Trong cơ cấu kinh tế thời phong kiến, nông nghiệp chiếm một vị trí trọng yếu mang tính sống còn của quốc gia. Cho nên nếu muốn phân tích về kinh tế thời phong kiến thì có 2 vấn đề quan trọng cần đề cập tới đó là: Phân phối ruộng đất và thuế má.
Thuế là nguồn thu nhập chính của quốc gia, quốc khố đầy đủ mới có thể mộ binh, tuyển lính bảo vệ biên cương, mới có thể trả lương cho quan lại, nha dịch, mới có thể xây dựng đường sá, thành quách công trình, mới có thể cứu trợ dân chúng gặp thiên tai, vân vân và vân vân, trăm sự đâu cũng cần tiền. Cho nên nếu bảo rẳng một vị vua hiền chăm chăm giảm sưu thuế, giảm lao dịch cho dân, thì loại vua này hiền cũng hiền thật nhưng ngày mất nước cách cũng chẳng xa nữa.
Vì vậy vấn đề ở đây không phải là đánh hay không đánh, giảm hay không giảm mà vấn đề nằm ở chỗ: Đánh thuế như thế nào?
Khác với thời hiện đại, thuế suất được đưa ra lũy tiến: người có thu nhập cao đóng cao, người có thu nhập thấp đóng thấp thì ở thời phong kiến thường lại hoàn toàn ngược lại. Thời phong kiến hầu như chỉ có một loại thuế suất đánh chung cho toàn dân, hoặc tùy theo sản lượng, chất lượng ruộng đất. Chẳng hạn lấy ví dụ như thuế suất thời Nguyễn thì đánh theo vùng, chia các ngạch theo mức thu hoạch tốt – xấu.
Tham khảo bài: Thực trạng kinh tế thời nhà Nguyễn – Link: https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=474015193345742&id=100022117962487
Trong khi đó: Giới quan lại – quý tộc – công thần – địa chủ nhờ là tầng lớp đặc quyền trong xã hội, họ có tiền, có quyền và có “lực”, thuế thường không đánh được tới đầu họ, có rất nhiều cách để những giới này lách tiền đóng thuế. Cho nên hình thành một cái bất công trong xã hội phong kiến là: kẻ có nhiều tiền, nhiều ruộng đất tốt lại đóng thuế ít, kẻ ít ruộng, ruộng xấu, thậm chí không có ruộng phải đi làm tá điền thì lại chịu thuế rất cao.
Vấn đề này sẽ càng trở nên trầm trọng vào cuối mỗi triều đại khi xảy ra vấn đề thôn tính và tập trung đất đai.
Thôn tính và tập trung đất đai là một xu thế không thể tránh khỏi của bất kỳ triều đại phong kiến nào. Nó bắt nguồn từ cả nguyên nhân kinh tế lẫn nguyên nhân về chính trị.
Nguyên nhân kinh tế là do đi kèm với quá trình sản xuất nông nghiệp, đất đai dần dần sẽ tập trung vào trong tay một số ít người có khả năng làm tốt và giỏi quản lý. Người làm giỏi họ sẽ có nhiều tiền của hơn, mua thêm được nhiều ruộng đất của những người làm kém và cứ thế tài sản sẽ tích lũy dần dần tạo nên quá trình thôn tính và tập trung ruộng đất vào trong tay một số ít người, hình thành nên lớp: địa chủ, và những người không còn ruộng đất để canh tác sẽ phải đi làm thuê và hình thành nên lớp tá điền.
Ban đầu việc thôn tính này sẽ làm tăng hiệu suất của việc trồng trọt, sản xuất bởi vì tăng cao hiệu quả và ích lợi bằng quy mô lớn.
Nhưng dần dần, càng về sau nó sẽ càng bộc lộ những mặt trái của mình. Bởi vì, thường những kẻ tham gia vào quá trình thôn tính ruộng đất này là các gia tộc công thần khai quốc, hoặc lớp quý tộc – địa chủ, họ nắm quyền lực rất lớn trong tay. Kể cả không phải là trọng quan của triều đình thì khi tiền tích lũy đến một lúc nào đó nó sẽ thành quyền, có quyền thì sẽ có lực. Hình thành nên cái tình trạng là: Quan lại địa chủ cấu kết nhau để trốn thuế, phần thuế không thu được dân đen lại phải gánh.
Và cũng bởi vì chính sách thu thuế cố hữu thời phong kiến, vào đến giai đoạn này, thuế thu được của triều đình sẽ giảm sút, một thực trạng chênh lệch xảy ra kẻ nghèo đóng thuế cao, kẻ giàu đóng thuế thấp. Câu dân giàu nước mạnh không còn đúng nữa, bởi vì thực tế là có nhiều gia tộc công thần – quan lại – địa chủ vẫn rất giàu có, nhưng quốc khố thì ngày càng ruỗng tuếch.
Kể cả khi các vua nhận ra vấn đề cũng khó mà xử lý được vì nếu điều chỉnh thuế và ruộng đất sẽ động chạm rất lớn đến quyền lợi của các công thần – địa chủ, chuyện mà một ông vua nào đó có ý nghĩ cấp tiến bị triều thần tạo phản giết chết đưa người khác lên thay là chuyện không hiếm lạ gì trong lịch sử.
Trong khi đó, triều đình cần phải có tiền, chiến tranh đánh giặc cần tuyển binh, dẹp loạn nông dân cũng cần có lính, trợ giúp thiên tai cũng phải mở kho lương, muốn có tiền phải tăng thuế, tăng thuế thì trăm thứ thuế lại đổ vào đầu dân nghèo, được mùa dân còn sống khó khăn huống chi những năm mất mùa, dân sống không nổi lại phải phản, lại phải dẹp, cái vòng tuần hoàn ác tính này sẽ làm triều đại phong kiến suy vi rồi cuối cùng sụp đổ.
Nhiều triều đại hết tiền bí thế đành xài cả chiêu: Cho phép mua quan bán tước công khai để lấy tiền lấp vào quốc khố, chuyện này xảy ra tràn lan ở cuối thời chúa Nguyễn nươc ta, nhưng khốn nỗi, đây chẳng khác gì uống rượu độc giải khát, quan trả tiền mua chức thì lại tăng cường bóp nặn dân đen để “lấy lại vốn” khiến tình trạng còn tệ hơn trước. Hoặc như Hồ Quý Ly chơi chiêu tiền giấy để gom tiền trong dân, và làm đổ sụp cả nền kinh tế vốn đang rất yếu đuối mong manh.
Cho nên khi một triều đại cũ sụp đổ, một triều đại mới thay thế với những thế lực mới, những công thần mới tất yếu sẽ reset lại, phân phối lại ruộng đất từ đầu, quá trình phân phối này càng hợp lý thì triều đại ấy càng lâu bền, nhưng chung quy lại thì cuối cùng nó cũng sẽ đi vào con đường giống như các triều trước đó.
============================
P/s: Để giải quyết vấn đề này ở thời phong kiến thì cách làm khả dĩ nhất là đa dạng hóa các ngành nghề, và phát triển thương nghiệp.
Xu thế thôn tính và tập trung ruông đất là xu thế không thể đảo ngược, nên thay vì phản phân phối ruộng đất thì nên có những công việc, ngành kiếm sống được cho những người không có ruộng, đó có thể là mở các xưởng chế tác đồ mỹ nghệ, đồ thủ công nghiệp, khai thác quặng mỏ, khai thác lâm thổ sản, dệt vải, trồng trà, nuôi trồng thủy hải sản và các sản vật từ biển khơi, đồng thời phát triển nội thương nghiệp và ngoại thương với nước ngoài.
Tuy nhiên, nói miệng thì dễ, bắt tay vào làm thì sẽ thấy không dễ chút nào, nhất là đối với trình độ kỹ thuật và hạn chế địa lý của nước ta vào thời đó.