Có lẽ độc giả đã không lạ lẫm gì với cái tên Nguyễn Nhật Ánh cũng như giọng văn mang cái chất dân dã và hoài niệm tuổi thơ của ông. Đây là một cuốn sách về một sự thơ dại cũng như những cảm xúc rất tự nhiên của tuổi thơ. Những cung bậc tình cảm trong câu chuyện được đẩy lên cao trào và trên hết là cái giọng văn có lẽ khó lẫn vào đâu được.
Nội dung cuốn sách nói về một tình yêu rất trẻ thơ của cậu bé Trường với chị Ngà, bạn dì Miên của cậu. Nói là tình yêu nhưng đơn giản có lẽ cũng là đơn phương vô vọng bởi lẽ với những nhân vật trong các truyện của Ánh, thích ai đó là làm cho người đó luôn cười dù phải hi sinh tới đâu. Cũng như nhân vật Ngạn trong mắt biếc với Hà Lan, cậu bé Trường ở đây cũng không thể có cơ hội thổ lộ với người con gái mình thích mà chỉ âm thầm theo sau bóng hình đẹp đẽ. Những kỉ niệm mà Trường có với chị Ngà có lẽ chỉ có cậu bé hiểu theo nghĩa trên mức bạn bè. Hoặc cũng có thể chị Ngà hiểu nhưng chỉ đơn thuần xem đó là trẻ con. Một điều khá chung trong các câu chuyện của Ánh đó là đều có người thứ ba xen vào. Nếu như Ngạn vì chôn chặt tình cảm và có phần lưỡng lự không quyết đoán rồi để Dũng cướp mất nàng thơ mắt biếc thì ở đây con kì đà là Điền. Hãy đọc cuốn sách để tìm ra cái nét chung, để xem liệu Trường có bảo vệ được cô gái mình thầm thích? Cả cuốn sách thoảng hương hoa cúc khiến chúng ta đắm chìm hương vị thôn quê. Chị Ngà là một bông hoa cúc mà Trường trân trọng dành tình cảm cũng như muốn bảo vệ cũng như Ngạn với người bạn ấu thơ Hà Lan. Cái nét tương đồng của hai chuyện này đều là những mối tình đơn phương mà cũng có thể là những điều tác giả đã từng trải thời trẻ. Nếu yêu thích mắt biếc thì đây là cuốn sách bạn không thể bỏ qua của Nguyễn Nhật Ánh. Nhưng riêng với cá nhân người viết thì đi qua hoa cúc dư âm để lại có thể sẽ nhiều hơn với mắt biếc.
Lật những trang sách mỏng như những cánh hoa để thấy được tình yêu trẻ thơ nó dân dã giản dị và đáng yêu ra sao. Không phải tự dưng người ta nói ông là hoàng tử bé của tuổi thơ, cái tình yêu giữa quê hương luôn được song song với cái tình yêu thơ mộng của những tuổi trẻ đầy khát vọng. Trường là cậu bé nhưng thực chất cũng là một người đàn ông trong tương lai và việc có yêu có ghét có hờn rỗi cũng là lẽ thường tình. Có lẽ Nguyễn Nhật Ánh phần nào đó muốn viết lại tuổi thơ và gửi gắm tâm tư qua các trang sách. Tác giả phải chăng muốn nhắc chúng ta hãy tân hưởng và nắm bắt mọi cơ hội ngay khi “hoa cúc ” của tuổi trẻ còn chưa đi xa khỏi chúng ta?
Đây là một cuốn sách có thể được lên màn ảnh một lúc nào đó nhưng độc giả nên tìm đọc bởi lẽ cái chất văn thì khó mà diễn tả hết trong phim. Khép sách lại là chúng ta đã đi qua một bầu trời tuổi thơ, một mối tình đầu đời đẹp đẽ. Hãy tự hỏi mình liệu hương hoa cúc còn lắng đọng lại trong bạn hay không cho tới trang cuối.