Reinhard Heydrich – “đao phủ” của chế độ Đức Quốc Xã
Reinhard Heydrich là sĩ quan cấp cao của Đức Quốc Xã, nắm quyền chỉ huy lực lượng an ninh (bao gồm SD, Gestapo…) và được xem là nhân vật quyền lực thứ 4 trong chế độ Quốc Xã, chỉ sau mỗi Hitler, Göring và Himmler. Là kiến trúc sư trưởng của “Giải pháp Cuối cùng” – kế hoạch diệt chủng người Do Thái tại Châu Âu trong Thế Chiến II, ông ta được đại đa số nhà sử học đánh giá là thành viên độc ác và máu lạnh nhất trong giới tinh hoa của Đức Quốc xã. Hitler gọi ông là “người đàn ông với trái tim sắt thép” còn nhà văn đoạt giải Nobel Thomas Mann thì gọi Heydrich bằng cái tên “Đao phủ của Đế chế thứ Ba” (Henker des Dritten Reiches). Một điều mà mọi người ít biết về Heydrich là cho đến khi chết, ông ta là chủ tịch của Ủy ban cảnh sát hình sự quốc tế – tức Interpol ngày nay.
Tiểu sử
Heydrich sinh vào năm 1904 tại thành phố Halle, lúc bấy giờ thuộc địa phận Vương quốc Phổ trong lãnh thổ Đế chế Đức. Cậu sinh ra trong một gia đình có truyền thống về âm nhạc, mẹ là một giáo viên dạy đàn Piano, còn cha là một nhà soạn nhạc. Cũng vì thế mà cậu đã có cơ hội tiếp xúc với âm nhạc ngay từ khi còn bé. Khi lên sáu, cậu ta có thể đọc nhạc và chơi violin cũng như piano, và âm nhạc là một thứ không thể thiếu trong đời sống của cậu. Khi đó, không thấy điều gì bất thường về cậu bé Heydrich, không có dấu hiệu nào cho thấy cậu ta là một “quái vật” hay điên rồ. Lớn lên trong một gia đình có gia quy cực kỳ nghiêm khắc, nên từ khi còn bé, Heydrich đã được dạy cho các môn đấu kiếm. Cậu còn là một học sinh rất xuất sắc, đặc biệt là ở các môn tự nhiên. Tuy nhiên, Heydrich khá nhút nhát và thường bị bạn bè bắt nạt vì giọng nói thanh cao như thiếu nữ của mình và vì tin đồn rằng cậu là một người gốc Do Thái.
Năm 1921, tức 3 năm sau khi Thế chiến I kết thúc, Heydrich gia nhập Hải quân Đức, đến năm 1928 thì giữ quân hàm trung uý. Tuy nhiên, vào năm 1931, Heydrich đã bị trục xuất khỏi quân ngũ vì đính hôn với một người con gái tên là Lina dù đã có hôn ước với người khác từ trước. Việc cắt đứt hôn ước vào thời bấy giờ là không thể chấp nhận được và bị coi là một tội.
Sau khi bị đuổi khỏi quân ngũ vài ngày, Heydrich đã nộp đơn xin gia nhập đảng Quốc Xã, một phần có lẽ dưới sự tác động của Lina vì bản thân bà cũng đã là đảng viên. Hơn 1 tháng sau, ông gia nhập lực lượng SS. Khi đó, Heinrich Himmler đã thành lập nên lực lượng phản gián trực thuộc SS. Thông qua một người bạn của Lina, Heydrich đã có cơ hội được phỏng vấn bởi đích thân Himmler. Ấn tượng trước những ý tưởng mà Heydrich đã đề xuất, Himmler lập tức nhận vào làm việc.
Tháng 8 năm 1931, Heydrich được bổ nhiệm làm giám đốc Ban tình báo của SS. Ngay lập tức, Heydrich bắt đầu tạo ra một mạng lưới gián điệp quy mô lớn. Đến cuối năm, tức chỉ sau 6 tháng gia nhập SS, Heydrich đã được Himmler thăng lên làm SS-Sturmbannführer (thiếu tá), coi như là một món quà cưới. Sang năm 1932, Heydrich được bổ nhiệm làm giám đốc cơ quan an ninh Sicherheitsdienst (SD), một tổ chức tình báo bị buộc tội vì truy lùng và vô hiệu hóa mọi sự chống đối chống lại Đảng Quốc xã thông qua các vụ bắt giữ, trục xuất và giết người.
“Đao phủ” số 1 của chế độ Quốc xã
Vào tháng 4 năm 1934, Himmler bổ nhiệm Heydrich làm chỉ huy của lực lượng cảnh sát bí mật Gestapo (Geheime Staatspolizei). Dưới bàn tay nhào nặn của Heydrich, Gestapo đã nhanh chóng trở thành một công cụ khủng bố hiệu quả. Gestapo có thẩm quyền bắt giữ công dân mà họ nghi ngờ, còn định nghĩa về tội danh như thế nào là do họ tự quyết. Luật Gestapo thông qua vào năm 1936 đã trao cho cảnh sát quyền hành động ngoài pháp lý. Điều này dẫn đến việc thi hành một cách vô tội vạ quyền “giam giữ phòng ngừa” (Schutzhaft), một uyển ngữ cho quyền giam cầm người dân mà không cần tố tụng pháp lý. Đối với các đối tượng này, Tòa án Đức không được phép điều tra hoặc can thiệp. Gestapo được coi là hành động hợp pháp miễn là những gì họ làm “hợp tình hợp lý” theo đúng lý tưởng của Đảng Quốc Xã. Những người sau khi bị bắt bớ một cách tùy tiện sẽ bị đưa đến các trại tập trung hoặc bị xử tử không thông qua xét xử.
Sau sự kiện sát nhập Áo, Heydrich trở thành chủ tịch của Ủy ban cảnh sát hình sự quốc tế (sau này gọi là Interpol) và được thăng làm SS-Obergruppenführer (Thượng tướng SS) và Đại tướng lực lượng Cảnh sát.
Khi Hitler yêu cầu một cái cớ cho cuộc xâm lược Ba Lan vào năm 1939, Himmler, Heydrich đã chủ mưu một kế hoạch cờ giả có tên mã là Chiến dịch Himmler. Vào ngày 31 tháng 8 năm 1939, phía Đức dàn cảnh quân Ba Lan tấn công vào trạm phát thanh Đức ở Gleiwitz. Heydrich chính là người đã vạch ra kế hoạch và chính ông đã đi thị sát địa điểm vốn chỉ nằm cách biên giới Ba Lan khoảng 6,4 km. 150 lính Đức đã được lệnh mặc quân phục lính Ba Lan rồi thực hiện nhiều cuộc tấn công dọc biên giới. Hitler đã sử dụng mưu kế này như một cái cớ để khởi động cuộc xâm lược Ba Lan của mình.
Theo chỉ thị từ Himmler, Heydrich đã thành lập lực lượng Einsatzgruppen (“lực lượng đặc nhiệm”) để đi theo sau quân đội Đức khi Thế chiến II nổ ra. Vào ngày 21 tháng 9 năm 1939, Heydrich đã gửi một bức điện tín có nội dung về “vấn đề người Do Thái tại những lãnh thổ bị chiếm đóng” cho các chỉ huy của tất cả các đội Einsatzgruppen và hướng dẫn phương cách vây bắt người Do Thái và đẩy họ vào các ghetto. Ông cũng đã kêu gọi thành lập hội đồng Do Thái có nhiệm vụ điều tra dân số và thúc đẩy kế hoạch Aryan (chủng tộc thượng đẳng) hóa các doanh nghiệp và trang trại do người Do Thái làm chủ. Các đơn vị Einsatzgruppen đã theo chân quân đội Đức tiến vào Ba Lan để thực hiện các kế hoạch đã đề ra. Sau đó, tại Liên Xô, họ bị buộc tội vây bắt và tàn sát người Do Thái bằng các phương thức vô nhân đạo như xử bắn hay sử dụng khí độc làm ngạt. Uớc tính rằng từ năm 1941 đến năm 1945, lực lượng Einsatzgruppen và các đội quân phụ trợ liên quan đã giết chết hơn hai triệu người, trong đó có 1,3 triệu người Do Thái.
Cái kết
Vào năm 1941, sau khi được bổ nhiệm làm phó Toàn quyền Böhmen và Mähren (nay là Séc), Heydrich đã thực hiện các biện pháp nhằm loại bỏ sự phản kháng của người Séc bằng cách đàn áp văn hóa Séc, truy lùng và xử tử các thành viên của quân kháng chiến Séc. Chính điều này đã khiến ông ta trở thành kẻ thù số 1 của người Séc và một trong những mục tiên hàng đầu của phe đồng minh (đặc biệt là chính phủ Tiệp Khắc lưu vong).
Heydrich bị phục kích bởi hai lính đặc nhiệm Séc được đào tạo ở Anh là Gabcik và Kubis khi trên đường tới gặp Hitler. Khi chiếc xe mui trần chở Heydrich đến một khúc cua hẹp, Gabcik được trang bị một khẩu súng máy Sten đã nhảy ra trước xe và bóp cò. Tuy nhiên, khẩu súng bị kẹt đạn. Heydrich thay vì ra lệnh tăng tốc bỏ chạy đã cho lái xe dừng lại và rút súng lục để bắn thích khách. Ngay khi đó, Kubis ném một quả lựu đạn vào chiếc xe, và chạy trốn. Mặc dù bị thương và bị sốc, Heydrich vẫn đuổi theo những kẻ tấn công mình vài mét trước khi quay trở lại xe và gục ngã. Ban đầu có vẻ như nỗ lực giết Heydrich thất bại, nhưng Heydrich chết trong Bệnh viện Bulovka ở Praha 8 ngày sau đó do bị nhiễm trùng máu.
Hitler đã nổi cơn thịnh nộ khi được tin Heydrich qua đời. Hitler đã tổ chức quốc tang long trọng và đích thân đọc điếu văn trong tang lễ. Để báo thù, Hitler hạ lệnh san bằng hai ngôi làng Lidice và Ležáky và hạ lệnh bắn chết toàn bộ đàn ông con trai trên 16 tuổi, chỉ chừa phụ nữ và trẻ nhỏ trong làng tống vào các khu trại tập trung.
—-
Tóm lược từ Wikipedia