REVIEW NGHỀ THỔI KÈN ĐÁM MA – P3

Hello các bác, mấy ngày qua em đã viết được 2 chap kể sơ qua về cuộc đời và công việc của mình. Định bụng chỉ viết cho vui thôi, nhưng may mắn nhiều bác ủng hộ và hóng em quá nên em cũng xin phép được kể thêm đôi chút kỷ niệm về cái công việc đặc thù này. Hôm nay em sẽ kể nhiều và dài hơn, nếu các bác hứng thú đọc thì cho em xin tí động lực nhé ạ.

Các bác đã bao giờ nghĩ mình đổi đời mà lại vẫn là 1 công việc như cũ chưa? Hoặc có thể gọi là nâng lên 1 tầm cao mới cũng được, để em review cái khoản thổi kèn mà lại lên tầm cao mới cho các bác nghe. Nhưng mà đợi em kể cho bác nghe cái này trước, cái mà người ta gọi là tâm linh. Làm cái nghề kèn trống đám ma này nên chuyện tâm linh không đùa được đâu, có kiêng mới có lành được, nhất là với thằng chúa sợ ma như em, sợ ma lại đi thổi kèn đám ma…nói ra người ta cười cho thối mặt.

Có lần đi đám xa nhà, cụ bà ngoài 2 năm mươi, tóc dài trắng tinh. Lúc khâm niệm buổi chiều em có nhìn cụ hơi kỹ 1 tẹo, cụ đi mà miệng còn hơi nhoẻn miệng cười, mà đội hóa trang đánh mặt trắng bệnh nhìn thấy cũng hơn rờn rợn tóc gáy… Đêm đó khi đội thợ già làm cái lễ chèo đò tiễn vong qua sông ngoài sân, em thì nghỉ ngơi không tham chiến, nằm sõng soài ra chiếu ngả lưng. Mà khổ cái là nhà cụ nhỏ, chả có hiên hè rộng để bày trận kèn trống, gia quyến sắp xếp trải chiếu cho đội kèn ở gian trái, sát cạnh áo quan của cụ. Nên là lúc nghỉ ngơi thì chúng em cũng ngả lưng nằm cạnh đó luôn. 

Cuối canh 3 đã điểm, đội chèo đò cũng xế về cuối sông qua bên kia bờ tiễn vong sang cầu Nại Hà để uống canh Mạnh Bà. Tiếng trống chiêng như nhỏ và thưa dần, tiếng hò đò cũng dần vụt tắt, trong màn đêm tĩnh mịch, yên ắng đến lạ thường… Mắt em lim dim rồi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay. Lúc nửa đêm canh 4, cảm giác người mình không có sức, chân tay như bị ai tóm lấy, miệng thì ú ớ vùng vẫy như cố thoát ra khỏi vũng bùn lầy mà không thể nào thoát ra được. Cảm giác khó thở ngột ngạt, giãy giụa mãi em mới vùng dạy tỉnh giấc được, tai em như ù đi, hoa mắt, toét nhèm vì vừa choàng tỉnh giấc, bỗng tóc gáy em dựng ngược lên, một cảm giác lạnh toát chạy dọc sống lưng khi nghe tiếng “cà rọc, cà rọc…” bên trong áo quan bà cụ.

Em sợ quá hét toáng lên: “ma…ma…có ma…” rồi vùng dậy chạy vụt ra ngoài sân. Lúc này đội con cháu gia quyến đang sát phạt nhau bằng những tiếng mở bát chẵn lẻ ngoài sân thấy em vừa chạy vừa hô, tất cả cũng tán loạn lên mà bỏ chạy… Vì tưởng em hô “công an đến” 

. Em chạy ra đến cổng thì ngoài trời tối đen như mực, không dám chạy nữa, sau một phút hoàn hồn, em bình tĩnh quay trở vào kể cho mọi người nghe để gia đình kiểm tra lại áo quan vì sao lại có tiếng động phát ta từ bên trong. Ngay sau đấy là em bị đá cho mấy phát vì làm loạn không gian yên tĩnh và phá hỏng quả mở bát 4 trắng của mấy con bạc :)) 

Rồi mấy ông giải thích cho em là lúc ngủ, ông thợ kèn tay to nằm cạnh em, mồm thì ngáy mà tay vắt ngay lên cổ mình, khiến mình có cảm giác như bị ai đó bó.p c.ổ nên mới giãy giụa cố thoát ra, còn tiếng động trong áo quan kia là ông cháu nội bà cụ nằm trông quan, không ngủ được mà chân vắt chữ ngũ, mồm thì lầm bẩm “lý ngựa ô”, rồi tiện búng tay “cà rọc, cà rọc” vào chân áo quan để bắt nhịp theo bài nhạc. 

Ơ! 

 hay là họ nói dối để trấn an mình nhỉ?

Thôi kệ chuyện tâm linh, trở lại với việc đổi đời. Năm ngoái em nhận được thông báo mình được ra nhập câu lạc bộ kèn trống phục vụ cho 1 trong những nhà tang lễ lớn nhất thủ đô. Cơ hội đổi đời từ vùng quê nghèo lạc hậu lên thành phố lớn, mừng rỡ chạy đi khoe các anh các chú trong đội kèn. Chả thấy ai mừng cho mình, chỉ thấy hằm hằm nói “ông đi được ông đi mẹ luôn đi”. Em biết là không phải họ đuổi mình, mà do họ quyến luyến không muốn em đi. 

Ngày chia tay, cả đội dắt nhau ra quán thịt cờ hó, bịn rịn chén chú chén anh, chia tay mãi hết chục chai mà chưa chia tay được. Cuộc rượu cũng tàn, ai về nhà nấy, em với một ông chú nữa cùng đường về, vừa đi được đoạn thì ông ý say quá loạng chạng đâm mẹ nó con phượng hoàng lửa xuống mương nằm bất động. Mình cứ tưởng ổng chét mà ngồi trên đường khóc lóc trách than tại mình, mấy cô chú đi đường thấy thế nhảy xuống xem sao thì hóa ra ông ý say quá nằm ngủ dưới mương luôn

Ngày ra thủ đô, em nhanh chóng hòa mình vào công việc, phong cách kèn ở đây khác thật, nhanh và gọn chứ không thê lương da diết như vùng quê nghèo. Ra đây còn phải học thêm cả kèn tây để phục vụ một những khách hàng có yêu cầu riêng nữa. Nhớ cái lần theo đoàn đi xa, vào tận miền Trung, lội ngược sang sát vùng biên giới Lào. Chắc là ông ấy cũng quan chức tước gì đó, nên cuối đời về quê cha đất tổ gia quyến cũng muốn có đội ngũ tang lễ hoàng tráng theo về từ thủ đô.

Đi cả ngày mới đến, mệt nhoài, hóa ra ông ta thuộc người đồng bào thiểu số. Tối đó thổi giàn kèn đồng, dân nơi đây tò mò lắm, đến tham dự là phụ chứ đến xem kèn tây là chính. Zai gái già trẻ đủ cả, ai cũng chăm chăm hớn hở nghe kèn. Lúc đang thao thao bất tuyệt lên bài “tình cha”, em thấy có một cô bé tóc dài mun đen, khuôn mặt trái xoan xinh xắn, làn da bánh mật trông khỏe khoắn, mặc bộ áo người dân tộc (mà em không biết dân tộc gì) cứ như hoa hậu H’nie ấy. Cố ấy tay chống cằm, nhìn em mà đôi mắt lơ mơ, cái đầu thì lắc lắc nhẹ theo tiếng nhạc. Nhớ mấy câu chuyện các ông trong xóm đi bộ đội về kể hồi xưa đóng quân ở các vùng cao, rồi kể chuyện các cô gái người đồng bào, bất giác mình lại thấy nao nao lòng. 

Đang suy nghĩ mơ mộng về mấy câu chuyện các cô gái xinh tươi, tiếng kèn của em lạc đi, đang theo giàn lên nốt “la thứ của bài tình cha”, mà thế qué nào kèn của em nó lạc sang “đô chưởng” thổi ngay đoạn “đêm nay ai đưa em về” 

Làm cả giàn nhạc bị loạn mỗi ông thổi 1 phách. Thế là bị ông nhạc trưởng cốc cho 1 phát vào đầu, đến giờ bất giác sờ lên đầu vẫn thấy thốn. Kết quả là chuyến đi bị trừ 50% cát xê. Đúng là tiền mất tật mang mà lại còn chưa biết mùi mít vùng cao nó thế nào :))

Dài quá, em kể đến đây thôi. Nói thật với các bác là bao nhiêu năm em đi thổi kèn người ta, chứ đến tầm này là em muốn mang kèn của mình cho ai đó thổi lắm rồi, nhưng chưa ký được cái hợp đồng nào dài hạn. Các bác có hợp đồng nào cho em ký phát để em lấy động lực viết tiếp với ạ 

Tube continnued. Thanks for you!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *