#review  //  Không spoil~ HỘI CHỨNG E ~Tác giả: Franck Thilliez. Dịch giả: Nguyễn Th…

Review – Không spoil ~ HỘI CHỨNG E

#review // Không spoil
~ HỘI CHỨNG E ~
Tác giả: Franck Thilliez. Dịch giả: Nguyễn Thị Tươi
Thể loại: Trinh thám hồi hộp, có chút kinh dị
.
.
Sau cuốn “Hội chứng E”, Biển sẽ tập bỏ thói quen chọn và đọc sách dựa trên bìa, vì nếu làm thế thì chắc Biển đã – đang – sẽ bỏ qua nhiều câu truyện hay đáng đọc, chẳng hạn như cuốn này. Lúc nhìn thấy màu và thiết kế bìa của “Hội chứng E”, Biển nghĩ ngay rằng mình sẽ không đọc, nhưng vì được một bạn nam đẹp trai dễ thương cute handsome thuyết phục và cho mượn nên Biển mới đọc, và đọc xong thì rất ưa thích cuốn sách này.
Bối cảnh câu truyện diễn ra ở nhiều nước thuộc 4 châu lục khác nhau. Tại một địa phương của Pháp, một công ty xây dựng trong lúc thi công đã đào được 5 tử thi với tử trạng rất đáng sợ. Thanh tra Franck Sharko của Cục Cảnh sát Phòng chống và Trấn áp Bạo lực tiếp nhận vụ án. Điều tra sơ bộ cho thấy vụ án do những tên sát nhân chuyên nghiệp và tàn nhẫn gây nên. Ở một địa phương khác cách đó 100 euro tiền vé tàu điện ngầm, cô cảnh sát Lucie Hennebelle nhận được cú điện thoại cầu cứu từ bạn trai cũ. Anh ta bị mù sau khi xem một cuốn phim cũ vừa mua lại được từ một nhà sưu tầm phim đã qua đời. Qúa trình điều tra đã đưa đẩy Lucie và Sharko gặp nhau, hợp tác với nhau để đối phó với những tội ác ghê tởm diễn ra cách đó tận 50 năm và vẫn còn tiếp tục đến thời điểm hiện tại. Những manh mối vươn ra khỏi ranh giới nước Pháp, đến tận một quốc gia thuộc Châu Phi với sa mạc trải rộng và những cơn bão cát chết người. Vật chứng bị đánh cắp, nhân chứng bị diệt khẩu, với tất cả những chai sạn và tổn thương do nghề nghiệp, Lucie và Sharko từ từ nhận ra họ đang đối đầu với một thế lực tàn ác phủ sóng rất rộng.
Sau khi đọc vài chương và cảm thấy khó nhớ tên nhân vật, Biển lật bìa gấp trước ra xem thì mới biết mình đang đọc trinh thám Pháp! Những chi tiết tàn ác và dữ dội của nó khiến Biển liên tưởng đến cuốn “Alex” và cuốn “Hy sinh” của tác giả Pierre Lemaitre, đến cuốn “Công lý thảo nguyên” của Ian Manook. Biển chưa đọc đủ nhiều trinh thám Pháp để có thể rút ra hình mẫu chung, nhưng nếu chỉ nhận xét thoáng qua thì Biển thấy trinh thám Pháp (những cuốn Biển thích) được viết với bút lực mạnh mẽ, chăm chút từng chi tiết, diễn biến dồn dập, các tình huống rất sáng tạo và mới mẻ, khó đoán hơn các quyển trinh thám hành động của Mỹ. Có chút giống với bộ truyện về Lincoln Rhyme của tác giả Jeffery Deaver, “Hội chứng E” kết hợp hoàn hảo yếu tố trinh thám và kiến thức khoa học, cụ thể là khoa học thần kinh. Từ những tử thi tìm thấy tại công trường, từ một cuốn phim trắng đen cũ kỹ chứa đầy những điều tăm tối đến mức khiến người xem bị mù, cảnh sát Lucie và thanh tra Sharko đã tiếp cận những sự thật lịch sử tàn bạo phi nhân tính, đã hiểu rõ rằng vì đồng tiền mà con người có thể đẩy đồng loại mình vào địa ngục như thế nào. Biển không hiểu biết đủ kiến thức chuyên môn thuộc ngành khoa học thần kinh để tự kiểm chứng những điều viết trong cuốn “Hội chứng E” là có thật hay hư cấu, nhưng có thể hình dung chút ít về những thí nghiệm kinh hoàng mà động vật (và cả con người) đã từng chịu đựng để khoa học đạt được những thành tựu rực rỡ như ngày nay.
“Mọi hình ảnh đi vào trường quan sát của chúng ta đều vô cùng phức tạp. Trước hết, nó được võng mạc xử lý, rồi biến thành một luồng thần kinh được dây thần kinh thị giác đưa về phía sau não bộ, đến vị trí của vỏ não thị giác. Tại đó, nhiều vùng não chuyên biệt sẽ phân tích các đặc tính khác nhau của hình ảnh. Màu sắc, hình dạng, chuyển động, và cả tính chất của nó nữa: bạo lực, hài hước, trung tính, buồn rầu”.
Thanh tra Franck Sharko thuộc hình tượng nam chính có quá khứ đau thương, bị tâm thần phân liệt hoang tưởng nhẹ, nhưng độc giả cứ yên tâm, chứng bệnh này không khiến anh gây ra những hành động nguy hại cho bản thân hay ảnh hưởng đến cuộc điều tra đâu. Anh che giấu tâm hồn nhân ái và những tổn thương nặng nề của mình dưới lớp vỏ bất cần ngạo mạn. Sharko có chút giống Jack Reacher ở chỗ thuộc thể loại nam chính thể trạng mạnh mẽ tâm lý sâu sắc và thường được tác giả ưu ái cứu thoát khỏi những tình huống thập tử nhất sinh. ____ Nữ chính Lucie Henebelle khiến Biển nghĩ đến Kathryn Dance (những ai không thích cô Dance thì vẫn đọc “Hội chứng E” nhé vì nó hay lắm). Lucie không phải chuyên gia ngôn ngữ hình thể cử chỉ như Kathryn, cũng không bị dằn vặt bởi những ký ức quá khứ như Tracy Crosswhite nhưng cô vẫn sở hữu nội tâm phong phú và khả năng thấu cảm nhạy bén trong công việc và trong cuộc sống . Ở cô có cả sự mạnh mẽ cứng rắn của một cảnh sát chính trực và sự nữ tính mềm mại của một phụ nữ trẻ đã gặp không ít trắc trở trong tình yêu. Kém Franck Sharko 15 tuổi nhưng Lucie vẫn rất tâm linh tương thông với anh ở chỗ bị tác động sâu xa bởi những điều tăm tối đau thương trong các vụ án cô từng điều tra. Thông qua các nhân vật cả chính lẫn phụ, “Hội chứng E” có những câu văn thấm thía khiến người đọc đồng cảm hơn với những cá nhân làm nghề thi hành công vụ và bảo vệ an ninh trật tự XH.
“…tất cả những khiếm khuyết đã phá hủy gia đình anh. Thói cố chấp, những lần vắng mặt, và mong muốn được truy tìm cái Ác, cái Ác thực sự, cho đến khi phải tựa lưng vào tường, kiệt quệ, suy sụp. Không có bất cứ lối thoát nào cho cái nghề này. Không hề có đích đến, cũng chẳng hề có sự thỏa mãn”.
Tìm kỹ thì cả cuốn “Hội chứng E” không có đoạn nào thiên về tả cảnh, mọi câu chữ đều xoay quanh các vụ án, nhưng cuốn sách này không hề khô khan mà vô cùng lôi cuốn và đánh sâu vào cảm xúc người đọc. Những điều tác giả nêu lên trong câu truyện này sẽ đọng lại rất lâu và gây nhiều băn khoăn trong lòng độc giả: việc dùng động vật và con người trong các thí nghiệm khoa học; tác hại của sự phát triển vượt bậc của công nghệ và ngành truyền thông…
“Rồi tiếp đến là sự tối đen vô tận của đại dương, cái khối nước đáng ngờ rung rinh sự sống và chứa đựng trong cái bụng mềm mại của nó số phận của tương lai chúng ta”.
“Tương lai là thế. Cô làm gì khi mệt mỏi, trung úy thân mến? Cuộc sống ngày càng trở nên gò bó, nặng nề. Cô trốn trong nhà mình, đằng sau các màn hình, và cô thư giãn. Cô mở rộng bộ não mình cho các hình ảnh, chẳng khác nào một vòi nước, với một ý thức được xoa dịu, gần như ngủ quên. Đó chính là lúc cô trở thành một mục tiêu hoàn hảo, và người ta sẽ bơm thẳng những gì người ta muốn vào đầu cô”.
Nếu như cách đây vài năm thì Biển sẽ xếp quyển này vào thể loại kinh dị và không dám đọc tiếp ngay sau chương 5. Hiện giờ Biển cũng chẳng can đảm hơn gì nhưng vì truyện quá hấp dẫn nên Biển bất chấp sợ hãi để đọc tiếp đọc tiếp, kết quả là tối phải bật đèn ngủ. Các độc giả nữ mới làm quen với trinh thám và hơi nhát thì cần cân nhắc trước khi đọc cuốn này. Bỏ qua ngoại hình thì “Hội chứng E” là một quyển trinh thám rất hay, đáng đọc, được dịch thuật tốt và biên tập kỹ, nội dung trình bày đẹp. “Khuyết điểm” duy nhất chính là cái kết khiến người đọc hoang mang, và nếu trí tò mò đủ mạnh thì họ nhất định phải tìm đọc những cuốn tiếp theo (nếu có). À mà để khỏi spoil truyện thì Biển không giải thích về “Hội chứng E” đâu, bạn phải đọc hơn nửa quyển sách thì mới biết, nhưng nó không phải hội chứng sợ lỗ (trypophobia) nhé.
(Sea, 7-9-2020)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *