọi là Xào bần, sau bị nghèo hóa thành cái tên xà bần. Xà bần mà ăn vào vẫn khen ngon đáo để.
Với nhiều người Sài Gòn thế hệ 8x trở về sau, có lẽ đây là pha trọng thương lớn nhất của thành phố này. Nhưng lạc quan là thứ cuối cùng mà người Sài Gòn có thể đánh mất. Bạn hỏi dân Sài Gòn gốc là ai? Những người Sài Gòn đầu tiên của cái thành phố lúc chưa là Sài Gòn này là ai? Đều là lưu dân cả, người ngoài bắc vào, những người Hoa lưu vong hay những tội phạm được cho cơ hội thứ hai. Họ có biết gì chờ đợi mình phía trước đâu ngoài việc phải sống ngày hôm nay đã.
Sài Gòn có thể sẽ đóng cửa dưỡng thương. Đời sống về đêm sẽ không còn náo nhiệt. Dưới những ngọn đèn sẽ không còn những kẻ chờ nhau. Nhưng những bình nước miễn phí giữa trưa vẫn ở đó, những ổ bánh mì miễn phí vẫn ở đó kèm câu “nếu bạn ổn hãy để dành cho người khác”. Và ở những nơi đang thực sự khó khăn, thức ăn và tiền rồi theo một cách nào đó sẽ tìm đến họ, bởi lòng tốt không bao giờ đi lạc.
Ngày mai, Sài Gòn có nằm yên thở khẽ thì các bạn của tôi vẫn nấu cơm, gạo và nước tương vẫn sẵn sàng. Và bạn thử biên một status than đói coi, đồ ăn gửi tới bạn ăn không kịp. Ngay trong mùa dịch này, đã có những anh xe ôm, bác bán hàng rong bỗng dưng thấy mình có trăm triệu vì một post của ai đó trên mạng xã hội. Sài Gòn rồi sẽ mạnh giỏi lại thôi. Tôi tin mọi mảnh đất luôn có sức sống và linh hồn của nó. Và sức sống của Sài Gòn được hình thành bởi những gì của ngay lúc này, của hiện tại.
Vì mọi ngày mai luôn bắt đầu từ ngày hôm nay.
Nguồn: Binh Bong Bot
