ruc-ro-sac-mau-khong-gian-van-hoa-cac-dan-toc-huyen-tam-duong,-lai-chau

Rực rỡ sắc màu không gian văn hóa các dân tộc huyện Tam Đường, Lai Châu

Đặc sắc không gian văn hóa các dân tộc huyện Tam Đường

Là huyện cửa ngõ của tỉnh Lai Châu, Tam Đường được thiên nhiên ban tặng nhiều danh thắng đẹp mê lòng người. Tam Đường còn là vùng đất hội tụ bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của 12 dân tộc cùng sinh sống.

Lung linh sắc màu không gian văn hóa các dân tộc huyện Tam Đường, Lai Châu - Ảnh 1.

Lễ hội PuTaLeng huyện Tam Đường lần thứ I, năm 2024 diễn ra từ ngày 22-24/11, với nhiều hoạt động hấp dẫn. (Ảnh: Thanh Ngân)

Không gian văn hóa các dân tộc huyện Tam Đường được tái hiện sinh động bên hồ Mường Lự (thị trấn Tam Đường) – nơi diễn ra các hoạt động đặc sắc, hấp dẫn của Lễ hội PuTaLeng huyện Tam Đường lần thứ I, năm 2024.

Bên những ngôi nhà sàn, nhà gỗ, nhà tre… truyền thống của các dân tộc: Thái, Dao, Mông, Giáy, Lào, Lự… chứa đựng những nét văn hóa đặc sắc của từng dân tộc. Đó là những khung cửi, lò rèn, cối xay, lu cở… được trưng bày trong không gian văn hóa các dân tộc huyện Tam Đường, hấp dẫn du khách đến thăm quan, trải nghiệm. Cùng với đó là những sản vật của các địa phương như: Ngô, khoai, củ cải, cà chua, hạt dổi, hạt mắc khén… cũng được trưng bày, giới thiệu đến du khách.

Lung linh sắc màu không gian văn hóa các dân tộc huyện Tam Đường, Lai Châu - Ảnh 2.

Các cô gái dân tộc Lào huyện Tam Đường cùng vui với điệu nhày truyền thống của dân tộc mình. (Ảnh: Thanh Ngân)

Bên không gian văn hóa dân tộc mình, các chàng trai, cô gái dân tộc Mông, Dao, Lào, Lự, Thái, Giáy… xúng xính trong bộ trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu. Những điệu múa, điệu nhảy do các cô gái, chàng trai dân tộc Lào, Dao, Thái… biểu diễn trong tiếng trống, chiêng, nhạc xập xình, khiến người xem mê đắm.

Lung linh sắc màu không gian văn hóa các dân tộc huyện Tam Đường, Lai Châu - Ảnh 3.

Đàn ông dân tộc Lự trổ tài đan lát bên không gian văn hóa dân tộc mình. (Ảnh: Thanh Ngân)

Nằm ở ngay đầu dãy không gian văn hóa các dân tộc huyện Tam Đường, đó là không gian văn hóa dân tộc Lự. Nơi đây tập trung khá đông người dân và du khách. Trên sân ngôi nhà sàn, những người đàn ông dân tộc Lự đang thể hiện tài đan lát. Bên dưới gầm sàn, những phụ nữ dân tộc Lự, người thêu thùa, may vá, người se sợi, dệt vải bên khung cửi… Đứng xem, nhiều du khách không ngớt lời khen ngợi sự khéo léo của bà con dân tộc Lự.

Lung linh sắc màu không gian văn hóa các dân tộc huyện Tam Đường, Lai Châu - Ảnh 4.

Đàn ông dân tộc Mông thể hiện tài năng rèn dao bên không gian văn hóa của dân tộc. (Ảnh: Thanh Ngân)

Cạnh không gian văn hóa dân tộc Lự là không gian văn hóa dân tộc Lào của huyện Tam Đường. Không gian văn hóa dân tộc Lào khá náo nhiệt và đông vui bởi những người phụ nữ dân tộc Lào đang nắm tay nhau trong vũ điệu truyền thống, hòa nhịp cùng tiếng trống, tiếng chiêng vang rộn…

Độc đáo Lễ đón dâu của người Giáy và lễ Tủ Cải của người Dao ở Tam Đường

Đặc biệt là tại không gian văn hóa các dân tộc Giáy, Dao, Lễ đón dâu của người Giáy và Lễ Tủ Cải của người Dao được tái hiện một cách sinh động. Lễ đón dâu của người Giáy và Lễ Tủ Cải của người Dao thu hút rất đông người dân và du khách đến xem.

Lung linh sắc màu không gian văn hóa các dân tộc huyện Tam Đường, Lai Châu - Ảnh 5.

Các cô gái dân tộc Dao xúng xính váy áo đi dự lễ hội PuTaLeng huyện Tam Đường lần thứ I, năm 2024. (Ảnh: Thanh Ngân)

Người Giáy xem đám cưới là ngày hội vui và họ tin rằng, đám cưới càng đông vui thì hạnh phúc của đôi trai gái càng được bền lâu.

Trước khi diễn ra lễ cưới, đôi trai gái người Giáy phải trải qua một số nghi lễ theo phong tục như “Thả mối mai” (dạm hỏi) và “mai mối lại” (mặc cả). Hai nghi lễ này chủ yếu bàn việc hôn nhân của đôi trẻ. Khi đã tìm được ngày tốt, nhà trai nhờ ông mối, bà mai đến nhà gái thông báo ngày giờ đón dâu. Lễ đón dâu của người Giáy là tục lệ khá cầu kỳ và nhiều nét độc đáo.

Lung linh sắc màu không gian văn hóa các dân tộc huyện Tam Đường, Lai Châu - Ảnh 6.

Lễ đón dâu của người Giáy ở huyện Tam Đường diễn ra khá vui nhộn. (Ảnh: Thanh Ngân)

Sau khi bên nhà trai sang nhà gái làm các thủ tục đón dâu và được nhà gái đồng ý cho rước dâu về, thì đoàn nhà trai xuất phát từ nhà gái đi về. Đi đầu là chú rể, cô dâu cùng với phù rể.

Đi sau 2 bà mai, đội pí kẻo (4 người) vừa đi vừa thổi pí kẻo. Ý nghĩa của việc thổi pí kẻo là thông báo cho bà con, hàng xóm biết là gia đình đã đón được dâu và đang trên đường về nhà, mong bà con chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ và mời bà con, hàng xóm sang nhà chung vui cùng gia đình.

Khi về đến nhà, đội pí kẻo lại thổi 1 bài, ý nghĩa là mừng cô dâu về đến nhà, mời anh em hàng xóm sang nhà đón mừng cô dâu mới và uống chén rượu vui cùng gia đình…

Lung linh sắc màu không gian văn hóa các dân tộc huyện Tam Đường, Lai Châu - Ảnh 7.

Tái hiện lễ đón dâu của người Giáy tại không gian văn hóa dân tộc Giáy huyện Tam Đường. (Ảnh: Thanh Ngân)

Với người Dao đầu bằng ở xã Hồ Thầu (Tam Đường), Lễ Tủ Cải hay còn gọi là lễ trưởng thành là một nghi lễ vô cùng quan trọng.

Ông Tẩn A Đẩu, ở bản Đội 4 (Hồ Thầu, Tam Đường) vui vẻ cho biết: Đây là nghi lễ đánh dấu một sự kiện quan trọng trong cuộc đời của người đàn ông. Đối với người Dao, làm lễ Tủ Cải là để đặt tên thứ hai cho người con trai. Cái tên này còn gọi là tên “âm”, chỉ để dùng trong các dịp lễ hội hoặc khi giao tiếp với “tổ tiên”. Sau này, khi người đàn ông ấy mất đi, người nhà sẽ dùng tên âm để cùng về với tổ tiên. Một trong những lý do khiến người Dao đặc biệt chú trọng đến lễ Tủ Cải, đó là chỉ khi người đàn ông được cấp sắc (tên âm) thì mới được coi là người trưởng thành. Khi đó, họ mới có tiếng nói trong cộng đồng và được tham gia vào những công việc trọng đại của bản làng.

Lung linh sắc màu không gian văn hóa các dân tộc huyện Tam Đường, Lai Châu - Ảnh 8.

Lễ Tủ Cải của người Dao đầu bằng xã Hồ Thầu (Tam Đường) được tái hiện sinh động, hấp dẫn người dân và du khách đến xem. (Ảnh: Thanh Ngân)

“Với ý nghĩa quan trọng như vậy, nên khi người con trai lên 12, 13 tuổi, gia đình dù giàu hay nghèo cũng đều làm lễ Tủ Cải cho con. Gia đình khá giả thì làm linh đình, nhà nghèo khó thì làm đơn giản và nhiều gia đình tổ chức chung nhau. Tuy nhiên dù linh đình hay đơn giản thì lễ Tủ Cải cũng không thể thiếu được những thủ tục và nghi lễ cần thiết” – ông Đẩu nhấn mạnh.

Mở đầu Lễ Tủ Cải là nghi lễ cúng tổ nghề, thông báo việc thực hiện nghi thức cấp sắc của các đệ tử, đồng thời thỉnh cầu các vị tổ nghề, thần linh phù hộ để các đệ tử thực hiện nghi lễ được thành công.

Lung linh sắc màu không gian văn hóa các dân tộc huyện Tam Đường, Lai Châu - Ảnh 9.

Các thầy cúng thực hiện nghi thức khai trống. (Ảnh: Thanh Ngân)

Tiếp đó là nghi thức khai trống. Lúc này, 3 thầy cúng chính có pháp thuật cao tay, được kính trọng trong cộng đồng người Dao, được mời đến làm lễ, tiến hành khai trống, khai chiêng dao hưởng khí âm dương và thực hiện các điệu nhảy theo nghi thức thiêng liêng. Sau nghi thức khai trống là lễ đăng quan cho người thụ lễ. Thầy cúng cầm ảnh truyền thần thực hiện các động tác múa trước bàn thờ tổ nghề và đeo mặt nạ cho người thụ lễ.

Lung linh sắc màu không gian văn hóa các dân tộc huyện Tam Đường, Lai Châu - Ảnh 10.

Người thụ lễ thực hiện nghi thức rơi đài. (Ảnh: Thanh Ngân)

Khi kết thúc nghi thức trong nhà, đoàn thực hành nghi lễ bắt đầu tiến ra khu vực rơi đài. Khi đi, người thụ lễ phải có người che ô hoặc đội nón để tránh nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Khi đến ngụ đài, đoàn sẽ thực hiện nghi lễ đi ba vòng ngược chiều kim đồng hồ. Ba thầy đọc kinh đi với ý nghĩa giải trừ cái xấu, cái ác. 3 lá cờ tượng trưng cho 3 con rết với ý nghĩa: “Mời các ông tổ nghề và các vị thần linh cùng những người đi làm lễ đến ngụ đài để chứng giám, phù hộ cho nghi lễ cấp sắc được diễn ra thành công tốt đẹp”.

Khi nghe thấy tiếng hô của thầy cúng, người thụ lễ từ từ nhấc tay và ngửa về phía sau, rồi rơi một cách tự nhiên xuống võng ở phía dưới trong sự hồi hộp ngóng chờ của tất cả mọi người.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *