#review ~ THẢM KỊCH VĨ NHÂN ~Tác giả: Hoàng Minh Tường. Thể loại: Văn học lịch sử..T…

THẢM KỊCH VĨ NHÂN

#review ~ THẢM KỊCH VĨ NHÂN ~
Tác giả: Hoàng Minh Tường. Thể loại: Văn học lịch sử
.
.
Trước giờ tôi vốn không thích đọc tiểu thuyết lịch sử hoặc văn học sử, vì dù đọc bao nhiêu thì tôi cũng không nhớ nổi ngày tháng và niên đại, còn nói theo lời một người bạn của tôi thì đọc sử “toàn mùi ảm đạm và đau thương cùng bất công”, nhưng khi thấy cuốn “Thảm kịch vĩ nhân”, tự dưng tôi bị thu hút bởi màu bìa, hình bìa và cả tựa sách. Vốn nghe nói đến “Vụ án Lệ Chi viên” đã lâu nhưng chưa từng tìm hiểu và cũng không được ai kể cho nghe, tôi quyết định thử đọc cuốn này, ít ra nếu không nhớ toàn bộ thì cũng thẩm thấu được chút ít để nếu có dịp họp mặt thì còn mang ra hầu chuyện người khác.
Trước khi vào phần chính của nội dung bài bình luận, tôi xin nói rõ rằng review này được viết dựa trên những sự kiện tôi đọc được trong cuốn “Thảm kịch vĩ nhân” + những suy tưởng vô cùng cá nhân nảy sinh khi đọc sách, tức là hoàn toàn lệ thuộc vào sự truyền đạt của tác giả Hoàng Minh Tường. Tôi đã tham khảo thêm wikipedia nhưng không thể nhớ hết, do đó trong review nếu có chi tiết nào sai sự thật lịch sử thì mong bạn đọc hãy sửa dùm. Tôi chân thành cảm ơn.
“Thảm kịch vĩ nhân” kể về 27 ngày cuối đời của vị quan Thừa chỉ Hành khiển Nguyễn Trãi và người vợ thứ tư của ông là Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ, từ khi tiệp dư Ngô Thị Ngọc Giao (vợ vua Lê Thái Tông) sinh hoàng tử Lê Tư Thành (vua Lê Thánh Tông) đến khi Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc. Lúc ấy, tiệp dư Ngọc Giao sắp sinh hài nhi, nằm mộng được Thiên Đình báo cho biết đứa trẻ là tiên đồng trên trời, số mệnh làm hoàng đế. Hoàng hậu của Lê Thái Tông là Nguyễn Thị Anh đã có con là thái tử Lê Bang Cơ, mụ muốn triệt hạ tất cả những mối hiểm họa tiềm tàng đến ngai vàng của con mình nên đã ráo riết truy sát Ngọc Giao. Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ và những người cùng đứng về phía lẽ phải đã thực hiện trót lọt vụ giải cứu tiệp dư Ngọc Giao cùng ấu chúa. Bị vuột mất Ngọc Giao cùng đứa con, Nguyễn Thị Anh cực kỳ căm thù dòng họ Nguyễn Trãi (thật ra đã căm ghét từ trước đó) nên lập mưu kế thâm độc để giết cả chồng (tức là vua Lê Thái Tông) và toàn bộ phe phái đối lập với mụ (gọi là “mụ” nhưng mới 19 tuổi). Nhân dịp vua Lê Thái Tông thống lĩnh buổi tập trận và đến Côn Sơn để đón Nguyễn Trãi về triều (lúc này Nguyễn Trãi đang lánh về Côn Sơn để chờ thời vì xung đột với một thái giám trong triều), Thị Anh đã sai thuộc hạ sắp đặt để phòng của Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ ở ngay cạnh phòng vua. Đêm đó ở Lệ Chi viên, Lê Thái Tông bị hạ độc chết (có tư liệu viết là chết do sốt xuất huyết), tuy xung quanh có khoảng 6 thị nữ và 4 vị quan văn võ khác nhưng vì Nguyễn Thị Lộ đã được truyền ở cạnh vua trong giờ khắc lâm chung, nên bà bị ghép tội giết vua. Tướng công của bà là Nguyễn Trãi cũng bị kết tội, cùng với ba họ (tam tộc), tổng cộng 217 người đã bị xử trảm vào ngày 19-9-1442 (tức ngày 16/8 năm Nhâm Tuất). Phe cánh của Thị Anh quá lớn nên mọi nỗ lực giải cứu dòng họ Nguyễn Trãi đều thất bại. Chỉ có người vợ thứ năm của ngài (tên Phạm Thị Mẫn) kịp thời được cháu nội của Trần Nguyên Hãn đưa đi trốn. Mẫn sinh con trai tạm đặt tên là Phạm Anh Vũ (đổi theo họ mẹ để tránh sự truy sát của triều đình). 22 năm sau, vua Lê Thánh Tông (chính là hoàng tử Lê Tư Thành mà năm xưa nhờ sự trù liệu + giúp đỡ của Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ nên mới thoát khỏi móng vuốt dã thú của Nguyễn Thị Anh) và đã minh oan cho toàn bộ gia tộc Nguyễn Trãi, đồng thời đón con trai của ông (đổi tên là Nguyễn Anh Vũ) về làm quan huyện.
Nguyễn Trãi là nhà chính trị, nhà văn, nhà thơ sống qua ba thời nhà Trần, nhà Hồ và nhà Hậu Lê, từng đầu quân và được tin dùng bởi Lê Lợi (vua Lê Thái Tổ). Đến thời Lê Thái Tông, nhà vua trẻ tuổi ham chơi, bị vây quanh bởi bọn tặc thần bất tài, đảo điên trong nữ sắc, không biết trọng dụng hiền tài. Do xung đột với thái giám Lương Đăng về vấn đề nhã nhạc, xe kiệu, phẩm phục, nghi trượng…, Nguyễn Trãi lánh về Côn Sơn ở ẩn nhưng buộc phải để người vợ thứ tư của ngài là bà Nguyễn Thị Lộ ở lại triều đình để đảm đương chức Lễ nghi Học sĩ. Đến khi Lê Thái Tông 20 tuổi, đã thuần thục cầm quân đánh trận, biết phép tắc lễ nghĩa, định đón Nguyễn Trãi về triều để dùng tài học của ông mà phụng sự đất nước, nhưng chính lúc này Lê Thái Tông lại bị hoàng hậu Nguyễn Thị Anh hãm hại. Cái chết của vua khiến Nguyễn Thị Lộ bị kết án, Nguyễn Trãi và ba họ cũng bị tru di. Nếu nói ngay từ đầu ông đừng để Thị Lộ ở lại triều đình thì cũng không được, vì Thị Lộ ở lại theo lệnh vua, trở thành Lễ nghi Học sĩ theo lệnh vua. Bởi mới thấy, sống trong thời nào cũng vậy, nếu có tấm lòng trung trinh và tài năng tột đỉnh cũng chưa chắc được bình yên cả đời. Quan trọng là phải tìm được minh chủ, mà nếu không tìm được minh chủ thì phải cân nhắc xem bản thân có thể trở thành minh chủ không.
Nguyễn Thị Lộ gặp Nguyễn Trãi khi bà mới 17 tuổi còn ông hơn 30 tuổi. Thị Lộ gánh chiếu đi bán, bị Nguyễn Trãi dùng thơ trêu chọc
“Ả ở đâu ta bán chiếu gon,
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn
Xuân xanh phỏng độ bao nhiêu tuổi
Đã có chồng chưa, được mấy con?”
Thị Lộ ứng đáp lại ngay:
“Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon
Can chi ông hỏi hết hay còn?
Xuân xanh vừa độ trăng tròn lẻ
Chồng còn chưa có, hỏi chi con?”
Trong “Thảm kịch vĩ nhân” tả Nguyễn Thị Lộ khi gặp lại vua Lê Thái Tông trên triều là “người đàn bà tuổi trạc ngoại tứ tuần nhưng lại có dáng đoan trang đài các như thục nữ. Trong tấm áo dài tứ thân màu lục huyền, yếm lụa trắng Vân Lĩnh thêu nổi hoa dây, thắt bao xanh có dây xà tích bạc, đầu chít khăn nhiễu Tam Giang, chân dận hài nhung”, đến nỗi đám thiếu nữ con nhà quyền quý nhìn Thị Lộ mà “thấy mình như bầy gà cạnh chim phượng hoàng”. Người phụ nữ phong tư tuyệt đại, kiến văn phong phú như thế nhưng lỡ sinh nhầm thời, chỉ hạnh phúc cạnh Nguyễn Trãi có mấy năm, sau đó phải đương đầu với sóng gió trong triều, thậm chí không có thời gian để có với ông một đứa con. Sau khi bị kết tội oan ức là đã tư thông rồi giết vua, sử sách không nói nhiều đến những ngày cuối đời của bà, nhưng thiết nghĩ người đời sau hoàn toàn có thể hình dung được những ngày giờ tăm tối nhục nhã chốn lao tù, và cái chết bi thảm nơi pháp trường. Sau khi đọc cuốn này và tìm hiểu về Nguyễn Trãi, tôi biết rằng Nguyễn Thị Lộ từ nay sẽ trở thành một trong những cổ nhân mà tôi ngưỡng mộ và thương cảm.
Ngoài ra, còn một phụ nữ khác tôi thích trong cuốn “Thảm kịch vĩ nhân” là Bùi Vọng Nguyệt, có thể xem như bà tổ của gốm sứ Chu Đậu. Tìm kiếm trên Google với dòng “bùi vọng nguyệt và gốm sứ chu đậu”, tôi tìm được tên thật của bà là Bùi Thị Hý, người con gái văn võ song toàn từng giả trai đi thi và suýt đoạt trạng nguyên. Nhờ Nguyễn Trãi cứu bà thoát khỏi án tử, Bùi Vọng Nguyệt trở về cuộc sống của một nữ nhân, kết hôn với chủ lò gốm Chu Trang. “Cái chết oan khiên của cặp tình nhân Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ trong vụ án Lệ Chi viên đã hằn lại trong lòng nàng Vọng Nguyệt một nỗi đau đến mức chiếc bình nàng tạo ra đã kết đọng hồn người”.
Tuy không thích nói về nhân vật phản diện nhưng tôi nghĩ mình nên viết một chút trong review này về hoàng hậu Nguyễn Thị Anh. Thị Anh tên thật là Nguyễn Thị Ẻ, là một gái quê nhan sắc mặn mà nên được Vệ úy Lê Nguyên Sơn đem dâng cho Lê Thái Tông. Trong thời gian đi từ làng quê đến kinh thành, gần gũi cận kề nên nảy sinh tình cảm với Lê Nguyên Sơn, trải qua bao đêm chăn gối với Vệ úy. Đến kinh thành thì Thị Anh lại trải qua thời gian học hỏi kỹ năng giường chiếu với thái giám Lương Đăng. Khi Lê Thái Tông vừa nhìn thấy sắc đẹp của ả thì lập tức sắc phong Thần phi. Thái giám trong cung ghi lại ngày giờ rất kỹ lưỡng nên đã có giấy trắng mực đen chép rằng Thái tử Lê Bang Cơ chỉ được Thị Anh mang thai có sáu tháng thì đã hạ sinh, càng lớn càng giống Lê Nguyên Sơn. Đến khi Lê Thái Tông đủ trưởng thành và hiểu biết, định phế truất và trừng phạt mẹ con Thị Anh thì ả đã sớm dự mưu, giết chồng và toàn bộ trung thần của chồng, đưa Bang Cơ mới hai tuổi lên ngôi, bản thân ả làm Hoàng thái hậu nhiếp chính, gây sóng to gió dữ khắp đất nước.
Thêm một lý do tôi không thích đọc sử là vì không muốn nhìn thấy số phận bèo bọt như cỏ rác của những người phụ nữ trong XH phong kiến. Bên cạnh Nguyễn Thị Lộ và Bùi Vọng Nguyệt, còn có tiệp dư Ngọc Giao, còn Hoàng hậu Dương Thị Bí đã bị phế truất (vì nhà vua tham sắc của Thị Anh). Những nữ nhân này lấy chồng có con từ rất sớm (khoảng 14 ~ 16 tuổi), dù thân phận sang quý như Hoàng hậu, kiến thức rộng rãi như Lễ nghi học sĩ… thì vẫn vì sự hiền lành + yếu đuối của mình mà bị kẻ xấu hãm hại, thậm chí mất mạng. Nhưng mưu ma chước quỷ lòng lang dạ sói như Thị Anh thì cũng không có kết cuộc tốt đẹp. Nguyễn Thị Lộ tài sắc vẹn toàn như thế mà còn bị gièm pha, bị biến thành yêu nữ trong truyện “Rắn báo oán”. Mà không chỉ nữ nhân, nam nhân học rộng tài cao như Nguyễn Trãi vẫn bị ghen ghét và hại chết. Ừ thì ai mà không chết, nhưng quan trọng là chết như thế nào, càng quan trọng hơn là mình có cảm thấy thỏa chí thỏa lòng với cuộc đời đã sống hay không.
Nói đến “chết như thế nào”, tôi nhớ đến chi tiết gia tộc Nguyễn Trãi được vua Lê Thánh Tông minh oan sau 22 năm, ban chức quan huyện cho Nguyễn Anh Vũ. 217 mạng người, đầu bị chặt bêu khắp kinh thành, máu hòa nước mưa chảy thành sông, xác bị hất xuống hố chôn tập thể (không biết có lấp đất không hay để cho dã thú xé xác), vậy mà chỉ đơn giản phong chức quan huyện cho con trai của ông thôi sao? Tôi đã khóc nhiều khi đọc những dòng tả cảnh Nguyễn Trãi chậm rãi gom những thư tịch trọng yếu giao cho những người đến cứu ông, bản thân ông không đi trốn. “Thời thế này, sống thế là quá đủ rồi…”. Tôi cũng khóc lúc đọc cảnh 217 người bị xử tử. Vì triều đình không dám xử công khai trước mặt dân chúng nên đã lén xử trước giờ được cáo thị. Thật ra thì tác giả Hoàng Minh Tường cũng không tự “phăng” và không tả chi tiết, chỉ viết những dòng thoáng qua về cảnh xử tử nên tôi đành dựa vào trí tưởng tượng của mình, vậy mà tôi không thể cầm nước mắt. Vẫn biết con người ai mà không chết, vẫn biết còn hàng triệu người khác đã chết oan trong những cuộc thảm sát hoặc diệt chủng, nhưng riêng cuốn sách này khiến tôi đau lòng và cảm thương những người đã sống và đã chết cách tôi 600 năm, những người tôi không hề quen biết.
Tuy viết nhiều và tỏ ra ngưỡng mộ các tài nữ thời xưa nhưng Chân Tín mới là nhân vật tôi thích nhất trong cuốn này. Trong và sau khi đọc sách, để hiểu rõ hơn, bạn đọc có thể Google những từ khóa như “Nguyễn Trãi wikipedia”, “vụ án Lệ Chi viên wikipedia” hoặc “truyện cổ tích rắn báo oán”, bạn sẽ tìm được các bài viết dài hơn cả review này, tha hồ đọc
“Thảm kịch vĩ nhân” được viết xen kẽ giữa những chương hiện tại và quá khứ. Tôi chỉ đọc những chương quá khứ, bỏ qua các chương hiện tại. Cách đọc này khiến tôi bỏ lỡ không ít chi tiết quan trọng, nhưng kệ! Giờ thì tôi đã biết Nguyễn Trãi là ai, biết vụ án Lệ Chi viên như thế nào (“lệ chi” là trái vải, “viên” là vườn, “lệ chi viên” là vườn vải). Trước giờ tôi vốn không quan tâm đến đền miếu thờ các vị anh hùng dân tộc hay danh nhân văn hóa, nhưng sau khi đọc “Thảm kịch vĩ nhân”, tôi nghĩ nếu có dịp đến thăm đền thờ Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, tôi sẽ vào thắp nén hương để tỏ lòng ngưỡng mộ, biết ơn và thương cảm của mình. Ngoài ra, cuốn sách này cũng nhen nhóm một chút tình yêu lịch sử trong tôi, khiến tôi quan tâm và nhất định sẽ tìm đọc thêm về Trần Khánh Dư + Thiên Thụy công chúa, về Huyền Trân công chúa và Trần Khắc Chung. Vẫn biết không nên quá chìm đắm trong quá khứ, nhưng lịch sử luôn lặp lại, đọc về người xưa để biết cách ứng xử với người nay, âu cũng là một điều nên làm.
(Sea, 19-8-2020)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *